Di tích Nhà tù Sơn La níu chân du khách

15:04 01/05/2009
Không hề có những liên kết ruột rà riêng tư nào với quá khứ của nơi được mệnh danh "địa ngục trần gian" miền sơn cước, nhưng nhiều du khách vẫn chọn Nhà tù Sơn La làm điểm đến khi có dịp lên với núi rừng Tây Bắc.

Viếng thăm nơi này, thế hệ hậu sinh được một lần lắng lòng trong hàng loạt dấu ấn chứa đầy ký ức của tinh thần bất khuất, kiên trung mà những người Cộng sản cách nay hơn nửa thế kỷ đã từng sống và chiến đấu…

Hầu như đoàn khách nào tới TP Sơn La cũng dành riêng một khoảng lặng thời gian để đến với Nhà tù, nay đã thành di tích nổi danh khắp nước.

Các cựu sinh viên D1 Học viện An ninh nhân dân cũng tới nơi này trong chuyến hành hương về nguồn của mình. Chị em cán bộ, nhân viên Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc - TKV đã dừng chân tại đây để rưng rưng cùng những hồi ức xa vắng ngay trong ngày lễ của phụ nữ.

Nằm trên quả đồi Khau Cả, thuộc địa phận tổ 9, phường Tô Hiệu, mấy chục năm qua, mỗi ngày, có cả nghìn người từ khắp các địa phương tới viếng thăm Nhà tù để ôn lại một giai đoạn lịch sử bi thương, nhưng quật khởi của đất nước.

Đoàn cựu sinh viên D1 Học viện An ninh nhân dân thăm nhà tù Sơn La và cây đào Tô  Hiệu.

Từ những bài học trong sách giáo khoa, từ câu chuyện đã thành giai thoại luôn được nhắc nhớ về Cây đào Tô Hiệu, đông đảo các bạn trẻ hôm nay đã ôm ấp dự định một lần đến Nhà tù Sơn La, một lần thắp hương tại những buồng giam đang đổ nát, để tưởng nhớ các chiến sỹ Cách mạng đã quên thân mình vì Tổ quốc.

Được thực dân Pháp xây dựng từ năm 1908 với mục đích ban đầu giữ tù thường phạm, sau đó, nhà tù Sơn La đã thành địa chỉ giam cầm tù chính trị khốc liệt… Hơn 1.000 nhà hoạt động Cách mạng giai đoạn 1930-1945 đã phải nếm trải cuộc sống tận cùng bể khổ tại đây, trong đó có các đồng chí: Lê Duẩn, Trường Chinh, Tô Hiệu, Xuân Thủy, Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng…

Không tự mình trải nghiệm, chắc chắn du khách khó hình dung nơi giam giữ tù Cộng sản nức tiếng lại quá bé nhỏ, chật chội như thế. Trên diện tích chỉ hơn 2.000m2, lúc cao điểm, thực dân Pháp đã đày ải tới 500 tù nhân. Qua thăng trầm dâu bể của thời gian, di tích xưa, giờ đã xiêu vẹo, hầu như chỉ còn là phế tích. Nhưng cây đào Tô Hiệu, biểu tượng gắn với tên tuổi người Bí thư chi bộ kiên trung của nhà tù vẫn trổ hoa rực rỡ khi mùa xuân về...

Không chỉ người dân trong nước, hàng ngàn lượt khách quốc tế cũng đã viếng thăm di tích nhà tù Sơn La khi đặt chân tới Việt Nam. Chị Cao Thị Phương Dung - Trưởng phòng Nghiệp vụ di tích kể rằng: Mấy thập niên qua, khách du lịch người Pháp tới đây nhiều hơn cả. Hơn 20 năm làm hướng dẫn viên tại di tích lịch sử ngay trên quê hương mình, chị Cao Thị Phương Dung đã chứng kiến rất nhiều giây phút xúc động của khách thập phương.

Đến nhà tù Sơn La thời điểm này, du khách được chứng kiến những công trình tôn tạo, chỉnh lý… đang còn ngổn ngang bề bộn sau khi di tích bị hủy hoại nhiều do bom đạn chiến tranh và mưa nắng thời gian.

Chị Cao Thị Phương Dung phấn khởi khoe rằng: Đây là cuộc bảo tồn, tu bổ và tôn tạo lần thứ ba và là lần có quy mô lớn nhất từ trước tới nay… Ý tưởng của những người trông giữ di tích Nhà tù Sơn La, đơn giản, chính là biến địa chỉ này thành giáo cụ trực quan sinh động cho những bài giảng lịch sử về truyền thống đấu tranh giành độc lập của cha ông ta.

Đây cũng là cách thức hữu ích nhất để di tích lịch sử cách mạng thực sự sống trong lòng dân, thân thiện, gần gũi và có ý nghĩa bổ ích với giới trẻ ngày hôm nay...

H. Sen - A. Hiếu

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文