Điện ảnh CAND: Hành trình sáng tạo và nỗ lực không ngừng
Điện ảnh CAND đã ghi tên mình vào nền điện ảnh dân tộc với gần 300 bộ phim tài liệu, hơn 20 bộ phim truyện cùng hàng loạt giải thưởng xứng đáng.
Chính thức ra đời năm 1970, nhưng thực tế, Điện ảnh CAND đã hình thành từ năm 1967, khi chiến tranh đang diễn ra khốc liệt trên cả 2 miền Nam Bắc. Với ý chí và lòng quả cảm, các cán bộ, chiến sỹ của Điện ảnh CAND đã dũng cảm vượt lên mọi khó khăn về phương tiện kỹ thuật thiếu thốn và lạc hậu, kịp thời có mặt ở những chiến trường nóng bỏng nhất, từ Hà Nội, Hải Phòng, ngã ba Đồng Lộc, tuyến lửa Vĩnh Linh... phản ánh trung thực và sinh động cuộc chiến đầy hy sinh gian khổ của lực lượng Công an. Để rồi, bộ phim tư liệu đầu tay của Điện ảnh CAND mang tên "Lên đường" được ra đời, như một khúc tráng ca của các nghệ sĩ - chiến sĩ Công an giữa những ngày khói lửa. Những thước phim đươc đổi bằng mồ hôi và cả máu ấy, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Ngay sau đó, được sự quan tâm sâu sắc của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn, bộ phim truyện đầu tiên của Điện ảnh CAND "Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn" (biên kịch Doãn Quế - Lê Tri Kỷ) cũng được ra mắt. Phản ánh chân thực cuộc chiến thầm lặng của lực lượng An ninh, bộ phim đã được cán bộ, chiến sỹ Công an và khán giả đón nhận nồng nhiệt.
Từ đó, với một đội ngũ nghệ sĩ tâm huyết và giỏi nghề như nhà văn Lê Tri Kỷ, Châu Huế, Doãn Quế… cùng nhiều nghệ sĩ tên tuổi cộng tác: NSND Trần Phương, NSND Trà Giang, NSND Lâm Tới, NSND Thế Anh, NSND Đào Trọng Khánh, đạo diễn Long Vân, Nguyễn Khắc Lợi…, Điện ảnh CAND đã không ngừng phát triển.
Cảnh trong phim truyện nhựa "Người con gái Đất Đỏ" (biên kịch: Hữu Uớc, đạo diễn: Lê Dân) do Điện ảnh CAND sản xuất năm 1995. |
Với hình tượng xuyên suốt là người chiến sĩ Công an tận tụy, dũng cảm trong chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì sự bình yên của nhân dân, nhiều bộ phim đã làm nên thương hiệu của Điện ảnh CAND vẫn mãi còn được nhắc: "Vụ án hồ Con Rùa", "Người con gái Đất Đỏ", "Người không mang họ", "Không nơi ẩn nấp"…
Song hành cùng lịch sử dân tộc, Điện ảnh CAND đã ghi lại bao chiến công oai hùng của CAND trong cuộc đấu trí căng thẳng với cuộc chiến tung gián điệp, biệt kích phá hoại miền Bắc của Mỹ-ngụy. Những chiến công đầy sức thuyết phục từ các chuyên án chống gián điệp đã đươc tái hiện qua hàng loạt bộ phim tư liệu "Chuyện từ bản Phiêng Ban", "Chuyên án mang bí số PY", "Mật danh ARES", "Cuộc chiến biệt hải" v.v… đã có tác dụng tuyên truyền lớn để nhân dân nâng cao cảnh giác, cùng lực lượng Công an bảo vệ ANTQ.
Mùa xuân 1975, các nghệ sĩ - chiến sĩ Điện ảnh CAND lại có mặt trong đoàn quân tiến về giải phóng Sài Gòn, ghi lại bước chân thần tốc của cách mạng, sự thất bại thảm hại của chính quyền Sài Gòn, cũng như hoạt động bảo vệ an ninh của lực lượng Công an trong những ngày đầu tiếp quản. Đó cũng là cơ sở cho hàng loạt bộ phim tài liệu "Bản cáo trạng số 1", "Những trang hồ sơ về một loại người", "Vụ án Thanh Nga" và bộ phim truyện "Kế hoạch P.76" ra đời.
Khi chiến tranh lùi vào quá khứ, cán bộ, chiến sỹ của Điện ảnh CAND tiếp tục có mặt trên mọi nẻo đường đất nước, từ điểm chốt nơi hải đảo đến vùng núi, vùng cao biên thùy, không chỉ góp phần động viên cán bộ, chiến sỹ Công an đang làm nhiệm vụ ở những nơi xa xôi nhất, mà còn giúp nhân dân hiểu thêm về sự hy sinh, mất mát của lực lượng Công an giữa thời bình. Mỗi tác phẩm điện ảnh chân thực được dựng nên từ ân tình đồng đội, sự sẻ chia và thấu hiểu, chính là lời tri ân của dân tộc với những người con ưu tú của đất nước, đồng thời, giúp mọi người hiểu thêm cái giá của hòa bình, từ đó, xác định rõ trách nhiệm của mình.
Hàng chục vạn thước phim tư liệu được Điện ảnh CAND sản xuất và lưu giữ thực sự là cuốn biên niên sử bằng hình ảnh về quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của lực lượng Công an, là tài sản vô giá không chỉ của riêng ngành Công an: "Vụ án Ôn Như Hầu", "Điệp viên nhảy dù", "Những chiến sĩ cận vệ Bác Hồ" v.v… Ở đó, ta có thể gặp lại những sự kiện trọng đại của đất nước, những hình ảnh về các đồng chí lãnh đạo, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Công an với bao chiến công lừng lẫy được ghi trong lịch sử. Ở đó, ta có thể nhìn thấy một chặng đường đầy tự hào của lực lượng Công an với ý nghĩa giáo dục không nhỏ.
Cảnh trong phim truyện nhựa "Người không mang họ" kịch bản Phạm Thanh Phong, đạo diễn: Phan Vũ - Nguyễn Chiến) do Điện ảnh CAND sản xuất năm 1989. |
Trong thời kỳ đổi mới, Điện ảnh CAND còn mở rộng hợp tác quốc tế với một số nước trong khu vực, xây dựng nhiều bộ phim phục vụ công tác nghiệp vụ và tuyên truyền đối ngoại. Tháng 2-2010, Điện ảnh CAND đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động của Chủ tịch nước CHDCND Lào cho tập thể và đạo diễn phim "Lịch sử truyền thống lực lượng An ninh Lào" và Bằng khen của Thủ tướng Lào cho các thành phần đoàn làm phim.
40 năm qua, Điện ảnh CAND đã không ngừng vươn lên, bắt kịp yêu cầu thời đại, đóng góp không nhỏ cho công tác tuyên truyền giáo dục chính trị và chiến đấu của lực lượng Công an, là thành viên quan trọng của Điện ảnh Việt Nam, bằng sự sáng tạo, cống hiến hết mình của mỗi cán bộ, chiến sỹ. Trên con đường đó, Điện ảnh CAND đã có nhiều tác phẩm được giải thưởng: phim tài liệu "Ảo tưởng một chân trời" được Giải đặc biệt tại LHP Việt Nam lần thứ X, phim truyện "Điệp vụ thứ nhất" được nhận Cánh diều bạc cùng nhiều giải thưởng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Liên hoan phim Việt Nam… 5 nghệ sĩ đã được phong danh hiệu NSƯT: Thanh Loan, Hồng Linh, Quang Phú, Việt Tùng, Nghi Xuyên. Ghi nhận đóng góp của các thế hệ nghệ sĩ - chiến sĩ Điện ảnh CAND trong 40 năm qua, Đảng và Nhà nước đã trao tặng đơn vị Huân chương Chiến công hạng ba, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Cuộc hội tụ hôm nay của các thế hệ Điện ảnh CAND như một lời hứa về sự nỗ lực để tiếp nối truyền thống đáng tự hào mà những người đi trước đã tạo dựng, để tiếp tục có những tác phẩm điện ảnh mang dấu ấn, khắc họa đậm nét hình ảnh người chiến sĩ CAND "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ", xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, của đồng đội và nhân dân