Đoàn kịch nói CAND ra mắt vở diễn “Hồn ma báo oán”
Chỉ sau lớp diễn khai màn, vở kịch kinh dị “Hồn ma báo oán” của Đoàn Kịch nói CAND đã đón nhận những tràng pháo tay dồn dập, lặp lại không ngớt - điều hiếm có ở một vở kịch trên đất Bắc lâu nay. Rạp Hồng Hà (Hà Nội) đêm diễn 19/3 đã chật kín ghế từ đầu cho đến phút cuối cùng. Điều đó chứng tỏ, ngay đêm đầu ra mắt, “Hồn ma báo oán” đã thực sự chinh phục khán giả Thủ đô vốn được coi là kỹ tính trong thưởng thức nghệ thuật.
Có thể nói, đây là lần đầu tiên, sân khấu phía Bắc có một vở kịch kinh dị và đã được đạo diễn dàn dựng công phu, hấp dẫn từng chi tiết, dẫn dắt câu chuyện hợp lý, đủ gây sự căng thẳng cho người xem mà vẫn rất hấp dẫn. Ngay từ đầu, không khí u tịch, mờ ảo của sân khấu đã gợi cho người xem sự u ám, nặng nề của một câu chuyện bi thương. Cùng với ánh sáng được sử dụng rất đắt trong từng cảnh trí, âm thanh cũng gây được hiệu quả cao, để hút người xem dõi theo câu chuyện ngay từ phút đầu.
Vở kịch được xây dựng theo trình tự thời gian, với cảnh hàn vi của gia đình Hùng - Nhung và gia đình Ba – Nở hơn 20 năm trước. Nghèo đói, khó khăn nhưng họ vẫn luôn bên nhau, thân thiết như ruột thịt. Họ cùng rời bỏ quê hương lên vùng vàng với hy vọng đổi đời. Rồi bất ngờ, Ba đào được 2 viên đá quí. Bất hạnh bắt đầu khi gia đình nhỏ của Ba – Nở bị thảm sát. Vì lòng tham làm cho mờ mắt trước những viên đá quí, Hùng đang tâm giết cả 2 vợ chồng Ba cùng đứa con chưa kịp chào đời.
Nhưng, dù không ai biết vụ án đau lòng ấy để đưa ra trước pháp luật, thì có một bản án còn kinh khủng hơn đã đeo bám cả cuộc đời còn lại của Hùng. Đó là sự giày vò của lương tâm, khiến không đêm nào Hùng được ngủ yên vì tội lỗi, dù sau khi cướp được 2 viên đá quí của người bạn chí cốt, Hùng đã trở nên giàu có.
Không chỉ thế, những bí ẩn của thế giới tâm linh cũng không buông tha cho kẻ đã gây ra tội ác. Minh, đứa con sinh cùng ngày vợ chồng Ba bị giết chết, đã mắc bệnh thần kinh và luôn như có hồn ma của Ba hiện về trong từng câu nói, hành động, khiến Hùng luôn bị ám ảnh nặng nề.
Cảnh trong vở “Hồn ma báo oán” của Đoàn Kịch nói CAND. |
Chưa hết, những cái chết cũng lần lượt tìm đến với gia đình Hùng. Có điều, không phải là Hùng, mà lần lượt, vợ và 2 đứa con Hùng phải chết tức tưởi như một sự quả báo, khiến Hùng luôn phải sống trong tâm trạng hoảng loạn.
Thông điệp “không có sự trừng phạt nào cay nghiệt và thích đáng bằng phán xét của tòa án lương tâm” xuyên suốt vở diễn, tạo ám ảnh cho từng khán giả, đủ để ai cũng rút ra một điều: đừng bao giờ nhúng tay vào tội ác!
Dàn diễn viên đều tay của Đoàn Kịch CAND thật sự làm nên chuyện khi đã tạo được sức hấp dẫn vô cùng thú vị qua cách thể hiện. Xuất hiện không nhiều, nhưng NSƯT Thúy Hiền vẫn để lại dấu ấn qua vai Nở, vợ Ba. Còn “cặp bài trùng” Hồ Phong – Hồng Tuấn thêm một lần tung hứng ăn ý. Với vai Hùng, Hồ Phong có nhiều đất diễn để thể hiện tâm lý đa chiều của nhân vật và anh đã hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình.
Vốn hay được các đạo diễn “đóng đinh” vào các vai phản diện, lần này, Hồng Tuấn lại một lúc vào 2 vai: anh Ba và Minh, cậu con trai khùng điên mang bóng dáng linh hồn Ba trú ngụ. Ở cả 2 vai, Hồng Tuấn đều thể hiện “ra màu vai”, để người xem cười, khóc theo anh và cũng không khỏi ngẫm nghĩ về luật nhân quả qua những màn thoại lúc bi, lúc hài của anh.
Với 2 vai diễn hoàn toàn khác nhau trong cùng một vở, Hồng Tuấn ngày càng chứng tỏ khả năng diễn xuất đa dạng của mình. Hồng Lê, Thúy Nga, Việt Tùng cũng đã góp phần cho thành công của vở kịch.
Sau khi “Hồn ma báo oán” tung hoành ở các sân khấu phía Nam, NSND Trần Ngọc Giàu đã “Bắc tiến” để cùng với Đoàn Kịch nói CAND đưa vở diễn đến với khán giả phía Bắc. Đạo diễn duy trì được cách dẫn dắt chuyện hợp lý, sự phối hợp ăn ý giữa ánh sáng và âm thanh, sự tung hứng giữa những câu thoại; những chi tiết đắt giá như bóng người mặc áo trắng thoắt ẩn, thoắt hiện trong bóng tối; cảnh bát hương bốc cháy; rồi tiếng nói của vợ chồng anh Ba từ cõi khác… trải dọc câu chuyện, đủ làm khán giả luôn “lạnh cứng chân tay” vì căng thẳng, mà vẫn không thể rời mắt khỏi sân khấu suốt 2 giờ đồng hồ.
Ngay trong buổi ra mắt, “Hồn ma báo oán” của Đoàn Kịch nói CAND đã chạm ngõ sự thành công. Điều này không quá ngạc nhiên khi tác giả Vương Huyền Cơ và đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu đều là những tên tuổi đã được khẳng định trong sự nghiệp sân khấu; vở diễn lại đã từng được thử sức với khán giả TP HCM và Huế bằng nhiều suất diễn và nhất là được dàn diễn viên đang độ chín về nghề của Đoàn Kịch nói CAND thể hiện có chiều sâu, đã tạo được sự cuốn hút liên tục.
Sức ám ảnh của câu chuyện đủ truyền đến từng khán giả bài học giáo lý nhẹ nhàng mà sâu sắc: nếu đã làm điều ác, không bao giờ thoát khỏi phải trả giá. Cùng với sự dằn vặt, hối hận, thì cái giá phải trả mà đời sống tâm linh mang đến còn dai dẳng, dữ dội và khốc liệt hơn cả bản án của pháp luật.
Sau thành công của “Đường đua trong bóng tối”, “Hồn ma báo oán” chắc chắn sẽ là một vở diễn ăn khách và tiếp tục đánh dấu một bước đi mới của các nghệ sĩ Đoàn Kịch nói CAND, sự chuyển biến trong tư duy, nhằm bắt nhịp với đời sống giải trí thời hiện tại, để tìm ra con đường tiệm cận gần hơn với người xem, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật sân khấu của khán giả thời các loại hình giải trí đang phát triển ở mức độ cao