Đôi điều nói thêm về một nhà văn vừa tạ thế

17:18 12/09/2010
Ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đang tới rất gần. Chính vì lẽ đó mà việc một tác giả có nhiều trang viết gắn bó với cảnh sắc và con người Hà Nội như nhà văn Băng Sơn qui tiên đã khiến tôi cũng như không ít bạn đọc tiếc nuối, bâng khuâng.

Vâng, ở tuổi 78, việc một con người ra đi cũng không phải là chuyện quá bất thường. Chỉ tiếc là, giá như nhà văn được nán lại ít ngày để cùng chúng ta chứng kiến giây phút trọng đại "ngàn năm có một" - sự kiện Hà Nội chẵn 1.000 năm tuổi.

Nhưng, tiếc nuối thì tiếc nuối vậy, sau khi đọc một số bài viết đưa tin, chia buồn nhân sự kiện nhà văn Băng Sơn từ trần, tôi lại không khỏi có cảm giác băn khoăn, nhất là khi đọc trên một tờ báo thấy cái tiêu đề: "Tác giả Hà Nội 36 phố phường" đã ra đi...".

Trong tâm trí tôi (và hẳn cũng là của nhiều bạn đọc yêu văn chương khác), gần như đã được mặc định, rằng khi nhắc tới cái tên "Hà Nội băm sáu phố phường" là nhớ ngay tới cuốn bút ký của nhà văn Thạch Lam (cũng quê Cẩm Giàng, Hải Dương với nhà văn Băng Sơn). Cõ lẽ nào, vì yêu Hà Nội, vì mê văn Thạch Lam mà nhà văn Băng Sơn đã lại đặt cho cuốn sách của mình cái tên từ lâu đã quá nổi tiếng như vậy? Rất may là một bài báo được tải trên một trang web đã nhanh chóng gỡ mối thắc mắc cho tôi.

Trong bài báo có tên gọi "Đừng để Băng Sơn mang tiếng đạo văn Thạch Lam", nhà nghiên cứu Trần Đình Thu cho biết, sau khi thấy một số báo giới thiệu tên một tác phẩm của nhà văn Băng Sơn là "Hà Nội 36 phố phường" (gần với tên "Hà Nội băm sáu phố phường" của Thạch Lam), ông đã băn khoăn tra cứu lại thì nhận thấy, thực ra, tên cuốn sách của Băng Sơn là "36 phố phường Hà Nội". Một sự nhầm lẫn "chết người" đã khiến ông rơi vào tình cảnh "cầm nhầm" tên tác phẩm của tiền nhân.

Ngoài sự cố nhầm lẫn nói trên, đọc một số bài viết về nhà văn Băng Sơn thời gian qua, tôi còn thấy có những tác giả đã đánh giá rất cao các trang viết về ẩm thực của nhà văn Băng Sơn. Họ xem ông như người rất "sành sỏi" trong ăn uống... Đọc ý kiến này, bất chợt tôi lại nhớ tới một bài viết được tôi thực hiện từ một cuộc phỏng vấn trực tiếp nhà văn Băng Sơn (bài viết sau đó đã được đăng báo và bản thân nhà văn Băng Sơn cũng không có ý gì khác). Xin kể lại một chút để bạn đọc tham khảo, ngõ hầu hiểu thêm về vấn đề này, từ đó có cái nhìn chân xác hơn, cũng như hiểu thêm một đặc điểm trong phong cách viết tùy bút của Băng Sơn so với một số nhà văn đàn anh.

Những ai từng đọc nhiều các tác phẩm Băng Sơn hẳn đều biết rằng, ông là tác giả nhiều bài tùy bút viết về thú ẩm thực của người Hà Nội (sau này được gom vào cuốn "Thú ăn chơi người Hà Nội", 2 tập, NXB Văn hóa - Thông tin xuất bản các năm 1993, 1996). Trong đợt Hội chợ Du lịch thương mại quốc tế tổ chức tại Hà Nội tháng 11/2003, Đài Truyền hình Việt Nam cũng đã có cuộc phỏng vấn ông bên một quán bún ốc. Có người cho rằng, sau Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Băng Sơn là người đại diện cho nét tinh tế, "sành điệu" của người Hà Nội trong việc ăn uống.

Chính bởi điều đó nên không ít bạn đọc đã lấy làm ngạc nhiên khi trên tờ báo Người Hà Nội số ra ngày 21/11/2003, trong bài "Nhà văn Băng Sơn viết ẩm thực bằng... mắt", tác giả Tâm Tâm lại cho biết: Khác với những điều bạn đọc hình dung, ở ngoài đời, Băng Sơn là người rất chỉn chu: "Ông tuyệt nhiên không bao giờ la cà, ăn uống ở đâu. Dù có đi đâu ông cũng chỉ về ăn và uống những thứ do vợ ông tự tay làm". Điều này đã khiến nhà thơ Nguyễn Hà lúc sinh thời có lần phải thốt lên: "Thằng này có dám ăn uống, chơi bời gì đâu. Viết về ăn uống toàn ngửi và nhìn thôi".

Thật ra, câu nhận xét đầy tính hài hước nhắc tới trên tôi cũng đã được nghe nhà thơ Nguyễn Hà "tái bản" nhiều lần và từ lâu, song chỉ coi đấy là chuyện đùa. Cho nên việc báo Người Hà Nội khẳng định hai năm rõ mười thế kia, tôi ngạc nhiên lắm. Lần đó, nhân gặp nhà văn Băng Sơn tại lễ trao giải và kết nạp hội viên mới của Hội Nhà văn Hà Nội, tôi đã nêu lại vấn đề này cốt để xem ý kiến chính thức của ông ra sao.

Thật đáng ngạc nhiên là nhà văn Băng Sơn tỏ ra ôn hòa với những điều tác giả Tâm Tâm viết.

- Họ viết cơ bản là đúng đấy. Tôi rất ít ăn ở quán - Ông khẳng định.

- Nhưng trong chương trình truyền hình vừa rồi, cô gái bán bún ốc chẳng đã nói ông vẫn thường xuyên đến ăn ở quán của cô?

- Thì lên truyền hình họ nói vậy. Thực ra ngày xưa thỉnh thoảng mình có ăn ở quán bún ốc của bà mẹ cô gái ở phố Phù Đổng Thiên Vương. Nay họa hoằn mới ăn.

- Như vậy, bác gái ở nhà hẳn phải là người rất khéo tay?

- Cũng... vừa vừa thôi. Nói chung tôi ăn ở nhà vì điều kiện kinh tế, cũng vì vệ sinh. Bụng dạ tôi "kém" lắm, không như người ta. Đấy như trong chương trình truyền hình cậu vừa nhắc tới đó, khán giả thấy tôi và anh Quang Minh (biên tập viên) nâng bát, cầm đũa, ngỡ tưởng chúng tôi sắp dùng bữa. Kỳ thực, khi máy quay vừa tắt đèn, chúng tôi đứng dậy ngay, có ai ăn miếng nào đâu.

- Ông ăn "ít" thế mà viết thì nhiều. Đã có bậc thức giả nào có ý kiến lại những bài viết của ông chưa?

- Tôi viết về ẩm thực chủ yếu từ 1980 đến nay. Không thấy ai phản đối. Chắc là đúng! Với lại, tôi viết "tán" là chính. Mà "tán" thì dễ quá chứ còn gì.

Nói vậy, song ông cũng giải thích thêm:

- Với lại, nói thì nói thế chứ năm nay tôi đã trên bảy mươi, mấy chục năm qua, các món ăn kia tôi ăn cả. Vấn đề là ăn ít nhưng phải chịu khó quan sát.

Nghe nhà văn Băng Sơn thổ lộ những điều gan ruột vậy, vẫn có người cho rằng hoặc là ông đùa, hoặc là do ông khiêm tốn. Kỳ thực, đọc kỹ những bài ông viết, tôi thấy những điều ông tự nhận xét về mình không phải là không đúng. Đọc những bài viết về ăn uống của Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, ta thấy hương vị của các món ăn rất rõ, còn trong bài của Băng Sơn, ta chủ yếu thấy hình dáng, màu sắc... của chúng. Ví dụ, khi viết về những cái như thể cái "kẹo mầm" chẳng hạn, ông thường chỉ tả: "kẹo cứ lồng khồng, trông rất nhiều, nhưng cho vào miệng, nó xẹp lại còn bé tí tẹo".

Nói chung là những thứ có thể quan sát người khác ăn mà viết được.

Bởi vậy, nói Băng Sơn là nhà văn viết ẩm thực bằng... mắt, có lẽ đúng chăng?     

Trong bài điếu văn đọc tại tang lễ nhà văn Băng Sơn (được tổ chức tại Hà Nội ngày 5/9 vừa qua), nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã nêu nhận xét: "Băng Sơn là một mẫu nhà văn hầu như trọn đời chỉ viết về một đề tài, một vùng đất, đó là Hà Nội. Gần 20 tác phẩm của ông là bộ sưu tập giàu có và kỹ càng về cuộc sống và con người Thủ đô. Với những trước tác như thế, phải có độ lùi về thời gian mới hiểu hết giá trị của nó".

Nhận định của ông Chủ tịch Hội Nhà văn, theo tôi là kín kẽ. Nhà văn Băng Sơn viết văn, làm thơ từ rất sớm, khi chưa tới tuổi 20. Song ông lại được kết nạp vào Hội Nhà văn khá muộn, khi đã... 68 tuổi (nghĩa là sau nửa thế kỷ sáng tác). Phải có độ lùi thời gian mới có thể đánh giá chính xác, cũng như mới hiểu hết những đóng góp, cũng như những giá trị mà tác phẩm của ông để lại. Và phải có độ lùi như thế, ta mới có thể thấy đâu là phần đóng góp riêng, quý báu của ông vào mảng đề tài về Hà Nội so với các bậc đàn anh như Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Thạch Lam...

P.K.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 3/5 cho biết, một lần nữa cầu Crimea lại nằm trong tầm ngắm của Kiev với sự hỗ trợ từ phương Tây. Bà Zakharova cảnh báo, bất kỳ hành động gây hấn nào nhằm vào Crimea đều sẽ bị đáp trả nặng nề.

Dự án Trường THPT Trần Đại Nghĩa (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) đang được triển khai xây dựng theo kiểu “rùa bò”, chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc giải tỏa đền bù gặp khó khăn. Trong khi trường mới chưa được xây xong, thầy cô giáo cùng 562 học sinh nhà trường phải dạy và học trong ngôi trường cũ xập xệ, mất an toàn.

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản không chỉ các cá nhân riêng lẻ thực hiện, mà nay hoạt động này còn được “nâng cấp” bởi những ổ nhóm tội phạm có tổ chức dưới mác công ty, tập đoàn. Thay vì thành lập công ty, tập đoàn để hoạt động kinh doanh, sản xuất, mang lại giá trị tinh thần, vất chất cho xã hội, không ít đối tượng đã lấy đó làm bình phong để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng đã làm giả bằng cấp để nộp hồ sơ làm cộng tác viên, phóng viên của một số báo, tạp chí. Sau đó, với danh nghĩa phóng viên, cộng tác viên, các đối tượng này đã đến cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh thu thập thông tin liên quan đến hoạt động điều hành, kinh doanh, sản xuất của các cơ sở rồi cưỡng đoạt tài sản.

Tại dự thảo Quy chế quản lý hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, đang được UBND TP Hà Nội lấy ý kiến người dân, TP lên kế hoạch cấm các hoạt động, sự kiện dưới hình thức thuần túy hội chợ thương mại, chương trình khuyến mại, giới thiệu sản phẩm... quanh phố đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận.

Trung Quốc ngày 3/5 đã phóng một tàu vũ trụ không người lái thực hiện sứ mệnh kéo dài gần hai tháng nhằm lấy đá và đất từ phía xa của Mặt Trăng, trở thành quốc gia đầu tiên thực hiện nỗ lực đầy tham vọng này.

Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an đã nhấn mạnh như vậy tại buổi làm việc ngày 3/5 với Công an tỉnh Điện Biên và các đơn vị chức năng của Bộ Công an để đánh giá, rút kinh nghiệm chương trình sơ duyệt khối diễu binh, diễu hành của lực lượng CAND tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Sáng 3/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Rạch Giá (Kiên Giang) cho biết, đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Danh Út Hiểu (SN 1985, ngụ phường Vĩnh Thanh, TP Rạch Giá) và Đặng Hoàng Lâm (SN 1987, ngụ phường Vĩnh Quang, TP Rạch Giá) cùng về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文