Đón đợi văn trẻ từ Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII

11:11 12/09/2011
Tinh thần đón đợi Văn trẻ, theo nhà phê bình Bùi Việt Thắng là, vừa phải đặt ra những yêu cầu cao để họ phấn đấu hết mình, lại vừa kiên nhẫn chờ đợi những cuộc bứt phá ngoạn mục vào những khúc bất ngờ nhất. Như ai đó triết lý rằng, chờ đợi là một nghệ thuật và cũng là một hạnh phúc.

Tôi thích cách đánh giá của một nhà phê bình văn học nhân sự xuất hiện của một cây bút nữ trẻ cách đây hai mươi năm, người đã “cứ thế bước ào vào văn chương”. Nhưng cũng có người nhận định ngược lại, với nghề viết tốt hơn là “chầm chậm tới mình”. Cả hai cách đánh giá về sự xuất hiện của Văn trẻ đều có cái lý, cái tình của nó, cũng bởi trong lĩnh vực sáng tạo đặc thù này, mọi nẻo đường dẫn đến văn chương là hoàn toàn không giống nhau và đều có thể chấp nhận.

Nhưng chấp nhận không phải theo cái tâm thế “đành lòng vậy cầm lòng vậy”, mà là theo tinh thần đón đợi - chào đón và chờ đợi (là bởi không ít người sẵn sàng cổ súy nhiệt tình nhưng lại không có đủ kiên nhẫn để chờ đợi Văn trẻ). Tôi nghĩ đánh giá một cây bút trẻ mới xuất hiện trên văn đàn đã là khó, huống hồ với cả một đội ngũ Văn trẻ gồm nhiều thế hệ từ 7X đến 9X như cách người ta vẫn gọi hiện nay. Thiết nghĩ, đối với Văn trẻ, thái độ của chúng ta cần thiết phải bình tĩnh, nghĩa là không vội lạc quan để rồi thất vọng và cũng không vội bi quan để rồi quay lưng với họ.

Cổ nhân vẫn chỉ bảo chúng ta về những điều kiện thành công của một con người trong lập nghiệp (và rộng ra cả một thế hệ) là cần hội đủ ba yếu tố “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”. Phải nói ngay rằng, Văn trẻ bây giờ đang sở hữu cả ba tiền đề đó, họ có nhiều lợi thế hơn các thế hệ đi trước.

Nếu tính từ sau năm 1945 (chỉ cần nhớ lại thời kỳ những năm 1955-1960), tôi thấy chưa bao giờ nhà văn Việt Nam lại được tự do bộc lộ cá tính như bây giờ. Họ có thể viết tất cả những gì mình quan tâm thích thú, kể cả mặt trái của đời sống xã hội cũng như quá trình tha hóa của con người thời đại. Họ có thể bộc bạch những chuyện riêng tư thầm kín nhất của cá nhân mình mà đáng lẽ những chuyện đó chỉ nói trong phòng kín và chỉ có hai người. Họ có thể viết tùy thích miễn là không phạm luật. Họ viết nếu không được in thành sách (vì một lý do nào đó) thì họ “in” và phổ biến bất tận trên mạng.

Văn trẻ bây giờ hơn các thế hệ trước ở sự tự do thông tin khi Internet đến Việt Nam, thậm chí đôi khi họ bị “bội thực” thông tin. Văn trẻ bây giờ không phải “xếp hàng” để in tác phẩm của mình như các thế hệ cha anh, nếu cần họ sẽ bỏ tiền túi ra hoặc đi tìm nhà tài trợ, cũng bởi trong xã hội hiện nay không thiếu các đại gia là các “Mạnh Thường Quân”!

Nói như thế để thấy trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, để có một sản phẩm tốt nhiều khi không lệ thuộc vào các điều kiện về tài chính, thiết chế xã hội hay quyền tự do của nghệ sĩ. Sẽ hình dung như thế nào về đời sống văn chương đương đại Việt Nam nếu thiếu Văn trẻ, nói như thế để thấy sự quan tâm của xã hội đến lực lượng này là căn cứ theo quy luật phát triển “tre già măng mọc”.

Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ VIII là một sự kiện, một bằng chứng về sự quan tâm của Hội Nhà văn Việt Nam chăm lo bồi dưỡng và phát triển những “hạt giống” cho những mùa bội thu sau. Phải thừa nhận là Văn trẻ có cái sắc thái táo bạo, phá cách trong sáng tác, phải thừa nhận là Văn trẻ có ý thức làm mới văn chương khi đa số quyết liệt tìm cách viết mới, phải thừa nhận là trong thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, nếu có hiện tượng nào trên văn đàn Việt Nam thì nó thuộc về Văn trẻ.

Nhưng cũng phải thừa nhận là chưa có lĩnh vực nào mà sự sàng lọc và đào thải lại khắt khe đến tàn nhẫn như trong nghệ thuật ngôn từ. Văn trẻ, theo tôi, đang ở trong tình trạng mặc dù được đón chào khá nồng nhiệt nhưng lại dễ dàng bị lãng quên nhanh chóng. Đó là một sự thật dẫu có đau lòng cũng phải thẳng thắn nói ra. Gần đây người ta hay trích dẫn câu thơ của Trần Dần “Tôi khóc những chân trời không có người bay/Lại khóc những người bay không có chân trời” để nói về sự trói buộc của hoàn cảnh một thời đối với người sáng tác. Nhưng ngẫm ra những tài năng văn chương đích thực từ cổ chí kim, từ đông sang tây đều là những người sáng tạo ra những chân trời mới.

Đội ngũ Văn trẻ bây giờ, nếu tính về số lượng là đông đúc, hùng hậu nhưng vì sao vẫn bị kêu ca là chưa nhìn thấy gương mặt nào sáng giá, nổi đình đám và làm cho văn đàn Việt Nam khởi sắc tựa như sự xuất hiện của các thi sĩ lãng mạn thời Thơ mới ngày trước? Đội ngũ văn trẻ bây giờ được học hành đến nơi đến chốn, trình độ học vấn cao nhưng vì sao vẫn bị đánh giá là văn hóa của nhà văn đang có vấn đề? Văn trẻ viết miệt mài và sách của họ “phủ sóng” thị trường sách văn học hiện nay mà vẫn cứ gieo niềm nuối tiếc với độc giả là không tìm thấy tác phẩm của họ? Có người biện giải Văn trẻ chưa bứt phá lên được là do sức ép của cơ chế thị trường, nhưng cũng là cơ chế thị trường sao người Mỹ làm phim, viết văn vẫn hay và đắt khách đắt hàng đến thế? Có người bênh vực Văn trẻ đang chịu sự lấn sân và lấn lướt của văn hóa nghe - nhìn, nhưng nếu Văn trẻ thực sự có nội lực mạnh thì tại sao lại không cạnh tranh được với nó, có người cay đắng nhận xét văn chương nói chung và Văn trẻ nói riêng đang mất vị thế trong cuộc sống xã hội hiện đại…

Một trong những nguyên nhân khiến cho Văn trẻ chưa đáp ứng được nguyện vọng của xã hội, theo tôi, có lẽ xuất phát từ quan niệm về văn chương. Đã có người cách đây chưa lâu đưa ra một tuyên ngôn xanh rờn khi xem văn chương là “trò chơi vô tăm tích” và xem ra cho đến nay vẫn còn nhiều người trong Văn trẻ hô ứng. Thật ra thì trong quá khứ đôi khi chúng ta cũng đã quan trọng hóa quá mức văn chương, nhưng nếu coi nó là một trò chơi “vô tăm tích” thì lại rơi vào một cực đoan khác.

Tâm thế của người viết trẻ bây giờ đối với văn chương nhiều khi cũng đáng suy nghĩ khi không ít trong số họ không hề có ý nguyện “sống chết” với văn chương, đã đành, nhưng cũng không mấy mặn mà với nghề chữ này. Tôi đã thấy có người viết được một vài tác phẩm đọc được bỗng dưng “mất tích”, sau này mới biết được họ đã bình thản giã từ sự viết và thậm chí hình như không hề nuối tiếc một điều gì. Lại nữa một số người có khát vọng làm mới văn chương bằng cách hướng ra thế giới với tinh thần tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Thảo luận văn xuôi cởi mở tại Hội nghị viết văn trẻ lần thứ 8. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Nhưng đã xảy ra một tình trạng đáng tiếc là bộ lọc của họ chưa tinh xảo nên sự tiếp biến chưa có hiệu quả. Lại nữa một số người dường như cố tình khước từ truyền thống văn chương dân tộc có bề dày và thành tựu nhiều thế kỷ. Ai đã đọc công trình “Các nhà thơ cổ điển Việt Nam” của thi sĩ Xuân Diệu mới thấm thía cái cách thi nhân tự làm giàu mình bằng con đường học tập các bậc tiền bối của dân tộc.

Theo hồi ức của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thì thi sĩ Xuân Diệu viết tiểu luận cuối cùng dành cho những người viết trẻ “Sự uyên bác với việc làm thơ”. Ông mất ngày 18/12/1985, thì sáng 19/12/1985 bài viết cuối cùng của thi sĩ được trình bày tại Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc (Báo Văn nghệ, số 36+37 ra ngày 3/9/2011).

Văn trẻ hướng sự viết vào cái “tôi”, tất nhiên, nhưng xem ra chưa quan tâm đến mối quan hệ máu thịt, bền chặt giữa cái “tôi” và cái “ta” một cách biện chứng nên khi thiếu mối liên hệ này, nhà văn sẽ vô tình hoặc cố ý quay lưng lại đời sống của nhân dân mình. Đọc Văn trẻ, nhiều người có cái cảm giác thiếu vắng hơi thở của đời sống thực bao quanh ta đến mức có thể sờ mó được đường nét, hít thở cảm nhận được mùi vị, lắng nghe được các cung bậc âm thanh… của một thế giới sống động, sinh sắc và sinh thành. Có thể cắt nghĩa của tồn tại này bằng việc chỉ ra cách huy động vốn sống gián tiếp khi sáng tác của Văn trẻ. Đành rằng người viết trẻ không đi thực tế để tích lũy vốn sống như ngày trước, nhưng nếu dựa hẳn vào tài liệu gián tiếp qua các kênh thông tin thì ắt dẫn đến hệ quả là tác phẩm nhiều “chữ” nhưng có thể chưa nhiều nghĩa”.

Tôi muốn nhắc lại một ý kiến tâm huyết của nhà văn Nguyễn Minh Châu về vấn đề này: “Mỗi nhà văn gắn chặt với số phận dân tộc và đất nước mình - như cái đai của người mẹ quấn quanh mình đứa trẻ. Và hình như còn hơn thế nữa. Người nghệ sĩ là một đứa con của đất nước mà chỉ có nó mới có thể giao cảm hết những cái vui buồn và nhọc nhằn của người mẹ - cả những điều mà người mẹ không bao giờ nói ra” (Nguyễn Minh Châu - Di cảo, NXB Hà Nội, 2009, tr.363).

Tinh thần đón đợi Văn trẻ, theo tôi, vừa phải đặt ra những yêu cầu cao để họ phấn đấu hết mình, lại vừa kiên nhẫn chờ đợi những cuộc bứt phá ngoạn mục vào những khúc bất ngờ nhất. Như ai đó triết lý rằng, chờ đợi là một nghệ thuật và cũng là một hạnh phúc

B.V.T.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (QL50) đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh với chiều dài hơn 6,9km, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và TP Hồ Chí Minh với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến nối từ TP Hồ Chí Minh đi Long An, Tiền Giang dù đã được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư từ tháng 6/2021, nhưng đến nay nhiều gói thầu xây lắp chính mới đạt tỷ lệ rất thấp…

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) là một sự kiện quy mô lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác quốc phòng toàn cầu mà còn là dịp để giới thiệu các thành tựu quốc phòng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文