"Đừng đốt" đốt cháy trái tim chúng tôi

14:20 28/03/2010
Tôi mượn tựa đề bài báo của một đồng nghiệp, viết về cảm xúc của khán giả Mỹ, trong đó có nhiều cựu chiến binh Mỹ, sau khi xem bộ phim “Đừng đốt” của đạo diễn Đặng Nhật Minh, dựa theo cuốn Nhật ký của bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm, chiếu tại New York, Mỹ vào giữa tháng 11/2009, để viết bài báo này.

“Đừng đốt” tuy không được giải Oscar dành cho phim nước ngoài hay nhất khi được đề cử tham gia giải này, nhưng “Đừng đốt” đã đoạt giải Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16 và từng giành giải thưởng duy nhất tại LHP Fukuoka, Nhật Bản cuối năm 2009. Ngày 14/3/2010 vừa qua, “Đừng đốt” lại giành được 6 giải, trong đó có giải Cánh diều vàng danh giá của Hội Điện ảnh Việt Nam dành cho phim truyện nhựa.

Tôi không chỉ một lần và chỉ một mình xem “Đừng đốt”, bộ phim đã đốt cháy trái tim tôi. Lần nào xem “Đừng đốt”, lần với vợ là một nhà báo từng là phóng viên trên chiến trường Khu 5, nơi chị Đặng Thuỳ Trâm ngã xuống, lần với vợ chồng hai người con trai, lần với mấy người bạn cùng chiến trường trước đây, lần nào tôi cũng nghẹn ngào xúc động.

Những hình ảnh về chị Thuỳ Trâm, về các cô y tá, về các anh thương binh trong Bệnh xá giữa rừng Ba Tơ, Đức Phổ, về người dân Quảng Ngãi trong phim; những cảnh bom rơi đạn nổ, những cảnh chết chóc đau thương mà chắc chắn trong phim không thể diễn tả hết cảnh thực ngoài đời… đã đưa tôi về lại những ngày khốc liệt trong những năm tháng làm phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng trên chiến trường này.

Tôi như được gặp lại những đồng chí, đồng nghiệp, những người anh, người chị như chị Trâm, anh Giá và biết bao người khác đã ngã xuống, không có mặt trong ngày đất nước giải phóng, đến hôm nay đã là 35 năm.

Xem phim “Đừng đốt” trong những ngày này, bất giác tôi nhớ lại câu chuyện như "cuốn phim ngoài đời" về số phận kỳ lạ của Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm sau 35 năm lưu lạc trên đất Mỹ được người cựu binh Mỹ Fred trao lại cho gia đình mà tôi có phần tham dự vào câu chuyện đó.

Từ trái sang: Nhà báo Cao Tân Hoà, nhà báo Dương Đức Quảng, Fred, cố Đại tướng Chu Huy Mân (Tư lệnh Quân khu V trong chiến tranh chống Mỹ), bà Doãn Ngọc Trâm (mẹ liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm). Ảnh chụp tháng 8/2005 tại gia đình liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm.

Thời gian cuốn Nhật ký lưu lạc ấy cũng đúng bằng thời gian từ ngày giải phóng miền Nam đến nay, còn thời gian tôi được tham gia vào câu chuyện như "cuốn phim ngoài đời" đó thấm thoát đã gần 5 năm.

Ngày 28/4/2005, vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, gia đình bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm đón một người khách lạ. Đó là Ted Englmann, nhà báo, nhà nhiếp ảnh Mỹ. Ông tìm đến gia đình chị Thuỳ Trâm để trao cho mẹ và các em gái chị một chiếc CD, trong đó có ghi lại nội dung hai cuốn nhật ký mà Frederic Whitehurt (Fred), một cựu sĩ quan  quân báo của Quân đội Mỹ đã gìn giữ suốt 35 năm nay nhờ Ted Englmann sang Việt Nam tìm gia đình chị Thuỳ Trâm để trao trả.

Cùng với hai cuốn nhật ký của chị Đặng Thuỳ Trâm, Fred còn lưu giữ hai cuốn phim đã chụp của người phóng viên nhiếp ảnh này, sau đó rửa được 48 bức ảnh và giữ gìn suốt 35 năm qua. Nay, cùng với việc trao trả lại nhật ký của chị Đặng Thuỳ Trâm cho gia đình, Fred muốn tìm được tên tuổi của người phóng viên nhiếp ảnh đã hy sinh và thân nhân của anh để trao trả lại 48 bức ảnh anh đã chụp trước khi hy sinh.

Sau cuộc gặp với chị Minh Hà  (NXB Phụ nữ) và chị Đặng Kim Trâm, tôi đã cùng các anh chị đồng đội, đồng nghiệp cũ ở Thông tấn xã Giải phóng và ở Điện ảnh Khu V trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ tìm được tên người phóng viên nhiếp ảnh đã hy sinh là anh Nguyễn Văn Giá, phóng viên quay phim, nhiếp ảnh của Tiểu ban Điện ảnh Khu V và tìm đến thăm vợ anh là chị Bùi Ngọc Hiên ở Hà Nội.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh chỉ đạo diễn viên Minh Hương (vai Đặng Thùy Trâm) chuẩn bị trước khi quay phim. (Ảnh do NSND Đặng Nhật Minh cung cấp).

Chị Bùi Ngọc Hiên ngỡ ngàng và xúc động sau 35 năm, kể từ ngày chồng hy sinh, nay nhận được những tấm ảnh cuối cùng anh chụp do một cựu chiến binh Mỹ gìn giữ và trao trả.

Sau khi hai gia đình nhận được những kỷ vật của hai liệt sĩ do Fred trao lại, chúng tôi được tin tháng 8/2005, Fred cùng anh trai là Robert Whitehurt (Rob) sang Việt Nam để thăm gia đình chị Đặng Thuỳ Trâm và gia đình anh Nguyễn Văn Giá.

Biết được thông tin này, mấy anh em nhà văn, nhà báo, đạo diễn điện ảnh ở Khu V trước đây họp với nhau, mời chị Đặng Kim Trâm, chị Minh Hà, chị Bùi Ngọc Hiên cùng dự để bàn việc tổ chức viết báo và làm một bộ phim tôn vinh tấm gương hy sinh của chị Đặng Thuỳ Trâm và anh Nguyễn Văn Giá nhân sự kiện này.

Cùng lúc đó, con trai tôi là Dương Đức Đà Trang, phụ trách Văn phòng đại diện báo Tuổi trẻ TP. HCM ở Hà Nội mang về bản phô-tô hai cuốn nhật ký của chị Đặng Thuỳ Trâm chuẩn bị xuất bản. Cháu rất xúc động khi đọc những dòng nhật ký của chị Thuỳ Trâm và cho biết báo Tuổi trẻ của cháu sẽ trích đăng nhật ký của chị và mở đợt tuyên truyền tấm gương của liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm nhân sự kiện cuốn nhật ký trở về với gia đình.

Điều đó càng thôi thúc anh em chúng tôi phối hợp với báo Tuổi trẻ và các cơ quan báo chí khác để đưa tin, viết bài, quay phim về tấm gương của chị Trâm, anh Giá và về chuyến sang Việt Nam thăm hai gia đình liệt sĩ của anh em Fred. Mấy anh em chúng tôi, là các nhà văn, nhà báo, đạo diễn, quay phim ở Khu V trước đây, gấp rút chuẩn bị về mọi mặt, kể cả tự bỏ tiền ra lo phương tiện kỹ thuật và phương tiện đi lại để quay bộ phim tài liệu "Hành trình chưa khép lại", do Lâm Quang Ngọc viết kịch bản, Trần Minh Đại đạo diễn, với sự tham gia của Dương Đức Quảng, Huỳnh Bá La Vuông, Nguyễn Văn Thôi, Trần Văn Thanh, Ngô Tạo Kim, Nguyễn Thanh Tùng…

Mấy anh em bám theo từng hoạt động và sự kiện của chuyến sang Việt Nam thăm hai gia đình liệt sĩ của anh em Fred, từ Hà Nội vào Quảng Ngãi để quay bộ phim này. Thật buồn, bộ phim chưa kịp hoàn thành thì đạo diễn Trần Minh Đại mất đột ngột.

Sau chuyến sang Việt Nam lần đầu vào tháng 8/2005, anh em Fred còn sang Việt Nam thêm hai lần để thăm hai gia đình liệt sĩ. Kể từ năm 2005, tôi trở thành người thân của hai gia đình liệt sĩ và cũng trở thành "một người bạn bên kia chiến tuyến trước đây" được anh em Fred quý trọng. Trong ba lần sang Việt Nam thăm hai gia đình liệt sĩ, lần nào anh em Fred cũng gặp tôi, viết thư và kể rất nhiều chuyện về cuộc đời của mình với tôi.

Từ những câu chuyện đó, tôi đã viết một số bài báo về họ, về tấm lòng và những việc làm của họ trong mấy năm nay đối với chị Trâm, anh Giá và với các liệt sĩ Việt Nam, với tâm nguyện mỗi việc làm là một việc hàn gắn vết thương chiến tranh trong lòng họ. Chính Rob, anh trai Fred đã dành hàng tuần lễ, lái xe đi hàng ngàn cây số từ quê đến thủ đô Washington DC. để vào Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ tìm thêm các tài liệu về chị Trâm, anh Giá.

Rob đã tìm thêm được một cuốn sổ công tác, một lá thư của chị Trâm gửi cho một người anh ở Hà Nội mà quân đội Mỹ còn lưu giữ được. Rob cũng đã tìm thấy một số giấy tờ của anh Giá, trong đó có cả giấy đi đường, giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng, một vài bức ảnh của gia đình, bạn bè từ Hà Nội gửi vào cho anh mà nay Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ còn lưu giữ. Những tài liệu và hình ảnh quý báu đó, Rob đã gửi sang Việt Nam cho gia đình chị Trâm, gia đình anh Giá.

Cách đây một năm, tháng 3/2009, Fred trở lại Việt Nam lần thứ ba, sau lần đầu sang thăm gia đình chị Trâm, anh Giá. Lần ấy, sau mấy ngày Fred đến Hà Nội, tôi có dịp gặp ông trong bữa cơm gia đình tại nhà của mẹ liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm. Sang Việt Nam lần này, tâm trạng của Fred khác hẳn hai lần trước. Bởi vì sau lần sang Việt Nam lần thứ hai, năm 2006, trở về Mỹ ít lâu, ông phải vào bệnh viện vì bị ung thư tuyến tiền liệt; hai năm nay liên tục phải điều trị căn bệnh quái ác này…

Trở lại Việt Nam lần thứ ba ấy, Fred đi cùng vợ, bà Cheryl Whitehurst, với ý nguyện sau khi biết mình bị trọng bệnh vợ chồng ông dành thời gian để sang thăm hai gia đình liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm và Nguyễn Văn Giá, sống những ngày "thật sự trong gia đình với những người thân yêu ở Việt Nam".

Ông kể với tôi, hôm đến thăm chị Bùi Ngọc Hiên, vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Giá, ông đã nói với chị Bùi Ngọc Hiên điều ông còn băn khoăn hiện nay là vẫn chưa làm sao để cuốn sách "Những tấm ảnh trở về", viết về chồng chị được dịch sang tiếng Anh và xuất bản tại Mỹ, như cuốn Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm.

Chính trong những ngày ở Hà Nội vào tháng 3/2009 ấy, vợ chồng Fred được đạo diễn Đặng Nhật Minh mời xem phim “Đừng đốt” tuy bộ phim đang còn trong giai đoạn làm hậu kỳ, chưa thể phát hành. Fred nói với tôi, ông thật sự xúc động khi gặp lại trên màn bạc những hình ảnh xác thực về chiến tranh mà ông đã trải qua ở Việt Nam, trong đó có hình ảnh về ông và về chị Đặng Thuỳ Trâm như những gì ông đã biết và đã nghĩ. Còn vợ ông, bà Cheryl cũng xúc động không kém khi xem bộ phim này. Bà nói vui: "Chỉ có điều diễn viên đóng vai chồng tôi khi còn trẻ thì khá giống, còn lúc về già thì xấu hơn ông ấy bây giờ!".

Còn Rob, người buồn nhất vì không có mặt tại các buổi chiếu phim “Đừng đốt” ở Mỹ, đã gửi thư cho chị Đặng Kim Trâm kể rằng lần chiếu bộ phim “Đừng đốt” ở New York giữa tháng 11/2009, được đạo diễn Đặng Nhật Minh mời, ông lái ngay xe ra sân bay để đi New York xem phim. Không may, trên đường ra sân bay, xe của Rob bị thủng lốp. Thay được lốp xe, đến được sân bay thì máy bay đi New York đã cất cánh.

Sau chuyến thứ ba trở lại Việt Nam vào tháng ba năm ngoái, trở về Mỹ, Fred cùng Rob, anh trai, tiếp tục làm các công việc tìm kiếm tin tức của các liệt sĩ Việt Nam để đưa lên mạng Internet, hy vọng sẽ giúp cho các gia đình liệt sĩ ở Việt Nam tìm kiếm được tin tức thân nhân mình trên đó. Và, tôi lại vừa nhận được tin, tháng 5 tới đây, Fred lại sẽ sang thăm Việt Nam, mảnh đất có chị Trâm, anh Giá, "những người đã làm thay đổi đời tôi" như ông nói.

Cuối tháng 3/2010

Dương Đức Quảng

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) là một sự kiện quy mô lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác quốc phòng toàn cầu mà còn là dịp để giới thiệu các thành tựu quốc phòng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 5 bị cáo gồm: Mai Thị Thanh Thủy (SN 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài Thắng - Công ty Tài Thắng); Lê Tuấn Tú (SN 1987, con trai bị cáo Thủy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Quốc tế Tuấn Phát - Công ty Tuấn Phát); 2 nhân viên kế toán 2 công ty gồm: Đinh Thị Lan Hương (SN 1980), Nguyễn Thị Phương (SN 1987); Trịnh Thị Thanh Hòa (SN 1984, thủ kho kiêm thủ quỹ 2 công ty) về tội "Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 221, khoản 1, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Không thụ động chờ các chính sách ưu đãi từ Trung ương, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố chủ động thu hút các đoàn làm phim nhằm tích cực đẩy mạnh quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại từng điểm đến. Đây là động thái cần thiết, không chỉ có lợi cho điện ảnh mà còn có lợi cho các địa phương, mặc dù, việc triển khai này bị cho là khá muộn so với nhiều quốc gia khác.

Kinh tế toàn cầu trong năm 2024 đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trước một loạt thách thức lớn. Từ những căng thẳng địa chính trị kéo dài ở Ukraine và Trung Đông, cho đến những vấn đề nội tại như lạm phát và bất ổn thị trường lao động, bức tranh kinh tế thế giới mang đến cả những tín hiệu tích cực lẫn bài học quý giá. Các nền kinh tế lớn và mới nổi đều tìm cách vượt qua nghịch cảnh, tạo động lực để tiếp tục tiến lên trong bối cảnh biến động không ngừng.

Với khoảng 1,2 triệu lao động từ các tỉnh, thành khác đến Bình Dương sinh sống và làm việc đã góp phần rất lớn để phát triển kinh tế của vùng đất công nghiệp Bình Dương. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng kéo theo không ít đối tượng "đầu trộm đuôi cướp", "đá cá lăn dưa" và những thành phần bất hảo, côn đồ tìm đến ẩn náu và gây án…

Từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép các trường phổ thông được xây cao không quá 5 tầng, thay vì 3-4 tầng như hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, sự điều chỉnh này là hướng mở phù hợp, cần thiết nhằm góp phần giải quyết bài toán quá tải trường lớp ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nơi quỹ đất để xây trường trong nội thành ngày càng eo hẹp.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Mê Linh, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ tai nạn giao thông xảy ra khoảng 5h10' ngày 27/11/2024 tại đường Mê Linh theo hướng từ đường Võ Văn Kiệt đi tỉnh Vĩnh Phúc thuộc xóm Soi, thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, TP Hà Nội giữa xe ôtô BKS 29C - 733.12 với người đi bộ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文