Festival nghệ thuật trên cầu Long Biên: Hành trình trở về ký ức

14:15 16/05/2009
Hiện diện trong đời sống của người dân Thủ đô hơn 100 năm qua, lần đầu tiên, cầu Long Biên - cây cầu được coi như biểu tượng của Hà Nội trở thành chủ đề cho một dự án nghệ thuật Festival đường phố lớn nhất từ trước tới nay.

Lễ  hội trên cây cầu mảnh mai xinh đẹp như một khuông nhạc vắt qua sông Hồng, qua thời gian mưa nắng và bom đạn chiến tranh, sẽ được tổ chức vào tháng 10 tới, đúng Ngày kỷ niệm 55 năm giải phóng Thủ đô, như một hành trình tìm lại ký ức.

Festival nghệ thuật Ký ức cầu Long Biên là dự án nghệ thuật hoành tráng của bà Nguyễn Nga, một Việt kiều Pháp. Những năm sống ở nước ngoài, tham dự nhiều lễ hội ở những đất nước văn minh đô thị, bà luôn ấp ủ mơ ước làm một điều gì đó tương tự ở quê nhà. Và bắt đầu là ký ức của bà về cây cầu đầu tiên vắt qua sông  Hồng, như một nhân chứng tuổi thơ ở đó.

Ý tưởng tổ chức một lễ hội chung quanh cây cầu cũng bắt đầu từ đây. Và năm 2007, ngay sau khi quyết định trở về nước và hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, Nguyễn Nga đã âm thầm bắt tay chuẩn bị cho dự án này. Dự định ban đầu tổ chức vào đúng kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô năm 2008 của bà đã không thực hiện được.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn phải hoãn đi hoãn lại nhiều lần, nhưng dự án của bà cũng nhận được sự ủng hộ tham gia của nhiều tầng lớp người dân Hà Nội, từ các nghệ sĩ đến những người dân  bình thường. Cầu Long Biên, đối với mỗi người dân Hà Nội, đều có một phần ký ức.

Trong hơn một năm qua, đã có nhiều tranh ảnh, bài viết, phim tư liệu… đã được mang đến Ngôi nhà nghệ thuật tại 31A Văn Miếu, nơi Nguyễn Nga là chủ nhân. Những bức ảnh đã được chụp, những câu chuyện đã được kể, những ký ức, cảm xúc, tình cảm, mỗi người một góc độ, đã được tái hiện. Và trong khuôn khổ một ngôi nhà nghệ thuật nhỏ bên cạnh Văn Miếu, một số cuộc triển lãm về cầu Long Biên đã được tổ chức trong suốt hơn một năm nay.

Nhận thấy đây là lúc thời cơ chín muồi với đầy đủ ba yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, bà Nguyễn Nga cùng với phu quân của mình, đạo diễn Daniel Roussel (người đã làm nhiều phim tài liệu về Việt Nam) công bố ấn định ngày tổ chức Festival Ký ức cầu Long Biên trong hai ngày 10 và 11/10, nhằm đúng kỷ niệm 55 năm Ngày giải phóng Thủ đô.

Theo kịch bản, Lễ hội "Ký ức cầu Long Biên" đưa du khách xuyên suốt chiều dài ba thế kỷ của lịch sử, bắt đầu từ thế kỷ XIX. Với tâm huyết của một người làm nghệ thuật, những người tổ chức chương trình này muốn chắt lọc những nét tinh hoa nhất của văn hóa Việt và tái hiện lại trong không gian cây cầu Long Biên. Lịch sử 3 thế kỷ sẽ được tái hiện trên cây cầu lịch sử này như một Galery lớn nhất thế giới, là mạch nối của quá khứ với hiện tại.

Lễ hội bắt đầu từ phía đầu cầu Hà Nội, trải suốt chiều dài cây cầu sang tới bên kia Gia  Lâm,  từ thế kỷ XIX tiến dần đến thế kỷ XXI. 12 thập kỷ từ 1890 đến 2009 sẽ được trưng bày ảnh tư liệu qua từng thập kỷ, 100 bức tranh, các tác phẩm điêu khắc thể hiện tình cảm của các nghệ sĩ trong và ngoài nước về cầu Long Biên trong ký ức của họ.

Trong hành rình về quá khứ, không chỉ có tranh, ảnh, và sẽ còn sống động với các loại hình nghệ thuật trình diễn đặc trưng của thế kỷ XIX như chèo, tuồng, chầu văn... Các gian hàng ẩm thực, các bảo tàng dân tộc sống, các làng nghề truyền thống, cho thấy sự đa dạng, phong phú của văn hóa Việt Nam.

Sau hành trình về qua khứ, lễ hội hướng người xem đến tương lai, với trục đường chính từ Gia Lâm đến Hà Nội, thể hiện ước mơ cây cầu. 100 con diều sáo do các nghệ nhân làm diều ở các làng Bắc Bộ thực hiện sẽ in hình quốc kỳ các nước trên thế giới tung bay trên bãi giữa sông Hồng. Với ý nghĩa tượng trưng cho vẻ đẹp hòa bình của Hà Nội, những cánh diều mang trong đó thông điệp về một Hà Nội bình yên, ngàn năm văn vật.

Lễ hội khai mạc ấn tượng bằng một đầu tàu hơi nước cổ từ năm 1932 kéo theo bốn toa tàu cổ chở các vị quan khách, các nghệ sĩ đi từ Gia Lâm sang Hà Nội cắt băng khai mạc. Trong suốt 48 tiếng, cây cầu  Long Biên và những khu vực chung quanh sẽ trở thành một không gian đặc biệt, là nơi gặp gỡ và sẻ chia, khám phá chiều sâu nghệ thuật, lịch sử của dân tộc và vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Nam.

Bà Nguyễn Nga cho biết, hiện có hàng trăm nghệ sĩ tham gia, hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ trong nước và nước ngoài sẽ được triển lãm hai bên cầu. Ký ức và ước mơ của cây cầu sẽ được thể hiện qua ngôn ngữ của hàng chục loại hình nghệ thuật: ca nhạc, hội họa, điện ảnh, điêu khắc, và rất nhiều hoạt động  cộng đồng khác như ẩm thực, trò chơi, thả diều, trình diễn thư pháp, trình diễn nghề truyền thống…

 Đặc biệt hơn nữa, bà Nguyễn Nga cho biết, ở nút giao thông quan trọng từ trên cầu Long Biên, trong hai ngày diễn ra lễ hội, những hành khách đi trên các chuyến tàu từ bên kia sông Hồng sang Hà Nội sẽ được bất ngờ chứng kiến những hoạt động, những hình ảnh của lễ hội.

Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, lần đầu tiên Festival cầu Long Biên tổ chức đúng vào năm bản lề hướng đến Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội (2010) sẽ là một sự kiện đáng chú ý, mở đầu cho loạt sự kiện chào mừng ngày Đại lễ.

Đây cũng là lần đầu tiên một hoạt động văn hóa nghệ thuật hoành tráng được thực hiện theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. UBND thành phố sẽ chịu 1/3 kinh phí tổ chức lễ hội này, còn lại do phía bà Nguyễn Nga tự bỏ tiền túi và từ nguồn tài trợ của các doanh nghiệp.

Dự án đang được sự đồng tình ủng hộ từ phía chính quyền đến các nghệ sĩ, những người dân Thủ đô. Bởi trong lòng mỗi người đều chứa một phần ký ức về cây cầu Long Biên, chỉ cần khơi lên là thức dậy mạnh mẽ, đều mong có dịp bày tỏ

- Hoàn tất xây dựng năm 1903 do kiến trúc sư nổi tiếng thế giới Gustave Eiffel thiết kế, Long Biên từng là một trong bốn cây cầu dài nhất thế giới và nổi bật nhất Viễn Đông vào thế kỷ XIX.

- Khi được hoàn thành vào năm 1903, cầu mang tên Doumer (tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer).

- Cầu có chiều dài 1.862m, gồm 19 nhịp dầm thép và đường dẫn xây bằng đá, đường sắt đơn ở giữa và hai bên là dường dành cho xe cơ giới thô sơ và người đi bộ.

Hà Khánh Linh

Qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường Công an tỉnh Thanh Hoá đã phối hợp với Công an TP Sầm Sơn phá Chuyên án sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm chức năng, bắt giữ 2 đối tượng: Nguyễn Hữu Nam (SN 2000, ở phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn) và Triệu Y Tám (SN 2001, ở xã Hợp Sơn, huyện Ba Vì, TP Hà Nội).

Sự ủng hộ ngày một lớn đến từ giới mộ điệu tiếp thêm niềm tin nơi HLV Kim Sang-sik. Lần đầu tiên trước giới truyền thông, ông nhắc đến 2 từ vô địch cùng ĐT Việt Nam!

Khu đất rộng hơn 53 ha nằm cạnh Khu du lịch Bà Nà Hills được quy hoạch làm khu dân cư phục vụ nhu cầu ở của cán bộ, nhân dân địa phương, song thực tế sau đó lại được bán chác tùy tiện, đi rất xa với mục đích phê duyệt ban đầu của cấp thẩm quyền.

Thực hiện Chương trình Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 80, chiều 26/12, Bộ Công an tổ chức 6 Tổ thảo luận nhằm đánh giá tình hình, kết quả các mặt công tác Công an năm 2024. Với phương châm "đề cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, với tinh thần nêu gương, nhìn thẳng vào sự thật, nói thẳng, nói thật, nói hết" mà Đại tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo tại phiên khai mạc hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, bàn giải pháp khắc phục, phát huy thời gian tới.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文