Giáo sư sử học Lê Văn Lan nói về văn hóa Hùng Vương

09:05 23/04/2010
Những ngày này, người dân ở khắp nơi nơi, dù ở trong nước hay nước ngoài đều một lòng thành kính hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng khí thiêng vang vọng. GS sử học Lê Văn Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Khu Di tích lịch sử đền Hùng đã chia sẻ với PV Báo CAND về những nghiên cứu mới nhất về văn hoá Hùng Vương, về di tích lịch sử đền Hùng.

GS cho biết: Trước đây tôi từng được mời là Chủ tịch một hội thảo do UNESCO tổ chức. Lúc đó chúng ta đang định đề nghị khu di tích đền Hùng là di sản văn hoá nhân loại. Nhưng hướng đi đó có lẽ chưa phù hợp. Sau đó, tôi lại được mời chủ trì một hướng khác: tôn vinh giá trị văn hoá phi vật thể của vùng di tích lịch sử này. Hướng đi này đã có cơ sở khoa học và đáp ứng được tiêu chí "giá trị nổi bật toàn cầu" của UNESCO. Đó là tín ngưỡng tổ tiên chung của cả dân tộc, liên quan đến đạo thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam. Có lẽ chưa có một dân tộc nào lại có hình thái sinh hoạt như thế cả. Đây là điều vô cùng quan trọng, chúng ta tìm ra được giá trị phi vật thể xứng đáng nổi bật toàn cầu cho khu di tích đền Hùng.

Hiện nay chúng ta đang xúc tiến làm hồ sơ để đề nghị khu di tích lịch sử đền Hùng được nhận danh hiệu di sản văn hoá phi vật thể ở phương diện là trung tâm tín ngưỡng tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam, đồng thời là trung tâm của hệ thống lễ hội thờ tổ tiên chung của dân tộc chúng ta.

PV: "Giá trị nổi bật toàn cầu" của di tích lịch sử đền Hùng được thể hiện như thế nào, thưa Giáo sư?

GS Lê Văn Lan: Tín ngưỡng thờ tổ tiên của dân tộc Việt Nam là đặc trưng sinh hoạt văn hoá tinh thần của người Việt Nam từ bao đời nay. Trong gia đình, ta có tổ tiên gia đình, trong họ tộc có tổ tiên của gia tộc, trong làng xã có tổ tiên của một làng (ông thành hoàng) và bây giờ ở cấp độ cao nhất, Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành tổ tiên chung của dân tộc. Sự vĩ đại chính là ở chỗ đó. Giá trị phi vật thể này có hiệu quả nhiều mặt, cho dân tộc, cho quốc gia và cho cả chế độ nữa. Giá trị tín ngưỡng ấy được thể hiện ra với tư cách là căn cốt, là hạt nhân, còn cái vỏ bề ngoài chính là lễ hội Đền Hùng.

Tôi nhắc lại, chúng ta đã chọn ra tín ngưỡng tổ tiên chung của cả dân tộc mang vỏ hình thức là tổ hợp các sinh hoạt lễ hội ở đền Hùng, làm thành một phức hợp giá trị văn hoá tinh thần nổi bật toàn cầu hoàn toàn đáp ứng được tiêu chí để trở thành một di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Đây là cái mới, sự thành công sau bao thăm dò, thử thách, vượt qua nhiều khó khăn chúng ta mới đạt được.

Nhưng tôi vẫn phải cảnh báo nhiều biến tướng dưới dạng tín ngưỡng, như cung tiến về đền Hùng những vật phẩm khổng lồ, cốt khoe khoang cho thương hiệu của họ, thực ra là "quảng cáo" thôi, làm giả làm rởm, độn mút, tạo khung sắt, biến sản phẩm linh thiêng thành thứ hàng rởm.

Lễ khánh thành Bảo tàng Hùng Vương (Ảnh: Thanh Hân).

PV: Theo GS, chúng ta nên tổ chức lễ hội như thế nào để giá trị tâm linh của ngày Giỗ Tổ thực sự lan tỏa trong lòng người Việt, cả ngay sau khi kết thúc những ngày lễ hội lớn này?

GS Lê Văn Lan: Hãy trở về bản chất của dân tộc này và văn hoá Việt Nam là sự tinh tế về mặt tình cảm, sâu sắc về trí tuệ và đặc biệt là sự thanh nhã, duyên dáng, thâm trầm. Đấy là các giá trị tinh thần của văn hoá Việt Nam rất cần được thể hiện trong ngày Quốc lễ này. Tôi mong muốn, chúng ta tổ chức gì thì cũng phải đạt được những tiêu chí ấy.

PV: Năm nay rất đông kiều bào của chúng ta đã trở về vùng đất thiêng này để dự ngày Giỗ Tổ vua Hùng. Theo Giáo sư, chúng ta có nên tổ chức ngày Giỗ Tổ cả ở những nước có đông cộng đồng người Việt không?

GS Lê Văn Lan: Nên quá đi chứ. Họ ở đâu thì cũng là con của đất nước này mà. Theo tôi, phàm là một hình thức tín ngưỡng và lễ hội thì cần phải có một thời điểm linh thiêng và một địa điểm linh thiêng kết tinh lại các sinh hoạt tinh thần (suy nghĩ, tưởng nhớ, tôn vinh) và các sinh hoạt xã hội. Nhưng nó cũng đồng thời là kết tinh của cả tiến trình thường xuyên. Nếu kiều bào nhận thức được tín ngưỡng ấy và có đủ điều kiện thì rất nên tổ chức cho bà con ta từ năm sau. Nhưng đừng hoa hoè, hoa sói nhé, vì sự giản dị dễ đi vào lòng người hơn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Giỗ Tổ Hùng Vương trên đất Tây Nguyên

Cùng cả nước, ngày 23/4 (mùng 10-3 âm lịch), lễ Giỗ Tổ Hùng Vương cũng được long trọng tổ chức tại đền tưởng niệm vua Hùng (Công viên Văn hóa Đồng Xanh, TP Pleiku, Gia Lai). Đây là lần thứ hai lễ Giỗ vọng Quốc tổ Hùng Vương được tổ chức tại Gia Lai và đông đảo người dân háo hức đến dự. Đền tưởng niệm vua Hùng tại Gia Lai đã được đầu tư xây dựng công phu với đền thờ chính cao đến 18 mét, tượng Quốc tổ Hùng Vương cao 6 mét sơn son thếp vàng. Ngoài ra, 18 bức tượng tượng trưng cho 18 đời vua Hùng đứng thành hai hàng song song uy nghiêm trên lối vào đền tưởng niệm.

Ông Nguyễn Trần Hanh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Văn hóa-Du lịch Gia Lai cho biết, các nghi lễ trang trọng diễn ra sáng mùng 10-3 âm lịch, tại đây gồm: Đội tiêu binh rước Quốc kỳ, cờ hội, tiêu binh rước vòng hoa mang dòng chữ "Đời đời nhớ ơn các vua Hùng đã có công dựng nước"; đọc diễn văn tưởng nhớ các vua Hùng; dâng rượu, dâng hương và mâm lễ vật truyền thống, sau đó đại diện các sở, ban, ngành trong tỉnh cùng các đoàn tham dự thắp hương ban thờ các vua Hùng.

Sau phần lễ, phần hội sẽ diễn ra suốt 3 ngày (10 đến 12-3 âm lịch) với nhiều hoạt động phong phú bao gồm: Biểu diễn trống hội, nhạc võ đặc sắc của Bảo tàng Quang Trung (Bình Định), các tiết mục hát múa tươi vui của các ca sĩ trong tỉnh với nội dung ca ngợi Tây Nguyên, ca ngợi đất nước; trình diễn của 2 đội cồng chiêng đến từ huyện Đak Đoa và Mang Yang. Bên cạnh đó là các trò chơi dân gian như đẩy gậy, đập ấm… cũng được diễn ra trong thời gian vui mừng lễ hội.

N.Như

Thu Phương (thực hiện)

Sau hơn 6 giờ nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng cùng người dân đã phát hiện, vớt thành công thi thể của 2 mẹ con nhảy cầu tự tử vào trưa cùng ngày.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cho biết nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được, ông sẽ yêu cầu đồng minh này của Mỹ giao lại kênh đào.

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại của QĐND Việt Nam đã được trưng bày, nổi bật là vũ khí lục quân đã thu hút sự quan tâm của các đoàn khách quốc tế và đông đảo người dân.

Sáng 22/12, cầu thủ Văn Toàn đã được đưa đi kiểm tra y tế sau chấn thương gặp phải trong trận đấu với đội tuyển Myanmar. Kết quả kiểm tra cho thấy cầu thủ này có thể phải ngồi ngoài sân trong các trận đấu còn lại của ASEAN Cup 2024.

Sau 12 năm kể từ ngày được khởi công và 17 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt, lúc 10h sáng ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành thương mại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…

Sau cơn lũ dữ, làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) đang dần hồi sinh với những đổi thay tích cực. Trong khung cảnh núi rừng xanh thẳm, tiếng cười nói hồn nhiên của trẻ thơ vang lên từ những điểm trường nhỏ, như khúc nhạc vui thổi bừng sức sống mới. Những mái trường giản dị nay trở thành nơi khơi dậy hy vọng, nơi ươm mầm tri thức cho thế hệ tương lai của làng Nủ – một biểu tượng cho sự kiên cường và tinh thần vượt khó của bà con nơi đây.

Thời tiết tại các tỉnh thành miền Bắc tiếp tục duy trì giá rét với nền nhiệt đêm và sáng sớm ở mức thấp 11-13 độ C, trong ngày tăng lên mức 18-22 độ. Một số nơi có thể có mưa bất chợt.

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến phiến quân Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen, bao gồm một cơ sở lưu trữ tên lửa và một địa điểm "chỉ huy và kiểm soát".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文