‘Gỡ rối’ cho xuất bản bằng Trung tâm bản quyền sách?
Do Hội Xuất bản Việt Nam - Văn phòng đại diện phía Nam phối hợp với Cục Bản quyền tác giả tổ chức, buổi tọa đàm có sự tham gia của đông đảo đại diện các nhà xuất bản, chi nhánh các nhà xuất bản trung ương tại TP Hồ Chí Minh, các công ty sách, nhà sách trên địa bàn thành phố.
“Thế giới sách” càng phong phú càng cần một trung tâm lưu trữ, công bố và tra cứu thông tin bản quyền sách dễ dàng. |
Tại buổi tọa đàm, ông Vũ Ngọc Hoan, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả và Hội Xuất bản Việt Nam đã cùng các đại biểu thông tin, trao đổi về nhiều nội dung: Hệ thống pháp luật về quyền tác giả; Mối quan hệ giữa quyền tác giả với xuất bản; Thực trạng trong lĩnh vực xuất bản hiện nay; Những khuyến nghị và một số giải pháp. Trong đó, vấn nạn in lậu vẫn là vấn đề nhức nhối và được đề cập nhiều nhất. Tuy nhiên, cũng liên quan đến bản quyền còn có một thực trạng khác xuất phát từ chính các đơn vị làm sách: sự chồng chéo trong việc sở hữu bản quyền.
Thực tế, đã có nhiều trường hợp, một tác phẩm hay cuốn sách được trao quyền xuất bản cho đơn vị này nhưng vẫn được đơn vị khác triển khai xuất bản. Lý do là ngay đơn vị thực hiện ấn bản phẩm cũng không nắm hết được bản quyền ấn bản phẩm, tác phẩm này hay tác phẩm khác đã thuộc đơn vị nào hay chưa. Trong khi đó, ngay nhiều người có quyền sở hữu sách, tác phẩm cũng không am hiểu rõ các quy định pháp luật về bản quyền... dẫn đến sự chồng chéo trong hoạt động xuất bản.
Trao đổi về Trung tâm bản quyền sách, ông Đồng Phước Vinh, người lên ý tưởng thành lập trung tâm cho biết, trung tâm sẽ có 2 chức năng: Lưu trữ, thông tin về bản quyền sách và thực hiện giao dịch về bản quyền sách. Việc xây dựng kho lưu trữ, thông tin về bản quyền sách không chỉ giúp cho người làm sách tìm hiểu thông tin mà còn là cơ sở để giải quyết tranh chấp nếu có.
Tuy nhiên, việc thực hiện sẽ gặp một số khó khăn vì việc xuất bản sách lâu nay được dựa trên nhiều nguồn: sách của nhà xuất bản, sách do cá nhân liên kết với nhà xuất bản, sách do đơn vị liên kết với nhà xuất bản thực hiện. Nhưng, chỉ thời gian gần đây, tên các đơn vị thực hiện liên kết xuất bản mới được ghi trên sách còn toàn bộ sách trước đó đều chỉ ghi tên tác giả.
Thậm chí, vì nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan, ngay đơn vị, chủ sở hữu sách cũng không quản lý được đầy đủ. Có nhiều cuốn sách quý, nhà xuất bản muốn in lại cũng không biết bản quyền thuộc về ai để xin phép...
Trước mắt, việc xây dựng kho dữ liệu cho Trung tâm bản quyền sách được coi như là xây dựng nền tảng. Để có kho dữ liệu tương đối hoàn chỉnh phải cần thời gian dài…