Khai mạc "Tuần văn hóa - du lịch Quảng Nam hướng đến 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội"
Dưới bàn tay của những nghệ sĩ, người thợ tài hoa, không gian huyền bí và quyến rũ của tháp Mỹ Sơn và phố cổ Hội An đã được dựng lên với đầy đủ cái "thần" của 2 Di sản thế giới này.
Các nghệ nhân của các làng nghề đúc đồng Phước Kiều, gỗ nghệ thuật Âu Lạc, gốm Thanh Hà… đã có mặt đầy đủ ở Hà Nội, sẵn sàng biểu diễn chế tác các nghề truyền thống nổi tiếng của quê mình. Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam, tâm sự: Điều lo lắng nhất của BTC "Tuần văn hóa - du lịch Quảng Nam hướng đến 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội" là tái hiện được đúng cái "hồn" của Quảng Nam.
Đây là điều không dễ dàng, vì cũng là tháp Chăm, nhưng tháp Chăm ở Quảng Nam khác với tháp Chăm của Ninh Thuận, điệu múa của các vũ nữ Chăm xứ Quảng cũng mang hồn cốt khác với vũ nữ Chăm địa phương khác. Do đó, từ các nghệ sĩ, đến những người thợ cũng như toàn bộ vật liệu để dựng mô hình các di sản, không gian làng nghề đều được đưa từ đất Quảng ra Hà Nội. Dĩ nhiên, sẽ nhiều khó khăn hơn, nhưng chúng tôi làm tất cả với tình cảm mến yêu dành cho Hà Nội.
Mô hình phố cổ Hội An đã hoàn tất tại Hà Nội. Ảnh: Thanh Hằng. |
Trên sân khấu chính, các nghệ sĩ tập dượt lần cuối trước khi vào lễ tổng duyệt tối 19/11. Những bài hát, nét nhạc chất chứa tình cảm yêu thương dồn nén của người đất Quảng quyện hòa trong cái lạnh đầu đông Hà Nội, đã làm nên một nét riêng thật độc đáo.
Bên một gian hàng, gia đình nghệ nhân Hà Linh đang tất bật làm nốt các công đoạn cuối cùng, để những chiếc đèn lồng đủ màu, đủ kiểu dáng sẽ sáng lên vào giờ khai mạc.
Chị Hà Linh vừa thoăn thoắt tô điểm cho những chiếc đèn thêm duyên dáng, vừa tự hào: Là gia đình duy nhất được tỉnh Quảng Nam mời ra Hà Nội tham dự "Tuần văn hóa - du lịch Quảng Nam hướng đến 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội", chúng tôi vui lắm. Hào hứng chuẩn bị khá lâu cho ngày lên đường. Mang ra Hà Nội rất nhiều đèn lồng, để giới thiệu với mọi người về một sản phẩm văn hóa chỉ riêng Hội An có, chúng tôi còn sẵn sàng hướng dẫn, truyền nghề cho những người có nhu cầu học hỏi công việc này. Đó cũng là một cách nối dài nghề truyền thống của vùng quê Quảng
Tấm bản đồ được làm từ 1.000 con rồng của tác giả Ngọc Minh ở huyện Duy Xuyên cũng đã có mặt ở Hà Nội.
Ở một góc tái dựng không gian bãi biển xứ Hội, các nghệ nhân vui vẻ khoe với chúng tôi những hạt cát trắng tinh, mịn màng được mang từ bãi biển Hội An ra. Ngay gần cổng vào khu triển lãm, những người thợ của làng Phước Kiều đang hối hả lắp đặt hệ thống đúc đồng truyền thống. Những chiếc chiêng vừa được hoàn thành đang vang âm rộn rã, thu hút sự chú ý của mọi người.
Nghệ nhân Dương Văn Tiến háo hức: Làng đúc đồng Phước Kiều chúng tôi cung cấp hầu hết chiêng các loại cho Tây Nguyên. Vì thế, ra Hà Nội lần này, chúng tôi mong muốn giới thiệu với bà con Thủ đô một nghề truyền thống của Quảng Nam, đã góp phần duy trì, gìn giữ văn hóa cồng chiêng ở mảnh đất bazan gió ngàn.
Để bảo đảm an ninh cho "Tuần văn hóa - du lịch Quảng Nam hướng đến 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội", cùng với lực lượng Công an Quảng Nam có mặt để phối hợp, các CBCS Công an Hà Nội do đích thân một đồng chí PGĐ Công an TP Hà Nội chỉ huy, cũng đã lên các kế hoạch chu đáo cho công tác gìn giữ an ninh trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.
An toàn cho các nghệ sĩ, các đại biểu và tất cả du khách tham dự, để "Tuần văn hóa - du lịch Quảng Nam hướng đến 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội" diễn ra đúng nghĩa một lễ hội đón chào Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, là mục tiêu mà cả BTC cũng như lực lượng Công an Hà Nội và Công an Quảng Nam hướng tới