Khi nào nên xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia?

09:37 11/08/2015
 Chúng ta đừng tách rời hai việc là xây “vỏ” và làm “ruột”. Cái “vỏ” thì có thể làm rất nhanh miễn sao có tiền, nhưng việc xây “ruột” là nội dung bảo tàng là cả một quá trình tích lũy không đơn giản. 

Ngay sau khi có thông tin về việc xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia (do Bảo tàng Cách mạng và Bảo tàng Lịch sử sáp nhập lại) với tổng mức đầu tư 11.277 tỉ đồng, đã có nhiều ý kiến trái ngược. PV Báo CAND có cuộc trao đổi với PGS.TS, nhà nghiên cứu dân tộc Nguyễn Văn Huy (nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hiện là Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa) và nhà sử học Dương Trung Quốc (Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Hà Nội) xung quanh câu chuyện thời sự này.

PGS- TS Nguyễn Văn Huy: “Chúng ta đừng nghĩ cái cỏn con”

PV: Thưa ông, nước ta có bao nhiêu bảo tàng? Tình trạng của các bảo tàng hiện nay ra sao?

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Hiện nay có khoảng 130 bảo tàng. Đa phần các bảo tàng èo uột, èo uột về tòa nhà, không đủ chỗ để trưng bày hiện vật, nhân lực thì không chuyên. Nhiều nơi ở các tỉnh coi thường bảo tàng, ai làm giám đốc bảo tàng cũng được, vậy làm sao bảo tàng sống được. Bảo tàng èo uột là bởi người ta quan niệm bảo tàng đơn giản nên cấp kinh phí không đầy đủ. Muốn làm bảo tàng là phải sang. Trưng bày bảo tàng muốn hấp dẫn trước hết phải là sự sáng tạo khoa học. Sáng tạo về mặt nghệ thuật, ánh sáng, sáng tạo tổng hợp... Muốn 130 bảo tàng của nước ta tốt thì phải thay đổi hoàn toàn tư duy về cách ứng xử với bảo tàng. Phải có đầu tư thích đáng.

PGS. TS Nguyễn Văn Huy.

PV: Có nhất thiết phải xây Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong thời điểm này không, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Nếu không nhìn xa trông rộng thì chúng ta sẽ không theo kịp được thế giới. Không có nước văn minh và tiên tiến nào mà không có những bảo tàng lớn tầm cỡ. Bảo tàng là bộ mặt văn hóa của quốc gia nhưng đa phần các bảo tàng của chúng ta tồi quá, kém quá…

Việt Nam là 1 đất nước không nhỏ, dân thuộc loại đông trên thế giới, đất nước chúng ta có một nền văn minh và lịch sử hào hùng, đặc biệt lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Cho nên xây dựng bảo tàng phải nghiên cứu kĩ, quy hoạch cho đúng. Điều quan trọng nhất ở bảo tàng là chức năng giáo dục, và ở trong một đất nước, một xã hội văn minh dứt khoát phải có bảo tàng. Chúng ta đang hướng đến một đất nước du lịch, chúng ta đang cần khách quốc tế và khách du lịch, một trong những điều thu hút khách du lịch không phải là thiên nhiên mà là bảo tàng. Khách đến thăm bảo tàng để người ta hiểu được đất nước, con người, thiên nhiên, lịch sử, văn hóa Việt Nam, đấy là điều vô cùng quan trọng mà chúng ta hướng tới.

PV: Theo ông, việc xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia, người dân ta sẽ được hưởng lợi gì?

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Tôi đã đi thăm các bảo tàng như Anh, Pháp, trời mùa đông, băng tuyết mà người ta xếp hàng dài chờ thăm bảo tàng vì ở đó có các tác phẩm nghệ thuật quá hấp dẫn. Đông khách đến tham quan bảo tàng không chỉ thắng lợi về quảng bá văn hóa mà còn là thắng lợi cả về mặt kinh tế. Nói thế để thấy rằng xây dựng bảo tàng ra tấm ra miếng thì hiệu quả xã hội, hiệu quả kinh tế, hiệu quả văn hóa sẽ rất lớn. Và việc lớn đầu tiên là tạo cho dân trí của chúng ta có một cơ hội được thưởng thức nền văn hóa nghệ thuật trên thế giới. Hiện nay nước ta có gần 100 triệu dân thì phải làm thế nào để mang được hiện vật của họ đến đây để đại đa số nhân dân ta được thưởng thức, đấy là trách nhiệm của ngành Văn hóa. Đấy là trách nhiệm của những người chuẩn bị cho những bảo tàng lớn cho tương lai.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: “Đừng tách rời việc xây “vỏ” và làm “ruột” bảo tàng”

PV: Trong những ngày qua, nhiều ý kiến cho rằng thời điểm này đầu tư hơn 11 nghìn tỉ đồng vào việc xây dựng bảo tàng là điều không cần thiết vì hiện nhiều bảo tàng không có khách tham quan. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tất nhiên nghe tới con số đó làm cho chúng ta choáng ngợp, nhất là trong bối cảnh đất nước nợ công còn nhiều thì Chính phủ phải có giải trình và lộ trình đầu tư. Còn bảo: “Bảo tàng ít người tham quan” đấy là những bảo tàng chưa được đầu tư tốt và chưa có thay đổi. Trong khi đó, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ, Bảo tàng Tội ác chiến tranh…thì rõ ràng thế giới đánh giá rất cao.

Trên thực tế không gian cho bảo tàng là chúng ta tận dụng những công trình của chế độ cũ để lại, nên không hợp lý, phòng ốc nhỏ. Bây giờ nếu chúng ta theo dõi thế giới họ coi bảo tàng và thư viện là bộ mặt của văn hóa quốc gia. Tôi cho rằng dư luận xã hội nên ủng hộ việc xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia vì đây là việc cần thiết. Vấn đề còn lại là đầu tư vào lúc nào thôi. Về phía Nhà nước chuẩn bị đầu tư về kinh phí cho hiệu quả, còn về phía chúng tôi thì phải chuẩn bị nội dung trưng bày cho tốt.

Nhà sử học Dương Trung Quốc.

PV: Vậy công tác chuẩn bị “ruột” cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong tương lai thực hiện đến đâu, thưa ông?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Bảo tàng Lịch sử quốc gia dựa trên hai bảo tàng đang tồn tại hoạt động nhiều năm nay: Bảo tàng Lịch sử và Bảo tàng Cách mạng; trên cơ sở đó đã có nội dung, hiện vật rồi vấn đề còn lại là phải xây dựng hệ thống hiện vật ấy hoàn hảo hơn, đồng bộ hơn. Với một không gian kiến trúc mới thì phải đầu tư rất nhiều vào “ruột”. Đúng là lâu nay chúng ta chỉ quan tâm đến “vỏ” mà chưa quan tâm đến “ruột”. Xã hội mong muốn có những bảo tàng hoành tráng tương xứng với lịch sử dân tộc và điều đó đặt trách nhiệm với những người làm công tác bảo tàng như chúng tôi phải làm tốt hơn, đừng để lặp lại những sai sót mà bảo tàng trước đã xảy ra.

PV:  Là người gắn bó lâu năm với công tác bảo tàng, ông thấy vấn đề bảo tàng còn những bất cập gì?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Chúng ta đừng tách rời hai việc là xây “vỏ” và làm “ruột”. Cái “vỏ” thì có thể làm rất nhanh miễn sao có tiền, nhưng việc xây “ruột” là nội dung bảo tàng là cả một quá trình tích lũy không đơn giản. Ví dụ như xây vỏ là việc của Bộ Xây dựng, còn làm “ruột” của Bộ Văn hóa. Bản thân là đã chênh, người có hiện vật để trưng bày và sau này làm công tác quản lý thì khi lên dự án không được can dự sâu, không được đi đặt hàng cho người xây dựng. Vậy đến khi họ làm kết cấu kiến trúc không phù hợp thì sao? Mình phát hiện ra từ bài học Bảo tàng Hà Nội, chúng ta đừng lặp lại ở những bảo tàng sau.

PV: Cảm ơn PGS.TS Nguyễn Văn Huy và nhà sử học Dương Trung Quốc.

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)

Tỉnh Ninh Bình có 16% dân số theo đạo Thiên Chúa Giáo, trong đó Giáo phận Phát Diệm giữ vị trí quan trọng trong cộng đồng Công giáo Việt Nam. Tại các xã, thị trấn thuộc huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, lực lượng Công an chính quy vùng đồng bào có đạo đã vừa nỗ lực “gần dân, hiểu dân, sát dân” để triển khai các mô hình phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc.

Nguyễn Quốc Quân, còn gọi Quân “Idol”, khét tiếng là tay anh chị ở phố núi Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Trong thời gian dài, đối tượng này nổi lên với nhiều hoạt động làm ăn có dấu hiệu bất minh. Đặc biệt, Quân thường lên mạng xã hội đăng tải nhiều hình ảnh đe dọa, chửi bới người khác do chính y tổ chức, khiến dư luận bất bình. Quân “Idol” sau đó đã bị Cơ quan Công an bắt giữ, khởi tố với nhiều tội danh khác nhau.

Ngày 21/5, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã có báo cáo gửi UBND TP Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng về nguyên nhân và biện pháp xử lý khả năng thoát nước mặt cầu thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.

Liên quan đến vụ án đưa, nhận hối lộ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hoá), sáng 21/5, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã thi hành Lệnh khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam thêm 3 bị can có liên quan, gồm: Nguyễn Thế Hùng (SN 1979), nguyên Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn; Lê Huy Hoàng (SN 1986), Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn; Cao Xuân Hiệp (SN 1984), cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn.

Đánh giá sơ bộ cho thấy, tại khu vực xã Phong Vân (huyện Ba Vì), việc nạo vét, hút cát trái phép, không đúng kỹ thuật, hút cát sát bờ sông, thềm sông tạo ra các hố xói, vực sâu cục bộ gây biến đổi đột ngột địa hình lòng dẫn, thay đổi dòng chảy, làm suy kiệt mực nước ngầm và hậu quả là sụt lún, nứt đất.

Ra thăm vườn, người phụ nữ tá hỏa khi phát hiện 56 gốc với hơn 1.500 quả sầu riêng non chăm sóc bấy lâu đã bị kẻ gian chặt phá không thương tiếc. Quá sốc, người nông dân này đã khóc ngất tại khu vườn.

Gần đây, sau khi đánh giá tác động môi trường và các thủ tục pháp lý, một số doanh nghiệp đã được các bộ, ngành liên quan và tỉnh Quảng Bình cấp phép khai thác cát để thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện một số đối tượng lấy lý do doanh nghiệp khai thác cát sẽ làm sạt lở bờ sông, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân…

Nắm được nhu cầu nhiều công dân có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động, Trần Thị Hằng Nga đã đưa ra các thông tin tuyển dụng lao động nước ngoài, nhận hồ sơ và tiền, từ đó lừa đảo, chiếm đoạt tiền của các nạn nhân. Đối tượng này vừa bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An khởi tố.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文