Khoảnh khắc thiêng liêng của người lính trong giờ phút cam go

10:34 18/04/2014
Cho tới bây giờ, bức tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Sáng “Kết nạp Đảng ở chiến hào Điện Biên Phủ” vẫn là đỉnh cao của dòng nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nói về cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống đế quốc Mỹ, nền mỹ thuật Việt Nam đã có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật được vẽ nên bằng máu và nước mắt, bằng sự trải nghiệm hiện thực. Thế nhưng, trong lĩnh vực hội họa với mảng đề tài chiến tranh, vẫn chưa có tác phẩm nào vượt qua bức tranh sơn mài “Kết nạp Đảng ở chiến hào Điện Biên Phủ” của họa sĩ Nguyễn Sáng.

9 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, họa sĩ Nguyễn Sáng mới cho ra đời tác phẩm “Kết nạp Đảng ở chiến hào Điện Biên Phủ”. Bức tranh đưa người xem hồi tưởng về không khí thiêng liêng, oai hùng nơi chiến trận ác liệt. Dường như hình ảnh chiến hào đã đi sâu vào cảm nhận của họa sĩ Nguyễn Sáng và ông chọn làm phông nền cho tác phẩm của mình.

Trong đường hào ngoằn ngoèo hình chữ chi ấy, họa sĩ Nguyễn Sáng thể hiện một tốp 8 chiến sĩ. Họ cũng không lành lặn hay đứng nghiêm trang trong một lễ kết nạp mà tất cả như đang ở trạng thái chuyển động. Sự chuyển động ấy càng nói lên tính chất cam go, vội vàng, căng thẳng của cuộc chiến tranh. Đó chưa phải là giờ phút yên bình để thực hiện khoảnh khắc thiêng liêng ấy. Thế mà giờ phút thiêng liêng lại nằm trong thời điểm vô cùng căng thẳng, có thể người chiến sĩ đã bị thương, được kết nạp và cũng có thể một thời khắc sau đó anh hi sinh. Cho nên hình tượng người chiến sĩ lại càng thuyết phục hơn, càng làm cho tính tráng ca, tính sử thi của tác phẩm mạnh lên rất nhiều.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến cho rằng: “Ngôn ngữ biểu đạt của họa sĩ Nguyễn Sáng bao giờ cũng vậy. Ông ấy gạn lọc tất cả những chi tiết làm cho hình tượng bé nhỏ, nâng được chi tiết ấy lên để hình tượng nhân vật trở nên vĩ đại. Ý định của họa sĩ Nguyễn Sáng là địa hình nén chặt, không gian nén chặt và tâm hồn các chiến sĩ cũng bị nén chặt, hồi hộp và đầy thử thách, đầy tâm tư, suy cảm”.

Nói về kĩ thuật sơn mài của họa sĩ Nguyễn Sáng, nhà nghiên cứu mỹ thuật Lê Quốc Bảo khẳng định: “Cái đẹp của tranh sơn mài Nguyễn Sáng là phẳng, trong, bóng và có độ sâu thăm thẳm của màu”. Màu sắc trong tranh đơn giản, chỉ gồm đỏ, trắng, vàng và một ít xanh lá cây với gam màu nóng làm chủ đạo. Tất cả đã được tác giả bố trí, sắp xếp một cách chặt chẽ, hài hòa, nhất là những mảng sáng, tối, trung gian. Dường như những chất liệu quen thuộc của tranh sơn mài như vàng, vỏ trứng - đầy sự kiêu sa, sang trọng được họa sĩ Nguyễn Sáng làm chìm xuống. Thay vào đó, màu nâu vàng của đất thân thuộc với chiến sĩ - những người lính nông dân cầm súng bảo vệ quê hương, đất nước được tôn lên. Với nghệ thuật bố cục và khả năng xử lý màu sắc, Nguyễn Sáng đã tạo cho tác phẩm “Kết nạp Đảng ở chiến hào Điện Biên Phủ” vừa đẹp vừa đậm chất sử thi và chất anh hùng ca.

Bức tranh “Kết nạp Đảng ở chiến hào Điện Biên Phủ” – một trong những Bảo vật Quốc gia về lĩnh vực hội họa.

Nhiều ý kiến cho rằng, với tác phẩm “Kết nạp Đảng ở chiến hào Điện Biên Phủ”, Nguyễn Sáng đã thể hiện chất Nam Bộ mạnh mẽ trong con người ông. Nguyễn Sáng vốn là một con người nghị lực, tính cách thẳng thắn, cương nghị. Tranh của ông rõ ràng, rành mạch phải chăng cũng đồng điệu và đúng với bản chất tâm hồn ông. Nếu không có cá tính Nam Bộ như Nguyễn Sáng thì có lẽ không bao giờ ông tạo ra được khuôn mặt người chiến sĩ dù bị thương nhưng vẫn cho người xem thấy được tất cả khí lực của con người Cộng sản, dám hi sinh vì một lý tưởng.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến cũng chính là người được chứng kiến sự ra đời của tác phẩm “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ”. Bà kể: Họa sĩ Nguyễn Sáng quê ở vùng Nam Bộ nhưng ông rất thành danh ở Hà Nội. Đã có lần ông nói “không có Hà Nội thì không có Nguyễn Sáng”. Cuộc đời và sự nghiệp của họa sĩ ở 3 thời điểm quan trọng nhất đều có những tác phẩm vĩ đại. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc năm 1954, họa sĩ đã có bức tranh sơn dầu “Giặc đốt làng tôi”.  Sau đó những năm tháng hòa bình ở miền Bắc, họa sĩ có ngay tác phẩm “Kết nạp Đảng ở chiến hào Điện Biên Phủ” (1963).  Năm 1978, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông có tác phẩm “Thanh niên thành đồng” – tranh sơn mài cỡ lớn. Ở những thời điểm lịch sử quan trọng của đất nước thì họa sĩ Nguyễn Sáng luôn có tác phẩm để đời. Hiếm có họa sĩ nào có cơ hội sáng tác, đặt tất cả niềm hi vọng vào sự nghiệp nghệ thuật lại hòa nhập với số phận đất nước như thế.

Khi được giao viết phản biện về bức tranh của họa sĩ Nguyễn Sáng, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến đã tìm hiểu kĩ các họa sĩ khác cũng có bức tranh về kết nạp Đảng. Ví dụ như họa sĩ Nguyễn Đức Nùng có bức “Kết nạp Đảng trong nhà tù”, họa sĩ Lê Quốc Lộc có tác phẩm sơn mài sáng tác năm 1982 - “Từ trong bóng tối”, một căn nhà đơn sơ và những người cộng sản nghiêm trang tuyên thệ dưới lá cờ  Tổ quốc. Nhưng theo bà, hình tượng các chiến sĩ trong một chiến hào chật hẹp ở Điện Biên Phủ trong thời khắc cam go giữa hai trận đánh vẫn là một tác phẩm sinh động, thuyết phục hàng triệu trái tim.

Một nữ tác giả nước ngoài khi ngắm nhìn bức tranh “Kết nạp Đảng ở chiến hào Điện Biên Phủ” đã thốt lên rằng: bà muốn đặt tên cho tác phẩm là “Những chiến binh Điện Biên Phủ”. Tình yêu và sự ngưỡng vọng ấy xin dành cho tác giả và cả những nhân vật chính trong bức tranh - những người chiến sĩ nhân dân. Tôi lại nhớ đến dòng chữ được người đời nhắc nhở, ghi ơn: “Vinh quang đời đời thuộc về các anh hùng liệt sĩ”. Tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Sáng là món quà ông để lại cho đời sau, mạnh mẽ và cô đọng nhất, với tất cả tấm lòng và sự trải nghiệm, hòa mình vào cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc.

Họa sĩ Nguyễn Sáng (1923-1988) sinh tại Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), đã có nhiều triển lãm trong và ngoài nước. Những tác phẩm tiêu biểu của ông như: “Giặc đốt làng tôi”, “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ”, “Thanh niên thành đồng”,... Ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật năm 1996. Ngày 30/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2599/QĐ-TTg về việc công nhận Bảo vật Quốc gia (đợt 2) cho bức tranh “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của họa sĩ Nguyễn Sáng.

Cảnh Vũ - Bảo Trân

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文