Khôi phục các điệu múa cung đình Huế
Sau năm 1945, những vũ khúc cung đình chuyên phục vụ cho vua chúa thất lạc và bị mai một dần theo thời gian. Những năm gần đây, những vũ khúc cung đình Huế xưa mới được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phục dựng… đưa ra phục vụ công chúng và khách du lịch.
Từ thời tiền Lê, múa hát đã xuất hiện ở chốn cung đình. Đến thời Lý, sự kiện Lý Thánh Tông trong cuộc Nam chinh đã đưa hàng trăm cung nữ giỏi múa hát khúc Tây Thiên về Thăng Long (1044), hình thành một phong cách múa mới của người Việt, đó là sự phối hợp nhuần nhuyễn của ca từ, vũ đạo và âm nhạc... Đến thời nhà Nguyễn ở Huế đã kế thừa các điệu múa cung đình của những triều đại trước và phát huy đến mức tinh tuý, trở thành một loại hình nghệ thuật hoàn thiện chốn cung vua, phủ chúa.
Theo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, thời nhà Nguyễn có 11 vũ khúc với lời hát hoàn toàn bằng chữ Hán thường được biểu diễn ở chốn cung đình, như: Bát giật, Lục cúng hoa đăng, Tam tinh chúc thọ, Bát tiên hiến thọ, Trình tường tập khánh, Song quang (Đấu chiến thắng Phật), Tứ linh, Nữ tướng xuất quân, Vũ phiến (múa quạt), Tam quốc-tây du, Lục triệt hoa mã đăng. Các vũ khúc này được trình diễn vào những ngày lễ sinh nhật của hoàng gia (hoàng thái hậu, hoàng thái phi, vua, thái tử…) hoặc vào Tết Nguyên đán, lễ kết hôn của hoàng tử, công chúa, các dịp tiếp đãi sứ thần ngoại quốc.
Sau khi nhà Nguyễn cáo chung, các nghệ nhân ở chốn cung đình người thì lui về sống ẩn dật ở các vùng quê, số ít về hoạt động tiếp tại các đoàn nghệ thuật ở Huế như đoàn Đồng Xuân Lâu, đoàn Ba Vũ. Xuất thân từ chốn dân gian, được tinh lọc bằng sự tài hoa của các nghệ nhân chốn cung đình, đến giai đoạn này, các vũ khúc cung đình lại quay về phục vụ chủ yếu trong các dịp lễ tế đình làng.
Phải cho đến năm 1994, sự ra đời của Nhà hát truyền thống cung đình Huế đã chính thức mở ra cơ hội phục hồi cho các điệu múa cung đình cổ. Và năm 2006, sự kiện Nhà hát truyền thống cung đình Huế và Đoàn Nghệ thuật truyền thống Huế sáp nhập thành Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế thêm một lần nữa tạo điều kiện cho sự hồi sinh của vũ khúc cung đình. Các điệu múa bị thất lạc dần dần được khôi phục và đưa vào biểu diễn thường xuyên hơn.
Múa cung đình "Lục cúng hoa đăng" tại trụ sở UNESCO. |
Theo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, việc phục dựng các điệu múa cung đình cổ thật sự là một thách thức lớn đối với những người làm công tác bảo tồn loại hình nghệ thuật này. Những nghệ nhân cuối cùng của triều Nguyễn không còn, tư liệu còn sót lại ít ỏi, riêng tư liệu về hình ảnh thì tuyệt nhiên không có. Thời gian lưu lạc ở chốn dân gian đã khiến các vũ điệu cung đình ít nhiều biến dạng. Nhưng công tác bảo tồn lại đòi hỏi sự chính xác từ âm nhạc, động tác cho đến trang phục.
Những người làm công tác nghiên cứu chỉ còn cách cố gắng từng bước đi tìm tư liệu ở các viện bảo tàng trong và ngoài nước; đồng thời, miệt mài đến từng vùng quê tham dự các buổi tế lễ, hỏi thăm các nghệ nhân cao tuổi, ghi chép, so sánh, đối chiếu để từ đó ghép thành một điệu múa hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, việc đi tìm các nghệ nhân vốn xuất thân từ cung vua, phủ chúa trước đây cũng được tiến hành. Và cuộc hội ngộ với nghệ nhân cuối cùng của triều Nguyễn, nghệ nhân La Cháu, đã đánh thêm một dấu ngoặc quan trọng trong công cuộc phục hồi các điệu múa cung đình cổ.
Nghệ nhân La Cháu tâm sự: "Tui cảm thấy rất tủi khi mình vẫn còn sống và nhìn nghiệp tổ ngày đang bị mai một dần mà không mần chi được". Cụ cùng con gái là Nghệ sĩ ưu tú La Cẩm Vân, con trai là nghệ nhân La Nguyên, đạo diễn La Hùng và cháu nội La Tuấn nhận trách nhiệm truyền đạt lại cho các diễn viên của Nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình Huế.
Cho đến nay, Nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình Huế đã phục hồi được 8 trong số 11 vũ khúc cung đình. Mỗi điệu múa được lập lại hồ sơ khoa học để làm tư liệu, đồng thời mời các nghệ nhân về dạy và giám sát dựa trên hồ sơ báo cáo. Đến nay các điệu múa Bát Giật, Tam quốc tây-du, Tam tinh chúc thọ, Tình trường tập khánh, Lục cúng hoa đăng… đã được lập hồ sơ khoa học phục hồi theo nguyên bản. Nếu như ngày xưa, các vũ khúc cung đình chỉ được diễn xướng ở chốn cung vua, phủ chúa thì ngày nay, nó được đưa ra biểu diễn rộng rãi cho dân chúng và khách du lịch cùng thưởng thức.
Những năm qua, từ dự án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế 1996-2010, công tác bảo tồn văn hóa phi vật thể được triển khai đồng bộ và mang lại hiệu quả thiết thực. Hơn 30 nhạc chương trong các lễ tế, 40 nhạc khúc được diễn tấu, gần 10 điệu múa cung đình được phục hồi. Đồng thời tổ chức được bốn lớp diễn viên với nhiều chương trình nhã nhạc, tuồng và múa cung đình…