Nhà văn Bảo Ninh:

Không nhà văn nào hài lòng với tác phẩm được chuyển thể thành phim

07:00 21/01/2008
Bảo Ninh từ chối trả lời phỏng vấn: "Kị nhất của nhà văn là nói nhiều mà viết ít, tớ có gì mới đâu". Nhưng tôi biết anh đang viết tiểu thuyết mới về chiến tranh. Và "Nỗi buồn chiến tranh" của anh được một đạo diễn người Mỹ viết kịch bản và đang xin phép cơ quan chức năng Việt Nam để làm phim trong năm 2008. Nên tôi đến để trò chuyện với Bảo Ninh về văn chương và những câu chuyện chiến tranh mà anh đã và đang viết…

Vậy là "Nỗi buồn chiến tranh" sẽ có một đời sống mới trên màn ảnh. Anh thấy thông tin này thế nào?

Các nhà làm phim Mỹ đã đưa cho tôi đọc kịch bản rồi và tôi đã đồng ý với họ. Thực ra "Nỗi buồn chiến tranh" khó làm phim lắm, vì tôi viết trở đi trở lại nên không dễ kể câu chuyện bằng hình ảnh. Tôi muốn đây là một bộ phim hoàn toàn Việt Nam, bối cảnh, ngôn ngữ Việt, chỉ có máy móc và đạo diễn là người Mỹ mà thôi. Tất nhiên, mọi chuyện mới chỉ bắt đầu và mới đang trình lên cơ quan có thẩm quyền. Tôi thấy kịch bản này cũng được.

Anh có thể tiết lộ về chuyện tác quyền?

Tiền ít thôi, nhưng nếu doanh thu lớn thì tôi sẽ được chia phần trăm, tôi chấp nhận "được ăn cả ngã về không". Tôi không bán đứt bản quyền.

Khán giả của điện ảnh luôn rộng hơn mức độ "phủ sóng" của điện ảnh, đặc biệt là điện ảnh Mỹ sẽ mang tính toàn cầu hơn. Nếu bộ phim không truyền tải được hết những vấn đề của tiểu thuyết, thậm chí người nước ngoài làm phim có thể nhìn vấn đề của chúng ta khác đi. Anh có lo ngại điều này?

Tôi thấy chẳng nhà văn nào cảm thấy hài lòng với những bộ phim chuyển thể tác phẩm của mình, chưa nói phim hay hoặc dở. Nhưng đó là hai chuyện khác nhau.

Anh có nghĩ mình nên tự chuyển thể tác phẩm của mình thành kịch bản? Vì anh đã từng tham gia viết kịch bản phim truyền hình rồi…

Không, kịch bản phim truyền hình là vì bạn bè muốn giúp cho mình có tiền tiêu, chứ tôi viết cũng chả thuận tay và tôi viết đạo diễn họ cũng không thích, đôi khi tác giả kịch bản và đạo diễn cũng không hài lòng nhau. Nhiều khi đạo diễn họ xóa hết của mình, mình cũng cáu lắm. Viết kịch bản phim kiếm nhiều tiền chứ, mình có nhiều bạn làm mảng ấy, nhưng tôi cũng chả viết được.

Xin quay trở lại "Nỗi buồn chiến tranh" một chút. Khi anh viết cuốn sách ấy, có khi nào anh nghĩ rằng hai chục năm sau mình vẫn phải ngồi để chỉ nói về những điều xung quanh nó?

Thì kể ra… Mình có viết được gì đâu, truyện ngắn cũng cũ rồi, không hay lắm, có mỗi cuốn sách ấy thôi. Nhà văn một cuốn bất hạnh lắm. Nên nhiều khi tôi bị tiếng là trốn tránh báo chí, nhưng nói mãi về "Nỗi buồn chiến tranh" thì... cũng rất buồn.

Vậy thì tôi sẽ không khai thác lại nỗi buồn của anh nữa. Và tôi chợt nghĩ, tại sao chúng ta không nói về những cái mà anh đang viết?

Tôi cũng đang cố viết một cuốn. Cuốn này nó giải quyết cho tôi nhiều chuyện về tâm lý. Lúc đi chơi mình cũng muốn quay về không thoải mái. Trong gia đình cũng thế, ăn cơm với vợ con mà mặt cứ đăm chiêu. Nên hạ quyết tâm 2008 viết cho xong cái cuốn này, để mà sống cho nó thoải mái. Cho nó hết nợ. Cuốn này cũng vẫn về chiến tranh thôi.

Tại sao lại phải là chiến tranh mà không phải là những ngày của hơn ba chục năm sau, những ngày chúng ta đang sống?

Thực ra chiến tranh là tuổi trẻ của tôi. Dù tôi cũng chỉ là Trung sĩ và có 6 năm ở chiến trường thôi. Nhưng tôi vẫn viết về nó. Nhiều người hỏi tôi sao không viết về ba chục năm qua, mình sống nhiều, nghĩ kỹ. Người ta nghĩ tôi bị ám ảnh chiến tranh. Nhưng chả phải, dù vết thương lòng thì thời gian cũng làm phai nhạt. Đó là cái mạch viết mà mình gắn bó. Phải có chiến tranh thì mình mới viết nổi.

Anh có nghĩ mình đang tự đứng vào một quyết định nghiệt ngã. Hai mươi năm cho 2 cuốn tiểu thuyết về chiến tranh. Người ta chờ đợi và hy vọng hai chục năm để rồi rất có thể bị thất vọng. Và nếu cuốn sau không hay bằng cuốn trước thì nghĩa là anh tự đặt dấu chấm hết cho văn nghiệp của mình?

Con người ai cũng vậy, mình chỉ làm được những gì thuận tay nhất, dù người khác có thấy lâu ngày cái việc đó anh làm xuống sức hay tuột dốc. Với tôi, đề tài chiến tranh tôi thấy vẫn là đề tài hấp dẫn.

Anh viết về chiến tranh và nhận được cả sự yêu mến và sự phê phán của bạn đọc từ đề tài này. Nhưng viết hoài về nó, anh có thấy buồn không?

Viết về chiến tranh nó có cái vui riêng. Ngày chiến tranh, một ngày bình yên mới là chuyện lạ. Trong nỗi đau chúng ta cũng có những niềm vui và đó là sự cân bằng của cuộc sống. Viết về chiến tranh nó có tính kịch của nó nên có cái dễ. Viết về ngày hôm nay khó vô cùng, nảy ra được cái gì là khó lắm. So với cánh nhà báo thì nhà văn trẻ thua xa. Họ đang vật vã đi tìm vị trí riêng.

Phải chăng cuộc sống của các nhà văn hiện nay đang quá bình lặng?

Ừ, có lẽ, thế nên nhiều nhà văn bị sa vào hình thức chủ nghĩa. Cái đó cũng không nên phê phán, chế nhạo quá. Những người lứa của tôi thì đã có con đường riêng, còn những nhà văn dưới 30 họ còn đang tìm đường, đừng chê họ quái gở.

Ngoài cuốn sách dang dở, anh có gì đặc biệt cho năm 2008?

Chả có gì. Truyện ngắn mòn rồi, chán rồi, truyện ngắn nên dành cho lớp trẻ, họ nên mài sắc bằng truyện ngắn trước khi đến với tiểu thuyết. Năm nay tôi cũng chả viết được báo Tết nhiều, phải làm cho Báo Văn nghệ trước, sếp tôi yêu cầu thế, nếu không viết báo nhà mà đi làm báo ngoài là bị kỷ luật. Mà viết Báo Văn nghệ thì phải viết kỹ hơn, mà nhuận bút chẳng đáng là bao…

Xin cảm ơn anh !

Toàn Nguyễn (thực hiện)

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文