"Ký ức Trường Sơn trong tôi"

10:32 03/05/2009
Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng khi hồi tưởng lại, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng vẫn cảm thấy như mình đang sống trong những ngày chiến tranh gian khổ và ác liệt nhưng sôi nổi của tuổi trẻ.

Những ngày này rất nhiều hoạt động đang chuẩn bị diễn ra để kỷ niệm 50 ngày mở đường Trường Sơn huyền thoại. Con đường nối liền hậu phương và tiền tuyến, con đường huyết mạch để toàn dân tộc đi đến ngày đại thắng mùa xuân 1975 đã đi vào lịch sử, và còn mãi trong ký ức của những con người đã một thời hào hoa ra trận.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng là một trong số rất ít những người cầm máy ảnh gắn bó lâu nhất với Trường Sơn: 9 năm 10 tháng. Ông cũng không nhớ mình đã chụp bao nhiêu bức ảnh về các vị tướng lĩnh, những người lính, những thanh niên xung phong ở Trường Sơn.

- Thưa nghệ sĩ Hoàng Kim Đáng, cuốn sách ảnh "Đường mòn Hồ Chí Minh trong chiến tranh" do ông làm chủ biên xuất bản bằng tiếng Việt và tiếng Anh, từng giành giải thưởng Sách đẹp của Hội Xuất bản năm vừa qua liệu đã khiến ông hài lòng vì trả được món nợ tinh thần với con đường Trường Sơn huyền thoại hay chưa?

- Nói là trả được món nợ tinh thần của một người cầm máy ảnh suốt gần 10 năm gắn bó với núi rừng Trường Sơn như tôi thì chắc chắn là chưa. Nếu không mất mát đi một số phim ảnh quý đã chụp thì tôi có thể làm được 3 cuốn sách ảnh về đường Trường Sơn trong chiến tranh. Với tôi, làm bao nhiêu công trình về đường Trường Sơn cũng không thể gọi là đủ. Vì tôi thấy mình còn mắc nợ những con người đã một thời sinh tử với con đường huyền thoại này rất nhiều.

- Vậy, ngoài những tấm ảnh đã cũ bởi thời gian nửa thế kỷ đã qua, những gì còn đọng lại trong ông cho đến ngày hôm nay?

- Như đã nói, đọng lại trong tôi chính là những con người, là tình người mà tôi không thể quên. Khi vào Trường Sơn, tôi chỉ là một người lính bình thường. Nhưng vì có chút kiến thức tự học và tình yêu đối với nhiếp ảnh mà tôi cầm máy. Nhờ vậy, tôi đã có vinh dự được đi cùng với nhiều tướng lĩnh, ghi lại những khoảnh khắc đẹp của họ ở nơi khốc liệt bom đạn của kẻ thù và cả những phút giây hết sức đời thường, giản dị. Tôi cũng được lắng nghe nhiều câu chuyện cuộc đời, chứng kiến những tình cảm đồng đội xúc động.

- Được đi cùng với nhiều tướng lĩnh, vậy những ai để lại trong ông những ấn tượng khó phai mờ nhất?

- Tôi nhớ nhất là Đại tá Đặng Tính, nguyên là Chính ủy Quân chủng Không quân. Ông rất đức độ, tài năng và tâm huyết. Ông làm thơ hay và yêu văn nghệ. Đặc biệt, ông cắt tóc rất đẹp. Đến đâu ông cũng cắt tóc cho anh em chiến sĩ. Vốn khiêm tốn, lại có ngoại hình ốm, xanh nên rất nhiều anh em chiến sĩ không hề biết mình đã được vị chính ủy cắt tóc cho. Đêm cuối cùng trước khi Đại tá Đặng Tính hy sinh, tôi chứng kiến ông nằm trên một mảnh áo mưa để ngắm trăng rừng Trường Sơn rất lãng mạn. Ông cũng trò chuyện là mỗi lần về nhà ít khi được ăn cơm cùng vợ nên cảm thấy rất có lỗi với vợ.

Tướng quân Phan Trọng Tuệ, Tư lệnh đầu tiên của đường Trường Sơn, tôi cũng có ấn tượng rất mạnh, mặc dù không có cơ hội gần gũi ông. Chỉ đôi lần ở những trọng điểm ác liệt, tôi nhìn thấy ông vóc dáng đẹp đẽ, phong thái đường hoàng và ông rất được những người lính công binh ca ngợi là con người hiền hậu, yêu thương anh em, đồng chí. Tuy nhiên, có nhiều nhân vật mà tôi tiếc rằng vì lý do chủ quan hay khách quan nào đó, tôi đã không chụp được những bức ảnh về họ những năm tháng ở Trường Sơn. Nhiều bức ảnh đẹp dù không chụp được nhưng vẫn sống trong tôi.

- Ông có thể tả lại những bức ảnh vẫn sống trong ký ức Trường Sơn của mình?

- Chẳng hạn một hôm tôi đứng ở trọng điểm ATP, bom đạn của địch giội không lúc nào ngớt. Giữa trưa, nắng ở bên này và mưa ở bên kia Trường Sơn. Cảnh đẹp đến mức tôi hào hứng cầm máy vì nghĩ mình đã chụp được hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: "Trường Sơn Đông nắng Tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa rõ mình". Nhưng tối về mở phim ra thì thấy  phim không chạy, tiếc ngơ ngẩn. Rồi có hôm chụp ảnh đại hội mừng công, tôi lại lắp nhầm phim chụp rồi vào máy ảnh, chụp đè lên ảnh cũ, về hỏng hết.

Lần khác đi qua túi nước Xiêng Phan, thấy bộ đội nữ đang chuyển hàng. Máy bay địch đến bất ngờ, chúng ném bom phát quang. Nhiều chiến sĩ nữ hy sinh. Một số người còn sống thì áo quần cháy sém phải chui xuống hầm. Các đơn vị bộ đội đi qua đều cởi quần dài để "tiếp viện" cho chị em dưới hầm. Nhưng các chị lại không có áo mặc. Thế mà các chị vẫn tiếp tục công việc chuyển hàng cho kịp ra tiền tuyến. Nhìn cảnh ấy nhiều người rơi nước mắt vì xúc động. Tôi tiếc là khi đó không mang theo máy ảnh bên mình để chụp lại những bức ảnh tràn đầy tinh thần quả cảm của những người nữ thanh niên xung phong Trường Sơn.

Một lần khác tôi đi qua cánh rừng Lào nắng hè oi ả. Hàng vạn con ve sầu kêu inh ỏi trong các lùm cây. Một đại đội chiến sĩ nữ đóng quân ở đó. Họ chỉ làm một việc là ngày ngày khiêng hòn đá rất to chặn vào con suối xóa dấu vết các đoàn xe và bộ đội hành quân qua để tránh bị máy bay địch phát hiện. Tôi ngắm nhìn các cô gái nơi thăm thẳm núi rừng và xót xa nghĩ, nếu họ ở hậu phương, có thể giờ này họ đã có chồng, có con, có cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc. Nhưng họ đã có mặt ở Trường Sơn và hy sinh âm thầm trong cánh rừng này. Tôi đã không chụp được bức ảnh nào về những hy sinh thầm lặng của họ. Sau này tôi biết rất nhiều người trong số họ đã không thể có một gia đình. Một vài người tìm đến cửa Phật và trở thành nhà tu hành.

- Theo ông những bức ảnh và những thước phim tư liệu còn lại đến hôm nay đã đủ để khắc họa tầm vóc của đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh chống Mỹ chưa?

- Tôi nghĩ là chưa. Ở đây không nói đến chuyện số lượng ảnh và phim tư liệu ít hay nhiều. Vấn đề là nhãn quan của người quay phim, chụp ảnh về Trường Sơn vẫn nghiêng về tả chân, tả thực nên những tư liệu có được phần lớn là giống nhau, nghèo nàn về ý tưởng, chưa nêu bật được tầm vóc xứng đáng của con đường huyết mạch có vai trò quyết định đối với thắng lợi cuối cùng của dân tộc. Điều quan trọng là phải dựng được chân dung của con đường, và hơn thế là chân dung của cả một thời đại.

- Từ khi giải phóng tới nay, ông đã quay trở lại Trường Sơn bao nhiêu lần?

- Tôi trở lại Trường Sơn rất nhiều lần, không thể nhớ hết. Mỗi lần trở lại dấu vết chiến tranh đã xóa mờ thêm một chút. Cây đã lại mọc xanh trên miệng các hố bom. Chỉ còn lại những ký ức dội về khi xem lại các bức ảnh. Rất nhiều nhân vật trong ảnh của tôi đã nằm lại trên các ngả đường Trường Sơn. Và cũng rất nhiều người nay đã trở thành các vị tướng lĩnh.

- Xin cảm ơn nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng!

Vũ Quỳnh Trang (thực hiện)

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

Nhà đầu tư cho rằng do địa phương chưa được Thủ tướng phê duyệt dự án này vào trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; trong khi chính quyền thì báo cáo do nhà đầu tư chưa hoàn thành thủ tục bổ sung mục tiêu hoạt động kinh doanh đặt cược đua chó. Do vậy, từ năm 2016 đến nay, trường đua chó trị giá 300 tỷ vẫn phơi sương cùng tuế nguyệt.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文