Lễ hội chùa Dâu (Thuận Thành - Bắc Ninh): Vẫn giữ được hồn cốt của một lễ hội truyền thống
Cũng như hàng năm, vào ngày mùng 8/4 âm lịch (tức 12/5/2008), hội chùa Dâu lại được tổ chức tại 3 xã Thanh Khương, Hà Mãn và Chí Quả (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). Đây là lễ hội được coi là cổ nhất còn tồn tại đến ngày nay.
Chùa Dâu, được xây dựng ở cổ thành Luy Lâu từ thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên, là ngôi chùa cổ nhất và là nơi khởi nguồn của đạo Phật Việt Nam, nên lễ hội chùa Dâu thu hút rất đông phật tử, khách thập phương cũng như nhân dân địa phương tham dự.
Theo ông Nguyễn Văn Tế - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Thanh Khương, trưởng tiểu ban tổ chức lễ hội, ước chừng có khoảng 40.000 lượt khách đến với lễ hội hàng năm. Người dân địa phương cho biết, chùa Dâu và 4 ngôi chùa thờ Tứ pháp tại vùng này đều rất linh thiêng. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày lễ hội thể nào trời cũng mưa, bởi theo truyền thuyết, mẫu Man Nương đã dùng cây gậy của mình cứu người dân trong vùng thoát khỏi hạn hán.
Một điều đáng tiếc là phần "lễ" của hội chùa Dâu đang ngày càng mai một. Theo ban tổ chức, do không gian lễ hội chật hẹp các trò chơi dân gian không thể tổ chức được. Trong suốt cả 3 ngày, chỉ có hội cờ (đã được tổ chức trước hội chính) và hát quan họ là còn mang nét truyền thống. Còn lại là cảnh tấp nập của những gian hàng buôn bán đồ ăn, đồ lưu niệm, vui chơi trúng thưởng và cả cờ bạc trá hình.
Phần đặc sắc nhất của lễ hội - được người dân chờ đợi nhất là lễ rước cũng đã không thể thực hiện được đã 10 năm nay (kể từ năm 1998) do xảy ra tranh chấp bà Đậu (tức Pháp Vũ) giữa 2 thôn Đại Tự và Đông Cốc. Hiện nay, chính quyền và người dân địa phương đều có nguyện vọng việc tranh chấp này sớm được giải quyết, để lễ hội sớm có lại được không khí xưa kia