NSND Như Quỳnh trong phim ‘Người trở về’ chiếu vào dịp Quốc khánh 2/9:

Lòng nhân ái giúp người lính vượt qua nghịch cảnh

12:02 09/08/2015
Ngày 7/8, Điện ảnh Quân đội chính thức ra mắt bộ phim “Người trở về” sẽ được trình chiếu vào dịp Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9/2015. Đây là bộ phim thứ 2 của sự hợp tác giữa nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền và nhà văn Sương Nguyệt Minh. Ngoài các diễn viên Lã Thanh Huyền, Phạm Tiến Lộc, Trương Minh Quốc Thái, phim có sự tham gia của NSND Như Quỳnh với vai bà mẹ San – một phụ nữ hậu chiến điển hình.

Nhân dịp này, PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện cùng NSND Như Quỳnh về bộ phim:

+ Chị là một nghệ sĩ tên tuổi, gắn với nhiều vai chính danh giá. Nhưng nhân vật của chị trong phim này chỉ là vai nhỏ. Chị đã đón nhận với tâm thế như thế nào so với các vai từng đảm nhận trước đây?

NSND Như Quỳnh: Càng những nhân vật ít xuất hiện trong các phân đoạn, những nhân vật ít lời thoại, nhân vật chỉ có từng đoạn và mỗi đoạn mang một thông điệp cho bộ phim, càng là những nhân vật cực khó thể hiện, chứ không phải những nhân vật xâu chuỗi từ đầu đến đuôi mới khó. Theo tôi nghĩ, đạo diễn luôn nhờ đến những diễn viên có nghề, nhiều kinh nghiệm, để chuyển tải những nhân vật như vậy. Đó là những nhân vật không được phép nói câu chuyện từ đầu đến đuôi, mà chỉ là từng mảng, từng mảng, đòi hỏi diễn viên phải gắn kết được với các nhân vật chính, bật lên được màu sắc và thông điệp của bộ phim.

Cảnh trong phim “Người trở về”.

+ Với uy tín của mình, chị từng làm việc với các đạo diễn danh tiếng trong nước và quốc tế. Chị cảm nhận thế nào về cách làm việc của đạo diễn trẻ qua phim này?

NSND Như Quỳnh: Trước đây, tôi đã làm nhiều phim với các đạo diễn trẻ ở mảng phim truyền hình, cũng từng làm với Đặng Thái Huyền qua phim truyền hình “Tấm bản đồ số phận”. Còn đây là phim truyện nhựa, đề tài về hậu chiến. Tôi đã làm nhiều phim về người đàn bà hậu chiến, nên cũng là điều may mắn. Phim này dù chỉ là vai rất nhỏ, nhưng lại mang màu sắc rất đặc biệt của những người đàn bà sau chiến tranh phải hứng chịu số phận đau đớn, con cái và gia đình không yên ổn bởi sự mất mát. Tôi nghĩ, tôi có thể đóng góp, hỗ trợ và trao đổi với đạo diễn trẻ về những màu sắc tâm lý, hành động của người đàn bà hậu chiến theo cảm nghĩ của mình. Đó là thuận lợi cho cả tôi và đạo diễn.

+ Chị là một diễn viên đặc biệt cẩn trọng với nghề. Đạo diễn Đặng Thái Huyền là một đạo diễn cá tính. Sự hợp tác giữa hai người ra sao, thưa chị?

NSND Như Quỳnh: Với những người có kinh nghiệm và làm nghề lâu năm như tôi, được hợp tác với Huyền, đạo diễn có tính cách mạnh, bộc lộ rõ ràng thì trong công việc tạo được sự tương quan rất tốt. Còn với các diễn viên trẻ, tính cách đó có thể lại là một rào cản. Nếu không đủ sức thuyết phục một cách mềm mại, nhỏ nhẹ, trình bày suy nghĩ của đạo diễn đến từng diễn viên một cách sâu sắc, cũng sẽ không thuận lợi lắm với các bạn trẻ. Nhưng trong phim này, Lã Thanh Huyền, Phạm Tiến Lộc, Trương Minh Quốc Thái đều là những người đóng phim nhiều, có kinh nghiệm trong diễn xuất. Hơn nữa, Huyền là người làm việc có sự chuẩn bị kỹ càng nên đã đưa kịch bản cho diễn viên đọc sớm để thấm, hiểu và tìm tòi, sáng tạo phong cách diễn, nên đến khi làm việc đã bớt được những tranh luận giữa đạo diễn với diễn viên.

+ Nhân vật Mây trong truyện của Sương Nguyệt Minh là một số phận tột cùng đau khổ. Nhưng đạo diễn vì thương nhân vật mà bỏ bớt chi tiết chị bị thọt chân khi từ chiến trường trở về. Song, giá như nỗi đau được đẩy đến tận cùng, thì giá trị tố cáo chiến tranh càng lớn như nhà văn Sương Nguyệt Minh muốn nói, phải không chị?

NSND Như Quỳnh: Cô Mây trong phim có thể ngoại hình trọn vẹn nhưng tâm hồn đã bị thương tổn nặng nề, như vết thương ở bụng khiến cô không thể làm mẹ được nữa. Điều đó cũng đủ nói lên sự mất mát lớn của cô. Phim là yếu tố hình ảnh quan trọng, nên nếu đưa một nhân vật nữ quá sa sút cả về tâm hồn lẫn ngoại hình thì tôi nghĩ, có vẻ thiếu tính nhân bản, nên đạo diễn muốn để nhân vật đó ngoại hình không bị sao khi trở về. Nhiều người hiểu một cách đơn giản là khi chuyển truyện sang điện ảnh thì phải giống thế hoặc tương đồng. Nhưng điện ảnh là một sáng tác mới, hoàn toàn thuộc cá nhân của người đạo diễn. Tác giả truyện dù có muốn nhân vật của tôi nó phải như trong câu chuyện tôi viết, nhưng đạo diễn lại muốn nhân vật của tôi thế này cơ, bởi mỗi một mảng là một sự sáng tạo khác nhau.

+ Khán giả xem phim chiến tranh của thế hệ đạo diễn trước đây thích hơn phim của những đạo diễn trẻ, dù phim ngày nay được đầu tư rất nhiều tiền?

NSND Như Quỳnh: Đó là điều đương nhiên. Vì những đạo diễn lớn tuổi từng làm phim chiến tranh đều là những cây đa cây đề trong điện ảnh. Họ đã trải qua chiến đấu, hoặc có kinh nghiệm va đập trong các trận chiến, thì làm về chiến tranh sẽ dễ dàng hơn. Nhưng các đạo diễn trẻ lại có vũ khí lợi hại là sự mạnh mẽ, quyết đoán, làm về chiến tranh theo cách của người trẻ. Điều đó cũng làm nên sự phong phú trong nghệ thuật. Các đạo diễn trẻ làm về chiến tranh còn có sự hậu thuẫn của ekip làm phim: quay phim, họa sĩ thiết kế, đặc biệt là diễn viên hiểu về chiến tranh, tiếp xúc với những nhân vật về chiến tranh, là chất xúc tác để đạo diễn có thể làm tốt công việc của mình, để màu sắc chiến tranh phim của họ thuyết phục được người xem. Tôi vẫn quan niệm, làm phim chiến tranh là quá khó, vì mình chỉ thấy được những quả nổ ở những cảnh lớn cảnh rộng, còn cảnh trung, cảnh thật bị mất đi vì khuôn hình sạch sẽ, không còn màu sắc chiến tranh ở đó nữa. Hy vọng “Người trở về” sẽ đạt được sự chân thật về chiến tranh.

+ Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Sau những năm tháng lăn lộn ở chiến trường, Mây trở về làng mà không biết rằng, gia đình đã nhận giấy báo tử của cô một năm trước. Trớ trêu thay, cô đầy háo hức được gặp người yêu thì lại trở về đúng ngày cưới của San. Không muốn gây khó xử cho San khi hai nhà chỉ cách hàng rào tre, Mây bỏ ra bến đò sống với những ám ảnh tình đầu. Về sau, người lính mà Mây đã cứu sống trở về tìm cô. Nhưng khi cô quyết định lấy Quang, lại là lúc cô phát hiện ra mình không còn khả năng làm mẹ… Chiến tranh không chỉ để lại những vết thương thể xác cho người lính, mà còn làm thay đổi số phận, gây ra những trái ngang cho cuộc đời họ cả khi chiến tranh đã kết thúc và chỉ có lòng nhân ái giúp họ vượt qua nghịch cảnh, chính là thông điệp của bộ phim.

Thanh Hằng

* Báo CAND đoạt 2 giải A, 2 giải B Giải Búa Liềm Vàng trong CAND

Chiều 25/12, tại Hội nghị tổng kết công tác đảng năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025 trong Đảng bộ Công an Trung ương, Bộ Công an đã trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa Liềm Vàng) trong CAND và Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong CAND năm 2024.

Ngày 25/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2). Sang ngày xét xử thứ hai, Hội đồng xét xử dành thời gian cho các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo tranh luận với đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Sáng mai (26/12), TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) về việc xin giảm nhẹ hình phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文