“Ma làng” và thi sĩ bạc mệnh

18:33 07/11/2007

Sẽ không có những dòng viết này nếu như Ngô Đăng Khoa, vị thi sĩ tôi gọi là bạc mệnh khi anh từ giã cõi đời ở cái tuổi 55, không còn trẻ nhưng chưa hẳn già với sự khắc nghiệt tận cùng của số phận. Không thể không cầm bút viết ít dòng tri ân về anh, bởi nếu không có anh thì có lẽ “Ma làng” chưa thể ra đời được.
>> Sẽ có Ma làng 2 nếu...

“Ma làng” là cái gì, tại sao nó lại liên quan đến một nhà thơ bạc mệnh? Xin thưa “Ma làng” tức là bộ phim 19 tập về nông thôn miền núi vừa phát sóng trên VTV1 được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn đất Tuyên Quang  Trịnh Thanh Phong mà tôi là đồng biên kịch với đạo diễn Nguyễn Hữu Phần.

***

Ui dào, tưởng gì, cái món phim truyền hình ở xứ ta có gì đáng bàn mà phải thi sĩ với bạc mệnh gắn vào, rách việc. Sẽ có những người không ưa phim nói thế, cũng chẳng sai.

Lằng nhằng quá thể, nhưng sự đời nó là vậy thì phải nói vậy, cái anh thi sĩ bạc mệnh kia chưa đọc một dòng kịch bản, cũng không xem một phút phim nào (anh mất vì căn bệnh ung thư trước khi phim phát sóng chừng 3 tháng) nói không quá lại chính là nguồn căn, nguyên cớ để hơn trăm trang tiểu thuyết chuyển thành kịch bản của bộ phim không dám nói hay nhưng ít nhiều cũng tạo được sức hút dư luận.

Cuộc đời có những gặp gỡ hết sức lạ lùng, tình cờ ngẫu nhiên nhưng lại in hệt như một sắp xếp tiền định. Cái sự gặp của tôi và Ngô Đăng Khoa cũng vậy. Bây giờ khi mọi chuyện xong xuôi, phim đã phát sóng hết và ông cũng đã phiêu diêu ở một nơi nào đó rất xa, ngẫm lại tôi mới giật mình để nhận ra rằng sự ra đời của “Ma làng” kỳ lạ lại được quyết định ở chính cái sự gặp vô tình này. Âu cũng là số phận.

Cuối năm 2005, tôi lên Tuyên Quang dự đám cưới con trai nhà văn Trịnh Thanh Phong, tác giả cuốn tiểu thuyết “Ma làng”. Đây là cuốn sách được in từ năm 2001. Vốn là một cuốn sách khá hay viết rất mạnh tay về những vấn đề nông thôn miền núi trước thời kỳ khoán 10 bằng một thứ giọng đặc biệt sắc sảo đầy trào lộng có sức công phá mạnh với những nhân vật vô cùng ấn tượng về tính cách.

Cũng phải nói thật, cuốn sách không có tiếng vang vì có lẽ tác giả cũng như nhiều nhà văn tỉnh lẻ khác luôn chịu thiệt thòi về xuất bản cũng như quảng bá. Tôi đọc thấy giật mình vì những vấn đề đặt ra trong đó. Diện mạo nhân vật với ngôn ngữ miền núi sống động luôn ám ảnh tôi.

Nhưng cũng thời điểm ấy tôi cùng nhà văn Khuất Quang Thụy viết kịch bản “Đất và người” chuyển thể từ tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của nhà văn Nguyễn Khắc Trường với những vấn đề tương tự về nông thôn nên chưa thể triển khai chuyển thể được.

Tôi luôn ấp ủ một ngày nào đó sẽ chuyển “Ma làng” thành phim nhưng cứ lần lữa mãi vì lý do trên một phần, phần khác vì quy mô phim “Ma làng” với bối cảnh miền núi cũng phải có thời gian chuẩn bị kỹ càng. Lại nói chuyện đám cưới. Vào thời điểm ấy tôi vừa phát hiện bị bệnh hiểm nghèo nên buộc phải kiêng ruợu.

Trong đám thực khách có một số nhà văn từ Hà Nội lên, chén chú chén anh với đám nhà văn Tuyên Quang và Hà Giang xuôi về. Đừng nói đám cưới, bất cứ cuộc hội ngộ nào kiểu này thì cánh nghệ sĩ bốn mùa kia bao giờ cũng vui vẻ tung trời.

Tôi biết thân, biết phận, ngồi dạt ra nép vào góc, cũng vờ vẫn nâng ly cụng chan chát nhưng tiệt không dám dốc vào cuống họng giọt nào. Dối trá cũng được, có thân thì tự thương lấy mình, cứ thế tôi tránh ruợu như tránh đòn thù, thoát được ly nào khấp khởi mừng như bắt được của ly ấy. Đám văn sĩ thực khách mải la đà cũng dần quên bản mặt cái thằng tôi ở mâm tiệc.

Thêm nữa, ông nhà văn Trung Trung Đỉnh đi từ Hà Nội, một tiền bối của làng ruợu văn chương, là thầy văn kiêm thầy rượu của tôi, cũng động lòng trắc ẩn nên thi thoảng lúc nâng ly lại nhắc mọi người: “Quên cái thằng Tiến tham sống, sợ chết ấy đi. Bây giờ nó là đàn bà!”.

Tiếng cười cợt của dân rượu lại làm thằng tôi khoái trá. Vâng, kính các bác, sống thì ai chả ham, hèn cũng được, đàn bà càng tốt, miễn là các bác tha cho em, nhất là bác “tửu”, chai lớn, chai bé, can nhỏ, can to em đánh đu hầu hạ bác mấy chục năm nay rồi, hết vào Nam ra Bắc, miền xuôi, mạn ngược, biển cả, núi cao, rừng sâu, đất Tây, đất Ta đủ cả, giờ thì bác cứ việc khinh em, tránh em đi cho em còn có cơ sống. Nhưng rồi khắc tinh rượu của tôi xuất hiện. Đó chính là Ngô Đăng Khoa.

Bữa tiệc gần tàn, một người vừa phải không cao không thấp, không béo không gầy, ngoài năm chục tuổi, nom khắc khổ, quần áo xoàng xĩnh đơn giản, mặt mũi tưng bừng đỏ lựng từ rãnh dọc rãnh ngang nhất là cái mũi đỏ tía lừ đừ tiến vào.

Đi đến đâu anh ta cũng bắt tay, cụng chén ngửa cổ quật tơi bời hết chén này đến chén khác. Tôi rùng mình vì khiếp sợ.

Lúc ấy đột nhiên trong tôi liên tưởng đến Triệu Tử Long thời Tam Quốc bên Tàu một mình ẵm ấu chúa xông xáo giữa vòng vây trùng điệp chém tướng, đâm quân cứu chúa. Tiếng ai đó ở mâm của tôi reo lên: “Ngô Đăng Khoa”. Tôi hoàn toàn không biết tẹo nào về nhân vật này.

Cũng phải đến mươi lăm phút tính từ lúc vào, anh ta mới đến được chỗ chúng tôi ngồi. Trịnh Thanh Phong giới thiệu. Chưa kịp nghe hết Khoa đã ríu rít: “Bận quá, bận quá. Nhưng không sao vẫn còn đến kịp”.

Rồi Khoa lôi từ túi quần ra một nắm tiền không nhỏ dúi vào tay chủ nhà: “Em không kịp chuẩn bị, thôi thầy miễn cho em cái khoản phong bì”. Trịnh Thanh Phong quắc mắt: “Cất đi. Không tiền nong gì hết, chú làm thế là tôi không chơi nữa”.

Anh ta cười hà hà cất tiền như không có chuyện gì: “Thầy mắng thì em thôi, để em mừng cháu sau vậy”.

Dường như quên ngay chuyện ấy, Khoa bập vào Trung Trung Đỉnh bằng một ly sóng sánh: “Để em chào bàn nhà văn Trung ương”. “Chát!”. Tôi nghe rõ âm thanh của sành sứ và vội quay mặt để tránh nhưng không được, anh ta gí ly ruợu sát sạt mặt tôi: “Nhà văn Trung ương này chắc ít tuổi hơn tôi, không được khinh nhau thế”.

Tôi dở mếu dở cười. Trung Trung Đỉnh có ý bênh: “Thằng Tiến ốm, không uống được đâu”.

Lời qua tiếng lại, lằng nhằng một lúc nói thế nào cũng không được, cứ co kéo mãi anh ta kiên quyết không chịu buông tha tôi. Bằng kinh nghiệm “trận mạc” mấy chục năm nâng lên, đặt xuống tôi biết tỏng ông nhà thơ này đã khướt khườn khượt nên mới hung hăng thế. Tôi cố gắng kiềm chế và vẫn một mực từ chối.

Nhưng không ngờ anh ta buông một câu hết sức phũ phàng: “Không uống! Nhìn bản mặt kìa, ông giả vờ giỏi lắm, Trung ương mà kém thế à, không được, không được!”.

Trời cao đất dày, thực tình cách xuất hiện của anh ta khiến tôi không mấy thiện cảm, thêm nữa lời giới thiệu về cái công ty gì gì đó mà Khoa là giám đốc khiến tôi càng khó chịu.

Lại thêm một đại gia cậy tiền chơi thơ phú đây. Được, đã sàng sỗ đến mức ấy thì chơi. Tôi biết thừa chỉ vài ba chén nữa là ông đại gia này sẽ đổ kềnh đổ càng. Chút tự ái dâng lên khiến công lao chịu đựng từ đầu thành dã tràng, tôi sẵng giọng thách đố.

Liền tù tì dăm chén, tôi tỉnh queo hả hê nhìn điệu bộ của một tửu đồ đã đến cữ cuối cùng, thân xác lảo đảo, lưỡi ríu, giọng khê. Khoa gần như đổ vật vào người tôi, tay quàng, tay quờ từ đỉnh đầu tôi xuống mặt: “Hay... hay lắm... tối nay tôi mời ông và anh Đỉnh ngủ... ngủ...”.

Khốn khổ thân tôi, đã chay tịnh thì thoát, đằng này tự mình đâm đầu vào lọng. Đám bạn uống ào ào tấp chén, tôi có hơi men bèn hăng tiết nghe rần rật máu chuyển trong người bèn bất chấp uống như người chết khát. Ồn ã quăng quật tơi bời rồi thì bữa tiệc cũng tàn.

Ngô Đăng Khoa mất hút từ lúc nào quên béng lời mời... ngủ. Tôi cũng chẳng hiểu lời mời ngủ ấy là thế nào. Đầu óc váng vất, tôi lèo nhèo vài câu về vị khắc tinh không mấy cảm tình kia rồi cũng chết vật.

Sáng hôm sau, Ngô Đăng Khoa mò đến khách sạn tôi và Trung Trung Đỉnh ở từ sáng sớm. Một con người khác hẳn xuất hiện trước mặt tôi. Quần áo có phần chải chuốt hơn, giọng nói vẫn bỡn cợt nhưng nhỏ nhẹ.

Anh xin lỗi vì tối qua say quá không còn biết trời đất gì nên không thu xếp được chỗ nghỉ cho chúng tôi. Trung Trung Đỉnh gạt đi nhưng Khoa một mực đòi thanh toán tiền nghỉ theo lời mời.

Kế đó, anh rủ chúng tôi đi nhậu lòng lợn tiết canh. Lại nhậu. Tôi từ chối nhưng anh nói chả mấy khi được gặp nhau. Các ông không biết tôi chứ thằng Khoa này xưa nay từ nghèo đến giàu lúc nào cũng vẫn là Khoa, chân thành, mộc mạc, hết mực vì bạn vì bè.

Các diễn viên trong phim Ma Làng.

Cứ xưng xưng như vậy hàng tràng. Thái độ của Khoa cùng với sự thân mật của bạn bè xứ Tuyên với anh khiến tôi dịu đi, vẫn là cảm giác dặt dè không mấy tin tưởng nhưng đã không còn khó chịu.

Trong bữa ăn sáng ngắn ngủi, Khoa vẫn kịp ép mọi người uống hơn một chai cối ruợu... mật lợn. Lần đầu tiên tôi chứng kiến mọi người uống thứ rượu quái dị này.

Vẫn là Khoa bông phèng về tác dụng của mật. Và tất nhiên như mọi nhà thơ khác, anh kịp đọc lấy vài bài thơ ruột của mình. Một thói quen không biết là đáng yêu hay đáng ghét của tất tật các nhà thơ.

Tôi gặp Ngô Đăng Khoa lần đầu như vậy. Anh có đưa tấm cạc với lời mời hôm nào đó đến công ty anh chơi. Lời mời có vẻ thành thật. Dù vậy tôi vẫn chỉ coi đó là sự xã giao. Tuy nhiên, có một chi tiết khiến tôi sau đó thay đổi cách nhìn nhận về con người mang danh đại gia này. Anh tặng tôi tập thơ đánh máy đang chuẩn bị in. Một tập thơ hay đến không ngờ. Chuyện đó nói sau.

Quãng giữa năm hai lẻ sáu, tôi có ý định mang “Ma làng” ra chuyển nhưng cũng chưa biết chọn đạo diễn nào. Một hôm, nhân lúc rỗi rãi tào lao ở cơ quan, tôi đột nhiên cao hứng kể về tiểu thuyết “Ma làng” với đạo diễn Nguyễn Hữu Phần.

Vị đạo diễn này trước đây từng làm đồng đạo diễn phim “Đất và người” rất khoái đề tài nông thôn dù anh là dân thành thị thứ thiệt trăm phần trăm. Anh Phần đã cao tuổi nhưng vẫn khỏe và khá nhanh nhẹn, tác phong cũng như sự nhiệt tình, đám đạo diễn thanh niên còn mướt mới theo kịp.

Nghe kể, vị đạo diễn có vẻ hứng khởi nhưng vẫn lạnh lùng đầy nghi vấn: “Sao tôi không nghe gì về tiểu thuyết này. Hay thì nó phải nổi tiếng chứ. Thôi được, ông cứ đưa đây ngó thử. Để xem thế nào”.

Điện ảnh, truyền hình là một nghề tuy là sáng tạo tập thể nhưng vai trò đạo diễn ở bậc thứ nhất nên nói chung các đạo diễn ở ta luôn thấy mình quan trọng và không ít người tự dành cho mình cái quyền lệnh khệnh ít khi chịu ai.

Không ngờ khi đọc xong “Ma làng” Nguyễn Hữu Phần khoái quá khen nức, khen nở. Ông bập vào ngay quyết định sẽ làm phim “Ma làng”. Hơn thế ông còn làm cái việc thổi bùng ngọn lửa đam mê vào các thành phần trong êkíp của ông.

Rất nhanh, từ quay phim, họa sĩ đến các thành phần khác đều tỏ ra thích thú. Tất nhiên tôi không bỏ lỡ dịp may này để thỏa ấp ủ bấy nay. Cũng lạ, xưa nay chẳng hề có chuyện kịch bản chưa có nhưng mọi người đã hào hứng quyết tâm làm. Khỏi bàn, đoàn phim phi ngay lên Tuyên Quang.

Gọi đoàn phim cho oách chứ thực ra ngoài họa sĩ, quay phim đi thị sát bối cảnh, đạo diễn và tôi còn có một nhiệm vụ nặng nề phải tìm được nơi ăn chốn ở cho cả đoàn mấy chục con người mới hòng bàn được đến chuyện làm phim. Nhân chuyện này cũng xin nói thêm, với kinh phí hiện cấp thì có tài thánh cũng không thể làm được phim ở nơi cách xa nhà hàng trăm cây số.

Tất nhiên bây giờ đã có chủ trương xã hội hóa nên đoàn phim có thể trông đợi vào tài trợ nhưng chết nỗi “Ma làng” nội dung tái hiện lại cuộc sống nông thôn miền núi những năm 80 thì chịu chết không có một ai lại chịu mất chi phí khi chẳng trông đợi gì được vào việc cài cắm sản phẩm cũng như thương hiệu trong phim, dẫu chỉ là chai nước khoáng nhỏ nhoi nhất cũng không phù hợp.

Bối cảnh Tuyên Quang tuyệt vời cho phim vì đây là vùng quê tác giả đề cập trong tiểu thuyết. Nhưng rồi niềm hứng khởi nhanh chóng chuyển thành thất vọng tràn trề. Bàn đi tính lại chán chê mê mỏi, mọi người quyết định bỏ cuộc, không thể có cách nào để phim thực hiện được ở Tuyên Quang.

Lý do giản đơn thôi cũng chỉ là kinh phí, giá kể lo được ít phòng ngủ thì còn dám sân siu từ khoản nọ sang khoản kia để khả dĩ cầm cự được mấy tháng ở hiện trường. Khỏi nói tôi chán đến mức nào.

Đúng lúc bi đát nhất, chợt nhà văn Trịnh Thanh Phong vớt vát bằng sáng kiến hay là ta quay ở Hà Giang, có thể nhờ được một người bạn làm thơ.

Ngô Đăng Khoa, vụt loé trong tôi cái con người thực lòng tôi không mấy khi nhớ đến dù đã đọc và rất thích thơ anh. Một cú điện thoại được tác giả tiểu thuyết “Ma làng” phóng đi, lập tức có sự hồi đáp. Ngô Đăng Khoa nhận lời giúp đoàn phim.

Khu suối khoáng nước nóng nằm trong khuôn viên Công ty Dịch vụ Du lịch suối khoáng Thanh Hà (Vị Xuyên, Hà Giang) nơi Ngô Đăng Khoa dự kiến cho đoàn phim trú ngụ miễn phí trong suốt quá trình làm phim thực chất là một khu nghỉ đầy đủ tiện nghi như khách sạn. Không thể lý tưởng hơn cho một đoàn phim quen sống dã chiến.

Chúng tôi mừng rỡ vì sự giúp đỡ bất ngờ đầy hào hiệp này. Thì ra, Khoa từ lâu đã mê mẩn tiểu thuyết “Ma làng”. Anh rất mừng vì được góp công sức vào việc chuyển tiểu thuyết thành phim. Thậm chí, Khoa còn vô tư đòi được giúp đoàn phim cả về bối cảnh và chi phí ăn uống nhưng đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã từ chối.

Ông chỉ chấp nhận sự giúp đỡ về nơi nghỉ. Vậy là phim “Ma làng” được quyết định tại đại bản doanh của vị nhà thơ kiêm Giám đốc Công ty Thanh Hà dù lúc ấy mọi thứ vẫn nằm tròm trèm trong hơn trăm trang tiểu thuyết.

Đó là lần thứ hai tôi gặp Ngô Đăng Khoa. Cũng là lần vì vui sướng tôi phớt lờ bệnh tật, thả phanh uống cùng anh. Lý do tôi buông thả tự cho phép mình nâng ly uống để mừng... thắng lợi lúc đó còn nằm trong tưởng tượng. Chưa thể quên những cảm giác ban đầu về Khoa nhưng tôi đã ít nhiều nhận thấy ở con người anh những điều khác thường.

Không chỉ vì sự giúp đỡ kia, cũng không chỉ là cách hành xử thường thấy cùng những giai thoại nhiều chiều về cuộc sống một đại gia xứ cao nguyên đá mà ở chính những bài thơ của anh. Những bài thơ mộc mạc, dân dã và chân thành đến kỳ lạ. Tiếc thay và cũng là điều không thể ngờ, thời gian chỉ chưa đầy một năm sau đó, số phận liên tiếp giáng vào Ngô Đăng Khoa những đòn chí tử.

(Còn nữa)

(Rút từ tập “Chân dung của ruợu”)
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến

Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự đang được dư luận và các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình, ủng hộ rất cao. Dư luận xã hội và ĐBQH đánh giá, việc ban hành nghị quyết của Quốc hội là rất cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay, tránh để tồn tại thực trạng tài sản “đóng băng”, không lưu thông, hay nằm “phơi sương, phơi nắng” trong khi đất nước đang rất cần nguồn lực để phát triển.

Một thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt hơn một năm giao tranh xuyên biên giới giữa Israel và nhóm chiến binh Hezbollah đã giành được sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo Israel, làm dấy lên cả hy vọng lẫn những câu hỏi tại một khu vực đang bị chiến tranh tàn phá.

Mang cái tên đặc biệt, Võ Thị Nở (SN 1979, không nơi cư trú nhất định) từng có 5 tiền án về tội “Trộm cắp tài sản”, nhưng ngựa quen đường cũ, Nở vẫn tiếp tục thực hiện nhiều vụ móc túi, lấy trộm ĐTDĐ đắt tiền tại khu vực rạp chiếu phim và bệnh viện xung quanh khu vực quận 1, quận 3, TP Hồ Chí Minh…

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Israel và Lebanon đã chấp nhận đề xuất của Washington nhằm chấm dứt cuộc xung đột tàn khốc giữa Israel và Hezbollah, mở đường cho việc kết thúc gần 14 tháng giao tranh xuyên biên giới đã giết chết hàng nghìn người.

Những tuyên bố gần đây của NATO về khả năng thực hiện các cuộc tấn công “phòng ngừa” nhằm vào Nga đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai bên, đẩy thế giới đến gần hơn với nguy cơ xung đột trực tiếp.

Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum ngày 26/11 cho biết sẽ áp thuế đáp trả Mỹ, sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ áp thuế nhập khẩu 25% đối với hàng hóa Mexico nếu nước này không ngăn chặn dòng ma túy và người di cư qua biên giới.

Theo báo cáo của Chính phủ, công tác giải phóng mặt bằng vẫn là khâu khó khăn, phức tạp nhất, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, chất lượng các dự án, trong đó có dự án cao tốc Bắc - Nam. Vậy nhưng đến nay, các địa phương đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và bàn giao 720,4/721,25km (đạt khoảng 99,9%), trong đó, nhiều địa phương đã bàn giao 100% mặt bằng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文