Nhà thơ, nhà báo Phạm Khải (Báo CAND) - Giải C, Giải Báo chí Quốc gia 2014:

Mỗi cuộc thi đều có những yêu cầu, tiêu chí riêng

08:08 22/06/2015
Từ nhiều năm nay, gần như đã thành thông lệ, năm nào Báo CAND cũng có tác phẩm đoạt Giải thưởng Báo chí Quốc gia. Tại lễ trao Giải thưởng diễn ra tối 21/6, Thượng tá, nhà thơ, nhà báo Phạm Khải, Phó Tổng biên tập Báo CAND đã được vinh danh với giải C dành cho chuyên luận “Đạo lý Việt Nam trong Di chúc Bác Hồ”. Ngay sau lễ trao giải, chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng ông.
- Xin chúc mừng nhà thơ, nhà báo Phạm Khải! Được biết, từ đầu năm tới nay, ít nhất cũng có tới 3 lần ông bước lên bục vinh dự nhận giải thưởng. Xem đó có thể thấy, ông là người khá có “duyên” với các giải thưởng…

+ Nói cho chính xác thì đây mới là lần đầu tiên tôi được nhận giải thưởng Báo chí Quốc gia. Các giải trước là giải văn học. Nói tôi có “duyên” với các giải thưởng - nếu đúng thì có lẽ đúng ở khía cạnh này: Từ trước tới nay, tôi hiếm khi gửi tác phẩm tham gia các cuộc thi. Tuy nhiên, khi đã gửi dự thi thì hầu hết đều… được giải. Có lẽ là do tôi đoán đúng được “gu” của Ban giám khảo chăng?...

Nói vui vậy thôi, theo quan điểm của tôi, cuộc thi nào - ngoài yêu cầu chung là tác phẩm phải hay thì đều có những yêu cầu, tiêu chí riêng, cụ thể. Đối với Giải Báo chí Quốc gia càng là như vậy. Nếu ta chịu khó tìm hiểu kỹ điều ấy - đặc biệt là với những tác phẩm từng được giải ở những kỳ trước đó - thì sẽ rút ra được những “đúc kết” mang tính qui luật, để rồi từ đó có sự lựa chọn tác phẩm dự thi sao cho phù hợp…

- Ông có thể nói kỹ hơn về điều này? Đặc biệt là khi soi chiếu vào tác phẩm được giải của mình?

+ Với Giải thưởng Báo chí quốc gia năm nay, ở phần thể lệ, Ban tổ chức cũng đã nêu rõ yêu cầu, đó phải là những tác phẩm “nêu được vấn đề mới, có tính phát hiện”, “có tính định hướng cao, thuyết phục, có tác động tích cực đến đời sống xã hội”. Tôi không dám nói tác phẩm dự thi của tôi đã đáp ứng được hết những yêu cầu này, song quả tình, với nội dung đề cập tới giá trị của bản Di chúc của Bác Hồ, bài viết của tôi ít nhiều cũng đem đến một góc nhìn mới.

Thượng tá, nhà thơ, nhà báo Phạm Khải.

Chúng ta đều biết, đến nay, xung quanh bản Di chúc bất hủ của Bác đã có rất nhiều bài viết phân tích giá trị nhiều mặt: Từ vấn đề xây dựng Đảng; việc thực hành dân chủ; khả năng dự báo tình hình; yếu tố giáo dục; bài học đạo đức; vẻ đẹp ngôn ngữ; tính nhân văn… v.v và v.v… Bài viết của tôi đặt vấn đề khác, và mừng thay, vấn đề ấy đã được thể hiện rất rõ ngay từ tít bài. Đó là “Đạo lý Việt Nam trong Di chúc Bác Hồ”. Vâng, đạo lý chứ không chỉ là đạo đức. Cũng không phải là đạo lý chung chung, mà là “đạo lý Việt Nam”.

Mà đã nói tới hai chữ “Việt Nam” nghĩa là tôi có ý so sánh với những nước khác. Câu chuyện bắt đầu từ việc tôi tận mắt trông thấy bản Di chúc mà Bác trực tiếp đánh máy, đề ngày 15/5/1965, có chữ ký chứng kiến của Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Lê Duẩn. Về bản Di chúc của Bác, tôi đã đọc bản in trong các sách nhiều rồi, song đối diện với “bản gốc”, điều làm tôi thực sự ngạc nhiên, bất ngờ là có hai dòng chữ Bác viết tay thêm vào bản đánh máy. Một trong hai dòng chữ ấy là dòng “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Dòng chữ này được Bác chêm vào sau đoạn “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng”. Nghĩa là, trong quan điểm của Bác, tự phê bình và phê bình là việc làm rất cần thiết để củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Nhưng phê bình gì thì cũng phải xuất phát từ cái tâm, “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Đây cũng chính là đạo lý của cha ông ta “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”, xử sự “đạt lý” nhưng phải “thấu tình”.

Những dòng chữ Bác viết thêm đó khiến tôi càng nghĩ càng thấm thía, xúc động, nhất là khi đọc được dòng hồi ký của ông Vũ Kỳ - người thư ký riêng của Bác - cho biết: Sau một năm lấy bản Di chúc ra đọc lại, Bác chỉ thêm vào có một dòng như thế. Đó là thời điểm Bác vừa dự cuộc họp của Bộ Chính trị. Không phải đơn thuần Bác đưa thêm vào bản Di chúc một dòng như vậy. Nhìn rộng ra tình hình, bối cảnh trong nước và quốc tế khi ấy, ta càng thấy được ý nghĩa to lớn của lời dặn dò ấy. 

- Bài viết của ông có đoạn: “Bây giờ, nhiều tài liệu chính thống được công bố đã cho chúng ta thấy, từng có thời, tại một số nước cùng hệ tư tưởng với ta, đã có những vị lãnh đạo có lối sống kênh nhau, thậm chí, trong một số trường hợp, quan điểm chính trị còn không được thuận chiều với nhau. Vậy là, khi vị này lên, vị kia xuống, lập tức có người bị bôi nhọ, thậm chí còn bị phủ nhận tuốt tuột mọi công trạng trong quá khứ. Có trường hợp còn bị xử lý mạnh tay hơn. Điều đáng nói là chuyện đó xảy ra một cách phũ phàng, bạo liệt ngay trong thời điểm Bác viết bản Di chúc”. Cơ sở nào để ông đi đến kết luận này?

+ Đó là sự thật lịch sử. Như tôi đã nói, những tài liệu chính thống đã được công bố đủ cho ta thấy rõ điều đó. Chẳng lấy ví dụ đâu xa, cứ nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc: Năm 1966 là năm mở đầu cuộc “đại cách mạng văn hóa”, với việc hạ bệ, thanh trừng nhiều vị thuộc hạng “khai quốc công thần” bằng những biện pháp rất khốc liệt. Có người thậm chí đã  không bảo toàn được tính mạng. Điều này chắc chắn đã tác động nhiều đến suy nghĩ của Bác.

Có thể khẳng định, Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những học trò của Người, đã không để xảy ra tình cảnh tương tự như vậy giữa những người đồng chí với nhau. Chính đạo lý Việt Nam mà Bác là người thấm thía hơn ai hết đã ngăn chúng ta không có cách xử sự với nhau như thế. Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa khi chúng ta đang thực hiện việc “tự phê bình và phê bình” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 - khóa XI.

- Giải Báo chí Quốc gia năm nay, ở thể loại chuyên luận không có Giải A. Ông nghĩ sao về điều này?

+ Điều đó phản ánh đúng tình hình thực tế. Theo nhận xét của đại diện Ban giám khảo, chuyên luận là một thể loại khó. Tôi cũng nghĩ như vậy. Nó không chỉ đòi hỏi ở các tác giả khả năng phát hiện vấn đề, mà còn cả khả năng khái quát để có thể nâng vấn đề lên thành bài học nhận thức chung, từ đó có thể đưa vào ứng dụng trong thực tế.

Nói chung, những tác phẩm đúng nghĩa xuất sắc phải đáp ứng được tất cả những yêu cầu ấy. Mà, để làm được điều này đòi hỏi tác giả không chỉ có tư duy nhạy bén, mà phải có bề dày vốn sống, vốn hiểu biết và kinh lịch việc đời. Đây quả là một “bài toán” với các cây bút trẻ. Chính bởi vậy mà so với thể loại phóng sự, ít tác giả trẻ tham gia viết bài và thành công ở thể loại chuyên luận. Tôi nhớ, không chỉ ở mùa giải 2014 này, đâu mà ở mùa giải 2012, 2011, 2010… thể loại chuyên luận cũng không có giải A.

- Vâng, xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Cảnh Vũ (thực hiện)

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文