NSND Xuân Huyền lỡ hẹn với sân khấu CAND

09:33 25/04/2010
NSND Xuân Huyền mong mình sớm khỏe lại để nếu kịp, vẫn tiếp tục nhận vở tham gia Liên hoan Sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an". Bởi vì ông tin chắc một điều rằng, các đoàn nghệ thuật khi cầm trong tay kịch bản về đề tài người chiến sĩ Công an, một trong những cái tên đạo diễn đầu tiên họ nhớ tới chính là… Xuân Huyền.

Đã hơn một năm nay, NSND Xuân Huyền phải tạm xa sân khấu sau một cơn tai biến, lại thêm căn bệnh viêm đa khớp liên tục hành hạ nên ở tuổi 68 mà sức khỏe ông xấu đi nhiều. Xa là nhớ, là buồn, là tiếc, vì người nghệ sĩ ấy còn mang nhiều điều trăn trở, nhiều dự định với sân khấu đương đại, trong đó có sân khấu kịch về đề tài Công an mà chưa làm được.

Khi tôi gọi điện thoại tới NSND Xuân Huyền, ngỏ ý muốn viết một bài về ông, ông nhất mực từ chối. Ông bảo: "Hơn một năm nay tôi có làm gì cho sân khấu đâu mà viết!", cứ như thể việc ông ốm mệt không làm việc được là… có lỗi với sân khấu lắm lắm. Phải thuyết phục mãi, ông mới miễn cưỡng nhận lời.

Được biết, năm nay lại có "Liên hoan Sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an", NSND Xuân Huyền tỏ ra rất quan tâm. Trước đây, đợt hội diễn nào của lực lượng Công an ông cũng có vở tham gia. Những vở diễn mà đạo diễn Xuân Huyền dàn dựng được Đoàn Kịch Công an nhân dân cũng như các đoàn nghệ thuật khác đem đi lưu diễn nhiều nơi, nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả như "Chuyện tình thế kỷ", "Cuộc đời tôi", "Đứa con rơi", "Kẻ sát nhân lương thiện", "Vòng đời", "Tiếng chuông chùa"…

NSND Xuân Huyền tâm sự rằng, với ngành Công an, ông có những tình cảm yêu mến đặc biệt. Vì thế, những kịch bản về đề tài An ninh luôn hấp dẫn ông, khiến ông luôn hào hứng: "Đề tài về Công an rộng lắm, phong phú và hoàn toàn có thể làm sinh động chứ không hề khô khan, nặng nề như nhiều người vẫn nghĩ đâu. Tôi thích khai thác khía cạnh con người, yếu tố tâm lý, tình cảm của người chiến sĩ Công an, xem cuộc sống nội tâm của họ ra sao, họ đối xử với gia đình, bạn bè, đồng chí thế nào, chứ không đi vào khai thác công việc của họ”.

Vì thế, phải vắng mặt ở đợt hội diễn lần này, vị đạo diễn đầy duyên nợ với đề tài An ninh tỏ vẻ tiếc nuối. Ông mong mình sớm khỏe lại để nếu kịp, vẫn tiếp tục nhận vở tham gia đợt Hội diễn lần này. Bởi vì ông tin chắc một điều rằng, các đoàn nghệ thuật khi cầm trong tay kịch bản về đề tài người chiến sĩ Công an, một trong những cái tên đạo diễn đầu tiên họ nhớ tới chính là… Xuân Huyền.

Những lời tâm sự chân thành NSND Xuân Huyền về sân khấu của ngành Công an và sự nặng lòng của ông khiến tôi thực sự cảm động. Trong lòng người nghệ sĩ ấy vẫn còn cấn cá, day dứt như một người mắc nợ. Cho dù suốt hơn 30 năm qua, ông đã làm được nhiều việc để xây dựng hình tượng này, song NSND Xuân Huyền vẫn cảm thấy chưa thỏa lòng, chưa hoàn thành sứ mệnh của một nghệ sĩ đối với ngành Công an, đề tài An ninh.

Hiện NSND Xuân Huyền nằm điều trị tại Khoa Cơ xương khớp của Bệnh viện Bạch Mai. Đợt điều trị này đã kéo dài tới 20 ngày, nhưng vẫn chưa thấy bác sĩ hẹn ngày cho xuất viện… Là ông đồ xứ Nghệ. Sống và làm việc tại Hà Nội đến nay đã hơn 50 năm, NSND Xuân Huyền được nhiều ca ngợi về "tấm lòng son" đối với sân khấu chính kịch, cho dù sân khấu nước nhà đang vào hồi thịnh hay suy. NSND Xuân Huyền còn là người thầy mẫu mực của nhiều thế hệ nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, không chỉ sinh viên Đại học Sân khấu Điện ảnh mà còn cả những người tóc đã lấm tấm khói sương đều gọi ông bằng một cái tên thân mật, giản dị mà đầy trân trọng: "Thầy Huyền".

Tốt nghiệp khóa đầu tiên của Đại học Sân khấu - Điện ảnh, nghệ sĩ Xuân Huyền về nhận công tác tại Đoàn Nghệ thuật Tuồng Liên khu V rồi được cử đi đào tạo chuyên ngành đạo diễn ở Liên Xô (cũ). Trở về nước năm 1977, ông về làm giảng viên tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Từ đó trở đi, sân khấu nước nhà có thêm một cái tên: đạo diễn Xuân Huyền.

Một cảnh trong vở “Vòng đời” (kịch bản của nhà văn Hữu Ước) do NSND Xuân Huyền đạo diễn.

Bắt đầu từ vở diễn đầu tay đoạt Huy chương Bạc Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1980 là vở "Gió và bụi" (kịch bản Hoàng Yến - Đoàn Cải lương Đà Nẵng), cho đến nay NSND Xuân Huyền đã dàn dựng trên 300 vở diễn thuộc tất cả các thể loại chèo, tuồng, cải lương, kịch nói cho hầu khắp các đoàn nghệ thuật của miền Bắc và một số đoàn nghệ thuật miền Nam. Với riêng quê hương Nghệ Tĩnh ân tình, trong năm 1982, ông đã cùng lúc dựng tới 3 vở diễn: "Ôtenlô" cho đoàn kịch nói, "Vòng phấn Káp ka" cho đoàn chèo và "Tiếng hát tình yêu" cho đoàn Cải lương, được giới sân khấu cả nước ghi nhận. Xuân Huyền là một đạo diễn không bao giờ câu nệ vào hình thức sân khấu, không coi lĩnh vực nào là "sở trường", "sở đoản". Ở loại hình nghệ thuật sân khấu nào, đạo diễn Xuân Huyền cũng để lại những dấu ấn riêng.

Và Xuân Huyền, đến nay vẫn được xem là đạo diễn gạo cội duy nhất "kiên định" với con đường chính kịch. Xuân Huyền nói: "Tôi thích những kịch bản mang tính triết lý, mang tầm tư tưởng lớn, đưa được những vấn đề lớn của con người, của cuộc đời, của xã hội lên sân khấu". Xem những vở diễn gần đây do Xuân Huyền đạo diễn như "Vòng đời", "Cát bụi", "Cái chết chẳng dễ dàng gì", "Ngôi nhà quỷ ám", "Nhà có ba chị em"… thì thấy Xuân Huyền hoàn toàn có lý.

Có lẽ, chính bởi tình yêu cháy bỏng với sân khấu và quan niệm "sinh nghề tử nghiệp" như thế mà nghệ sĩ Xuân Huyền luôn muốn thổi vào lòng học trò của mình, diễn viên của mình ngọn lửa đam mê, khát vọng được "cháy" hết mình trên sân khấu. Nhưng chính ông cũng là người đưa ra những lời khuyên "sắt đá" cho học trò của mình là "Nên dừng lại khi còn chưa muộn!" khi thấy họ chỉ xem nghề này như một cách… trang sức mà thôi. Bởi lẽ, từ chính cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, nghệ sĩ Xuân Huyền thấm thía nghiệm ra rằng, với nghệ thuật người nghệ sĩ trước hết phải đam mê và phải biết hy sinh trước khi đòi hỏi ở nó những "đặc quyền", "đặc lợi" khác.

NSND Xuân Huyền tâm sự: "Vở diễn gần đây nhất về đề tài Công an tôi dựng trước khi bệnh, chính là vở "Tiếng chuông chùa" của nhà văn Hữu Ước, làm với Nhà hát Tuổi trẻ. Đó là kịch bản hay, nhiều xung đột và rất nhân văn”

Nguyệt Hà

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文