NSND Lê Khanh: Năm tháng đã qua, một thời kí ức
Nói đến những vai diễn để đời, không thể thay thế trên sân khấu Nhà hát kịch Tuổi Trẻ, một trong những cái tên được nhắc đến ngay cũng chính là NSND Lê Khanh. Nói đến người phụ nữ lưu dấu ấn đậm nét trong việc giữ gìn những văn hóa truyền thống mỗi dịp Tết đến, xuân về, người ta sẽ nói đến không ai khác chính là NSND Lê Khanh…
Khi những nhành cỏ non cùng đua nhau mơn mởn vươn mầm xanh, chồi biếc, trên một bãi đất trống ven đường; những bông hoa cúc vàng, cúc trắng chen nhau tỏa ngát hương thơm, cùng với đám thược dược, hoa li, hoa lay ơn sắc màu rực rỡ chất trên xe đạp của những chị hàng hoa đứng ở góc phố. Và, đâu đó, trên những con đường ầm ào xe cộ của Hà thành, cuộc sống bộn bề hối hả lại như được lắng xuống bởi ta bắt gặp những cành đào Nhật Tân nhỏ thôi của một người bán rong.
Đó là tháng chạp, khi đất trời vào xuân, dịp giáp Tết, Lê Khanh mê mải say sưa với thời gian mà thiên nhiên ưu đãi thời khắc giao mùa, chị cùng chồng - nhà quay phim Phạm Việt Thanh lại tung tẩy du xuân. Du xuân từ phố phường Hà thành để thấy cái náo nức, nhộn nhịp của đất nước thời mở cửa, hội nhập. Du xuân đến những vùng đất cao nguyên bạt ngàn nắng gió để tìm hiểu về một nét văn hóa khác lạ của người dân tộc vùng cao như Mộc Châu, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang…
Khanh bảo: Còn gì thú hơn du xuân để ngắm trên những cánh rừng bạt ngàn ở vùng Tây Bắc với những bông hoa đào tinh khiết ấy, mình như được đắm mình trong bao la của đất trời, cây cối, vạn vật say sưa ngây ngất cùng thiên nhiên.
Cứ mỗi năm Khanh lại lên đường, để hòa mình cùng thiên nhiên cây cỏ đất trời, để hít hà hương thơm của từng loài hoa mỗi khi tết đến, xuân về. Để đắm mình trong những vùng đất trải qua bao biến cố thăng trầm của các cuộc chiến tranh cứu nước mà giờ đây cây cối vạn vật lại xanh màu tươi tốt. Chị bảo: Du xuân chỉ ở Việt Nam chứ không bao giờ ra nước ngoài, vì thời khắc này không đâu bằng được quê hương, đất nước.
Đất nước thời văn hóa, hội nhập, giao lưu cái gì cũng có nhiều. Người thực dụng chỉ bỏ 2 tiếng ra siêu thị là đầy đủ cả một cái tết, lên chợ hoa phố Hàng Lược mua một cành đào Nhật Tân về cắm cũng xong, bánh mứt kẹo thì lên phố Hàng Đường. Thời no đủ, hình như người ta không thấy háo hức, chờ đợi cái tết ta, nhiều người thực dụng bảo: “Ngày nào có tiền thì ngày đó là tết”.
Cũng may, còn có những người yêu tết cổ truyền như chị, kí ức về tết được nuôi dưỡng, được kế thừa từ nguồn cội, ông bà, bố mẹ, để đến giờ mỗi lần đến tết, chị phải hì hụi chuẩn bị bằng được nồi bánh chưng. Luộc nồi bánh chưng để thấy không khí của tết đang chộn rộn, gõ cửa, để được nắm, được sờ, được ngửi, hòa mình trong cái tết cổ truyền và ý nghĩa. Khanh nhớ về những năm đất nước ta thời bao cấp khốn khó, về tuổi thơ thiếu thốn nhưng đời sống tinh thần mênh mang, tất cả những kí ức ấy vẫn vẹn nguyên như vừa mới xảy ra ngày hôm qua.
NSND Trần Tiến là người gốc Hà Thành, một nghệ sĩ đích thực, tính cách lãng đãng, gió mây và nữ NSƯT Lê Mai - người phụ nữ tảo tần, giỏi giang quán xuyến. Khanh nhớ những năm Tết cả nhà chỉ có một mình mẹ xoay sở, bánh chưng, nồi măng, con gà cúng giao thừa, hoa đào, bánh mứt kẹo, đầy đủ cả chả thiếu thứ gì. Mẹ không muốn mấy chị em bị thiếu thốn, nên mẹ đã chuẩn bị trước khi Tết đến cả tháng trời.
Mẹ cùng đoàn Nhà hát kịch Hà Nội đi biểu diễn, đến nơi nào có gạo ngon, rẻ, mẹ lại tranh thủ mua lấy mấy cân gạo nếp, ít đậu xanh mang về để dành gói bánh chưng. Có những hôm đoàn kịch đi biểu diễn vào ngày sát Tết, mẹ lại hì hụi chọn mua cả lá dong đẹp mang về Hà Nội để gói bánh chưng. Dịp Tết, Vân được trường múa cho nghỉ để về nhà. Vậy là ba chị em gái Vân, Khanh, Vi lại quấn túm lấy nhau, người đãi đỗ, người rửa lá, í a í ới, tíu tít chuyện trò, cùng ngồi xem bố mẹ gói những cái bánh vuông vức cột bằng sợi lạt giang, rồi đến tối cả nhà cùng nhau quây quần trong ánh lửa bập bùng bên nồi bánh chưng xanh. Có một cái tết mà Khanh nhớ mãi, cái tết của tuổi thơ, của kỉ niệm, của Hà Nội một thời quá vãng khó khăn đấy mà ấm áp, ân tình.
Mọi năm cứ đến tết của thời bao cấp khốn khó là nữ nghệ sĩ Lê Mai lo toan hết cho gia đình. Khanh bảo không hiểu sao mà mẹ giỏi thế, đồng lương nghệ sĩ ít ỏi, bố lúc nào cũng bầu rượu túi thơ, tâm hồn trên mây trên gió, “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”, tất cả gánh nặng kinh tế đổ hết lên đôi vai gầy của mẹ. Vậy mà mẹ lo tươm tất chu đáo, cái gì cũng đầy đủ cả. Nhưng năm ấy xảy ra “chiến tranh”, mẹ giận nhau với bố. Mẹ bảo: “Thôi, năm nay đừng trông chờ gì vào tôi, tôi kiệt sức rồi, tôi mặc kệ. Chẳng có tết nhất gì hết cả”.
Bố, NSND Trần Tiến lại là một người yêu tết cổ truyền. Ông cũng như bao đứa trẻ thơ, chỉ mong ngóng đến tết. Đã qua ngày ông Công ông Táo về chầu trời rồi mà trong nhà vẫn không có động tĩnh gì, bố bảo với các con Vân, Khanh, Vi: “Thôi thế là năm nay mẹ giận thật rồi”.
Mẹ thì cố thủ, mặc kệ, không sắm sanh gì cả. 26 Tết nhà nào, nhà nấy cũng đã hòm hòm cả, mà nhà mình thì vẫn chả có không khí gì. Bố bảo với mẹ: “Thế này mình nhé, năm nay mình sắm gạo ngon, đậu xanh, thịt lợn, lá dong, còn tôi sẽ đi kiếm củi về để cho mình và các con luộc bánh chưng. Tôi cũng sẽ sắm cho gia đình một cành đào nữa”. Từ khi lấy nhau đến giờ, đấy là lần đầu tiên, nghệ sĩ Trần Tiến sắm Tết cho gia đình, nghệ sĩ Lê Mai nghĩ: “Được thôi, phải để như thế để ông ấy có trách nhiệm chứ”.
Buổi sáng ngày 28 Tết, sau khi chuẩn bị xong xuôi tất cả, mấy mẹ con hì hụi, kì cạch gói bánh chưng. Từng đôi bánh chưng vuông vức xanh ngắt màu lá xếp chồng lên nhau, chỉ đợi củi của bố mang về nữa là sẽ bắc bếp lên đun. Mấy mẹ con gói bánh xong là giữa trưa. Sáng sớm hôm ấy, 7 giờ bố đã dắt xe đạp ra cửa bảo: “Mấy mẹ con gói bánh chưng đi nhé, bố đi một lát kiếm củi rồi mang về cho mấy mẹ con luộc bánh chưng”.
Vậy mà, bánh đã gói xong, mấy chị em ngóng mãi mà rồi đợi 1 tiếng, 2 tiếng, 3 tiếng, 4 tiếng… vẫn không thấy bố chở củi về. Mẹ sốt ruột lắm rồi, đứng ngồi không yên bảo: “Hay là bố lại sà vào chỗ nào, chén chú chén anh rồi”. Đến khi mặt trời đã tắt hẳn, các nhà xung quanh trong khu tập thể đều có nồi bánh chưng, mọi người hò nhau khơi lửa, trông bánh. Nhìn nồi bánh chưng của các gia đình hàng xóm bập bùng ánh lửa, còn chồng bánh nhà mình vẫn chỏng chơ, mấy chị em hết đi ra ngoài đường rồi lại chạy vào trong nhà không biết bao lần. A, bố đã về, tiếng bố ở cửa không lẫn đi đâu được, nhưng mấy chị em chạy ra, cả mẹ cũng sốt ruột nhìn ra và cả nhà cùng chết sững. Bố dựng cái xe đạp ở trước cửa, đằng sau là mấy thanh gỗ chỏng chơ buộc ở sau yên xe đạp.
Mấy thanh gỗ này thì làm sao mà đun được cả một nồi bánh chưng đây? Phải gấp 10 lần như thế mới luộc được cả nồi bánh chưng kia mà. Tối hôm ấy, cả nhà truy hỏi mãi bắt bố phải khai là đã lấy mấy thanh gỗ lạ lùng kia ở đâu. Bố mới nói thật là cả ngày đi kiếm củi mà kiếm không ra, cuống lên rồi, thế nên mới làm liều. Đợi trời tối đến nhà hát, lúc ấy bảo vệ nhân viên về hết cả, lẻn vào kho lấy mấy khúc gỗ trang trí cho vở kịch mà không biết khung gỗ đấy còn dùng nữa hay không?! Mang về làm củi luộc bánh chưng. Mấy mẹ con nghe xong lăn ra cười, rồi lại hò nhau đi tìm củi về đun.
Cũng năm ấy, bố mẹ giận nhau, mẹ bảo trách nhiệm sắm cành đào tết này thuộc về bố. Thời đó khó khăn thiếu thốn, nhiều gia đình cứ đợi đến chiều 30 Tết mới ra chợ hoa mong mua được đào rẻ. Cả nhà ngóng mãi cành đào của bố, nhưng đợi mãi mà vẫn chưa thấy gì? Mẹ lại bảo: “Chắc là bố các con đợi để đến chiều 30 Tết mua cho rẻ đây mà”.
Chiều 30 Tết đến, các nhà hàng xóm đào cắm trang hoàng, hoa đào màu hồng khoe sắc xuân tưng bừng, mấy chị em Vân, Khanh, Vi lại đứng ở cổng ngóng bố hứa mang đào về, háo hức lắm. Không biết cành đào bố sắm lần đầu tiên trông sẽ như thế nào? Có đẹp không, to không? 6 giờ chiều, bố về, trên tay không phải là một cành đào mà là một “cành củi” khô, khum khum, không có lấy một nụ mầm nào cả. Cả “cành củi” khô đấy chỉ duy nhất có một bông hoa đào hồng tươi. Mấy chị em nhìn “cành củi” trên tay bố mang về, nước mắt tự nhiên cứ chảy ra. Tủi thân, Vi òa khóc, Khanh nước mắt lã chã tuôn rơi, Vân dỗ em nhưng mặt buồn rười rượi.
Quang cảnh buồn như ai điếu. Đến khi mẹ cắm cành đào bố mang về vào lọ thì bông hoa đào duy nhất trên “cành củi” rơi ra. Thì ra bông hoa đào duy nhất ấy được buộc vào cành củi bằng một sợi chỉ hồng. Khanh kể, lúc đấy, cuộc sống bi kịch quá lại trở thành hài. Mẹ bật cười. Mấy chị em thấy thế đang khóc lấy tay quệt nước mắt cũng cười. Tết năm đó, lúc qua rằm tháng giêng, “cành củi” cũng trổ hoa đào nở tưng bừng…
Và giờ đây vào những ngày tết đang gõ cửa đến gần, xen lẫn nhịp sống hối hả hiện đại, Khanh lại thấy lòng mình xao xuyến, bồi hồi, chộn rộn, náo nức đến kì lạ. Năm nào cũng vậy, đó là cảm giác của người nghệ sĩ với một đời sống tâm hồn phong phú dạt dào cảm xúc được nuôi dưỡng và bước ra từ những kí ức tuổi thơ thi vị trập trùng…