NSND Đặng Thái Sơn: Âm nhạc nhiều nước đã vượt xa Việt Nam

09:39 18/09/2015
Mùa thu Hà Nội chớm về trong những cơn gió se se giữa vô vàn chiếc lá vàng rơi rơi trên phố, như một bức tranh thiên nhiên đầy lãng mạn đủ hút hồn những người con xa xứ. Có lẽ cũng một phần vì vẻ đẹp quyến rũ ấy, NSND Đặng Thái Sơn - người châu Á đầu tiên được mời làm giám khảo Concours Chopin năm 2005, đã trở về nước dịp này, để mang vinh dự cho cuộc thi piano quốc tế Hà Nội lần thứ III, khi nhận lời làm giám khảo, Chủ tịch danh dự cuộc thi. Đặc biệt, ông cũng dành cho báo giới một cuộc trò chuyện thú vị.

+ Thấm thoắt đã hơn 30 năm kể từ ngày ông mang vinh quang về cho Việt Nam với giải nhất cuộc thi âm nhạc quốc tế Chopin và giờ đây, những thế hệ nghệ sĩ trẻ đã trưởng thành. Ông có thấy nhiều khác lạ giữa 2 thế hệ?

NSND Đặng Thái Sơn: Trong tôi còn ăm ắp kỷ niệm những ngày biểu diễn đầu tiên với tất cả sự hoan hỉ, truyền cảm. Từ hồi đoạt giải đến nay đã 35 năm - khoảng cách từ thời tôi đến nay quá xa. Giờ các em được hưởng cơ sở vật chất tốt hơn xưa. Những cuộc thi như vừa qua rất cần được khích lệ để các em được giao lưu, học hỏi với quốc tế nhiều hơn.

Ở nước ngoài, các cuộc thi rất nhiều, còn ở Việt Nam vẫn còn nhỏ giọt. Một tuần cuộc thi piano quốc tế diễn ra, tôi thật sung sướng khi nhìn các em có gương mặt rất vui, tò mò, tìm cho mình cái riêng… nhưng cái gì cũng bổ ích. Càng nhiều thông tin âm nhạc, càng giúp cho các em phát triển. Những cuộc thi nhằm phát hiện tài năng, nhưng còn mang lại sinh hoạt văn hóa không chỉ cho giới chuyên nghiệp mà cho giới yêu thích âm nhạc.

+ Với những thành tích trong cuộc thi piano quốc tế mà Việt Nam đạt được, ông có hy vọng thời gian tới âm nhạc Việt Nam sẽ phát triển?

NSND Đặng Thái Sơn: Quan niệm về âm nhạc khác với thể thao. Nếu thi đấu thể thao, khi tôi đoạt HCV, đoạt giải nhất thì tôi là người đứng đầu. Nhưng trong âm nhạc thì giải nhất của một cuộc thi chỉ là cái ban đầu. Giải thưởng chỉ là một mảnh bằng cao cấp để bước vào cuộc đời nghệ thuật, giúp mình làm sự nghiệp ban đầu, chứ chưa phải là nhất thế giới. Con đường nghệ thuật rất dài. Mấy chục năm sau mới chứng minh được mình là ai, có vị trí như thế nào trong và ngoài nước. Phải cần thời gian mới có thể trả lời câu hỏi này.

NSND Đặng Thái Sơn: “Với lịch sử âm nhạc thính phòng hơn 100 năm, thì họ đã vượt mình”.

+ Sau khi đoạt giải, phần lớn các em đều ra nước ngoài học tập. Có phải vì điều gì bất thường trong công tác giảng dạy của chúng ta không thưa ông?

NSND Đặng Thái Sơn: Việc những người có tài năng ở Việt Nam đi học tập ở nước ngoài không phải là hiện tượng cá biệt, mà là trào lưu chung của các nước Á Đông. Cũng không phải chỉ thời nay, mà từ thế kỷ 19, Chopin và nhiều nhà soạn nhạc khác, cũng sang Paris, London, là những đấu trường lớn để khẳng định vị trí của mình.

Tài năng phải nằm trong tổng thể. Sự có mặt ở những trung tâm quốc tế quan trọng là rất cần thiết, khi sẽ được cọ xát nhiều và điều này góp phần khẳng định khả năng đích thực của từng người. Giờ đây, việc đi lại cũng dễ dàng nên  khoảng cách địa lý đã được xích lại gần hơn cùng với lượng thông tin nhanh và nhiều. Việc tranh đấu, khẳng định vị trí quốc tế khó hơn rất nhiều trong nước.

Trong âm nhạc có những khoảng cách rõ ràng giữa các cuộc thi bậc quốc gia và quốc tế và sự vươn lên của thế hệ trẻ càng khó khăn hơn, gặp nhiều cạnh tranh hơn. Cho nên, nếu làm được cái khó trước sẽ vẻ vang hơn. Nhiều em đi ra quốc tế là dịp tốt để biết được chân giá trị của mỗi cuộc thi.

+ Nhiều tài năng khi nhỏ tuổi thì phát triển, lớn hơn thì bị chững lại. Liệu có vì môi trường giảng dạy âm nhạc ở ta có khoảng cách xa với thế giới?

NSND Đặng Thái Sơn: Việc đào tạo âm nhạc của chúng ta chịu ảnh hưởng nhiều của trường phái Nga. Trường phái này phù hợp khi dựng chương trình theo dòng lãng mạn, nhưng cổ điển, hiện đại thì cần bổ sung. Vì thế, muốn các em có kết quả tốt hơn, không chỉ chương trình giảng dạy mà cần thay đổi cả nếp nghĩ. 

Cái phông của âm nhạc là im lặng. Muốn phát triển phải được im lặng. Mà ở Việt Nam thì lại thừa tạp âm. Tìm kiếm sự im lặng thật khó, ở Việt Nam đúng “im lặng là vàng”. Ngay trong lớp học cũng vậy. Giữ im lặng trong giờ học là việc làm tối thiểu, nhưng chúng ta lại có thói quen nói chuyện trong giờ.

Ở nước ngoài, trong giờ giảng của những người thầy giỏi, học sinh muốn được tham dự đều phải đóng rất nhiều tiền nên họ rất quý những giờ giảng đó. Nhưng chúng ta, khi các thầy có tâm tới dạy miễn phí thì nhiều người lại không quý lắm. Tiếc thay, lộc ngay trước mắt mà không biết trọng.

Số em có khả năng đếm trên đầu ngón tay. Thời tôi, đã bước chân trường nhạc là thành nghề, giờ phần lớn học để biết, sau đó chuyển sang nghề khác. Muốn xây cất một tương lai thoải mái thì không nên đi chuyên nghiệp - vì là không tưởng. Chỉ khi không thể sống thiếu nó được thì mới có thể hy sinh. Để phát triển âm nhạc cũng cần theo thời gian, nếu không có chương trình đào tạo khán giả trẻ, âm nhạc không có tương lai.

+ Luôn dõi theo âm nhạc Việt Nam nhiều thập kỷ qua, ông có thể thẳng thắn đánh giá về âm nhạc nước ta hiện nay?

NSND Đặng Thái Sơn: Tất nhiên là có cái vui và có cả cái buồn. Việt Nam có nhiều tài năng, có những người biểu diễn rất hay. Nhưng buồn là nếu 30 năm trước trình độ âm nhạc của chúng ta hơn hẳn nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia... thì nay, mọi thứ đã thay đổi nhanh khủng khiếp.

Trong khi chúng ta cứ tự hào với thành tích này, thành tích kia, với lịch sử âm nhạc thính phòng hơn 100 năm, thì họ đã vượt mình lúc nào không biết. Theo đuổi âm nhạc chuyên nghiệp là thường xuyên phải cọ xát, biết người, biết ta chứ không thể như “ếch ngồi đáy giếng!”

+ Cảm ơn ông đã trò chuyện!

Dạ Miên (thực hiện)

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文