NSƯT Quyền Văn Minh: Đắm đuối vì nhạc Jazz

16:03 17/02/2009
Dù có thể không quen biết nhưng nếu nhìn thấy Quyền Văn Minh ngoài phố, hiếm ai lại không nghĩ rằng anh chắc chắn là một biểu tượng đàn ông đích thực. Xem anh biểu diễn nhạc Jazz với kèn saxophone, ta càng dễ thấy hơn những năng lượng ngùn ngụt của một tâm hồn âm nhạc giàu trải nghiệm cả buồn lẫn vui, cả được lẫn mất, cả tột cùng hạnh phúc lẫn mênh mang mất mát…

Ấy vậy mà sau những lần trò chuyện với Quyền Văn Minh, tôi lại nhớ tới câu ai đó đã nói: nghệ sĩ, đó là nghề mang nhiều nữ tính. Cảm giác của tôi có đánh lừa tôi chăng?

Phóng viên (PV): Anh hãy kể qua qua về tiểu sử nghệ thuật của anh đi nhé! Sinh ra trong một gia đình thế nào? Con đường học nhạc thế nào? Đến với Jazz thế nào và khi nào anh quyết định Jazz là sự nghiệp đầu tiên và cuối cùng của đời mình?

NSƯT Quyền Văn Minh (QVM): Mình bắt đầu học đàn từ lúc còn rất bé, năm 13 tuổi, học ở nhà do bố mình dạy…

PV: Bố anh cũng là nhạc sỹ?

NSƯT QVM: Bố mình là người chơi kèn, chơi "amateur" thôi, nghiệp dư thôi. Trong thời kháng chiến chống Pháp, ông cụ cũng theo đi vào quân đội, làm tuyên văn trung đoàn, sau đó thì về chuyển sang làm nghề lái ôtô, nhưng vẫn chơi nhạc, hàng tối cũng đi chơi đám cưới… Bố dạy mình chơi đàn nhưng mẹ mình thì lại muốn con sẽ học kèn clarinette (về sau mình mới học saxophone). Năm mình lên 14 tuổi, năm 1968 ấy, thì được bố mẹ mua cho một cây kèn. Và mình bắt đầu học kèn nhưng không phải trong trường nhạc. Phải nói thật là, điều kiện để đi vào học trong trường nhạc lúc ấy cũng khó, phải được học trước...

PV: Phải được chuẩn bị trước về kiến thức âm nhạc, về kỹ năng âm nhạc?

NSƯT QVM: Đúng thế, phải được chuẩn bị trước về tất cả mọi thứ vì kỳ thi tuyển rất khó. Thực ra ngay lúc đó nhìn bản nhạc thì mình cũng đã chơi được, vì có thời đã đi học vào các ngày chủ nhật ở Ấu trĩ viên, tức là Cung Thiếu nhi bây giờ. Tại đó họ cũng dạy…

PV: Những kiến thức cơ bản…

NSƯT QVM: Đồ - rê - mi - pha - son… Sau đó, khi học ghi ta ở nhà thì mình cứ nhìn bản nhạc mà chơi. Nhưng chỉ thế thôi chứ không được học hơn vì điều kiện gia đình nhà mình lúc ấy rất khó khăn. Rất thiếu các tài liệu, sách vở. Mình có ông bạn thân từ thuở nhỏ là nhà báo Vũ Hùng, hồi bé cả hai thằng đều học nhạc, học kèn, cứ phải mượn nhau từng bản ê-tuýt một để tập… Và những kiến thức âm nhạc chính yếu thì chủ yếu nghe từ đài phát thanh…

PV: Nghe ở Đài Tiếng nói Việt Nam?

NSƯT QVM: Đúng rồi. Nhìn chung thì khi nghe các ca khúc thì mình hiểu nhanh thôi. Còn về phần âm nhạc cổ điển thì thường là chiều chủ nhật hằng tuần bao giờ trên Đài Tiếng nói Việt Nam cũng có chương trình riêng…

PV: Tôi nhớ hồi đó có nhạc sĩ Nguyễn Xinh nói chuyện âm nhạc cổ điển rất ấn tượng trên đài. Thuở nhỏ tôi cũng hay nghe chương trình này và rất kính trọng ông… Sau này, lớn lên tôi càng kính trọng ông hơn khi nghe giới nghệ sĩ trầm trồ về phong cách của ông trong tình yêu. Ông đã rất yêu người vợ của mình nhưng khi đã trót mang lòng yêu người phụ nữ khác thì ngay lập tức ra đi tay trắng, để lại cho vợ tất cả mọi thứ. Ở cái thời bao cấp cực kỳ thiếu thốn, không nhiều nghệ sĩ nổi tiếng làm được việc như thế… Nguyễn Xinh quả là một người đàn ông rất đáng đàn ông, là một người hướng dẫn âm nhạc của rất nhiều người trong cái thời ấy qua radio…

NSƯT QVM: Đúng là nhạc sĩ Nguyễn Xinh đấy! Anh ấy cũng là người thầy của mình, hiểu theo một nghĩa nào đó. Mình cũng nghe  anh ấy nói chuyện, nghe xong học lỏm được cái gì thì học. Rồi mình mới nghĩ, nếu radio của Việt Nam mà có chương trình âm nhạc thì chắc những đài phát thanh của các nước khác cũng phải có. Thế là đêm đến, mình ôm cái đài vào chăn trùm kín và dò sóng…

PV: Đấy là năm bao nhiêu hả anh?

NSƯT QVM: Năm 68-69…

PV: Hồi ấy nghe đài nước ngoài có khi cũng là phạm tội đấy chứ (cười)

NSƯT QVM (cũng cười): Đúng vậy, nên mình phải chui vào chăn mà nghe. Tuy nhiên, mới chỉ nghe được ba lần thì ông cụ nhà mình phát hiện ra nên bán đài luôn, sợ có chuyện gì phiền phức… Tuy nhiên mình cũng kịp nghe được một chương trình nhạc Jazz. Mà lúc ấy mình chưa biết đó là nhạc Jazz đâu, chỉ biết đó là thứ nhạc chưa nghe thấy ai chơi ở Việt Nam bao giờ. Thế là mình giở giấy bút ra ghi lại những gì nghe được, cũng chỉ ghi ở mức độ mà nói thật là rất sơ đẳng. Nhưng mà ấn tượng về nhạc Jazz lúc ấy nó…

PV: Ngay từ lúc ấy đã mạnh mẽ rồi, cảm thấy chất ấy nó hợp với mình rồi?

NSƯT QVM: Đúng thế. Và thứ nhạc đấy đã chinh phục thực sự với mình. Và mặc dù lúc ấy mình còn bé, mình đã nghĩ rằng mình sẽ phải chơi được loại nhạc này. Thứ nhất, nếu chơi được loại nhạc đó thì mình sẽ có cách chơi riêng, không sợ gì những người học chính quy trong trường nhạc. Thứ hai, đó là loại nhạc rất hợp với mình. Và thế là mình cứ dò dẫm tập, không có thầy thợ gì cả.

Mãi cho tới năm 1976, sau giải phóng miền Nam, vào thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn cùng đội nghệ thuật của Thành đoàn Hà Nội, mò tới đường Trương Minh Giảng, mình mới mua được một cuộn băng cátxét nhạc Jazz. Mang về nghe và ngồi chép lại những gì nghe được, dần dà mình mới vỡ vạc ra thế nào là nhạc Jazz, chứ trước thì mình chỉ hiểu đó là thứ âm nhạc của người da đen thôi. Và mình bắt tay vào tập luyện rất nghiêm túc theo những gì đã nghe được và ghi lại được, mặc dầu thời ấy, đi làm việc với các đoàn cũng phải chơi…

PV: Đủ các kiểu nhạc?

NSƯT QVM: Đủ các kiểu nhạc! Nhưng ngoài giờ đi làm kiếm sống ra thì mình lại tập nhạc Jazz. Đó là một thời mà mình rất thấm thía, thế nào là sự đơn độc. Ngay cả bạn bè thân, tới chơi, mình mở cho nghe nhưng cũng chẳng ai muốn cùng tập nhạc Jazz với mình. Thôi thì cứ đành tự mình nghiền ngẫm và tập luyện. Mãi cho đến năm 1981 khi mà chuyển về Nhà hát Thăng Long này thì mình mới có điều kiện hơn để chuyên tâm với nhạc Jazz. Trước đấy là năm 80 thì làm cho Đoàn Cải lương Chuông Vàng.

PV: Thổi saxophone cho vọng cổ?

NSƯT QVM: Dạo ấy Chuông Vàng hay có các chương trình tân cổ giao duyên, vừa ca cải lương vừa hát nhạc mới. Ở Chuông Vàng mình cũng đã định "dụ" anh em trong dàn nhạc cùng chơi nhạc Jazz nhưng vì đẳng cấp không đủ nên việc không thành.

Về với Nhà hát Thăng Long (lúc đó còn gọi là Đoàn Ca múa Hà Nội), mình cũng định cùng dàn nhạc chơi nhạc Jazz nhưng rồi việc cũng lại không thành. Mình cũng soạn bài bản hẳn hoi nhưng khi anh em chơi thì vẫn không ra chất Jazz mà vẫn như những bài nhạc nhẹ nào đó… Nhưng lúc đó mình cũng có điều kiện hơn để đi sâu tìm hiểu nhạc Jazz.

Và tới năm 1987, đi biểu diễn ở CHDC Đức, được tận mắt chứng kiến sự phổ cập của nhạc Jazz, thì mình mới càng quyết tâm hơn. Ở bên Đức thì vào thang máy cũng nghe nhạc Jazz, ở lobbi khách sạn cũng nghe nhạc Jazz, ở phòng khách sạn có mấy kênh radio cũng đều nhạc Jazz, rồi mình ra đến vườn hoa uống bia với người ta thì cũng thấy biểu diễn nhạc Jazz. Chỗ nào họ cũng Jazz.

PV: Chỗ nào cũng vang lên giai điệu Jazz…

NSƯT QVM: Từ đó mình nghĩ là bắt buộc phải làm một cái gì nghiêm túc hơn với nhạc Jazz. Năm 1988, mình mới quyết định làm chương trình độc tấu có nhạc Jazz ở Hội Nhạc sỹ. Trong chương trình có 3 loại kèn saxophone với 3 dòng âm nhạc. Saxophone đối với nhạc cổ điển chính thống, saxophone đối với âm nhạc Việt Nam và saxophone đối với nhạc Jazz. Trước đó ở nước ta chưa một ai đưa cái chữ nhạc Jazz vào các chương trình cả.

PV: Chắc là ở miền Bắc thì có thể chưa chứ còn ở miền Nam hẳn ngày xưa cũng đã có người biểu diễn nhạc Jazz rồi.

NSƯT QVM: Ở miền Nam thì ngày xưa nó cũng không thành hình, nếu có ai đó chơi nhạc Jazz thì cũng chỉ ở những câu lạc bộ dành cho lính Mỹ…

PV: Trong các hộp đêm?

NSƯT QVM: Theo như mình biết qua lời kể, ở miền Nam trước cũng không có những buổi biểu diễn nhạc Jazz, mà chỉ  có chiều chủ nhật hằng tuần ở khách sạn Paramouth nào đấy, người ta xách kèn đến người ta chơi, chơi cái gọi là nhạc Jazz.

PV: Một dạng na ná như nhạc Jazz thôi…

NSƯT QVM: Chơi những giai điệu của nhạc Jazz. Và sau khi mình làm xong chương trình độc tấu đó thì Nhạc viện Hà Nội mời mình về dạy, từ năm 1989.

PV: Dạy về kèn saxophone?

NSƯT QVM: Về kèn saxophone, mà trong giáo trình có bàn về nhạc Jazz.

PV: Anh soạn hay ai soạn giáo trình?

NSƯT QVM: Mình cùng soạn với anh Phúc Linh. Anh Phúc Linh lúc ấy là Chủ nhiệm khoa Kèn và sau này từng làm Phó Giám đốc Nhạc viện. Bây giờ anh ấy về hưu rồi. Anh ấy là một nghệ sĩ kèn bassoon rất giỏi. Ngồi bàn với anh ấy thì anh ấy nói chuyện là, nên có nhạc Jazz ở trong giáo trình. Thế thì đúng ý mình rồi, mình cũng muốn nó như thế. Sau khi trao đổi xong thì cùng soạn giáo trình: học sinh trung cấp 4 năm sẽ học một nửa cổ điển và nhạc Việt Nam, một nửa sẽ học nhạc Jazz.

Cũng trong năm 1989, mình lại tiếp tục làm một chương trình độc tấu nữa, bởi vì mình cũng muốn chứng minh, đây là một công trình nghệ thuật nghiêm túc, ngoài chuyện nhạc cổ điển và tất cả các dòng âm nhạc khác thì nhạc Jazz sẽ phải được xuất hiện thường xuyên hơn một chút. Xong chương trình đó mình lại tập trung vào việc dạy ở Nhạc viện và đến 1994 thì bắt đầu làm được một đêm đầu tiên ở Nhà hát Lớn Hà Nội.

PV: Với danh nghĩa chính thức là đêm nhạc Jazz?

NSƯT QVM: Lúc ấy mình không chơi nhạc Jazz thuần túy nữa. Trong đêm biểu diễn đó, mình vẫn chơi kèn saxophone cổ điển, xong đến kèn saxophone với nhạc Jazz và phần thứ 3 là kèn saxophone với âm nhạc dân gian Việt Nam phong cách Jazz. Lúc ấy, mình đã viết được 3 tác phẩm là "Tiếng khèn gọi bạn", tức "Giai điệu Sa Pa", bài thứ hai là "Vấn vương" và bài thứ ba là "Ngẫu hứng Tây Nguyên". Năm 1996, phía Pháp mời đi biểu diễn ở Paris, mình đã diễn 3 bài đó với một tốp nhạc của Pháp, được lắm. Về nhà, mình lại càng quyết tâm hơn theo đuổi thử nghiệm nhạc Jazz với chất liệu dân ca Việt Nam.

PV: Khi nào thì anh quyết định lập ra Câu lạc bộ nhạc Jazz mang tên anh? 

NSƯT QVM: Đầu năm 1997, mình được nhận danh hiệu NSƯT nên đã định làm một chương trình độc tấu. Song mình nghĩ, nếu về phần độc tấu thì người ta biết mình rồi, bây giờ mình mà tập trung kinh tế làm cái Câu lạc bộ nhạc Jazz thì mình sẽ có một lực lượng chơi thường xuyên nó sẽ giỏi dần lên.

Lúc ấy số học sinh mà mình dạy ở trong Nhạc viện đã bắt đầu khá hơn rồi. Mình cũng đã tập trung các cháu chơi nhạc Jazz, biểu diễn ở nhiều nơi với cả khách nước ngoài, trình độ cũng nâng lên một bậc rồi…

Nếu có một điểm cố định thường xuyên cho các cháu chơi tiếp thì rất tốt, vừa có thu nhập cho các cháu, vừa có chỗ luyện tay nghề. Cái nghề này phải làm thường xuyên thì may ra mới giỏi được. Chứ không, các cháu sẽ phải đi bươn chải với những dòng âm nhạc khác, những thứ âm nhạc khác, khó có thể chuyên tâm với Jazz…--PageBreak--

PV: Chỉ có thể bằng cái sự ngẫu hứng, cảm hứng âm nhạc hằng ngày theo phong cách Jazz thì may ra mới tạo ra được một bản sắc âm nhạc đích thực, đúng vậy không anh?

NSƯT QVM: Bản thân mình có dạy trong trường thì mình biết, học sinh cũng không thể chuyên tâm được hết với nhạc Jazz nếu không có những điều kiện phụ trợ. Bởi vì các cháu sau khi ở trên lớp xong, quay trở lại về nhà, ai biết các cháu có tập Jazz không, có suy nghĩ về Jazz hay không, hay là lại bị cám dỗ của việc đi biểu diễn những thứ nhạc hàng chợ hay những thứ nhạc đơn giản đang đầy ra ở Hà Nội?

Nói thật, khi hiểu ra rằng nhạc Jazz là sự nghiệp cuối cùng của cả đời mình thì mình đã quyết tâm mở Câu lạc bộ nhạc Jazz này, dù đã phải rất long đong lận đận, khó khăn đủ điều, ba bốn lần đổi chỗ. Và thế là có chỗ cho hằng tối các cháu thay nhau biểu diễn, cùng nhau tắm mình trong không gian nhạc Jazz. Vấn đề là làm sao mình duy trì được hoạt động của câu lạc bộ. Và đây cũng chính là đầu ra sớm cho rất nhiều sinh viên, họ sớm trở thành chuyên nghiệp trên một sàn diễn như ở đây…

PV: Bởi vì anh không phải là người được đào tạo hàn lâm nên anh cũng dạy không phải theo cách hàn lâm mà theo cảm tính, kinh nghiệm và bản năng âm nhạc của mình. Đúng không anh?

NSƯT QVM: Mình có tuân thủ những tiêu chí hàn lâm trong công tác giảng dạy, nhưng tư tưởng của mình là lấy thực tiễn đi đôi với lý luận, chứ còn chỉ học trong trường không thôi thì chưa đủ.

PV: Chỉ lý luận suông mà không trải qua thực tế biểu diễn thì không thể hiệu quả…

NSƯT QVM: Đúng. Mình là con người lấy thực tế làm tư tưởng chủ đạo. Mình vẫn dạy lý luận cho các cháu trong trường nhưng đồng thời mình vẫn lái đến một cái là phải mang được những điều đã học được ra biểu diễn ở ngoài đời.

PV: Trước đây, anh đã tự học các ngón kỹ thuật chứ không có ông thầy nào kèm cặp anh. Đúng không nào?

NSƯT QVM: Không, không có.

PV: Thế nên những ngón kỹ thuật của anh cũng là những ngón kỹ thuật tự đào luyện, khổ luyện mà thành, đúng không?

NSƯT QVM: Một khi đã phải tự mình nghe rồi ghi ra những bản nhạc Jazz và nhìn theo đó mà chơi thì đấy là những bài tập, đấy là những kỹ thuật rất đẳng cấp, không phải dễ nhìn mà chơi đâu. Tự cái đấy đã đào luyện mình rồi. Tất nhiên sau này mình cũng đã sưu tầm rất nhiều sách, cả mua nước ngoài để học hỏi về kỹ thuật.

PV: Thực ra tự học vẫn là cái quan trọng nhất. Trong nghề gì cũng thế…

NSƯT QVM: Vâng. Mình vẫn theo quan điểm là làm sao để có thể mang kiến thức đã học trong trường ra sử dụng ngoài đời và lấy cái thực tế là lò đào luyện chính. Và muốn nâng cao trình độ thêm nữa thì cần phải tiếp xúc cả với các bạn quốc tế, luôn luôn tham khảo, luôn luôn học hỏi. Nhưng nếu như không có một môi trường để biểu diễn thường xuyên thì cũng không làm được gì.

Và từ năm 1997, mình quyết định có thể đây là việc làm cuối cuộc đời là cố gắng xây dựng được hệ thống những nghệ sỹ chơi nhạc Jazz. Mình đã chơi cùng nhiều nghệ sĩ lắm, nhiều người giỏi nhưng không nhiều người chịu sống chết với nhạc Jazz. Họ cảm thấy họ còn rất nhiều các thứ khác nữa. Mình không chê trách, nhưng mình hiểu rằng nếu như mình không làm công việc này một cách hết lòng thì sẽ không bao giờ…

PV: Không sống chết với Jazz thì mình sẽ không bao giờ đạt được cái gọi là đỉnh cao trong nhạc Jazz, đúng không anh?

NSƯT QVM: Đúng. Và mình còn nghĩ rằng, nghệ sỹ không được đóng khung trong cái tôi mà phải xây dựng được những lực lượng kế tiếp…

PV: Tức là mình không chỉ yêu vị trí của mình trong âm nhạc mà mình phải yêu chính cái âm nhạc ấy và làm mọi cách để âm nhạc ấy phát triển?

NSƯT QVM: Đó đó. Đấy là một điều hết sức, hết sức đúng nghĩa. Thực ra thì, đã có rất nhiều thế hệ chơi rồi bỏ.

PV: Ít ai đi đến cùng.

NSƯT QVM: Nhưng mình vẫn luôn luôn có các cháu, có các học sinh. Thậm chí khi phát hiện được một cháu có đam mê, chưa bộc lộ khả năng mà có đam mê thì mình lập tức kéo các cháu vào tập luyện ngay, bảo các cháu, tham gia đi rồi sẽ giỏi!

Có những cháu có thể trong trường học bình thường thôi nhưng giờ ra đây chơi tự dưng giỏi hơn rất nhiều bởi vì đã được tập luyện, được làm việc và được cả bạn bè thôi thúc, giúp phát triển. Chứ còn thường các cháu nhiều khi không có một con đường, không có một mục tiêu, dễ trở nên tản mạn, bỏ phí khả năng đi.

Câu lạc bộ nhạc Jazz là một chỗ tập trung các cháu, các em lại, khả năng thế nào thì thể hiện đi. Đồng lương chỉ ở mức độ trung bình với xã hội. Và khi biểu diễn, anh chơi thứ nhạc này vất vả hơn, nhưng bù lại, anh được việc rèn kỹ thuật cho anh, anh lại được tiếng vỗ tay của khán giả thực sự hơn…

PV: Được khoái cảm nghệ thuật….

NSƯT QVM: Còn anh đi làm ở các quán bar khác, chơi thứ nhạc khác, anh đệm cho ca sĩ hát thì cũng sống được, cũng có tiền, nhưng có lẽ không vinh dự bằng việc này…

PV: Đấy là trong con mắt, trong cách nhìn của anh là như thế và những người cộng sự của anh cũng suy nghĩ như vậy.

NSƯT QVM: Thực ra mình cho một cái điều văn minh, quan trọng hơn nữa đối với các cháu là chơi nhạc Jazz, anh luôn luôn là solist, anh không đệm cho ai cả, anh được quyền solo, anh được quyền thể hiện bản tính nghệ thuật của anh, tư duy của anh, sự tập luyện, trình độ của anh thông qua việc solo đó. Và công việc hằng tối nó nhắc chính các anh có cái tôi, chứ không phải là chỉ tôi mới có cái tôi.

PV: Tôi hiểu rồi, nhưng có gì mâu thuẫn không, khi nhạc Jazz là thứ âm nhạc để cho cá nhân biểu hiện cao nhất, vậy sự cộng tác của các nghệ sỹ nhạc Jazz với nhau nó có ảnh hưởng gì không khi tất cả đều muốn là những "đỉnh Thái Sơn"?

NSƯT QVM: Cảm ơn Hồng Thanh Quang vì cái câu hỏi ấy. Bởi vì khi anh xây dựng hình chóp, liệu các hình chóp ấy có hòa thuận được với nhau, có quyện được với nhau không? Thì chính việc biểu diễn hằng tối này tự các nghệ sĩ sẽ tranh luận, tự các nghệ sĩ sẽ đào luyện…

PV: Hòa thuận với nhau, hòa quyện với nhau đến mức độ cao nhất có thể?

NSƯT QVM: Đúng thế. Bởi một khi một anh kèn solo, mà anh đàn piano chơi không chuẩn xác thì tự dưng anh kèn phải quát nhặng lên với anh kia là tại sao lại chơi thế và anh piano bắt buộc phải tập trung vào. Cũng như khi anh piano solo, anh bass, anh trống chơi không hòa quyện, tự dưng anh bị chuế, anh tạo ra cảm giác khó chịu và các anh phải tự bàn với nhau, tự lắng nghe nhau. Chứ không phải mình cứ áp đặt, tôi là chủ quán, tôi yêu cầu anh phải chơi như thế này, thế nọ…

Không, không. Với nhạc Jazz hoàn toàn không thể áp đặt được, nó vẫn solo nhưng nó solo không hay thì đầu tiên nó phải xấu hổ với nó đã, rồi nó mới xấu hổ với người nghe. Chứ mình hoàn toàn không mang danh nghĩa là chủ quán mà áp đặt. Mình chỉ là người tập trung các cháu lại, chia các cháu ra thành từng nhóm một, hãy biểu diễn đi, mỗi nhóm có thể tự lựa chọn các bản nhạc, tự lựa chọn làm sao để bật ra được sở trường của mình...

PV: Theo cách anh nói, một nghệ sỹ nhạc Jazz giỏi là người có thể tìm ra phương án có lợi nhất cho mình nhưng vẫn hòa quyện với xung quanh, có phải như vậy không?

NSƯT QVM: Đúng, đấy là một điều cực kỳ quan trọng.

PV: Khi tiếp xúc với anh và nghe anh chơi đàn thì thực sự thấy anh là người có một niềm đam mê đến mê muội với âm nhạc nhưng cái sự đam mê nghệ sỹ, tính nghệ sỹ ấy có gây cản trở cho anh trong công việc? Bởi vì bây giờ anh không chỉ đơn thuần là nghệ sỹ, thực ra nghĩa nào đấy gần như là người tổ chức. Vậy hai cái đấy có mâu thuẫn với nhau không và nó ảnh hưởng tới nhau như thế nào?

NSƯT QVM: Mâu thuẫn nhiều.

PV: Và anh xử lý mâu thuẫn đó như thế nào?

NSƯT QVM: Mâu thuẫn đầu tiên nếu như mình không tổ chức cái mô hình này, không có một chút kinh doanh thì không thể lấy tiền đâu trả lương cho tất cả mọi người làm, rồi thuê nhà, đủ mọi thứ, như một doanh nhân. Nhưng cái mâu thuẫn lớn nhất là nhạc Jazz hiện nay chưa phủ rộng được ở Việt Nam.--PageBreak--

PV: Đây không phải là loại hình âm nhạc phổ cập mà vẫn kén chọn người nghe.

NSƯT QVM: Tôi đã từng nói, tôi như là một người có một mặt hàng, nó rất cao quý nhưng lại chưa bán được…

PV: Chưa bán chạy…

NSƯT QVM: Đúng, chưa bán chạy… Và một khi nó còn chưa bán chạy tức là tôi có thể là một nhà kinh doanh tồi. Nhưng có một điều cao hơn, theo ý nghĩa văn hóa là cao hơn, là nếu như tôi không làm như tôi đang làm thì không có lực lượng này, ở Việt Nam sẽ không có một đội ngũ những người biểu diễn nhạc Jazz. Bởi vậy, tôi sẵn sàng làm rất nhiều việc khác, tôi sẵn sàng đi biểu diễn chỗ khác, tôi sẵn sàng đi biểu diễn ca khúc, nhạc nhẹ, thậm chí chơi cả nhạc Jazz ở bất cứ nơi nào người ta cần, tôi lấy tiền đó lại nuôi câu lạc bộ. Tôi có thể hy sinh con người tôi, nhưng các cháu ở đây sẽ được đắm mình với không khí Jazz thực sự.

Những người khách đến đây, họ đến đây ăn uống - ở Hà Nội rất nhiều chỗ nhưng tại sao họ đến đây? Đó là vì ở đây họ được thưởng thức trình độ biểu diễn nhạc Jazz của nghệ sĩ Việt Nam và ẩn sâu hơn nữa, họ được nghe những bản nhạc dân gian Việt Nam theo phong cách Jazz. Đấy mới là cái quan trọng hơn, đấy là cái mới đối với họ. Và mình hy vọng, chính các cháu nghệ sỹ qua 10 năm, 11 năm chơi với mình, đã thành hình trong đầu ý thức được rằng, ở cái sân khấu này anh được sự tôn trọng của bạn bè quốc tế.

Thậm chí kể cả những nghệ sỹ chuyên nghiệp nước ngoài đến đây, người nổi tiếng đến đây họ cũng trân trọng là, mặc dù nhạc Jazz ở Việt Nam chưa phải là môn nghệ thuật đại chúng nhưng vẫn có một nhóm người vẫn tự nâng cao, vẫn tự chơi một thứ nhạc Jazz thật nghiêm túc.

Mình muốn dùng từ "thật nghiêm túc" là vì, bản thân các cháu khi chơi một bản nhạc quốc tế từng có rất nhiều người chơi rồi, nhưng chơi ở đẳng cấp cao và chơi có màu sắc riêng, có cá tính âm nhạc mang màu sắc riêng của mình, thì sẽ có thêm cơ hội để trở thành một đẳng cấp chuyên nghiệp, những nghệ sỹ chuyên nghiệp. Đấy là mục tiêu chính của mình đối với các cháu.

PV: Với cá nhân anh thì tại sao nhạc Jazz lại có ý nghĩa như thế và anh thu nhận được gì từ nhạc Jazz ấy, không phải về vật chất đâu, mà về cả khía cạnh âm nhạc, tinh thần?

NSƯT QVM: Nhạc Jazz có tính công bằng lắm, nó đòi hỏi con người ta cống hiến luôn luôn hàng giờ, hàng phút. Khi chơi Jazz, không ai đệm cho ai cả. Ai cũng là solist, ai cũng có cơ hội tự thể hiện mình. Trước nhạc Jazz tất cả đều bình đẳng, đều đòi hỏi phải có trình độ rất cao. Tất cả các anh đều là nghệ sỹ cả, chứ không phải có anh nào đó sinh ra chỉ để đệm cho người khác. Trong các chương trình ca nhạc khác, ca sỹ là chính, tất cả các nhạc công là đệm. Ở đây các nghệ sỹ đều là chính.

PV: Sân chơi rất bình đẳng!

NSƯT QVM: Và tất cả đều là nghệ sỹ solo hết.

PV: Đều có phần solo của mình.

NSƯT QVM: Cái quan trọng nhất của nhạc Jazz là anh có làm xuất hiện cái tôi của anh trong cái khán phòng hay không. Rất quan trọng là, trong một nhóm người chơi, tôi tôn trọng anh, anh cũng phải tôn trọng tôi, anh thể hiện phần của anh thì tôi thể hiện phần của tôi, nói lên một cái tổng thể là tất cả các nghệ sỹ đều là những nghệ sỹ solo.

PV: Anh đã đào tạo nhiều nghệ sỹ thổi saxophone rồi. Nghệ sĩ nổi tiếng Trần Mạnh Tuấn cũng từng là học trò của anh. Anh  nhận xét về Trần Mạnh Tuấn như thế nào?

NSƯT QVM: Trần Mạnh Tuấn là một con người có tài năng. Bây giờ Tuấn cũng đã làm Jazz rồi, đã gắn bó với Jazz rồi, nhưng Tuấn là một người thiên về thị trường nhiều hơn.

PV: Tức là biết thích ứng với thị trường nhiều hơn?

NSƯT QVM: Vâng, thiên về thị trường nhiều hơn.

PV: Có phải Tuấn thành công hơn anh trong mặt tiếp cận thị trường mà anh nói thế không? Hay là theo một tiêu chí nào đó khác?

NSƯT QVM: Không, hoàn toàn không. Bởi vì mình quan niệm một điều là, anh chơi nhạc đương nhiên anh phải có cuộc sống, anh phải sống với thị trường, nhưng anh phải giữ Jazz nó có giá trị âm nhạc của nó.

PV: Thuần chất?

NSƯT QVM: Chúng ta đơn cử một điều. Chẳng hạn có rất nhiều nghệ sỹ chơi âm nhạc cổ điển ở Việt Nam cũng có cái khó khăn là ở Việt Nam, âm nhạc cổ điển đã là đại chúng đâu.

PV: Không thể và sẽ không bao giờ là đại chúng!

NSƯT QVM: Thế nhưng họ vẫn chơi âm nhạc ấy với tinh thần của âm nhạc cổ điển. Có thể anh có làm marketing hay làm cái gì đó, nhưng âm nhạc vẫn phải là âm nhạc hướng người ta đến nghe chứ không phải là…

PV: Âm nhạc phải nâng người nghe lên cùng tầm với mình chứ không phải tự hạ mình để ngang bằng với một bộ phận người nghe nào đó chỉ vì lý do duy nhất là họ có tiền.

NSƯT QVM: Đúng thế. Trong âm nhạc người ta nên phải có một nickname. Trần Mạnh Tuấn là một cái tên, một nickname rất lớn, rất công chúng và đại chúng ở Việt Nam. Tôi thấy điều đó rất mừng… Riêng tôi, tôi vẫn bám lấy một ý thức là, nhạc Jazz đích thực vẫn tồn tại ở Việt Nam theo một góc độ nào đó, theo một con đường nào đó. Và mình sẽ chứng minh với thiên hạ, với công chúng là, nhạc Jazz nó sẽ phát triển đến đâu, thông qua cái gì. Và tôi đã chứng minh được là, thế hệ các nghệ sỹ chơi nhạc Jazz với tôi đã thay đổi rất nhiều nhưng vẫn tồn tại và không ai làm quá nhiều trong một tuần cả, người nhiều nhất là 3 tối trong một tuần để còn có thời gian hồi phục âm nhạc, nâng cao âm nhạc.

PV: Thực ra mỗi một buổi diễn rất hao tâm khổ tứ, không chỉ sức lực đâu, mà cả những trữ lượng tinh thần.

NSƯT QVM: Cái đấy là một phần, nhưng sợ nhất là anh bị xói mòn, anh trở thành thứ thợ trong âm nhạc của mình.

PV: Kiên quyết không làm "thợ nhạc"! (cười)

NSƯT QVM: Kiên quyết! (cười). Tôi muốn các cháu làm nghệ sỹ. Có thể hôm nay chơi chưa hay, nhưng ngày mai xuất thần, họ sẽ chơi rất hay. Họ tự sàng lọc, gạt bỏ tất cả những thứ không hay để vươn lên cái hay hơn.

PV: Có ý kiến cho rằng chính ra trong làng âm nhạc của chúng ta hiện nay quá nhiều "thợ nhạc" và ít những nghệ sỹ đích thực… Bởi vì nghệ sỹ âm nhạc đích thực không chỉ là người chơi nhạc, nó phải là một phong cách, nó là cả một phong độ, một tinh thần. Anh có cảm thấy thế không?

NSƯT QVM: Mình xin đơn cử một điều. Bản thân mình, mình cũng xuất bản đĩa nhưng mình không thể bán đại trà được như một số người khác. Bởi vì đĩa đầu tiên của mình là những bản nhạc dân gian Việt Nam mình viết thành nhạc Jazz. Với khách quốc tế là rất thành công, nhưng với công chúng Việt Nam, mình có đưa ra mời họ nghe họ cũng không nghe, là vì họ chưa có nhu cầu ấy.

Nếu mình solo saxophone những bản như của anh Trịnh Công Sơn, của anh Phó Đức Phương, của Phú Quang những bản nhạc phổ cập thì chắc sẽ bán chạy hơn. Những bản nhạc đó rất hay nhưng có người làm nó rồi, mình muốn làm cái điều gì mà chưa ai làm. Mình muốn có cái gì là mới trong văn hóa.

Có một điểm nữa, mình là một giảng viên trong Học viện Âm nhạc mà mình lại xuất thân không học ở đây, thì tất cả những động thái gì, tất cả những ấn phẩm mình làm ra mà mình muốn để cho các bạn đồng nghiệp của mình bây giờ, họ là các giáo sư, các bậc đàn anh, người ta tôn trọng thì mình phải làm theo con đường nghiêm túc, gọi là âm nhạc nghiêm túc.

PV: Phải cần có thời gian để công chúng quen được với anh. Nhưng nghiêm túc thì vẫn cần cố gắng để tiếp cận với công chúng rộng rãi. Thế nhưng, việc này không thể nóng vội được, không thể nào trong thời gian ngắn có thể đốt cháy giai đoạn được.

NSƯT QVM: Mình có thể tự hào với Hồng Thanh Quang rằng, mình là người duy nhất có 6 quyết định của Bộ Văn hóa cử đi làm trưởng đoàn nhạc Jazz của Việt Nam đi biểu diễn ở nước ngoài. Bởi vì khi mình đưa các cháu đi diễn, rất đơn giản, có thể là ở Nhật, ở Singapore, ở Malaysia, ở Macau. Tất cả các chương trình ấy là những bước đi đầu tiên để cho các học sinh, các cháu, kể cả con trai tôi, tiếp bước. Người già đã làm được thế này, người trẻ tiếp tục làm. Còn nếu như không có chúng tôi, không có âm nhạc dân gian chơi với Jazz thì chúng ta không bước ra được với quốc tế…

PV: Đấy là con đường anh đã chọn, đúng không?

NSƯT QVM: Mình đã chọn. Ngay cái đĩa đầu tiên của mình năm 1999. Kết hợp âm nhạc dân gian Việt Nam với nhạc Jazz. Đây là một con đường lớn hơn, rất chông gai, nhưng nó lại cho mình một niềm hy vọng…

PV: Trong anh thì lúc nào cũng người đàn ông tự tin, thành đạt, viên mãn, nhưng nghe biểu diễn có lúc tôi cảm giác hình như đằng sau ấy nó có một nỗi buồn gì nó sâu thẳm và không bao giờ thỏa…

NSƯT QVM (cười): Luôn luôn là như thế…

PV: Liệu anh có thể nói đó là nỗi buồn gì không trong tiếng kèn của anh khi anh chơi Jazz?

NSƯT QVM: Nỗi buồn ẩn trong tiếng kèn của tôi từ rất lâu rồi. Người ta thường nói tôi chơi bài buồn hay hơn chơi bài vui. Là bởi vì từ điểm xuất phát của mình, mình đã bị buồn. Mình đã muốn có điều kiện này, điều kiện kia mà không có được.

PV: Không có, toàn phải tự mình vượt khó.

NSƯT QVM: Cho đến khi mình vượt rồi, mình cần một tiếng của cộng đồng, của đồng hữu, rất khó. Phải nói rất thật với Hồng Thanh Quang một câu khi mà mình viết bài "Cảm nhận" trong chương trình "Cha, con và nhạc Jazz". Mình đã phải nói rằng tôi viết bài này tặng cho các nghệ sỹ chơi Jazz trẻ, bởi vì 20 năm của nhạc Jazz Việt Nam so với 140 năm của nhạc Jazz thế giới thì con số nó quá bé. Điều thứ hai là, tính cộng đồng của những người chơi Jazz chưa cao. Có, nhưng chưa cao. Nhiều khi họ không có sự liên kết. Tôi nói, xin lỗi, ta thấy trong dòng nhạc pop hay các dòng nhạc, họ cũng có đấu đá, cạnh tranh nhau lắm nhưng đôi lúc để đạt được cái gì đấy họ vẫn cần phải cộng tác. Thế mà trong nhạc Jazz lại không hề có điều đó, các nghệ sĩ gần như là những ốc đảo riêng, mình nói rất thật lòng. Đấy là điều buồn nhất của mình…

PV: Xin cảm ơn anh!

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文