Năm Dần, nói chuyện "Hùm thiêng Yên Thế"
Ông là lãnh tụ của phong trào khởi nghĩa Yên Thế đã lãnh đạo nông dân trong vùng dựng cờ tụ nghĩa chống quân xâm lược thực dân Pháp bền bỉ gần 30 năm ròng hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, làm cho thực dân Pháp điên đảo, bạt vía kinh hoàng.
Ông đã được chúng đặt cho biệt danh: "Hùm thiêng Yên Thế", là nỗi khiếp sợ đối với binh lính Pháp khi chúng phải tham chiến tại đây. Nhân dịp đầu xuân Canh Dần (Năm Hùm), tác giả, đồng thời cũng là người dân bản địa của núi rừng Yên Thế xin có đôi dòng nói lên niềm tự hào của người dân Yên Thế, lớp hậu duệ đã được sinh ra và lớn lên trên quê hương vị anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám.
Chúng ta hãy cùng đọc lại những nhận xét của các tướng lĩnh thực dân Pháp khi dẫn quân về tham chiến ở Yên Thế như sau:
"Để chống lại Đề Thám, trong một phần tư thế kỷ, chúng ta đã tổ chức 7 cuộc hành quân quan trọng. Trong số các tướng lĩnh chỉ huy các cuộc hành quân này, có người chỉ huy cuộc viễn chinh sang Trung quốc, đó là tướng Voyron. Một vị khác là một con người quang vinh, thống chế Galliéni bất tử, cứu tinh của nước Pháp trong năm 1914..."
"Ông ta đã gây cho chúng ta rất nhiều tổn thất. Ông ta đã đánh những trận thần kì ở Yên Thế. Biết bao chiến binh dũng cảm, da trắng và da vàng, đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây!".
"Ông ta có những tài năng lớn của một chiến binh. Sẽ là hèn hạ nếu không công nhận điều đó." (Trích dẫn lời nói của các tướng lĩnh Pháp trang 72-73 trong: Phong trào nông dân Yên Thế chống thực dân Pháp xâm lược 1884-1913).
….
Dựa vào núi rừng hiểm trở, thủ lĩnh Đề Thám cùng nghĩa quân Yên Thế đã chiến đấu dũng cảm, dẻo dai, thoắt ẩn, thoắt hiện với chiến lược quân sự tài tình khiến quân Pháp suốt 30 năm ròng không sao dập tắt nổi cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Riêng với thủ lĩnh Đề Thám, ông có một năng lực chiến đấu và hiểu biết rất sâu sắc về sử dụng địa hình, địa vật ít ai sánh kịp. Vì vậy, Đề Thám có thể một mình đánh bại hàng trung đội địch.
Chính vì đụng đầu với "Hùm thiêng Yên Thế" thủ lĩnh của phong trào khởi nghĩa, nên quân Pháp không thể nào thắng nổi. Cuối cùng, chúng đã phải hạ sát người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám bằng cách hèn hạ nhất. Đó là lợi dụng kẻ phản bội ám sát ông để dập tắt phong trào khởi nghĩa của những người nông dân yêu nước.
Hơn một thế kỷ đã trôi qua, nhưng giờ đây người dân Yên Thế vẫn như còn nghe tiếng vó ngựa của nghĩa quân Đề Thám vang vọng khắp núi rừng khi mỗi độ xuân sang, trống gọi hội về. Tại khu trung tâm di tích lịch sử khởi nghĩa Yên Thế, đó là đồn Phồn Xương- Đại bản doanh của nghĩa quân Yên Thế khi xưa phấp phới cờ hội, cờ khởi nghĩa tung bay, tạc vào không gian và màu xanh đại ngàn Yên Thế, là tượng đài Hoàng Hoa Thám lồng lộng giữa trời cao, uy nghi, lẫm liệt xứng với biệt danh mà kẻ thù đã từng khiếp sợ: "Hùm thiêng Yên Thế" cùng với câu thơ truyền miệng sống mãi với thời gian:
"Ba mươi năm khắp núi rừng
Danh ông Đề Thám vang lừng trời