Nan giải bài toán bảo tồn nhà vườn cổ ở xứ Huế
Từ năm 2002, Phòng VH-TT TP Huế khảo sát, cho biết, trên địa bàn TP Huế có khoảng 7.178 nhà vườn. Vào thời điểm ấy, có 150 nhà vườn cần được bảo tồn khẩn cấp đã được UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đưa vào dự án “Bảo tồn nhà vườn cổ xưa giai đoạn 5 năm từ 2006- 2010”.
Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi được cấp kinh phí bảo tồn, trùng tu thì không ít chủ nhân các nhà vườn đã buộc phải bán bớt diện tích đất vườn để lấy tiền tu sửa nhà. Một số ít nhà vườn khác bị hư hỏng, xuống cấp nên bị phá bỏ để xây mới... Vì thế mà số nhà vườn cổ ở Huế ngày càng giảm dần theo thời gian. Đến nay, 5 năm sau kể từ ngày dự án “Bảo tồn nhà vườn cổ” kết thúc thì trong số 150 nhà vườn “đặc biệt” nằm trong dự án phần lớn đã hư hỏng, bị thay thế và hiện chỉ còn 27 nhà vườn được giữ nguyên dạng.
Chủ nhân một ngôi nhà vườn cổ trao đổi với phóng viên. |
Tìm hiểu được biết, ngoài phường Kim Long, các phường Thuận Thành, Thuận Hòa, phường Đúc, Thủy Xuân, Vỹ Dạ... thuộc TP Huế còn có hàng trăm nhà vườn khác cũng đang trong tình trạng cần được quan tâm, cấp vốn để chống sự xuống cấp, hư hỏng. Trước thực trạng này, mới đây, HĐND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã thông qua đề án “Chính sách bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng”.
Theo đề án, từ năm 2015 đến 2020, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ có 40 nhà vườn đặc trưng, có diện tích vườn lớn hơn 600m² với các loại 1 gian 2 chái, 3 gian 2 chái được tu bổ. Cụ thể, nhà vườn loại 1 được hỗ trợ bảo tồn trùng tu tối đa là 700 triệu đồng; loại 2 là 500 triệu đồng và nhà vườn loại 3 là 400 triệu đồng. Ngoài ra, chủ nhà vườn được hỗ trợ 100% lãi suất vay trùng tu nhà vườn, mức vay được hỗ trợ cao nhất là 500 triệu đồng/ nhà vườn...
Ông Phan Thiên Định, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Thừa Thiên- Huế nói rằng, đề án vừa được thông qua chính là tín hiệu vui đối với chủ nhân các nhà vườn khi trước đó đã có nhiều dự án nhưng người dân vẫn loay hoay tìm giải pháp để bảo tồn nhà vườn. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu về nhà vườn cổ xứ Huế thì đề án nói trên còn chưa sát với thực tiễn và số lượng nhà vườn được phép cấp kinh phí quá ít, trong khi nhà vườn bị xuống cấp, hư hỏng cần nguồn vốn hỗ trợ lại quá nhiều.
Bên cạnh đó, phần lớn các nhà vườn là phủ đệ hoặc là công trình kiến trúc quan lại triều Nguyễn để lại và thuộc sở hữu chung của họ tộc. Vì thế, có nhiều ý kiến cho rằng ngoài việc hỗ trợ tiền, chính quyền cần tổ chức vận động họ tộc tham gia vào việc gìn giữ, bảo vệ di sản nhà vườn. Đồng thời, cần cho người dân xây dựng nhà phụ cạnh nhà vườn để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt và cuộc sống lâu dài.