25 năm khôi phục Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn, Hải Phòng:

Nét đẹp văn hóa của cư dân miền biển

09:18 02/09/2014
Từ bao đời nay, câu ca dao “Dù ai buôn đâu bán đâu. Mùng 9 tháng 8 chọi trâu thì về” đã gợi nhắc về lễ hội chọi trâu truyền thống mang đậm nét văn hóa tâm linh diễn ra ngày 9/8 âm lịch tại quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng. Hình ảnh “hai ông trâu quyết chiến” trở thành biểu tượng tín ngưỡng đặc trưng, thể hiện tinh thần thượng võ, quả cảm của những ngư dân vùng biển.

Năm 2013, Bộ VH-TT&DL công nhận lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2014, UBND quận Đồ Sơn tổ chức kỷ niệm 25 năm lễ hội chọi trâu truyền thống.

Gian nan khôi phục lễ hội

Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn là một trong 15 lễ hội lớn của cả nước có từ cách đây hàng nghìn năm, vừa mang tính vui chơi giải trí và có ý nghĩa tâm linh sâu sắc, cầu mong một năm quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, ngư dân đi biển bội thu. Trong một thời gian dài, lễ hội bị gián đoạn do ảnh hưởng của chiến tranh. Năm 1963, chọi trâu Đồ Sơn được tổ chức lại để các nhà quay phim Nhật Bản làm phóng sự. Tiếp đó, đến đầu thập niên 90, lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn chính thức được khôi phục và phát triển đến ngày nay. Những ngày đầu khôi phục, chính quyền địa phương tìm gặp các cụ cao niên nghe kể về lễ hội, tìm hiểu về cách tuyển chọn, huấn luyện trâu, những quy định, luật lệ thi đấu... Sau đó, Ban cố vấn và chính quyền địa phương vận động nhân dân tôn tạo, phục dựng lại các đình làng, tổ chức lễ hội có quy mô.

Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn mang nét độc đáo riêng với những tập tục, luật lệ khắt khe truyền qua bao đời như: tham gia lễ hội phải là nam giới, phải giữ thân thể thật “chay tịnh”, đặc biệt gia đình không có tang trở. Những quy định này vẫn được lưu giữ đến ngày nay để thể hiện sự tôn trọng lịch sử, nét văn hóa truyền thống địa phương. Thời xưa, nghi lễ được chấp hành nghiêm ngặt, chặt chẽ. Không khí lễ hội rất náo nhiệt, người dân mặc áo mới đi xem hội như đi đón “tết”. Sáng 30/7 âm lịch, các làng tổ chức khai hội bằng lễ rước nước long trọng. Mỗi làng chọn ra hai thanh niên khỏe mạnh, chưa có gia đình riêng, mặc đồ lễ trang trọng khiêng chóe phủ vải đỏ, che lọng, lấy nước ở giếng hàng tổng về đình thờ cho đến khi làm lễ tống thần (hết ngày 16/8). Trong suốt thời gian lễ hội, chỉ các vị có chức sắc mới được ngồi lễ ở đình.

Chăm sóc “ông trâu” trước ngày xung trận.

Phần hội chính diễn ra vào ngày 9/8. Ngay từ sáng sớm, các ông trâu được rước vào sới chọi một cách trang trọng với cờ hội, lọng che, long đình, bát biểu đi kèm đoàn rước mặc trang phục lễ với một người đánh trống khẩu dẫn đường. Sau tiếng loa dịch mời cặp trâu vào thi đấu, đi đầu là hai đội đấu kỳ, ba bước tiến, ba bước lùi cho đến khi hai đội đấu kỳ giáp nhau thì cũng là lúc hai trâu lao vào nhau trong tiếng reo hò cổ vũ của khán giả. Ngày trước, những người tham gia đấu kỳ phải múa sao cho khéo, cho đẹp, cờ phải che hết thân mình, tạo sự phấn khích cho người xem. Còn ngày nay, đấu kỳ đã giản lược đi nhiều nhưng vẫn phù hợp với văn hóa địa phương. Những trận đấu quyết liệt diễn ra trong vòng nửa ngày, các ông trâu thắng hay thua đều được “tế thần”. Riêng phường có trâu vô địch, lễ tế thần trang trọng, quy mô hơn. “Lộc” ông trâu sau đó sẽ chia về cho nhân dân với mong ước gia đình gặp may mắn cả năm.

Ông Hoàng Trung Hiếu, Phó chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, Trưởng BTC lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn cho biết: Lễ hội chọi trâu có ý nghĩa rất quan trọng đối với người dân Đồ Sơn. Bên cạnh giá trị giải trí, lễ hội trở thành tục lệ, tín ngưỡng rất riêng biệt gắn với tục thờ cúng thủy thần và tục hiến sinh, thể hiện tinh thần thượng võ của người dân miền biển. Người Đồ Sơn gắn lễ hội chọi trâu với việc thờ cúng Thành hoàng Điểm tước làng, cầu mong những chuyến đi biển thuận buồm, xuôi gió.

Kỳ công lựa chọn chăm sóc, huấn luyện “ông trâu”

Theo ông Nguyễn Quang Thanh, 55 tuổi, trú tại phường Bàng La, quận Đồ Sơn, huấn luyện viên trâu chọi lâu năm (từng có 2 trâu vô địch), để có trâu đạt giải, phụ thuộc vào một số yếu tố như: may mắn, tâm linh và sự hiểu biết. Nhưng, kinh nghiệm của thế hệ xưa về chọn trâu chọi vẫn xoay quanh 3 tiêu chí: Thể lực - vũ khí (ngà trâu) và can trường. Theo lệ, sau Tết Nguyên đán, mỗi làng cử một người có kinh nghiệm đi các vùng miền, sang các nước lân cận tìm mua trâu. Trâu chọi cần hội tụ 3 tiêu chí: sức khỏe, “trâu ngà” và độ gan lì. Trong đó, quan trọng là độ gan lì, thể hiện ở đôi mắt. Mắt trâu “chiến” phải có hộp mắt nhiều tầng, dày, mắt húp, nhỏ nhưng luôn đỏ vằn tia máu. Trâu sau khi mua về được mang ra đình làng làm lễ tế thần và được nhân dân gọi với cái tên thành kính: “ông trâu”. Ông trâu sẽ được các trưởng giáp chăm sóc, huấn luyện theo một chế độ cầu kì, khoa học “chăm hơn chăm trẻ”. Ngoài những thức ăn hằng ngày như: mía, cỏ sạch…, các “ông trâu” còn được bổ sung thêm: mật gấu, Vitamin B1 và có chế độ luyện tập với cường độ tăng dần như: chạy bộ, lội bùn, vần, vỗ… Tiếp đó, các “ông trâu” tập làm quen với không khí “võ đài” với tiếng hò reo, tiếng trống, tiếng chiêng.

Trong các kháp đấu, khán giả được chứng kiến những miếng đòn, thế đánh cơ bản như: hổ lao, cáng hầu, ghì, ngoáy tai, móc mắt, dập… đánh phủ đầu của các cặp đấu. Để có thể lựa thế đối thủ, người dắt trâu vào sân phải sử dụng nhiều kinh nghiệm và cách thức, thường được gọi là “mẹo” để quyết định tháo dây khỏi mũi trâu vào thời điểm nào. Theo thông lệ mỗi trận đấu, từ cửa Bắc và cửa Nam của sân vận động sẽ có đoàn người mặc quần áo võ tướng thời xưa, đi đầu là người đánh trống khẩu, kế đến là người quản trâu mặc y phục đỏ dắt trâu vào sới, người che lọng cho trâu và hai người múa cờ hai bên. Khi cách nhau chừng 20m, người dắt trâu nhanh chóng rút “sẹo” (sợi dây nhỏ được luồn xuyên qua mũi trâu) cho trâu. Có thể hai trâu lao vào nhau như mãnh hổ, giao chiến đụng đầu quyết liệt, nhưng cũng có khi ra ràng nghênh chiến, né tránh, tìm sơ hở của đối phương mà ra đòn, lấy cáng.

Để trâu chủ động và có đấu pháp hợp lý thì việc rút dây “sẹo” của người dắt trâu mang tính quyết định. Tùy theo đối thủ mà tháo dây. Ví dụ cặp đấu không đánh dập thì người dắt trâu tháo dây bình thường. Nhưng nếu đối thủ lao vào đánh dập thì chủ trâu phải lựa. Có người rút dây sớm để trâu chủ động đối đầu, nhưng có người giữ mũi lại không rút vội tìm cách né đòn, làm giảm hưng phấn của đối thủ. Nếu trâu đánh dập để uy hiếp đối phương thì chủ trâu phải rút sớm để lao tới đối thủ

Đăng Hùng

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 5 bị cáo gồm: Mai Thị Thanh Thủy (SN 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài Thắng - Công ty Tài Thắng); Lê Tuấn Tú (SN 1987, con trai bị cáo Thủy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Quốc tế Tuấn Phát - Công ty Tuấn Phát); 2 nhân viên kế toán 2 công ty gồm: Đinh Thị Lan Hương (SN 1980), Nguyễn Thị Phương (SN 1987); Trịnh Thị Thanh Hòa (SN 1984, thủ kho kiêm thủ quỹ 2 công ty) về tội "Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 221, khoản 1, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Không thụ động chờ các chính sách ưu đãi từ Trung ương, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố chủ động thu hút các đoàn làm phim nhằm tích cực đẩy mạnh quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại từng điểm đến. Đây là động thái cần thiết, không chỉ có lợi cho điện ảnh mà còn có lợi cho các địa phương, mặc dù, việc triển khai này bị cho là khá muộn so với nhiều quốc gia khác.

Kinh tế toàn cầu trong năm 2024 đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trước một loạt thách thức lớn. Từ những căng thẳng địa chính trị kéo dài ở Ukraine và Trung Đông, cho đến những vấn đề nội tại như lạm phát và bất ổn thị trường lao động, bức tranh kinh tế thế giới mang đến cả những tín hiệu tích cực lẫn bài học quý giá. Các nền kinh tế lớn và mới nổi đều tìm cách vượt qua nghịch cảnh, tạo động lực để tiếp tục tiến lên trong bối cảnh biến động không ngừng.

Từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép các trường phổ thông được xây cao không quá 5 tầng, thay vì 3-4 tầng như hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, sự điều chỉnh này là hướng mở phù hợp, cần thiết nhằm góp phần giải quyết bài toán quá tải trường lớp ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nơi quỹ đất để xây trường trong nội thành ngày càng eo hẹp.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Mê Linh, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ tai nạn giao thông xảy ra khoảng 5h10' ngày 27/11/2024 tại đường Mê Linh theo hướng từ đường Võ Văn Kiệt đi tỉnh Vĩnh Phúc thuộc xóm Soi, thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, TP Hà Nội giữa xe ôtô BKS 29C - 733.12 với người đi bộ.

Sau hơn 6 giờ nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng cùng người dân đã phát hiện, vớt thành công thi thể của 2 mẹ con nhảy cầu tự tử vào trưa cùng ngày.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cho biết nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được, ông sẽ yêu cầu đồng minh này của Mỹ giao lại kênh đào.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文