Ngày thơ Việt Nam 2014: Chủ đề biển đảo sẽ xuyên suốt 2 sân thơ
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (NQT): Ngày thơ Việt Nam 2014 vẫn diễn ra vào rằm tháng Giêng với chủ đề biển đảo là trọng tâm và xuyên suốt cả Sân thơ truyền thống và Sân thơ hiện đại. Năm nay, kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên, nên sẽ có nhiều bài thơ viết về chiến thắng Điện Biên và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhân vật lịch sử gắn với sự kiện này. Một số bài thơ như “Mộ gió” của Trịnh Công Lộc, tác phẩm đoạt giải nhì cuộc thi thơ về biển, sẽ được đọc lại, để nhắc lại rõ ràng hơn tinh thần và trách nhiệm của các thế hệ nhà thơ với đất nước. Sự tham gia của các thi sĩ chuyên và không chuyên như bản giao hưởng khẳng định tình yêu Tổ quốc của người Việt. Dựng lại các tuyến lịch sử còn có cuộc giao lưu của các văn nghệ sĩ tiêu biểu từng tham gia chiến dịch Điện Biên như Thiếu tướng nhà văn Hồ Phương, Thiếu tướng nhà văn Chu Phác, nhạc sĩ Hoàng Vân.
Bên cạnh 2 Sân thơ vốn là hoạt động chính từ nhiều năm, Ngày thơ Việt Nam năm nay sẽ có những hoạt động phụ trợ gì, thưa ông?
Nhà thơ NQT: Ngày thơ Việt Nam đã là năm thứ 12, khoảng thời gian đủ để chúng ta nhìn nhận những ảnh hưởng của nó, khi những người làm thơ và yêu thơ đã coi như một lễ hội thơ ca thực sự. Trước đây, Ngày thơ chỉ tổ chức ở trong Văn Miếu, nay mở rộng với nhiều trường đại học, các địa phương. Các trường đại học tổ chức sáng tác và biểu diễn, rồi lựa chọn những tiết mục xuất sắc nhất mang đến Ngày thơ Việt Nam, từ đọc thơ đến các tác phẩm phối hợp, hay tôn vinh thơ v.v… Tại các địa phương, thơ cũng là chủ đề xuyên suốt trong các hoạt động trong Ngày thơ. Không còn là ý nghĩa riêng biệt của những bài thơ, mà là ngày chúng ta bày tỏ sự tôn vinh vẻ đẹp của thi ca, trong đó, có vẻ đẹp đất nước, thiên nhiên, con người đoàn kết, chống lại cái ác và những vấn đề có nguy cơ xâm phạm đến độc lập dân tộc.
Trong Ngày thơ Việt Nam 2014, còn có triển lãm tranh của nhà thơ Mỹ Kevin Bowen với các bức họa chân dung các bạn văn cựu binh Việt Nam và triển lãm ảnh các nhà văn tuổi Ngọ của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán. Khúc vỹ thanh của Ngày thơ Việt Nam sẽ là cuộc hành hương về Điện Biên Phủ vào đầu tháng 3-2014, với sự tham gia của hơn 100 văn nghệ sỹ. Đoàn sẽ đi dọc con đường huyết mạch dẫn lên vùng kháng chiến năm xưa và tổ chức biểu diễn các chương trình nghệ thuật tại các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La và Điện Biên. Đặc biệt, trong dịp này, sẽ có hội thảo 50 năm thế hệ các nhà thơ chống Mỹ.
Hội thảo sẽ tiếp tục khẳng định những đóng góp của các nhà thơ như nhiều hội thảo trước đây?
Nhà thơ NQT: 50 năm trôi qua, đủ để nhìn nhận công bằng và khẳng định những đóng góp của các thế hệ nhà thơ chống Mỹ. Hội thảo sẽ trao đổi về nội dung các thế hệ nhà thơ trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đã sống, sáng tác như thế nào, những giá trị của họ mang lại cho nền độc lập, cho cuộc đấu tranh đó và giá trị mang lại cho sự phát triển nghệ thuật thi ca và tôn vinh vẻ đẹp tiếng Việt ra sao? Vai trò của họ trong thời điểm hiện nay, khi họ vẫn đang tiếp tục sáng tác và ảnh hưởng của họ thế nào trong tương lai. Hội thảo lần này còn có một phần rất quan trọng là nhìn nhận lại những gì mà thế hệ nhà thơ chống Mỹ chưa làm được. Đóng góp cho cuộc chiến đã được khẳng định, nhưng đóng góp cho thi ca cũng còn những mặt chưa được. Hội Nhà văn cũng đã làm xong tuyển tập thơ và tuyển tập văn xuôi của các nhà thơ, nhà văn thời chống Mỹ. Những hoạt động này sẽ kéo dài Ngày thơ, tạo thành đời sống bền lâu và đa dạng.
Sân thơ trẻ năm nay sẽ được tổ chức thế nào, thưa ông?
Nhà thơ NQT: Sân thơ trẻ sẽ xuất hiện những gương mặt mới mẻ, mang hơi thở mới, tư duy mới và nhiều hình thức thể hiện mới. Dĩ nhiên, các tác giả đều được chọn lựa kỹ càng, như một sự thừa nhận của Hội Nhà văn về khả năng của họ. Đặc biệt, họ cũng quan tâm đến một đề tài tưởng như người trẻ ít quan tâm là vận mệnh đất nước, chủ quyền biển đảo ngoài khơi xa… Họa sỹ Lê Thiết Cương sẽ thiết kế sân thơ trẻ.
Ngày thơ Việt Nam luôn thu hút được sự quan tâm của nhiều người dân. |
Ông có thể cho biết đôi điều về lễ khai mạc của Ngày thơ Việt Nam năm nay?
Nhà thơ NQT: Năm nay, BTC không ấn định tiết mục mở màn như trước, mà chờ các tiết mục hay nhất của các trường đại học để lựa chọn. Còn tiết mục “tiền khai mạc” sẽ là bài Nguyên tiêu của Hồ Chủ tịch được đọc theo lối cổ, do đạo diễn, nhà thơ Lương Tử Đức thể hiện. Có thể có các tiết mục trống cơm, vũ điệu chim lạc, thể hiện nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt.
Việc lựa chọn 50 câu thơ hay để thả lên trời trong Ngày thơ Việt Nam là nét văn hóa rất đẹp luôn được công chúng quan tâm. Tuy nhiên, chất lượng một vài câu thơ trong các năm trước đã gây phản ứng của dư luận. Năm nay, hoạt động này sẽ được Hội Nhà văn chú trọng như thế nào, nhằm tránh những hạt sạn không đáng có của một Hội chuyên ngành ở lĩnh vực này?
Nhà thơ NQT: Hội Nhà văn có một Ban tuyển chọn 50 câu thơ hay, gồm các nhà thơ Ngô Thế Oanh, Nguyễn Đức Mậu, Trần Nhuận Minh và nhiều nhà thơ có kinh nghiệm khác. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và tôi cũng sẽ tham gia thẩm định. Ban Tuyển chọn đã chọn được 130 câu thơ hay của các nhà thơ, để từ đó, chọn tiếp lấy 50 câu, theo tiêu chí: hay, độc đáo, thể hiện đúng tinh thần tôn vinh thi ca nước Việt. Như năm trước, các câu thơ hay cũng sẽ được in trên pano, để dọc đường vào Văn Miếu. Hội Nhà văn dự định, Ngày thơ Việt Nam năm 2015, 50 câu thơ hay được chọn sẽ in thành sách cùng với tiểu sử tác giả và có thể, in cả bài thơ có câu thơ hay đó.
Cảm ơn ông đã trao đổi!
Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên lần thứ 34: Lung linh sắc màu thơ - nhạc - họa Với chiều dài thời gian 34 năm, Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên Xuân Giáp Ngọ - 2014 không chỉ là điểm hẹn lâu năm nhất dành cho người yêu thơ trong cả nước, mà đêm hội được tổ chức trong không gian lý tưởng hiếm nơi nào có được khi bữa “tiệc thơ” bày ra ở chân Tháp cổ đậm nét rêu phong trên đỉnh núi Nhạn vươn vai bên bờ sông Chùa thơ mộng giữa lòng thành phố. Trò chuyện với Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên trước đêm hội, người nhạc sĩ có phong thái dung dị và âm giọng đậm chất xứ Nẫu bảo rằng: Vẫn khởi đầu vào đêm rằm tháng giêng và khép lại vào nửa đêm hôm sau, nhưng hội thơ năm nào cũng có nét mới. Đến với đêm đầu tiên trong hội thơ lần thứ 34, những người yêu thơ sẽ có dịp lắng nghe những nhà thơ trải lòng mình qua 20 thi phẩm với hai chủ đề “Tuổi trẻ và Tổ quốc”, “Sắc xuân đất Phú”. Điểm nhấn trong đêm thứ hai với cuộc giao lưu thơ - nhạc. Đó cũng là cuộc hội ngộ của người yêu thơ cùng những cây bút đang sinh sống ở Phú Yên với những nhà thơ đến từ Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP Hồ HCM, Hải Dương quê hương kết nghĩa và Choeng Ju - Hàn Quốc. Từ cuộc giao lưu này và 50 bài thơ của 50 tác giả trong tập thơ Nguyên tiêu 2014, những người yêu thơ - nhạc đến từ Hàn Quốc và một số tỉnh, thành trong cả nước có dịp tìm hiểu những nét đẹp mang đậm bản sắc văn hóa vùng đất xứ Nẫu. PV |