Nghệ nhân Hà Văn Thuấn: Một đời người với cây đàn tính và điệu hát then
Từ thị trấn huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang), ngược trở lại xã Tân An, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân hát then Hà Văn Thuấn (67 tuổi, dân tộc Tày). Căn nhà vắng hiu, chỉ có người vợ của ông đang lịch kịch giã ngô làm bánh.
Ông Thuấn đang dạy trẻ hát then và chơi đàn tính trong ngôi nhà lớn trong xóm của người con trai. Một vài cuộc điện thoại và lời nhắn người trong bản gọi hộ, một lát sau, người nghệ nhân già mặt mũi tươi tỉnh, è è chiếc xe máy Cub 81 cũ kỹ về ngõ, trên tay cầm mấy cây đàn tính đã đủ cả cần, bầu, nhưng chưa lắp dây.
Dựng cây đàn tính lên đùi, so dây nắn phím, ông Thuấn cất giọng hát bằng tiếng Tày một bài then.
Miệng cười, mắt cười, đôi chân vắt chéo và thân người cũng đong đưa theo điệu hát. Ông hát say mê, trong tiếng đàn rộn rã. Thấy tôi có vẻ mê tiếng đàn, nhưng ngẩn tò te về lời hát, ông Thuấn dừng đàn, bảo: "Bài này tôi mới sáng tác, dựa trên nền bài then cổ.
Tôi viết theo đợt vận động an toàn giao thông để dặn dò bà con ra đường nên đội mũ bảo hiểm". Rồi ông lại say sưa nắn phím, hát vang bài ca "Ra đường nhớ Luật An toàn giao thông" bằng tiếng phổ thông cho tôi nghe.
"Trước đây tôi chỉ đàn và hát thôi, ít khi sáng tác lắm vì việc này đã có anh tôi là cố nghệ nhân Hà Phan làm. Nhưng nay tôi vừa hát, vừa đàn, vừa sáng tác. Bên cạnh đó là việc truyền dạy nghề hát then cho con trẻ. Việc đặt lời mới cho then cổ này khiến tôi đam mê quá, nên tôi đã có vài chục bài rồi đấy, chủ yếu là bài hát ca ngợi quê hương, tình yêu đôi lứa, tình yêu lao động.
Tôi cũng sáng tác các bài hát có nội dung tuyên truyền phổ biến chính sách của nhà nước cho bà con, vì việc ở đây, không phải bà con nào cũng nói và đọc chữ phổ thông được. Hơn nữa, đưa chính sách vào lời then để bà con hát thì dễ nhớ, dễ thuộc lắm", ông Thuấn cười cho biết.
Không phải chỉ ở đất Tuyên Quang thì nghệ nhân Hà Thuấn mới nổi danh là người hát then và chơi đàn tính giỏi. Được cha dạy đàn hát từ năm 12 tuổi, đến nay, khắp căn nhà tranh nứa xập xệ của ông đã treo đầy những bằng khen của huyện, tỉnh, Trung ương.
Biểu diễn bài then cổ "Loọng Thuông", ông đoạt giải đặc biệt của Liên hoan dân ca dân vũ, nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2007. Tại Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính toàn quốc lần thứ 2, với tiết mục "Tản Bioóc" ông cũng nhận giải A... Thấy ông chơi cây đàn tính chỉ có hai dây, tôi hỏi thì ông Thuấn cười, rồi xa gần dẫn giải: "Xưa, nguyên bản cây đàn tính có tới 12 sợi dây, gắn vào quả bầu có chừng 10 lỗ thông khí.
Khi tiếng đàn cất lên, muôn loài trong đất trời đều chìm vào giai điệu mê ly của cây đàn tính. Đến thần tiên trên trời cũng vì âm thanh của đàn tính mà bê trễ hết mọi việc. Ngọc Hoàng giận quá, sai tước đi 9 dây, chỉ để lại ba sợi dây cho con người hát và nghe thôi, không được làm kinh động đến thần tiên nữa".
Trầm giọng một chút, ông nói tiếp: "Cuộc sống ngày nay khiến cho việc dùng tiếng hát then, đàn tính để cúng bái, giao tiếp với thần linh không phổ biến nữa, nên chúng tôi cải tiến nó thành hai dây thôi.
Cộng với việc khoan thêm nhiều lỗ cho bầu đàn, tiếng đàn sẽ thanh tao và lảnh lót hơn, không trầm trầm như tiếng đàn xưa. Tiếng đàn bây giờ là của xóm làng, của lễ hội, nên cần vui tươi hơn".
Bên cạnh việc hát, sáng tác các bài then mới, nghệ nhân Hà Thuấn luôn canh cánh trong lòng việc truyền nghề cho thế hệ sau, để gìn giữ điệu hát then và tiếng đàn tính. Khi chúng tôi đến nhà, ông đang dạy miễn phí cho mấy cháu học sinh từ các xã khác đến theo học.
Ông Thuấn bảo: "Theo chương trình của huyện, tỉnh, thì tôi mới tham gia dạy cho khoảng 43 học viên, để làm hạt nhân cho phong trào văn nghệ ở các xã. Nhưng các cháu mê đàn hát được cha mẹ đưa đến để học thì nhiều lắm, tôi không thể nhớ hết là khoảng mấy trăm cháu nữa”.
Ông Nguyễn Hồng Hà, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Chiêm Hóa cho biết: "Huyện đang xây dựng đề án để bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa của người Tày, Nùng này.
Trước đây, chúng tôi có bốn nghệ nhân, nhưng giờ chỉ còn hai người, nên những nghệ nhân có trình độ và tấm lòng với việc gìn giữ hát then và đàn tính như nghệ nhân Hà Thuấn đang là báu vật của miền quê này"