Nghệ sĩ Công an hát cùng lính Trường Sa

10:48 03/02/2014
Dù đã nhiều lần đi biên giới, hải đảo phục vụ bộ đội và nhân dân nhưng “bảng thành tích” của anh chị em văn nghệ sĩ Đoàn Ca múa nhạc CAND vừa được nối dài khi thêm một lần được ra Trường Sa. Trước ngày khởi hành, chúng tôi được Trung tướng Trần Bá Thiều, Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND giao nhiệm vụ cụ thể cho anh em báo chí và văn nghệ.

Hôm ấy, Trung tướng Trần Bá Thiều đã “khích tướng” Đại tá Trần Văn Lợi (NSƯT Đức Lợi), Trưởng Đoàn Ca múa nhạc CAND: “Đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội Trường Sa những năm gần đây đã được cải thiện rõ rệt. Đoàn ta lần này ra biểu diễn phục vụ quân dân Trường Sa, tiết mục phải đổi mới, trang phục đẹp, không khí phải trẻ trung, sôi động, tưng bừng. Mỗi tiết mục phải thể hiện được tình cảm với biển đảo, với bộ đội và nhân dân Trường Sa. Phải khuấy động, lôi kéo lính đảo cùng tham gia văn nghệ… Tóm lại, mỗi chương trình văn nghệ mà để bộ đội, nhân dân bỏ về trước thì ông Lợi phải chịu trách nhiệm!”

Đã nhiều năm quen biết và cùng tham gia một số chuyến công tác với “Ông bầu” Đức Lợi, tôi hài hước với anh: “Gánh hát của bác ngày càng xôm trò đấy!”. Trong chuyến công tác Trường Sa vừa rồi, ngay đêm đầu tiên trên boong tàu HQ 996 chúng tôi đã được thưởng thức một chương trình văn nghệ “tưng bừng, bốc lửa”, giữa lúc con tàu vẫn mải miết hướng về phía những ngôi sao xa xa chấp chới trên biển Đông… Đoàn công tác của Bộ Công an do Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực làm trưởng đoàn, có gần 150 người. Buổi sáng thứ hai sau khi tàu nhổ neo rời bến Cát Lái (TP Hồ Chí Minh), con tàu đưa chúng tôi cập cầu cảng đảo Trường Sa Lớn. Từ các vị tướng lĩnh đến sĩ quan cấp úy, anh chị em văn nghệ sĩ đều háo hức đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc giữa trùng khơi. Trong lúc Đoàn công tác làm việc, thăm bộ đội và nhân dân, những tổ văn nghệ xung kích cũng kịp thời bám sát để biểu diễn phục vụ.

Lính đảo và các nghệ sĩ, ca sĩ Công an trong một tiết mục văn nghệ.

Lần đầu ra Trường Sa nhưng chúng tôi cảm nhận rõ đời sống mọi mặt quân dân nơi đây đã được nâng cao và nhịp sống có lẽ không khác mấy đất liền. Các đảo đều có điện mặt trời, điện gió hoặc máy nổ, tivi, sóng điện thoại di động. Tại một số đảo nổi, ngoài bộ đội còn có cán bộ ủy ban, nhân viên trạm khí tượng, trạm hải đăng, một số ngư dân. Cả hòn đảo xanh mướt mát một màu xanh đầy sức sống của cây cối và biển cả. Bên những cây bàng vuông, cây phong ba, thấp thoáng những ngôi nhà kiên cố, mái ngói đỏ tươi; tiếng chó sủa lẫn với tiếng gà mẹ gù gù dẫn đàn con đi tìm mồi trong những góc vườn ngập tràn nắng và gió biển…

Khi hoàng hôn khuất dần ở phía chân trời thì sân khấu phục vụ chương trình văn nghệ hoàn tất. Dàn âm thanh, ánh sáng được căn chỉnh, đúng yêu cầu tiêu chuẩn như các buổi biểu diễn trong đất liền. Chưa tới giờ khai màn nhưng cán bộ huyện và lính đảo (trừ những đồng chí làm nhiệm vụ canh gác, thường trực sẵn sàng chiến đấu) đã tề tựu khá đông trước sân khấu. Háo hức nhất có lẽ là những công dân nhí trên đảo, hầu như các bé đều bận bộ đồng phục hải quân tíu tít chạy, ngó nghiêng khắp nơi…

Chương trình văn nghệ mở màn bằng sự kiện Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực, Trưởng đoàn Công tác Bộ Công an ra làm việc, thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa, trao tượng trưng số tiền 25 tỷ đồng trích từ Quỹ nghĩa tình đồng đội do cán bộ, chiến sĩ Công an đóng góp, để xây dựng Nhà văn hóa đa năng tặng quân dân Trường Sa. Khai màn đêm văn nghệ là ca khúc quen thuộc do tốp nam nữ trình bày: “Khúc quân ca Trường Sa”. Những lời ca sôi động: “Ngày qua ngày, đêm qua đêm/ Chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương/ Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa/ Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ/ Ta vẫn vượt qua”... hòa cùng tiếng vỗ tay của lính đảo, cùng tiếng sóng biển tha thiết, ngân vang như lời thề bảo vệ Tổ quốc của mỗi con dân đất Việt…

Một em nhỏ Trường Sa tặng hoa ca sỹ Bảo Oanh.

NSƯT Đức Lợi quả thật đã rất công phu cùng anh chị em nghệ sĩ dàn dựng một kịch bản chi tiết từ đất liền. Xen kẽ giữa những bài hát có nhịp hành khúc do tốp ca thể hiện là những bài ca trữ tình về biển đảo, quê hương. Khi ca sĩ Hạ Vân cất lời: “Mỗi cánh thư về từ đảo xa, anh thường nói rằng Trường Sa lắm xa xôi! Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ, bên đồng đội yêu thương. Chỉ có loài chim biển, sóng vỗ điệp trùng, quanh vịnh trúc san hô”; nhiều lính trẻ đã ào lên tặng hoa.

Xen kẽ giữa các tiết mục, là sự xuất hiện đầy ấn tượng, bốc lửa của “Vũ đoàn Sao Băng” của Đoàn Ca múa nhạc CAND. Lúc họ hóa thân thành những bông hoa đào, lúc thành cô gái Việt áo tứ thân e lệ, lúc lại thành vũ công hết mình với những bản nhạc sôi động khiến không ít lính đảo cổ vũ nhiệt liệt, nhiều chàng còn hăng hái, tự tin lên sân khấu cùng tham gia các tiết mục… Lính đảo đều trẻ trung, sôi động nên có những ca sĩ như Minh Lương, Tấn Quỳnh, Thu Thủy, Bảo Oanh, Hạ Vân, Linh Tâm, Anh Đào… đã nhiều lần được đề nghị hát lại để lính đảo lên sân khấu cùng song ca. Kết thúc mỗi tiết mục lính đảo lại ga-lăng lên sân khấu tặng các nghệ sĩ những bông hoa hiếm hoi kiếm được giữa nơi biển trời bao la…

Nếu như ở các đảo nổi như Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, Phan Vinh… các tiết mục văn nghệ đều được anh em nghệ sĩ khệ nệ mang vác thiết bị, bố trí hệ thống âm thanh hiện đại thì tại các đảo chìm hoặc nhà giàn, sân khấu khá đơn giản với nhạc sống đệm và nghệ sĩ hát qua loa pin. Tuy vậy lính đảo cũng hưởng ứng nhiệt tình và tích cực tham gia các tiết mục. Tròn 10 ngày lênh đênh trên biển đảo với 4 đêm diễn chính thức cùng nhiều suất diễn “dã chiến”, Đội văn nghệ của Đoàn Ca múa nhạc CAND đã để lại ấn tượng sâu sắc với quân và dân Trường Sa. Như bé Nguyễn Thị My Sen, một công dân nhí đã có 5 năm sống trên đảo, hiện đang học lớp 5 tại trường Tiểu học Trường Sa, cảm nhận: “Con thích văn nghệ của các chú lắm, vì nó vui nhộn. Các cô các chú đều ăn mặc đẹp và hát hay”.

Ca sĩ Bảo Oanh: Em đã trào nước mắt khi kết thúc tiết mục, được một bé gái như cây nấm, lũn cũn lên sân khấu tặng hoa. Thương các em nhỏ trên đảo vô cùng!

Nghệ sĩ múa Kiều Nga: Lính đảo hồn nhiên và yêu đời lắm. Mỗi lần rời đảo, dọc hành trình ghé vào đảo khác, chúng em đã nhận được nhiều tin nhắn của anh em lính trẻ. Chúng em nhắn tin hồi âm nhiều đến mức mỏi cả tay, dù có khi cũng chưa nhớ hết mặt những người lính mình đã gặp gỡ.

T.D.H.

Chiều tối 20/9, khoảng 100 cảnh sát thuộc các lực lượng Công an tỉnh Bình Thuận do Đại tá Huỳnh Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận trực tiếp chỉ huy đã tiến hành khám xét chỗ ở, nơi làm việc của Trần Văn Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Long Thái Việt (ở huyện Hàm Tân).

Thay vì trả tiền lương cho công nhân thì đối tượng quản lý xây dựng công trình lại trả bằng ma túy. Vụ việc vừa bị Công an huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang phát hiện đấu tranh, triệt phá.

Chiều 20/9, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh tiếp tục phiên xét hỏi các bị cáo liên quan đến vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan.

Cuối phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự ngày 20/9, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang đã tuyên phạt bị cáo Vũ Khắc Duy (SN 1984) 13 năm tù về tội giết người. Nạn nhân trong vụ án này là Nguyễn Thị Nguyệt, chung sống như vợ chồng với bị cáo.

Tàu hàng Nam Anh 69 cuốn theo lồng bè nuôi hàu trên sông trôi ra biển, hiện tàu đang mắc cạn giữa phao số 1 và số 2 cách bờ khoảng 2 hải lý. Cùng thời điểm, tàu cá đang neo đậu tại bờ Bắc sông Gianh bị sóng đánh làm lật tàu.

Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã ra Kết luận điều tra bổ sung và những vi phạm tại các Dự án nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3, 4 và 5, trước đó Thanh tra Chính phủ (TTCP) ra Kết luận vào tháng 12/2023 chỉ ra một loạt vấn đề về trách nhiệm trong quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng của chủ đầu tư, của đơn vị được giao quản lý đất và chính quyền địa phương…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文