Nghịch lý nghề diễn viên xiếc
Xiếc là bộ môn được liệt vào loại lao động nặng nhọc nhất trong các loại hình nghệ thuật. Để hoàn thành một tiết mục xiếc thường mất từ 3 đến 10 năm. Với ngần ấy thời gian một ca sỹ, diễn viên đã có thể thể hiện rất nhiều ca khúc hay vai diễn.
Nếu như năm tiết mục chỉ là một con số nhỏ nhoi, khiêm tốn với những người làm nghệ thuật nói chung thì với các nghệ sỹ xiếc, đó lại là một con số mơ ước. Chưa kể, tai nạn nghề nghiệp vẫn luôn là nỗi ám ảnh.
Diễn viên Đông Mai - một nghệ sỹ xiếc nổi tiếng với tiết mục tung hứng đã phải bỏ nghề vì mắt kém và suy tim.
Nghệ sỹ Đình Nhật, từng nổi đình nổi đám với xiếc trăn, trong một lần biểu diễn đã bị chú trăn 75kg quấn, xiết chặt lấy người, may mà cuối cùng vẫn bảo toàn được tính mạng.
Diễn viên Thu Mai của Đoàn xiếc Hà Tây cũng đã từng bị hổ cắn nát cả bờ vai. Còn Mai Lâm, nghệ sỹ dàn dựng các tiết mục vẹt làm trò cũng đã bị vẹt mổ hỏng một mắt.
Đến như Nghệ sỹ Nhân dân Tâm Chính, cựu Giám đốc Rạp xiếc Trung ương - vốn là một nghệ sỹ dày dạn kinh nghiệm cả về tuổi đời, tuổi nghề trên sân khấu xiếc trong nước và quốc tế cũng không tránh khỏi tai nạn nghề nghiệp.
Trong một lần biểu diễn "Cô hàng giải khát" - một tiết mục được đánh giá là xuất sắc của Xiếc Việt Nam trên đấu trường quốc tế, vào một khoảnh khắc bất ngờ, mất thăng bằng, NSND Tâm Chính đã ngã xuống đống cốc, bị thủy tinh đâm vào mặt, đến giờ vẫn còn vết tích.
Ông Vũ Ngoạn Hợp, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết: "Các nghệ sỹ xiếc nhìn thì khoẻ mạnh thế nhưng trong người đủ thứ bệnh. Mỗi diễn viên đảm nhiệm một tiết mục khác nhau đều mang một loại bệnh đặc trưng: Diễn viên nhào lộn thì mắc các bệnh về xương, diễn viên đế trụ lại mắc bệnh về sinh sản, có người không còn khả năng sinh con nữa.
Diễn viên xiếc thú thì thương tật đầy mình. Diễn viên nhào lộn thì hay mắc các bệnh về mắt và tim. Từ 36 đến 40 tuổi thường là thời kỳ bệnh phát… Chấp nhận vào nghề tức là đã đám đánh đu với chính số phận mình trên dây xiếc".
Thông thường, thu nhập thường tỉ lệ thuận với công việc. Thế nhưng cái quy luật này đã không còn đúng với diễn viên xiếc. Tập luyện vắt kiệt và lấy hết thời gian của họ nhưng họ vẫn phải sống chật vật với khoản lương hành chính 300 nghìn đồng, không có phụ cấp gì thêm. Tiền biểu diễn thì cũng bọt bèo, chỉ xê dịch khoảng từ 7.000 đến 40.000/suất diễn.
Để cải thiện đời sống, nhiều đoàn xiếc địa phương đã tạo điều kiện để anh em tăng gia sản xuất, biểu diễn thêm ngoài giờ nhưng đôi khi kiếm được đồng tiền cũng phải chịu trăm nghìn cái khổ.
Nghệ sỹ Quốc Cường, ngoài thời gian biểu diễn ở đoàn, thi thoảng cũng mang trăn đi cải thiện. Thế nhưng, khổ một nỗi con trăn này không biết thương túi tiền của chủ, đến buổi chỉ ăn toàn gà nguyên con! Thế là trăn ăn hết phần người.
Các đoàn xiếc môtô bay ở các địa phương, nhìn có vẻ hoành tráng thế nhưng đời sống của anh em cũng vô cùng gian khó. Một đêm, 3 suất diễn mới được 21.000 đồng, chưa đủ tiền bồi dưỡng tối.
Cơm áo không đùa với… xiếc và tất nhiên, các diễn viên xiếc cũng không dám đùa với chính tính mạng của mình. Thế nhưng, mỗi khi lên sân khấu là phải tạm quên hết những thiếu thốn, khó khăn của đời sống thường nhật để toàn tâm cho nghệ thuật.
Để có được những tràng vỗ tay nồng nhiệt của khán giả, họ đã phải đánh đổi không chỉ bằng mồ hôi, nước mắt của khổ luyện và đôi khi còn bằng chính cả sự an nguy của tính mạng mình. Nhiều diễn viên không còn cơ hội để quay về với sân khấu sau tai nạn. Có người tạm bằng lòng tìm một công việc yên ổn, nhẹ nhàng hơn. Cũng có người không thể tiếp tục quay lại biểu diễn nhưng hễ cứ được gợi nhắc là nỗi nhớ nghề lại ùa về quay quắt.
Chế độ cho các diễn viên xiếc hiện nay vẫn chưa đủ để có thể đảm bảo cho một cuộc sống thường nhật dẫu ở mức tối thiểu. Thế nhưng các nghệ sỹ xiếc vẫn ngày đêm làm việc và cống hiến hết mình. Họ vẫn say nghề bằng một tình yêu có thể nói là cháy bỏng.
Bằng chứng là nhiều tiết mục xiếc người lẫn xiếc thú của Việt Nam vẫn luôn được đánh giá cao trên đấu trường quốc tế dẫu kinh phí đầu tư và điều kiện tập luyện kém xa rất nhiều so với các nước trong khu vực...
Người ta nói làm nghệ thuật là phải biết hy sinh đôi khi đến quên mình cùng với một tình yêu nghề cháy bỏng. Xem ra chân lý này quá đúng, đúng đến phũ phàng với những người đã trót dấn thân vào nghiệp xiếc