Nhà hát lớn Hà Nội tròn một thế kỷ

15:05 04/12/2011
Nhà hát lớn Hà Nội là một công trình kiến trúc văn hóa đặc sắc trong các địa danh, các địa chỉ văn hóa mà du khách tham quan không thể không tới thăm khi tới Thủ đô Hà Nội. Một kiến trúc lịch sử mang đặc trưng kiến trúc phương Tây pha trộn giữa kiến trúc Hy Lạp và kiến trúc Pháp cổ điển.

Nhà hát lớn Hà Nội tọa lạc trên quảng trường Cách mạng Tháng Tám, nằm giữa ngã sáu của các phố: Tràng Tiền, Phan Chu Trinh, Lý Thái Tổ, Lê Thánh Tông, rất gần hồ Hoàn Kiếm và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Xưa kia nơi đây là một vùng đầm lầy thuộc đất 2 làng Thạch Tần và Tây Luông giáp ranh với làng Cựu Lâm thuộc tổng Phúc Lân, huyện Thọ Xương.

Vào năm 1899, Hội đồng thành phố họp dưới quyền chủ tọa của Richard - công sứ Hà Nội, đề nghị lên Toàn quyền Đông Dương cho xây nhà hát. Bản thiết kế do 2 kiến trúc sư là Broyer và Harvy thực hiện với kinh phí xây dựng là 2 triệu franc Pháp thời kỳ bấy giờ. Công trình được khởi công ngày 7/6/1901, hằng ngày có 300 công nhân làm việc liên tục.

Hai nhà thiết kế Broyer và Harvy đã tìm tòi tham khảo kiến trúc cổ Hy Lạp Cô-ranh-tơ kết hợp với kiểu lâu đài Tuy-lơ-ri nhà hát Opera de Paris đã tạo nên một khối kiến trúc riêng biệt, đặc sắc.

Sau hơn 10 năm xây dựng, năm 1911 công trình được hoàn thành: Diện tích tổng thể 26.000m2, chiều dài nhà hát là 87m, rộng 30m, điểm cao nhất nhà hát là 24m. Mặt trước nhà hát rất bề thế khang trang, có nhiều bậc trông ra quảng trường rộng, đầu mối của 6 đường phố lớn.

Nội thất nhà hát có sân khấu rộng, khán phòng chính có diện tích 24m x 24m chứa gần 900 chỗ ngồi. Tầng giữa có nhiều phòng nhỏ dành cho khách đặc biệt (VIP). Tầng thượng dành cho báo chí, nhiếp ảnh và khách bình dân.

Cầu thang chính lên tầng 2 là sảnh chính rộng. Cầu thang phụ và hành lang ở phía 2 bên. Phía sau là phòng quản trị, có 18 phòng cho diễn viên hóa trang và phòng gương để tiếp khách. Đó là phòng lễ nghi quan trọng để đón tiếp chiêu đãi khách (VIP), ngoài ra có thư viện và phòng họp.

Các bức họa trang trí trần và bên trong phòng khán giả do các họa sĩ Pháp thực hiện, hệ thống đèn chùm được dát một lớp vàng mạ, các đèn gắn trên tường được làm bằng đồng theo kiểu cổ.

Sau 10 năm xây dựng, Nhà hát lớn được đưa vào sử dụng. Trong thời gian đầu, nhà hát được dành cho gánh hát từ phương Tây sang diễn cho giới quan chức Pháp xem. Những quan lại Việt Nam và giới thượng lưu cũng được tham dự, nhưng muốn vào nhà hát xem vé rất đắt và phải mặc lễ phục.

Về sau Nhà hát lớn cũng có những buổi diễn do người Việt Nam tổ chức để làm từ thiện. Từ năm 1940, nhiều đoàn kịch nói của ta đã thuê được "Nhà hát Tây" để diễn.

Nhà hát lớn Hà Nội ngày nay.

Nhà hát lớn Hà Nội đúng là sản phẩm của thời thuộc địa. Nhưng Nhà hát lớn Hà Nội thực sự là công trình văn hóa biểu hiện sự giao thoa văn hóa Đông Tây, đóng góp xứng đáng về văn hóa Pháp được xác định ở nước ta. Đó là sự bổ sung cho văn hóa Việt Nam bước vào thế kỷ mới.

Ngoài nhà hát lớn Hà Nội, ở xứ Đông Dương (Tonkin) thuộc Pháp còn có 2 nhà hát lớn có phong cách kiến trúc như nhà hát lớn Hà Nội, nhưng quy mô nhỏ hơn là Nhà hát lớn TP Hải Phòng và Nhà hát lớn Thủ đô Phnôm Pênh, Campuchia. Không chỉ là một không gian văn hóa, Nhà hát lớn Hà Nội còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại của Hà Nội và đất nước.

Tháng 8/1945, Quảng trường nhà hát là trung tâm sôi động nhất của không khí chuẩn bị Tổng khởi nghĩa. Tại đây ngày 17/8/1945 đã diễn ra buổi mít tinh của tổng hội viên chức, sau đó đã biến thành buổi ra mắt của Mặt trận Việt Minh, lá cờ đỏ sao vàng cực lớn từ trên nóc nhà hát đã phủ gần kín tiền sảnh của nhà hát như hồi hiệu triệu của Việt Minh đã làm nên thành công vang dội của cuộc Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nhà hát lớn Hà Nội (tháng 8 năm 1945). Ảnh tư liệu.

Nhà hát lớn Hà Nội là nơi Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến hành các kỳ họp quan trọng. Ngày 5/3/1946, Quốc hội họp khóa đầu tiên ở đây. Ngày 28/10/1946, Quốc hội khóa 2 họp thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nhà hát lớn Hà Nội là một nhân chứng cách mạng của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Nhà hát lớn luôn là trung tâm của các hội nghị, mít tinh quan trọng, các buổi biểu diễn nghệ thuật của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước. Nhà hát lớn Hà Nội đã đón tiếp nhiều đoàn nghệ thuật và các nghệ sĩ hàng đầu thế giới tới Việt Nam biểu diễn như: Dàn nhạc giao hưởng Phi-la-den-phi (Mỹ), Nghệ sĩ nhân dân violoncell Rốt-stô-pô-vich (Nga), Nghệ sĩ nhân dân piano Đặng Thái Sơn (Việt Nam), dàn nhạc dây Viên (Áo), nghệ sĩ kịch câm Mac-xen Mắc-sô (Pháp)…

Đến năm 1995, Nhà hát lớn Hà Nội được Nhà nước đầu tư để trùng tu với ngân sách 24 triệu đôla Mỹ để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh cộng đồng Pháp ngữ tổ chức tại Việt Nam vào năm 1998. Chịu trách nhiệm đợt trùng tu này do 2 kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính và Hồ Thiệu Trị đảm nhiệm.

Kể từ sau khi trùng tu được đưa vào sử dụng, Nhà hát lớn Hà Nội trở thành thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, ngoài ra còn là nơi mọi du khách đến chụp ảnh lưu niệm và đặc biệt là các cô dâu, chú rể đến chụp ảnh, quay phim để ghi lại ngày cưới tươi đẹp của mình.

Trải qua một thế kỷ thăng trầm của lịch sử, Nhà hát lớn Hà Nội là một di sản tiêu biểu cho một thời kỳ văn hóa giao thoa. Do vậy việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy di sản Nhà hát lớn Hà Nội là niềm vinh dự và trách nhiệm mà cả nước và nhân dân Thủ đô luôn hướng tới

Lê Gia Hiếu

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文