Nhà thơ Hoàng Quý: Làm thơ cốt để nhớ về Hà Nội

10:06 28/10/2010
Nhà thơ Hoàng Quý đã giành giải thưởng cuộc thi "Thơ về Hà Nội" do Báo Văn nghệ và Đài phát thanh truyền hình Hà Nội tổ chức. Việc ông hiến tặng số tiền giải thưởng của mình cho các em khiếm thị Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội là một nghĩa cử đẹp, làm xúc động nhiều độc giả.

Được biết năm 2003, ông cũng đã tặng toàn bộ số tiền giải nhất - Giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho Hội Các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Đầu năm 2009, ông cũng hiến tặng toàn bộ tiền giải thưởng của giải nhì cuộc thi sáng tác 50 năm văn học Biên phòng vào Quỹ mái ấm cho đồng bào nghèo biên giới, hải đảo…

Trò chuyện với PV Báo CAND, Nhà thơ Hoàng Quý tâm sự: Tôi sinh ra trong một gia đình đông con lắm. Tôi là con út, thứ 13 trong gia đình. Sinh thời, cậu mợ tôi vẫn dạy, đi cùng người hãy biết cầm lấy tay người, trong đám đông các con phải biết bước lùi lại. Rằng, hạt gạo nào cũng hình hài nước mắt. Nhà thơ hay bất kỳ ai trong cuộc sống cũng vậy thôi, luôn luôn trắc ẩn với những phận người khó khăn, bất hạnh trong xã hội. Tôi làm thơ từ ý nghĩ ấy thôi, chứ không hy vọng đoạt giải.

PV: Ông sinh ở Phú Thọ nhưng cha mẹ ông lại là người gốc Hà Nội. Phải chăng vì thế mà sau này dù chọn đất Vũng Tàu làm nơi sinh sống, lập nghiệp, nhưng thơ ông vẫn tràn ngập nỗi nhớ quê nhà Hà Nội?

Nhà thơ Hoàng Quý: Trong chống Pháp, cậu mợ tôi lập nên Hãng sơn ta Sinh Tài Đông Dương có kho hàng và cơ sở giao dịch ở phố Hàng Rươi. Mùa đông 1946, Pháp tái chiếm Hà thành, anh cả tôi khuyên cậu mợ tôi đưa các em ra vùng ATK vì lo mật thám Pháp đã biết dưới nền đất của cái hãng sơn nhiều năm là hầm bí mật nuôi giấu cán bộ Việt Minh, nếu ở lại khó bề sống hợp pháp. Cũng như hàng vạn gia đình người Hà Nội mùa đông lịch sử ấy, cậu mợ tôi cũng phải bỏ lại tất cả đưa con cái ngược lên Phú Thọ. Tôi sinh ra ở Phú Thọ, sau này Vũng Tàu là nơi tôi và gia đình đến ở, nhưng Hà Nội vẫn là vùng đất hoài niệm trong tôi, một vệt chảy thẳm sâu lúc nào cũng tha thiết.

PV: Ngoài 40 tuổi, ông mới xuất bản tập thơ đầu tiên, tập "Giấc phì nhiêu". Vậy trước khi làm thơ, ông đã làm những công việc gi?

Nhà thơ Hoàng Quý: Gia đình đông anh em, tôi biết làm mọi việc từ rất sớm. Tôi học hết lớp 9 phổ thông đã thành một người lính. Những năm tháng ở Trung đoàn 246 độc lập tôi sống gần với nhà thơ Ngọc Bái. Ông biết tôi thích đọc sách và yêu thơ, nên nhiều dịp đọc cho tôi nghe những sáng tác của ông.

Sau chiến tranh tôi rời quân ngũ làm thợ phay ở Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo - Hà Nội và tranh thủ học lại. Tôi hơi bị mơ mộng nên theo học cả lớp múa ban đêm tại Nhà nghệ thuật Hà Nội chỗ Ngõ Gạch bây giờ. Lại học cả lớp kèn và trống vào ngày chủ nhật tại Câu lạc bộ Thanh niên ở hồ Thiền Quang. Nhưng xem ra, năng khiếu có vẻ… chê tôi.

Thế rồi, anh cả tôi khuyên tôi về Vĩnh Phú. Tôi làm người sưu tầm văn hóa dân gian và rẽ theo một lối khác. Tôi chuyển vào sống ở Vũng Tàu. Rồi làm báo. Rồi làm nghề chống ăn mòn kim loại cho một công ty dịch vụ kỹ thuật. Số tôi nó cứ mê tơi thế. Chả đâu với đâu cả. Còn bây giờ, tất nhiên là… nhà thơ.

PV: Ông đã từng nhiều năm sưu tầm văn hóa dân gian. Theo ông, văn hóa dân gian có vai trò như thế nào trong đời sống văn hóa hiện tại và tương lai của một dân tộc?

Nhà thơ Hoàng Quý: Tôi coi những năm đi sưu tầm văn hóa dân gian Mường trên đất Vĩnh Phú (cũ) là một may mắn và hạnh phúc lớn của tôi. Những chuyến đi sưu tầm ở các bản Mường tưởng chừng chỉ làm khổ vợ, vì lần nào ghé qua nhà cũng chỉ có quà tặng là cái đầu tóc bù xù những chấy là chấy.

Những năm sau chiến tranh ở đâu mà chả thiếu thốn. Đồng bào rẻo cao càng khó khăn hơn về tất cả mọi phương diện. Nhưng, cũng từ sự mách bảo tận tình của rất nhiều pố, mế mà tôi tìm được một số bài bản đánh trống đồng cổ tưởng đã thất truyền, còn lưu giữ ở một số cụ già cao tuổi. Trống đồng không có, tôi cùng các pố, mế lấy một chiếc thùng phuy cắt ngắn, vẽ bốn con cóc phân chia vị trí và nghe các mế đánh "trống đồng" thùng phuy mà ai cũng lặng người vì biết rằng nhiều bài trống của Tổ tiên chúng ta chưa mất. Hai tháng phục dựng, một chiếc trống đồng cổ được phép đưa ra từ Bảo tàng Hùng Vương. Và Giỗ tổ năm 1979, Lễ đánh trống đồng cổ đã khởi lên trên đỉnh Nghĩa Lĩnh. Chưa bao giờ, đồng bào mọi miền đất nước lại tụ hội đông đến thế!

Lại nói về thơ, tôi làm thơ nhưng không ảo tưởng thơ là nghiêm trọng. Có nhà thơ lý luận như thể thiếu cái việc làm ra thơ thì họ quá bơ vơ. Tôi không bao giờ nghĩ vậy. Nên, việc giữ gìn và nối dài thêm một chút hương vị Hà thành và cái sự làm thơ của tôi chẳng mâu thuẫn gì với nhau cả.

PV: Xin cảm ơn nhà thơ Hoàng Quý!

Bình Nguyên Trang

Chiều 16/12, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) cho biết, vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Đoàn Đức Vinh (SN 1996, cư trú: xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) để điều tra về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Thông tin từ Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa cho biết đến 13h20’ chiều nay 16/12, quốc lộ 27C đoạn qua đèo Khánh Lê (thuộc địa phận xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) vẫn ách tắc do chưa thu dọn xong đất đá sạt lở tại điểm đầu tiên thì phát sinh thêm tình trạng sạt lở tại một số điểm khác.

Ngày 16/12, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, đang làm rõ loại hóa chất dạng lỏng được thu giữ cùng 120kg pháo nổ vào ngày 15/12 vừa qua.

Trong thời đại mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, những bức ảnh lộng lẫy, cuộc sống xa hoa trở thành cách để nhiều người tạo dựng hình ảnh cá nhân. Tuy nhiên, đây cũng là “sân khấu” hoàn hảo cho những kẻ lừa đảo khoác lên mình chiếc áo doanh nhân thành đạt, nhà đầu tư tài ba, chuyên gia tài chính, bậc thầy dạy làm giàu… nhằm lôi kéo các nạn nhân sập bẫy.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文