Nhà thơ Pờ Sảo Mìn: Cây già trên núi đá Mường Khương

18:08 08/06/2010
Pờ Sảo Mìn vẫn tự ví mình chỉ là một chiếc lá, trong cái cây có hai ngàn lá của tộc người Pa Dí ở đất Mường Khương. Nhưng tôi nhận ra rằng, bây giờ tộc người Pa Dí của lão không chỉ có một cây, mà thành rừng rồi. Và lão đã là cái cây cổ thụ trong khu rừng ấy, rễ bám chặt vào núi đá Mường Khương.

Biết nhau đã mấy chục năm, không nhớ ngồi với nhau biết bao nhiêu lần, lại còn định làm tặng lão bài thơ mà vẫn chưa viết được. Ở cách nhau mấy trăm cây số, có ốm đau gì đâu mà hầu như tuần nào lão cũng reo réo gọi điện xuống hỏi thăm sức khỏe. Giữa tháng Năm vừa rồi, lão lại gọi xuống khoe toáng lên là mới được làm ông nội. Cứ nghe giọng nói đủ thấy lão vui và xúc động nhường nào.

Đàn ông người Pa Dí như lão gần 70 tuổi mới được làm ông, thì cũng là chuyện lạ đấy. Bởi theo phong tục người dân tộc của lão, tuổi ấy đã có chắt chít từ lâu rồi. Thế mà lão cứ hồn nhiên như không, với cái triết lý luôn ở cửa miệng: “Kệ nó, khắc đi, khắc đến”.

Lão là người con của núi, bám rễ sâu vào đất Mường Khương, nhưng tâm tưởng lão từ lâu đã vượt ra khỏi vùng đất ấy, mà thỏa sức bay lượn theo niềm đam mê riêng có. Như lão từng bộc bạch: Con trai người Pa Dí/ Không hận thù ghét bỏ với ai/ Đi chín phương là chín phương bè bạn/ Đến mười phương là mười miền thương nhớ.

Lão là Pờ Sảo Mìn. Nhà thơ Pờ Sảo Mìn.

Tò mò trong lý lịch trích ngang, có chi tiết Pờ Sảo Mìn ghi: Từ nhỏ đi ở cho nhà giàu, chăn ngựa cho Ủy ban huyện… Tôi hỏi lão ngày xưa Ủy ban huyện cũng mở trại nuôi ngựa à? Lão giải thích, ngày đó làm gì có ô tô, cán bộ đi lại bằng cưỡi ngựa.

Lão ví von: mình chăn ngựa thì cũng như anh lái xe bây giờ ấy chứ. Rồi tợp một ngụm rượu, lão nói lại: Cũng không so sánh thế được, có khác một tí đấy. Lái xe chở được cán bộ, còn mình chăn ngựa là để cán bộ cưỡi, chứ không lái ngựa được.” rồi lão cười tít mắt và bảo, đấy là những chuyện đầu đời của lão,việc gì phải buồn.

Có thể nói, cuộc đời của Pờ Sảo Mìn là những năm tháng lận đận, quyết chí vươn lên không ngừng, và niềm đam mê văn chương trong con người lão cuối cùng đã thắng thế tất cả. Năm 1963- 1964, sau khi tốt nghiệp bổ túc Công nông tỉnh Lào Cai, Pờ Sảo Mìn sang Tiệp Khắc (cũ) học Đại học Cơ khí chế tạo máy, chuyên ngành các loại động cơ đốt trong gồm cả động cơ xe máy, ô tô, tàu thủy.

7 năm trời  vừa học, vừa thực tập, với vốn kiến thức ấy đủ để lão phát huy trên con đường khoa học kỹ thuật đang còn rất mới mẻ lúc bấy giờ. Nhưng không, lão xem quãng thời gian du học ấy chỉ như cuộc du ngoạn và vốn kiến thức về kỹ thuật ấy chỉ để biết.

Năm 1972, lão về nước, thì năm 1973, lão rẽ ngang, xin vào học lớp viết văn trẻ khóa 6 ở Quảng Bá- Hà Nội. Quên khuấy mọi chuyện cũ. Từ đó nghiệp văn đeo đuổi lão, những tứ thơ, câu thơ cứ ám ảnh theo lão đến tận bây giờ.

Sau mấy chục năm cầm bút, đến nay, Pờ Sảo Mìn đã cho ra mắt 7 tập thơ, gồm: Cây hai ngàn lá, Bài ca hoang dã, Mắt rừng xanh, Cung đàn biên giới, Mắt lửa, Con trai người Pa Dí, Bài ca đẹp nhất trần gian. Và 3 tập thơ in chung: Hoa trên núi đá (với Lò Ngân Sủn), Rừng sáng, Núi mọc trong mặt gương. Và lão đã ẵm đến 5 giải thưởng các loại, từ giải của Báo Văn nghệ, đến giải  của Liên hiệp văn học- nghệ thuật Việt Nam, Hội văn học - nghệ thuật các dân tộc thiểu số và của tỉnh Lào Cai… Thành tựu ấy đã đưa lão đứng trong tốp đầu các nhà thơ dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay.

Nhà thơ Pờ Sảo Mìn (bên trái) cùng tác giả.

Nét độc đáo của Pờ Sảo Mìn là đã đi sâu khai thác vốn văn hóa dân tộc, lối tư duy, lời ăn tiếng nói của dân tộc, được nhà thơ góp nhặt, nghệ thuật hóa và thể hiện bằng ngôn ngữ riêng đưa vào thơ, làm đẹp , phong phú thêm tiếng nói của dân tộc mình. Trong đó ý thức  dân tộc, khát vọng dân tộc thể hiện rất rõ. Đó là nét riêng có  trong thơ Pờ Sảo Mìn . Nhà thơ luôn mong muốn tộc người Pa Dí chỉ có hơn hai nghìn nhân khẩu của mình được mãi mãi yên bình và phát triển. Đó cũng là cái tâm, cái đích thơ Pờ Sảo Mìn tìm đến.

Dân tôi chỉ có hai ngàn người/ Một cây đứng trong muôn rừng cây đứng/ Muốn hiểu ta đã qua bao chịu đựng/ Thì cây ơi ta cứ hát đời mình.

Nhiều người gặp Pờ Sảo Mìn lần đầu, thoáng qua vẻ bề ngoài, thấy lão tác phong láu táu, nhanh nhẹn, ăn nói lưu loát, ứng đối thông minh, thì bảo lão này khôn, khó gần lắm. Ngay từ năm 1981- 1982, khi lão về Hà Nội học Trường viết văn Nguyễn Du khóa 2. Bấy giờ cánh nhà văn đi học ai chẳng nghèo, phần lớn nhiều người còn ở ký túc xá (kể cả sau này khi ra trường, nhiều người còn lang thang mãi mới có nhà). Thế mà về Hà Nội năm trước, năm sau Pờ Sảo Mìn mua ngay căn nhà 100 m2 ở khu Cầu Giấy cho bạn bè cùng ở luôn…

Từ đấy, nhiều người nghĩ rằng lão Mìn phải khôn thì mới có tiền mua nhà, không biết lão có buôn gian bán lậu gì không, vì những năm ấy, vùng biên quê lão hàng tâm lý chiến tràn ngập. Mà họ cứ suy diễn thế thôi, chứ mấy ai biết số tiền mua nhà của lão có được, là tiết kiệm từ gần chục năm bươn trải ở xứ người.

Cũng vì láu táu, nhanh nhẹn, mà lão đã gặp những chuyện cười ra nước mắt vì hiểu lầm. Số là một lần về Hà Nội, buổi sáng lão nhảy tàu từ Lào Cai, đến Hà Nội thì nhá nhem tối, đi xe ôm đến Nhật Tân đến nhà ông bạn thì vừa tối mịt. Đường phố ở Hà Nội ban ngày đối với lão còn như ma trận, nữa là buổi tối mò. Qua lại nhà ông bạn mấy lần rồi, nhưng hôm nay lão tìm mãi không thấy.

Điện thoại thì quên ở nhà, chỉ nhớ mỗi số nhà, nên lão cứ quanh quẩn đi đi, lại lại trong cái ngõ nhỏ nhiều ngóc ngách. Bảo vệ dân phố từ khi có một người lạ hoắc bước vào khu dân cư thì đã để ý. Thấy bộ dạng lão ăn mặc không giống ai, khoác cái túi dân tộc cũ mèm, lại cứ ngó nghiêng hết nhà này đến nhà khác, liền nghi chắc là dân đạo chích định tăm tia gì đây, đã mời lão về trụ sở. Mặc cho lão giải thích thế nào cũng không nghe.

Mấy ông bảo vệ dứt khoát: “Không dài dòng trình bày, anh cứ ngồi đây, cho biết anh tìm nhà ai, tổ dân phố mấy, số nhà bao nhiêu… Chúng tôi sẽ tìm tận nơi, mời người nhà ra đón anh về”. Nửa tiếng sau, đã thấy ông bạn đã cười toe toét xuất hiện ở cửa, giới thiệu: “Đây là nhà thơ Pờ Sảo Mìn ở Lào Cai về chơi, tối quá nên anh ấy lạc ngõ nhà tôi”. Rồi hai người chuyện trò ríu rít khuất vào ngõ nhỏ.

Pờ Sảo Mìn không chơi với ai thì thôi, chứ đã chơi với ai thì rất hồn nhiên thật lòng và thủy chung. Tôi nhớ cách đây gần 20 năm, khi vợ tôi sinh cháu đầu  bị yếu. Từ Mường Khương Pờ Sảo Mìn oang oang gọi điện xuống: “Anh sẽ kiếm thuốc cho cô ấy”. Hỏi thuốc gì lão không nói, chỉ bảo thuốc tốt đấy, rồi cúp máy. Một tháng sau, một hôm vào khoảng 8h tối, bỗng nghe điện lão gọi đến bảo: “Anh đang ở phố Vọng gần nhà chú, ra đón anh nhé”. Pờ Sảo Mìn không có thói quen nhớ số nhà, chỉ nhớ mang máng các khu vực. Tôi ra gặp anh đang đứng đợi dưới cột đèn điện. Anh bảo vào thăm cô và cháu một tí thôi, còn phải ra ga lên tàu ngược chuyến 9 giờ. Vào nhà, Pờ Sảo Mìn lôi trong túi ra một bọc gói giấy báo bằng cái bát con, mở ra lổn nhổn mấy chục củ đen kịt, giới thiệu: “Đây là tam thất mang về cho cô, phụ nữ đẻ con dùng thứ này tốt đấy”. Rồi lão giới thiệu tỉ mỉ cách làm, cách sử dụng. Trò chuyện được một lát, lão rối rít giục đưa lão ra ga để lên tàu cho kịp.

Lại nhớ một lần lão cưới con gái ở Hà Nội (lão chỉ có một cô con gái duy nhất) năm đó vì đường sá xa xôi, vợ lão bị ốm, chỉ mình lão xuống dự được. Trước hôm cưới 2 ngày, lão đến tìm tôi và nhà văn Nguyễn Hồng Thái trình bày rằng: “Mời hai chú ngày mai đến uống rượu, rượu phong tục đấy không vắng mặt được đâu nhé”. Tôi hỏi rượu phong tục là rượu gì, Pờ Sảo Mìn giải thích ở quê lão có tục hễ nhà có đám cưới, thì hôm trước những người thân thiết phải ngồi với nhau một bữa. Lần này anh cưới con ở Hà Nội, nên mời các chú đến, thế thôi. Chẳng biết lý do Pờ Sảo Mìn đưa ra có đúng thế không, nhưng ngày vui đại sự của gia đình lão, chúng tôi đã có mặt.

Cái tạng Pờ Sảo Mìn chỉ hợp với núi non, chứ không hợp với phố sá. Chắc lão đã nhận ra điều ấy, nên sau khi học xong trường Nguyễn Du, lão lại bán quách ngôi nhà ở Cầu Giấy để về quê, lão bảo ở thành phố không làm thơ được, chỉ có hồn vía núi non mới cho lão thơ. Nhưng lão không chịu ngồi một chỗ, hễ có cơ hội là lão lại chu du tứ xứ để thực tế, xong lại quay về Lào Cai ngồi viết. Phần lớn những bài thơ của lão đã ra đời bên cái lò nấu rượu hừng hực lửa và hơi rượu nồng nàn. Lão chăm chỉ đến mức, không một trại viết nào, một lớp bồi dưỡng nào của Hội Nhà văn mà lão bỏ qua. Thành thử tiếng là ở quê, nhưng năm nào lão cũng ra khỏi nhà vài tháng là ít.

Nhớ năm ngoái, có hôm tôi đang ngồi làm việc ở cơ quan, bỗng thấy lão đột ngột xuất hiện. Tôi hỏi: “Anh xuống bao giờ mà không báo trước?”. Lão bảo: “Anh vội không kịp báo cho chú. Kỳ này anh xuống học lớp nhà “ní nuận” phê bình trẻ”- lão khôi hài hóm hỉnh. Tôi nói: cái lớp ấy nó khai mạc 10 ngày nay rồi, bây giờ mới xuống thì học cái gì. Lão cười tít mắt: biết rồi, nhưng anh Hữu Thỉnh cứ bảo xuống mà học, bổ ích lắm đấy, thì mình xuống. Chẳng biết cái lớp ấy lão học được mấy buổi, nghe nói thời gian đã ngắn lại còn đi tham quan thực tế những đâu đâu.

Rồi một hôm lão lại đột ngột đến, nói: “Anh đến chào chú, mai anh về”. Tôi ngạc nhiên: cái khóa học ấy hai tuần nữa mới kết thúc, sao anh về sớm thế. Lão tửng tưng trả lời: “Việc nó kết thúc là việc của nó, việc anh về là việc của anh, chú thắc mắc gì nhỉ”. Tôi lại hỏi: thế sách vở ghi được gì, cho em xem nào? Lão lại cười tít mắt, tay chỉ vào đầu bảo ghi hết vào trong này rồi.

Tôi cứ đinh ninh là lão có việc gấp phải về quê thật, nhưng đến gần trưa hôm sau lão điện thoại cho tôi nói: “Anh đang ở nhà Ngô Kim Đỉnh ở Việt Trì, vui lắm, phải chơi một hai hôm rồi mới ngược”. Thì ra đối với Pờ Sảo Mìn cái nhu cầu giao lưu, gặp gỡ bạn bè mới là chính yếu, lý giải vì sao các trại viết, lớp học dù ở xa đến mấy, lão rất hăm hở có mặt.

Mỗi lần về Hà Nội, gặp được người muốn gặp thì lão hồn nhiên vui vẻ hết mình. Lúc nào cũng ngất ngư vì rượu. Cũng vì rượu mà có lần lão tí chết vì tai nạn. Hôm đó trời lạnh mưa phùn gió bấc, hình như có cuộc tổng kết gì mà các lão rủ nhau đi uống rượu ở mạn Linh Đàm. Say mờ mắt cả rồi, mà Đỗ Hoàng đòi đèo xe máy Pờ Sảo Mìn, đi đường ngất ngư, nhìn một hóa hai, thế là xe máy tông thẳng vào cột điện, nghe nói mỗi người bay mấy mét. Đỗ Hoàng ngất, mặt mày be bét phải vào viện cấp cứu, còn Pờ Sảo Mìn bị trật khớp tay, cũng máu me đầy cánh tay áo, nhưng vẫn còn đi được.

Mò đến chỗ tôi, nhưng lão lờ chuyện bị tai nạn, không nói gì. Đến khi tôi hỏi cái tay làm sao máu me sưng vù thế kia, lão mới kể lại chuyện. Thấy cổ tay lão ngày một sưng vù, tôi nghĩ nguy rồi, liền bảo lão thay cái áo dính máu, ngồi lên xe để đưa lão lên nhà một ông thầy nổi tiếng ở làng Kim Mã kiểm tra. Cũng may, tay lão chỉ bị bong gân, trật khớp. Nắn cho vào khớp xong, lấy thuốc đắp, để lão về quê. Năm ấy lão bị hạn hay sao,mà sau tai nạn lão còn bị ốm lay lắt cả năm. Cũng cuối năm ấy có đợt rét đậm, miền núi sương giá, chết trâu, chết bò nhiều, nhớ Pờ Sảo Mìn gọi điện lên thăm,đùa vui: “Hỏi thăm còn, hay chết cóng rồi”. Lão bảo cũng rét đấy, nhưng có lửa có rượu là không chết được. Lão khoe cái tay bị ngã đã cầm được dao rồi.

Bây giờ mỗi lần về Hà Nội, lão thường đến nhà con gái ở phố Nguyễn Quyền. Có lần từ phố Nguyễn Quyền, lão đi xe ôm sang phố Thợ Nhuộm thăm chúng tôi. Quãng đường chưa đầy một cây số, mà thấy lão trả tiền xe ôm hai mươi ngàn đồng. Tôi thắc mắc, lão xua tay bảo thôi. Xe ôm đi rồi, lão bảo: “Nó thích thế kệ nó, nó thấy mình nói giọng dân tộc, nó tưởng mình không biết đường. Nên từ phố Nguyễn Quyền nó rẽ vòng vèo đường Trần Nhân Tông, vòng Quang Trung lên Hai Bà Trưng rồi vòng quay lại, mình cứ mặc, nó mua đường lấy tiền thì mình cho…” Đấy, lão cứ ngây thơ hồn nhiên như thế, kể cả khi tuổi tác đã cao.

Cả đời Pờ Sảo Mìn bám rễ với quê hương, làm thơ về quê hương là để thổi vào đó tình yêu, khát vọng của dân tộc mình, khát vọng vươn lên làm chủ một đời sống văn hóa mới. Bản thân nhà thơ và các thành viên trong gia đình đã không ngừng nỗ lực, gương mẫu trong việc tìm kiếm tri thức văn hóa. Trong điều kiện vùng sâu, vùng xa vài chục năm trước còn vô cùng khó khăn, Pờ Sảo Mìn cùng bà Thền Dền Dín, nhà giáo- người vợ yêu quý của nhà thơ đã cố gắng dồn sức nuôi dạy các con nên người. Cả 3 đứa con của Pờ Sảo Mìn đều đã tốt nghiệp đại học. Có người hai bằng đại học. Hai người con trai của lão, học xong lại quay về góp sức xây dựng quê hương.

Pờ Sảo Mìn vẫn tự ví mình chỉ là một chiếc lá, trong cái cây có hai ngàn lá của tộc người Pa Dí ở đất Mường Khương. Nhưng tôi nhận ra rằng, bây giờ tộc người Pa Dí của lão không chỉ có một cây, mà thành rừng rồi. Và lão đã là cái cây cổ thụ trong khu rừng ấy, rễ bám chặt vào núi đá Mường Khương

Hà Văn Thể

Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum ngày 26/11 cho biết sẽ áp thuế đáp trả Mỹ, sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ áp thuế nhập khẩu 25% đối với hàng hóa Mexico nếu nước này không ngăn chặn dòng ma túy và người di cư qua biên giới.

Một thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt hơn một năm giao tranh xuyên biên giới giữa Israel và nhóm chiến binh Hezbollah đã giành được sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo Israel, làm dấy lên cả hy vọng lẫn những câu hỏi tại một khu vực đang bị chiến tranh tàn phá.

Theo báo cáo của Chính phủ, công tác giải phóng mặt bằng vẫn là khâu khó khăn, phức tạp nhất, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, chất lượng các dự án, trong đó có dự án cao tốc Bắc - Nam. Vậy nhưng đến nay, các địa phương đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và bàn giao 720,4/721,25km (đạt khoảng 99,9%), trong đó, nhiều địa phương đã bàn giao 100% mặt bằng.

Ngày 27/11, Công an TP Hà Nội cho biết, một người đàn ông ở tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã bị mất hơn 200 triệu đồng khi cài đặt phần mềm “giả mạo” để đóng thuế điện tử. Để phòng tránh lừa đảo, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác trước thủ đoạn trên; tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng lạ gọi đến.

Cuối năm là thời điểm nhu cầu tuyển dụng việc làm tăng cao, cùng với đó nhu cầu tìm việc làm cũng tăng, nhất là đối với những lao động muốn tìm kiếm việc làm thời vụ để có thêm tiền trang trải dịp Tết. Nắm bắt được tâm lý của người lao động, các đối tượng lừa đảo đã dùng nhiều hình thức tinh vi để lôi kéo, dụ dỗ.

Đội tuyển Việt Nam đang trong quá trình chuẩn bị cho AFF Cup 2024. Nhiệm vụ của ông Kim Sang-sik và ban huấn luyện không chỉ xây dựng đội hình mà còn phải tìm ra một đội trưởng mới.

Tính từ đầu năm đến nay, nhờ xử lý quyết liệt, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT), trật tự xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh cơ bản được giữ vững ổn định, hoạt động giao thông thông suốt. Không xảy ra ùn tắc, đua xe trái phép, gây mất trật tự công cộng. Thế nhưng, Trưởng phòng CSGT Hà Tĩnh bày tỏ: “Xử lý vi phạm nhiều mà tai nạn vẫn diễn biến phức tạp, chúng tôi còn trăn trở lắm”.

Mặc dù việc vỡ hụi diễn ra ở nhiều nơi đã được cơ quan Công an và báo đài đăng tải thông tin cảnh báo, nhưng không ít người vẫn mất cảnh giác, đặt lòng tin quá mức vào chủ hụi, khiến không ít người rơi vào tình cảnh khó khăn, mất tiền.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文