Nhà thơ Vương Trọng tri ân một tình yêu Hà Nội
Dù sinh ra và lớn lên ở Đô Lương, Nghệ An, nhưng nửa thế kỷ sống, chiến đấu, học tập, trưởng thành ở Hà Nội, ông cho rằng mình đã "mắc nợ" Hà Nội rất nhiều. Ông viết là để tri ân Hà Nội, mảnh đất của địa linh nhân kiệt, của phong cảnh trữ tình, của những con người thanh lịch, hào hoa. Song, để có ngày hôm nay, Hà Nội đã trải qua rất nhiều đau thương, mất mát...
- Thưa nhà thơ Vương Trọng, không ít người đọc trường ca "Hà Nội của tôi" của ông nửa đùa nửa thật bảo: "Ông nhà thơ quê Đô Lương, Nghệ An sao lại nhận Hà Nội là của mình nhỉ"?
- Ồ, cái này là người ta hiểu lầm tôi đấy. Tôi đâu có nhận Hà Nội là của tôi đâu. Ai lại "vơ vào" thế. Mặc dù tôi đã sống ở Hà Nội cho đến nay đã nửa thế kỷ rồi, lâu lắm rồi. Thực ra thì trong lòng mỗi người dân Việt
- "Hà Nội của tôi" là tác phẩm hưởng ứng cuộc vận động sáng tác tiểu thuyết và trường ca về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang nhân dân 2006-2010. Ông đã mất bao nhiêu thời gian để hoàn thành tác phẩm này?
- Tôi có ấp ủ ý định viết một trường ca về Hà Nội từ năm 2003, hoàn toàn không có ý định dự thi cuộc thi nào. Đến năm 2008 tác phẩm mới được tôi hoàn thành. Hưởng ứng vào cuộc vận động sáng tác này, cũng là dịp Thủ đô Hà Nội tròn 1000 năm tuổi, tôi hy vọng đây sẽ là một món quà nhiều ý nghĩa của tôi với mảnh đất Hà Nội hào hoa, linh thiêng.
Nhà thơ Vương Trọng ở Phần Lan, dưới chân tượng đài nhà thơ Eleksis Kivi. |
- Rất nhiều nhà thơ viết về Hà Nội của hòa bình, dựng xây hôm nay. Riêng ông thì lại chọn viết về Hà Nội của thời chiến tranh, bom đạn. Phải chăng ký ức chiến tranh vẫn ám ảnh mạnh mẽ trong tâm hồn nhà thơ quân đội như ông?
- Tôi phải nói thật rằng dù đã sống ở Hà Nội gần nửa thế kỷ nhưng những kiến thức về các làng nghề, về văn hóa Hà Nội tôi không thạo lắm. Viết về chiến tranh vừa là sở trường, vừa là thế mạnh, vừa là kiến thức tôi chiêm nghiệm nhiều nhất. Tôi là nhà văn quân đội, cả đời chỉ cầm bút viết về chiến tranh thôi. Tôi sống với chiến tranh và tư duy về chiến tranh trong nhiều năm tháng đã qua. Vì vậy, khi viết về Hà Nội, tôi chọn cách dựng lại không khí Hà Nội một thời với những mất mát, đau thương.
Ngay trong lời đề từ tôi đã viết: "Đến tươi xanh thành phố Hòa Bình/ Máu Hà Nội trải hồng bao cuộc chiến". Dân tộc ta là một dân tộc bước ra từ đau thương và Hà Nội cũng vậy. Bao nhiêu cuộc chiến tranh phủ bóng đen xuống nước Việt
- Cho đến nay ông đã viết bao nhiêu tác phẩm về Hà Nội?
- Ngoài trường ca, tôi đã từng làm nhiều thơ, viết ký về Hà Nội. Tôi viết ký các cây cầu Hà Nội, xe điện Hà Nội, hoa sữa Hà Nội... Hồi tôi viết ký về hoa sữa Hà Nội, tôi đã đi lang thang khắp phố phường, đếm từng gốc cây hoa sữa đấy...
- Được biết ông đã bỏ rất nhiều công sức để dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Nguyễn Du cũng là nhà thơ duyên nợ với đất Thăng Long xưa. Vậy ông có thể cho biết đại thi hào Nguyễn Du xưa đã viết về Hà Nội như thế nào?
- Chúng ta đều biết mặc dù Nguyễn Du quê ở Tiên Điền, nhưng ông gắn bó với đất kinh kỳ nhiều năm tháng. Riêng mảnh đất Thăng Long, ông còn để lại 5 bài thơ chữ Hán, trong đó có một bài viết về Thăng Long đời nhà Lê. Bài này có tựa "Đại nhân hý bút", có nghĩa là "Thay lời người khác viết đùa" tả cảnh Thăng Long Hà Nội rất chi tiết. Còn 4 bài sau đều viết vào năm 1813, dịp ông được nhà vua cử đi sứ Trung Quốc có ghé qua thành Thăng Long. Những bài thơ này đều nhuốm màu tâm trạng buồn, não nề, khi nhà thơ nhìn thấy con người và cảnh vật Thăng Long đều thay đổi theo chiều hướng xác xơ. Bài thơ nổi tiếng nhất về Thăng Long của Nguyễn Du là "Long Thành cầm giả ca" mà chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đã biết.
- Ngày đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội đang tới gần, là người làm thơ nặng lòng với Hà Nội, ông có điều gì muốn gửi gắm với các bạn đọc trẻ?
- Tôi nghĩ rằng mỗi chúng ta đang sống, học tập, làm việc ở Thủ đô đều "mắc nợ" Hà Nội một điều gì đó. Chính vì cảm giác "mắc nợ" ấy mà tôi viết trường ca "Hà Nội của tôi". Trong trái tim mỗi người đều có những tình cảm riêng về Hà Nội. Được chứng kiến cơ hội ngàn năm có một ấy ai mà có thể không tự hào, xúc động. Tôi mong mỗi người dân Hà Nội, tùy theo sức lực, công việc của mình mà có những đóng góp cho thành phố. Để Thủ đô ta ngày càng giàu đẹp hơn. Vừa rồi GS Ngô Bảo Châu, một công dân Thủ đô, sinh vào những ngày tháng ác liệt nhất của Hà Nội năm 1972, đã giành giải thưởng Field theo tôi là một món quà lớn thể hiện tinh thần 1000 năm của người Hà Nội.
- Xin cảm ơn nhà thơ Vương Trọng