Nhà văn Ma Văn Kháng: Câu chuyện hình sự là câu chuyện cuộc đời

18:59 20/07/2012
Hãy viết về người chiến sĩ Công an trên hai phương diện: Vừa là một con người trong bản thể vừa là kẻ đại diện cho công lý đối mặt với bóng đêm tàn ác. Và về mặt nghề nghiệp thì anh ta có thể có nhiều cơ hội hơn các nghề nghiệp khác, để trở nên một hình tượng văn học đặc sắc tráng lệ nhất cơ đấy.

Giành giải “Cây bút vàng” ngay từ lần tổ chức đầu tiên năm 1998 với truyện ngắn nổi tiếng San Cha Chải, nhà văn Ma Văn Kháng được coi như một người bạn đặc biệt của lực lượng Công an và các nhà văn Công an. Ngoài 70 tuổi, ông gần như đã giành được hầu hết các vinh quang mà một nhà văn, một đời văn những mong có được: Có những tác phẩm sống lâu trong lòng không chỉ bạn nghề mà còn công chúng rộng rãi, được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh danh giá. Nhà văn Ma Văn Kháng đã chia sẻ với độc giả Báo Công an nhân dân những chiêm nghiệm đặc biệt của mình về các nhân vật - hình tượng nghệ thuật của ông: những người lính hình sự…

PV: Nhà văn Ma Văn Kháng hình như chưa lúc nào ngơi viết. Điển hình là chỉ trong năm 2011, ông đã cho ra liền 2 tiểu thuyết “Bến bờ” và “Bóng đêm”. Thú vị là cả 2 cuốn sách này đều xoay quanh cuộc sống, chiến đấu, những góc khuất riêng biệt trong cuộc đời các chiến sỹ Cảnh sát hình sự. Đây là những dự định đã được ông ấp ủ từ lâu?

Nhà văn Ma Văn Kháng: “Một bác tiều phu giỏi mấy cũng chẳng có thể biểu diễn tài nghệ búa rìu trên sa mạc không một bóng cây”. Đó là ý kiến của một tiểu thuyết gia Tây Ban Nha, ông Oóctêga Y Gassét. Nhà văn cũng vậy, không có chất liệu thì có tài giỏi mấy anh cũng chẳng làm nên trò trống gì! Về mặt này thì tôi đã gặp may. Ít ra từ những năm 80 của thế kỷ trước, tôi đã là chỗ bạn bè thân quen của rất nhiều nhà văn trong lực lượng Công an. Bắt đầu từ nhà văn Lê Tri Kỷ, người anh cả, rồi tiếp đó là các anh, chị: Văn Phan, Ngôn Vĩnh, Hữu Ước, Tôn Ái Nhân, Khổng Minh Dụ, Trần Diễn, Lê Hoài Nguyên, Phùng Thiên Tân, Phan Quế, Nguyễn Như Phong,  Nguyễn Hồng Thái, Phạm Khải, Thu Trang, Nguyễn Thụ, Trần Thanh Hà... Cái tình của nhà văn với nhau nó lạ lắm, người ngoài có khi không thấu hiểu hết đâu. Trên cương vị của mình, các anh chị ấy đã hết lòng hết sức giúp đỡ tôi thâm nhập vào thực tế của ngành Công an. Tính ra thì ròng rã có đến ba chục năm, tôi đã được tiếp xúc, tìm hiểu công việc của các cán bộ chiến sĩ trong lực lượng, chứ đâu có phải là ngày một ngày hai. Sổ tay ghi chép cũng phải đến cả bảy tám trăm trang. Mà trời ạ, chuyện anh Công an Việt Nam hay lắm, hấp dẫn lắm! Có biết bao nhiêu là tích chuyện kỳ lạ mang tầm cỡ quốc gia quốc tế, nhân loại trong số các chất liệu thu nhận được đó, chứ đâu có tầm thường. Khao khát viết được một cái gì cho xứng với cuộc đờì và kỳ tích của con người chắc chẳng phải là ấp ủ lâu dài của riêng tôi.

PV: Nhưng vì sao mà tận đến năm 2011, gần như đồng thời ông công bố 2 cuốn tiểu thuyết “Bóng đêm” và “Bến bờ” mà ông gọi là cuộc sinh nở kép, còn PGS- TS gọi là bộ tiểu thuyết cặp đôi? Liệu có còn một yếu tố ngẫu nhiên nào đã xuất hiện và quyết định?

Nhà văn Ma Văn Kháng: Từ chất  liệu đến tác phẩm là một chặng đường rất không đơn giản. Nói một cách hình ảnh, chất liệu là vô cùng quan trọng,  những cũng chỉ là nguyên liệu thôi. Quá lắm nếu nó cho ta một cốt truyện chẳng hạn, thì đó cũng chỉ là cái phôi ban đầu. Chỉ là bán thành phẩm thôi. Từ gạch ngói xi măng sắt thép có được một tòa lâu đài, nói chữ cho nó sang trọng, còn nhiều động thái vô hình diễn ra, trong đó không ít cái gọi là ngẫu nhiên. Rabindranath Tagore, thi hào Ấn độ, giải Nobel văn học nói:  “Nơi nào có dư thừa trong cảm xúc của chúng ta thì đó là nơi bắt đầu của nghệ thuật”. Tôi là người chịu khó ghi chép. Những trang ghi chép tưởng là vô tình mà hóa ra rất ám ảnh. Cho đến một lúc nào đó, không hề biết trước,  nghĩa là rất ngẫu nhiên, do sự chín muồi từ bên trong, do một gợi ý từ ngoại vật, tôi chợt nhận ra: À, cái câu chuyện này chứa đựng một cái gì đó lớn hơn bản thân nó đây. Cái cuộc đời anh chàng trong sự tích này ẩn tàng một ý nghĩa nhân sinh sâu sắc và lý thú đây. Cảm xúc đã dư thừa, đã thăng hoa  khiến cho hệ thống hình tượng, ngôn ngữ đồng thời xuất hiện và đổ ào ào rối xếp hàng trật tự trên trang giấy như có sự điều hành của một siêu nhân là đây chăng? Vâng, chỉ có thể viết được, khi nhà văn có câu chuyện muốn kể lại cho bạn đọc nghe và quan trọng, cùng với câu chuyện là một ý tưởng nào đó được phát hiện và gửi gắm vào nhân vật trung tâm, khiến bạn đọc thấy bổ ích và thú vị! Chẳng hạn: Bạn đời ơi, chúng ta sống ở đời không chỉ là để thành đạt, để ra hoa kết trái đâu, mà còn để mang trên mình những vết thương nữa đấy! Chà, cái ý tưởng đó nó tàng hình trong câu chuyện, trong nhân vật, tìm được nó thật là cả  một trò ú tim đầy tính ngẫu sự; nhưng  lúc đó thì có vẻ như là tác phẩm đã hoàn thành, vì đã có được một biểu tượng,  một ẩn dụ nghệ thuật !

PV: Thưa nhà văn, ông có nguyên mẫu riêng để xây dựng nên những nhân vật như điều tra viên Trần Thanh Điền số phận đầy truân chuyên, giám thị trại giam Trần Văn Lập (trong Bến bờ) hay các Cảnh sát hình sự như ông Tầm, Trừng, Nhâm… (trong Bóng đêm)?

Nhà văn Ma Văn Kháng: Nhiều nhân vật ở trong hai cuốn tiểu thuyết này có nguyên  mẫu ngoài đời. Tất nhiên nên hiểu khái niệm nguyên mẫu ngoài đời chỉ là điểm khởi đầu, gợi ý. Còn thì tất cả đều chịu sự chi phối bằng quy luật sáng tác, tức là chịu tác động của cái gọi là  khúc xạ nghệ thuật. Họ là nhân vật sáng tạo qua nhào nặn, biến hóa tổng hòa của người viết. Cốt truyện trong “Bóng đêm là câu chuyện vụ án có thật gây xôn xao dư luận xảy ra từ  tháng 1 năm 1986 ở địa bàn Quận Đống Đa,  Hà Nội. Bắt đầu từ ngày 26-7-1989 và tiếp đó là rất nhiều ngày sau, tôi đã được nghe kể lại và đi thực địa. Những người giúp tôi tìm hiểu vụ án là anh Tâm quận trưởng, anh Giang, anh Đức quận phó, nhất là anh Trần Doãn Nhật đội trưởng và đồng đội, những người trực tiếp đánh án. Là người ngoại đạo nên tôi hỏi han và ghi chép kỹ lưỡng từng chi tiết. Ví dụ, từ cách dẫn điệu nghi can về quận, cách giả vờ trượt chân ngã để soát xét xem tên này có mang theo vũ khí không, cho đến trình tự hỏi cung can phạm. Cả mấy câu chuyện hình sự vặt tôi kể lại ở chương 17 cuốn sách cũng là chuyện tôi nghe các anh kể lại. Còn cốt truyện “Bến bờ là câu chuyện đã xảy ra ở địa bàn tỉnh Khánh Hòa từ tháng 5 - 1994. Đến ngày 10-3-1997, tôi mới được nghe Cục cảnh sát hình sự thuộc Tổng cục cảnh sát thông báo lại. Và tiếp đó, nhiều ngày sau, tôi được nghe anh Ngọc phó phòng, anh Cường trinh sát phòng 3 của Cục, hai chàng trai đẹp tuấn tú, những người trực tiếp giải quyết vụ án, thuật lại rất kỹ càng tỉ mỉ đầu cuối sự việc. Tôi cũng đã đến làm việc ở mấy chục Trại giam, sống và trò chuyện với các giám thị và chiến sĩ ở đây nhiều ngày. Đấu tranh chống lại cái ác! Một lát cắt đặc biệt của đời sống hiện thực! Cuộc đời này còn bao nỗi éo le và gian khó… Nhưng, nhận ra điều đó, tôi cũng tìm thấy cái đẹp  nảy sinh ở ngay nơi đây. Chiến công làm cho cuộc đời mỗi ngày tốt đẹp lên của con người sẽ là muôn đời bất diệt!

PV: Có người nhận xét: Nhân vật của ông không chỉ là những con người thuần túy hành động kiểu truyện vụ án, phá án như trong phim Cảnh sát hình sự hay nhiều tác phẩm văn học khác, mà là những số phận cá tính, có chiều sâu nội tâm. Ý ông thế nào?

Nhà văn Ma Văn Kháng: Thật ra, tôi cũng rất đắn đo khi công bố 2 cuốn sách này. Điều đó rất khác khi tôi cho in những cuốn sách khác. Ví dụ, tôi hoàn toàn tự tin khi xuất bản cuốn tiểu thuyết “Đám cưới không có giấy giá thú”, hay cuốn “Một mình một ngựa”. Vì ở những cuốn đó, ít nhiều  tôi cũng là một phân thân của những nhân vật trong đó. Nhưng sau thì tôi nghĩ, cấn cá về chuyện đề tài là không cần và không đúng!  Văn chương là câu chuyện cuộc đời, là câu chuyện về con người. Là bởi vì, đã là con người thì ai cũng sống với một hình thái lao động nhất định, ai cũng có một nghề nghiệp. Tôi là giáo viên. Chị là bác sĩ. Anh là cảnh sát hình sự. Nhưng tất cả đều chung một mẫu số là con người. Con người với tất cả những vui buốn thế sự và đặc trưng dấu vết về nghề nghiệp. Vậy thì hãy viết về người chiến sĩ Công an trên hai phương diện ấy! Anh ta vừa là một con người trong bản thể vừa là kẻ đại diện cho công lý đối mặt với bóng đêm tàn ác. Và về mặt nghề nghiệp thì anh ta có thể có nhiều cơ hội hơn các nghề nghiệp khác, để trở nên một hình tượng văn học đặc sắc tráng lệ nhất cơ đấy. Có gì lớn lao  đẹp đẽ hơn một con người dám dấn thân, dám xông pha, dám chấp nhận hiểm nguy, thiệt thòi, dám hy sinh cho một sự nghiệp cao cả! Hai cuốn sách. Những cái chết cay đắng và ngạo nghễ! Những bi kịch anh hùng. Thẩm mỹ của tôi có mầu sắc cổ điển. Nhưng đó là những cảm xúc ở cao trào ngưỡng mộ không thể không giãi bầy! Tôi là tạng nhà văn mê đắm với cái đẹp lý tưởng! Đó chính là nhận xét của PGS - TS Lã Khắc Hòa.

PV: Theo ông có đáng tiếc không vì văn học về đề tài Cảnh sát nhân dân chưa có được nhiều tác phẩm lớn, mới chỉ xoay quanh chuyện vụ án, tiểu thuyết hình sự trong khi cuộc chiến đấu của lực lượng Cảnh sát giữ bình yên cho cuộc sống thật cam go và đầy những mâu thuẫn giằng xé nội tại?

Nhà văn Ma Văn Kháng: Để có một nhận xét tương tự, có lẽ cần một tổng kết và nghiên cứu của nhiều chuyên gia. Riêng tôi, nói về phần văn học viết về hình ảnh người chiến sĩ công an, tôi có cảm giác mình đã bỏ lỡ đi nhiều cơ hội để có nhiều tác phẩm hay về đề tài này. Công an Việt Nam ta giỏi vào loại nhất thế giới! Tôi nghe nhiều người nói vậy. Nếu đúng thế, thì   nhà văn viết chuyện công an Việt Nam ta được mấy cái lợi trời cho chớ nên bỏ qua. Có một cốt truyện miễn phí với đầy đủ các tình tiết đan cài chặt chẽ, có mở đầu, diễn tiến, thắt nút, cao trào, giải tỏa. Có được sức hấp dẫn đầy kịch tính, đủ sức khêu gợi trí tò mò và lôi cuốn bạn đọc mà không phải lĩnh vực nào cũng có. Có được một kiểu dẫn chuyện hành động nối tiếp hành động trong vận động qua lại của cái tam giác: hung thủ - nạn nhân - nhà điều tra, tạo nên độ căng thường trực của mỗi trang văn. Vậy thì chớ nên bỏ qua  những ưu thế khách quan này và hãy tận dụng nó, nâng cao nó lên bằng cách  đưa câu chuyện vào cuộc đời - cuộc đời hôm nay, cuộc sống hôm nay, hiện đại, phong phú phức tạp và vô cùng  bề bộn, đặc biệt là ở thế giới tinh thần. Câu chuyện hình sự cũng là câu chuyện cuộc đời! Văn học là một hình thái ý thức và tinh thần đẹp đẽ của con người dành cho cuộc đời, của mọi người. Sau khi in cuốn Bóng đêm ở NXB Công an nhân dân, tôi viết xong cuốn “Bến bờ. Đưa bạn bè đọc giùm, có anh bảo, trong  truyện có nhân vật công an là ông Hói, tức Bân nhiều thói xấu  thế, NXB Công an nào người ta in cho ông. Sao lại thế được nhỉ? Nhưng mà thật tình là có chuyện rắc rối thế đấy!

PV: Ông đã được trao giải nhất giải thưởng Cây bút vàng lần do Tạp chí Văn hóa văn nghệ Công an và chuyên đề An ninh thế giới tổ chức vào năm 1998. Nếu giờ này, Báo CAND,  chuyên đề Văn nghệ Công an tiếp tục tiến hành một cuộc thi tương tự, ông có tham gia nữa không?

Nhà văn Ma Văn Kháng: Có lẽ là không. Vì không phải đã là nhà văn thì lúc nào cũng có thể viết được!

PV: Với một nhà văn, một đời văn, được như Ma Văn Kháng đã là đầy đủ. Ông có những tác phẩm sống trong lòng không chỉ giới văn chương nói riêng mà còn độc giả rộng rãi (như tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn). Ông cũng được trao giải thưởng Hồ Chí Minh danh giá (điều chưa hẳn nhiều ở các nhà văn thuộc thế hệ của ông). Vậy ông còn sắp đặt cho mình thêm những dự định, những tham vọng gì cho những tháng ngày tới?

Nhà văn Ma Văn Kháng: Tôi không còn trẻ. Sức khỏe đã sa sút. Tôi không có dự định to tát gì. Nghỉ ngơi, chữa bệnh, thăm thú bạn bè, họ hàng. Nếu thấy hứng thú thì viết mấy cái ngăn ngắn vừa với sức mình cho mấy tờ báo đã từng cộng tác. Cuối cùng còn rỗi rãi thì thu thập, sắp xếp, sửa sang  lại những gì đã  làm được trong thời gian qua. Nếu gọi là đầu  việc thì chỉ có vậy thôi.

PV: Trân trọng cảm ơn nhà văn Ma Văn Kháng

Ngô Hương Sen (thực hiện)

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文