Nhà văn Nguyễn Đình Tú: “Phiên bản” hay một cuộc vượt thoát để tìm về bản ngã
Mà những người đó là ai? "Là những người dám bỏ tiền ra mua sách của tôi. Tham vọng của tôi ư, nếu có thì đó là làm sao để những người bỏ tiền ra mua sách của tôi không cảm thấy tiếc tiền và tiếc thời gian đọc sách", nhà văn Nguyễn Đình Tú tâm sự.
Nguyễn Đình Tú và những cơn lốc văn chương
Cách đây 15 năm, cái tên Nguyễn Đình Tú nổi lên như một hiện tượng văn chương đầy triển vọng. Truyện của anh được đăng liên tục trên các tờ báo uy tín như Văn nghệ quân đội, Văn nghệ, Thanh niên, Tuổi trẻ, Tiền phong… Các phóng viên báo đài đã tốn không ít giấy mực viết về một nhà văn trẻ vốn xuất thân từ Trường Luật. Song song cùng những truyện ngắn hay là kết quả của những giải thưởng văn học liên tục đến với anh.
Đang là một kiểm sát viên ở Viện Kiểm sát quân sự Quân khu 3, anh được điều về Tạp chí Văn nghệ quân đội, giữ chân biên tập viên văn xuôi. Cánh cửa của ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế, Hà Nội, nơi tập trung các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng trong và ngoài quân đội, là giấc mơ của rất nhiều người theo đuổi văn chương, đã mở ra để đón một nhà văn trung úy vừa tròn 26 tuổi. Khi về đây nhận công tác, anh là người trẻ tuổi nhất, trước anh là nhà thơ Trần Đăng Khoa, khi ấy đã ngoài 40 tuổi.
Sau 10 năm làm việc tại Tạp chí Văn nghệ quân đội, hiện anh là Trưởng ban văn xuôi, một trong những hội viên trẻ tuổi nhất của Hội Nhà văn Việt Nam, tác giả của gần chục tập truyện ngắn: Bên bờ những dòng chảy, Không thể nào khác được, Nỗi ám ảnh khôn nguôi, Những bước nhảy trong đêm, Điệu mambo hư ảo, Đoản khúc mùa thu, Chuyện lính... Anh cũng là tác giả của 4 tiểu thuyết đình đám suốt mấy năm vừa qua, từ tiểu thuyết Hồ sơ một tử tù, Bên dòng Sầu Diện, Nháp và gần nhất đây là Phiên bản, kèm theo không chỉ những giải thưởng mà còn đạt kỷ lục về số lần tái bản đi tái bản lại, đủ để khẳng định ngôi vị quán quân về số lượng sách trong số các nhà văn 7X hiện nay.
Còn nhớ năm 2002 khi tiểu thuyết Hồ sơ một tử tù ra đời, trở thành tâm điểm văn chương của năm, sách được tái bản tới 3 lần và sau đó được chuyển thể thành 11 tập phim phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam, có nhiều người cho rằng, văn chương trong mỗi con người đều có thời điểm, Nguyễn Đình Tú viết nhanh, viết khỏe, viết chắc tay như vậy thì cũng đã đến lúc "hết vốn", khó có thể viết tiếp.
Năm 2006, anh lại tiếp tục cho ra mắt tiểu thuyết thứ 2 với tên gọi Bên dòng Sầu Diện, không hiểu sao cuốn sách không hề được anh tặng cho bạn bè, mãi gần đây khi nó vào chung khảo Giải thưởng Bộ Quốc phòng (2004-2009), mọi người mới tỏa đi tìm đọc. Hóa ra nó được in ở NXB Quân đội, khi anh biết nó được in thì sách đã xuất xuống đơn vị, không thể nào mua thêm được ngoài 10 cuốn sách biếu của tác giả. Sách cũng không có mặt ngoài thị trường, và đương nhiên, báo chí cũng như rất nhiều bạn đọc yêu quý văn Nguyễn Đình Tú không hề biết đến cuốn tiểu thuyết này của anh.
Nhà văn Nguyễn Đình Tú. |
Năm 2008, Nguyễn Đình Tú tiếp tục cho ra mắt tiểu thuyết Nháp và ngay lập tức tạo được một luồng dư luận sôi nổi xoay quanh nội dung của cuốn sách. Sách in ra một tháng đã bán hết veo. Nhà xuất bản tiếp tục nối bản lần 2, rồi lần 3, lần 4 trước sự ngỡ ngàng của chính tác giả. Trong thời buổi hiện nay, muốn tái bản sách là điều không dễ, với tiểu thuyết lại càng khó hơn, vậy mà Nguyễn Đình Tú đã lập được kỷ lục đó.
Và mới đây (10/2009), Nguyễn Đình Tú lại ra mắt tiểu thuyết thứ 4 với tên gọi Phiên bản, dày 400 trang, hiện đang là tâm điểm chú ý của bạn đọc. Cuốn sách có 31 khúc được sử dụng với 3 ngôi kể khác nhau kể về cuộc sống của một cô nữ sinh ngây thơ trong sáng, bị môi trường và hoàn cảnh đưa đẩy nên rơi vào cuộc đời gió bụi giang hồ, kết hợp với nhiều nhân vật đa tính cách tạo nên những mảng màu khác biệt trong xã hội. Tác giả đã xây dựng những mâu thuẫn đầy kịch tích với tình yêu và thù hận, thiện và ác, chất chứa bạo lực, chém giết, tù tội, sex… một cách sắc lạnh và trực diện. Phiên bản đang nóng dần mỗi ngày trên các cửa hàng sách, hứa hẹn sẽ là tâm điểm văn học của năm 2009.
Thế giới tội phạm - Một bước lùi của lịch sử nhân loại
- Khi tiểu thuyết "Hồ sơ một tử tù" ra đời và "đắt khách", người ta bảo anh khai thác những tình tiết ly kỳ của vụ án để viết vì anh sẵn có thế manh là một kiểm sát viên. Rồi đến "Nháp" cũng là: Tình, tiền, tù, tội, sex…, và cuốn "Phiên bản" vừa ra cách đây ít ngày cũng đang nóng lên vì tất cả những điều đó. Anh không sợ người ta nghĩ rằng anh chỉ có thể đi theo một motip chung và đang đi vào lối mòn của chính mình ư?
Có người còn đưa ra công thức cho tác phẩm mới nhất của tôi là: Phiên bản = Bạo lực + Sex. Thực ra nói thế thì hơi quá. Ở Hồ sơ một tử tù và Phiên bản có điểm giống nhau là cùng khai thác các số phận sống ngoài vòng pháp luật. Nhưng mỗi số phận có "từ trường" riêng và qua đó mở ra những góc độ khác nhau để phản ánh xã hội. Còn việc nó có nhiều yếu tố bạo lực và sex thì đó cũng là chuyện bình thường, vấn đề là những yếu tố đó được đưa vào tác phẩm có thuyết phục hay không mà thôi.
- Trong số 9 tập truyện ngắn và 4 tiểu thuyết, dường như "Nháp" là cuốn ra đời vất vả hơn cả. Nghe nói "Nháp" đã phải chuyển qua 5 NXB và phải cắt bớt những đoạn sex quá gợi tình đi, không biết có đúng không?
- Đúng. Nếu tôi không cắt đi thì không thể ra mắt được.
- Anh có vẻ tiếc những đoạn cắt đó? Không biết nguyên bản của nó nhạy cảm đến cỡ nào thưa anh?
Hầu hết bạn đọc Nháp đều cho rằng sex trong đó "dâm" mà không "tục", nhiều trường đoạn còn được khen là đẹp, gợi cảm, ca tụng thân xác con người, vân vân. Tôi cũng khẳng định rằng tôi không lấy hiện thực sex ra để câu khách mà tôi cố gắng trình bày những tâm trạng sex để phục vụ ý đồ tư tưởng của cuốn tiểu thuyết. Còn nó nhạy cảm đến cỡ nào thì chị phải hỏi biên tập viên NXB nơi cuốn Nháp được cấp phép. --PageBreak--
- Là một nhà văn quân đội, nhưng những cảnh sex anh miêu tả trong "Nháp" hay "Phiên bản" đều rất táo bạo và bốc lửa. Điều này có mâu thuẫn không?
Trước tôi có một nhà văn quân đội cũng có những trang viết về sex rất nóng bỏng và bạo liệt, đó là nhà văn Chu Lai. Cái này tùy theo từng tạng người, không có sự phân biệt nhà văn thuộc ngành nào thì có thể viết sex hay hơn, hoặc nhà văn quân đội thì chỉ biết đến có chiến tranh và ngược lại.
- Tôi được biết, anh sinh ra ở Hải Phòng, một thành phố mà trước đây đã có rất nhiều những cuộc vượt biên giống như nhân vật trong tiểu thuyết "Phiên bản". Ấu thơ, quê hương vốn là của để dành trong tâm hồn của mỗi người, và giờ đây anh đã viết về nó. Anh có sợ rằng, người ta cho rằng anh đang cạn như một ngọn đèn dầu rút bấc?
- Đây không phải là cuốn sách đầu tiên tôi đề cập vùng đất quê hương mình. Bên dòng Sầu Diện mới là cuốn sách được khai triển đầy đủ nhất bối cảnh nơi tôi sinh ra. Đó là một cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh theo trục thời gian trải dài hơn thế kỷ trong một không gian nhỏ là thị xã quê hương tôi.
Liệu Phiên bản ra đời có khiến tôi trở thành một "ngọn đèn dầu rút bấc" hay không, câu trả lời nằm ở những cuốn sách tiếp theo. Nhưng nếu sự rút bấc này làm nên một khoảng sáng gì đó cho văn học thì tôi sẵn sàng làm một ngọn đèn cạn dầu.
- Đọc "Phiên bản" xong, độc giả bình thường có thể ám ảnh với những suy nghĩ chất chồng về lưu manh, tội ác… trong xã hội hiện đại. Còn người yếu tim có thể sẽ rất bị sốc. Khi viết, không biết tác giả có đoán trước được điều này không?
- Phiên bản là cuốn sách dành cho những người yêu văn học nói chung và yêu văn chương của Nguyễn Đình Tú nói riêng. Nếu chẳng may nó làm hại đến những người yếu tim nào đấy thì đó là điều nằm ngoài ý đồ sáng tác của tôi. Tuy nhiên, cũng cho tôi được khuyến cáo rằng, những ai sợ cảm giác mạnh thì không nên đọc Phiên bản.
- Để có thể tạo ra được những trang văn "không dành cho những người sợ cảm giác mạnh", khi viết "Phiên bản", anh lên cơn "co giật" cảm xúc bao nhiêu lần?
- Tôi viết bằng một cái đầu lạnh và một trái tim nóng. Cái đầu lạnh để điều khiển con chữ đi đến những trang cuối cùng, còn trái tim nóng để truyền cảm xúc cho trang văn của mình. Bạn đọc "co giật" cảm xúc bao nhiêu lần khi đọc Phiên bản thì tác giả cũng bấy nhiêu lần phải "co giật" cảm xúc cho những trang viết của mình.
- Ngoài đời ai cũng bảo anh hiền lành, tốt tính và rất hồn hậu. Còn văn thì sắc nét, gai góc, chất chứa thù hận giang hồ. Hai điểm này lại đối nghịch nhau, không biết đâu mới là một "bản chính" của Nguyễn Đình Tú?
Đừng nhìn tư cách công dân để đánh giá sức cảm, sức nghĩ của một con người. Cũng đừng nên quan niệm "văn là người" một cách máy móc. Sức tưởng tượng của nhà văn bao giờ cũng lớn hơn đời sống hiện thực của nhà văn ấy. Nếu coi tác phẩm là những "phiên bản" của nhà văn thì đừng tò mò xem "bản chính" làm gì. Bản thân nhà văn thường đơn điệu và nhạt nhẽo hơn chính tác phẩm của họ.
- Ngay từ khi còn rất trẻ anh đã có một phong cách riêng cho mình. Viết khỏe, chắc chắn và sắc sảo. Nếu sự trải nghiệm phải là do năm tháng, vậy sự chín muồi đó, anh lấy từ đâu?
Tôi không hiểu chị muốn nói về sự chín muồi nào? Tài năng, vốn sống, sự trải nghiệm, thi pháp hay là những suy nghĩ cá nhân? Tôi thì tôi vẫn nghĩ là chưa có gì chín muồi trong tôi cả. Bằng chứng là tôi vẫn đang cố gắng sống, cố gắng viết và cố gắng đạt đến một sự chín muồi nào đó.
- Nhà văn không viết chỉ bằng cảm hứng. Ortega Y Gasset, tiểu thuyết gia Tây Ban Nha nói đại ý: Chiếc rìu của một tiều phu giỏi chẳng có nghĩa lý gì trên một sa mạc không cây cối. Muốn viết được một cái gì đó cho ra hồn, nhà văn phải có chất liệu và đừng tưởng chất liệu là cái vốn tự có, là nước ở cái giếng sâu không đáy, là vỉa quặng vô tận, thả sức đào bới. Vậy "Phiên bản" ra từ cái giếng nào thưa anh?
Cuộc sống, cuộc sống và cuộc sống. Hãy cứ trẫm mình vào cuộc sống, bạn sẽ tìm ra cái giếng nguyên liệu dồi dào cho sự sáng tạo của riêng mình
Nhà văn Ma Văn Kháng: "Tôi đã hơn một lần rất có cảm tình và thật sự là khâm phục năng lực hiểu biết thấu đáo cái lĩnh vực đời sống, cái đối tượng nghệ thuật mà cây bút Nguyễn Đình Tú, một triển vọng đầy hứa hẹn của văn xuôi hôm nay, đã cầy xới trong tiểu thuyết "Hồ sơ một tử tù" và mới đây, trong cuốn sách có cái tên rất lạ tai là "Nháp" của anh. Tất nhiên là chàng sĩ quan - cử nhân Luật này có sẵn cái vốn liếng cơ bản về học thuật đã được trang bị của mình. Một cốt truyện hay!". Nguyễn Thanh Loan (độc giả): "Trong số các cây bút 7x hiện nay tôi rất trân trọng và quý mến nhà văn Nguyễn Đình Tú. Tôi đã đọc của anh rất nhiều, ngay từ thời khi anh còn là sinh viên. Từ đó đến nay là một chặng đường dài không mệt mỏi. Anh viết tiểu thuyết từ khi tuổi còn rất sớm, "Hồ sơ một tử tù" ra đời năm 26 tuổi, trong khi nhiều cây bút 7x hầu như còn chưa có khái niệm "viết tiểu thuyết". |