Nhà văn Nguyễn Hiếu: Đã là nhà văn thì phải viết

17:00 23/01/2011
"Hồi còn là công chức đã thành lệ sáng nào tôi cũng dậy sớm cày cuốc trên cánh đồng văn chương để kiếm ăn. Bây giờ vẫn vậy. Cũng là do cái tạng đã thành thói quen. Ai đặt gì, kể cả mình đặt cho mình tôi cũng đều buộc tôi phải viết bằng được. Tôi đã nói rõ quan niệm của mình "đã là nhà văn thì phải viết", nhà văn Nguyễn Hiếu chia sẻ.

Nguyễn Hiếu từng được nhà văn Ma Văn Kháng - một nhà văn mà bút lực luôn dồi dào từng nhận xét: "Chú là lực sĩ của văn xuôi Việt Nam", còn nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn trong cách gọi thân mật thì cho rằng: "Ông là thằng cha đi xe máy bằng tiểu thuyết". Bởi vậy mà nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long, NXB Hà Nội đã xuất bản tuyển tập Nguyễn Hiếu với hơn 6.000 trang gồm 19 tiểu thuyết hơn 100 truyện ngắn, 300 bài thơ và 9 kịch bản sân khấu đánh dấu thành tựu sáng tác sau hơn 30 năm cầm bút. Nhân dịp nhà văn Nguyễn Hiếu vừa được giải nhì trong cuộc thi "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" do Bộ Công an, NXB Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông.

- Thưa nhà văn Nguyễn Hiếu, năm 2010 dường như là một năm bội thu của ông trong lĩnh vực văn chương. Cộng với giải thưởng vừa nhận ngày 21-1 vừa rồi là 4 giải thưởng trong các cuộc thi văn học - nghệ thuật. Dường như Nguyễn Hiếu cứ đi thi tới đâu là có giải tới đó. Ông có "bí kíp" trong chuyện này không?

- Trong chuyện này, thật tình tôi không có "bí kíp" gì. Nếu có thì tôi nghĩ bắt đầu từ việc tôi là người cầm bút chuyên nghiệp lấy sự viết lách của mình làm kế sinh nhai. Một người cầm bút là lao động chính trong một gia đình viên chức (vợ tôi là giáo viên phổ thông). Vào thập kỉ 80, 90 của thế kỷ XX đời sống viên chức cực kì khó khăn, để nuôi được hai con trai tôi chỉ có cách lao vào viết thục mạng. Thời gian đó nhà nước ta mở cửa trong xuất bản, nên những lực điền văn chương như tôi cũng sống tạm được. Từ năm 1988 đến 1993, tôi in 13 tiểu thuyết, 2 tập truyện ngắn, dựng 2 vở kịch và viết 2 phim truyền hình, không kể các kịch truyền thanh, bài báo cho Đài Tiếng nói Việt Nam và các báo khác. Hiện nay, đời sống đỡ vất hơn, khổ nỗi viết nhiều nên thành nếp. Hôm nào không viết được tí gì là thấy áy náy. Mặt khác tôi rất thích tham dự các cuộc thi dính dáng đến văn chương. Tôi cho rằng, các cuộc thi là dịp thử thách bút lực, sự sáng tạo của nhà văn.                         

- Còn vì giá trị… giải thưởng nữa chứ, thưa ông (cười)?

- Cố nhiên rồi (cười tươi)!

- Nguyễn Hiếu là cái tên gắn bó nhiều với những câu chuyện liên quan tới ngành Công an, sự liên hệ này có căn nguyên của nó chứ, thưa ông?

- Bố tôi là người Phùng Khoang - Từ Liêm, Hà Nội. Ông tham gia lực lượng Công an từ năm 1946. Dạo đó bố tôi đã là Đội trưởng Đội Trinh sát Lãng Bạc. Có lẽ vì ở trong ngành lâu nên khi tôi tốt nghiệp Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội bố tôi rất muốn tôi về chỗ chú Hinh (nhà văn Lê Tri Kỉ) Ban Tuyên truyền của Bộ Công an hồi những năm 70 của thế kỷ XX. Số phận lại run rủi đưa tôi về làm báo ở Đài Tiếng nói Việt Nam.

Do di truyền (ông nội tôi làm cai thầu nhưng cũng từng làm báo nghiệp dư, giao du với Tú Mỡ) nên bố tôi là người rất quan tâm đến sự nghiệp văn chương của tôi. Vào năm 1971, 1972 thì phải, khi nhà thơ Chế Lan Viên gọi tôi ra bàn về bản thảo tập thơ "Thư gửi ra chiến trường" của tôi. Tôi về kể lại cuộc gặp đó và cả yêu cầu của nhà thơ về chuyện "cần phải làm đề cương cho mỗi bài  thơ". Bố tôi bảo: "Con nên nghe chú Chế Lan Viên". Hồi nhỏ thỉnh thoảng trong những lần làm nhiệm vụ (những năm cuối thập kỷ 50 đầu 60, bố tôi là trinh sát) bố tôi đưa tôi đi. Phải chăng chất Công an ngấm vào tôi từ dạo đó.   

- Tiểu thuyết "Mặt nạ để đời" đã đoạt giải nhì trong cuộc thi tiểu thuyết "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" 2007 - 2010 lần thứ 2 này, vì thế là một cuốn tiểu thuyết ông đã dành nhiều công sức để sáng tạo và nó gắn bó với những kỷ niệm liên quan đến người cha của mình?

- "Mặt nạ để đời" là câu chuyện kể về một vụ tranh chấp ghế Phó Chủ tịch một thành phố của hai đối thủ. Những thủ đoạn, mưu mô để hạ địch thủ dần dần được phơi bày. Nhân vật Công an điều tra Dũng ít nhiều là hình bóng của bố tôi. Tôi cũng xin cảm ơn trại viết của Ban tổ chức cuộc thi cụ thể là NXB Công an. Chính nhờ dự trại do NXB tổ chức tại Nha Trang tháng 4/2010 cùng những đợt thực tế nên hình tượng điều tra Dũng của tôi được khắc họa khá đa dạng với những tình tiết tương đối nghiệp vụ.

- Người ta thường nói rằng, văn chương là nghiệp chứ không phải là nghề, còn với Nguyễn Hiếu lại khác, ông đã sống được bằng nghề viết văn. Vậy, ngày xưa, duyên cớ nào đã đưa ông đến với nghề lao động chữ nghĩa nhọc nhằn này?

- Tôi là học sinh giỏi văn của Trường cấp 3 Xuân Đỉnh (Từ Liêm), được vào đội tuyển thi học sinh giỏi văn của Hà Nội dự thi miền Bắc. Tạm coi là có năng khiếu văn chương. Năng khiếu này được nhân lên khi tôi trở thành sinh viên Khoa Văn, Trường ĐH Tổng hợp. Vào năm 1973 (trùng thời gian này nhà thơ Chế Lan Viên đã góp ý với tôi về thơ) khi tôi gửi những truyện ngắn hài đầu tiên tới nhà văn Nguyễn Công Hoan thì ông đã viết thư hồi âm với tôi dạy rằng: "Viết hài thì phải viết ngắn, văn nhanh, biết thắt, mở nút…". Năm 1976, đạo diễn Lộng Chương đã đạo diễn vở hài "Chuyện như thế thì cần phải nói" của tôi. Khi vở không được công diễn ông đã an ủi tôi rất nhiều. Tôi nhớ nhất câu "Kịch thì dài, cháu còn trẻ cơ hội vẫn ở trước mặt. Không được nản chí".

Thời gian này tôi cũng mang kịch bản đến nhà thơ Thế Lữ và được ông dạy bảo nghệ thuật viết kịch. Năm 1984, nhờ sự dẫn dắt của nhà văn Tuấn Vinh, tôi in tập truyện ngắn (hài) đầu tiên "Truyện cái vòi nước" do nhà văn Hà Ân biên tập. Họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ bìa. Nhà thơ Vũ Cao duyệt bản thảo, ông bảo (có vẻ hơi quá lên): "Hài của chú đọc gần hơn hài của Nê Xin"… Sau này, nhà văn Ma Văn Kháng khi làm Giám đốc NXB Lao động cũng động viên tôi rất nhiều, nhất là ở những bản thảo gai góc như tiểu thuyết "Xử bắn" khi in lại mang tên "Vầng trăng hững hờ"…       

- Kể từ ngày đó mà đến nay, trong gia tài của ông đã có tới 20 tiểu thuyết, 6 tập truyện ngắn, 3 tập kịch bản, phim truyền hình, gần trăm tạp văn và chân dung văn nghệ sĩ cùng hàng nghìn bài báo, câu chuyện truyền thanh… Điều này chứng tỏ dường như không ngày nào ông không cầm bút. Trong số gần 30 đầu sách, ông tâm đắc nhất với cuốn nào và ông có thể kể một vài câu chuyện liên quan đến nó?

- Trừ lúc sức khỏe không cho phép và bận đi công tác. Còn hầu như đã thành lệ ngày nào tôi cũng nhả ra một, hai trang văn vào buổi sáng, lâu lâu thành tác phẩm. Nếu nói về tác phẩm tâm đắc. Về tiểu thuyết tôi chọn "Chuyện tình người điên" năm 1990. Ký xong hợp đồng với NXB Văn hóa Dân tộc thì tôi được cơ quan cử đi Liên Xô nâng cao nghiệp vụ. Thời gian ở trong nước còn chưa đầy nửa năm. Tôi dồn sức viết và nộp đúng thời hạn. Nhà văn Võ Thị Hảo biên tập tiểu thuyết này bảo tôi "Anh viết như nhập đồng". Về truyện ngắn tôi thường nhớ đến "Chuyện quan trọng của bà Cả Đào" - giải ba cuộc thi truyện ngắn về đề tài nông thôn của Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn) và Báo Nông nghiệp Việt Nam. Nhà thơ Phạm Tiến Duật khi biên tập truyện ngắn này để in đã viết cho tôi mẩu giấy ghi rõ "Vì khuôn khổ tờ báo, Duật cắt mấy dòng của truyện ngắn này, khi nào in sách, Hiếu lấy in đủ cho khỏi phí".

- Có thể thấy, Nguyễn Hiếu là một nhà văn đa năng, vì ông không chỉ thành công trong lĩnh vực văn chương mà còn cả với trên sân khấu, điện ảnh, báo chí ông cũng là một hội viên giành nhiều giải thưởng trong các cuộc thi. Ông lấy đâu ra thời gian để có thể làm được một lúc nhiều việc như vậy?

- Hồi còn là công chức đã thành lệ sáng nào tôi cũng dậy sớm cày cuốc trên cánh đồng văn chương để kiếm ăn. Bây giờ vẫn vậy. Cũng là do cái tạng đã thành thói quen. Ai đặt gì, kể cả mình đặt cho mình tôi cũng đều buộc tôi phải viết bằng được. Tôi đã nói rõ quan niệm của mình "đã là nhà văn thì phải viết".    

- Nguyễn Hiếu còn lấn sân sang cả thơ ca và từng đoạt giải thưởng cao trong các cuộc thi dành cho thơ. Dường như ông làm việc gì cũng có vẻ xuôi chèo mát mái?

- Nói về thơ, tôi phải cảm ơn nhà thơ Xuân Diệu rất nhiều. Năm 1968 khi tôi làm khóa luận về Nguyễn Trãi tôi đến nhà nhà thơ Xuân Diệu để tìm hiểu (Xuân Diệu nổi tiếng là người am hiểu Nguyễn Trãi). Tôi cố tạo dáng trong lúc đợi nhà thơ. Không ngờ gặp tôi, ông giáng cho tôi một câu đích đáng khi thấy tôi đứng chéo chân trước cửa nhà ông: "Trong văn chương và tình yêu tối kị đứng chéo chân" . Mùa xuân năm 1973, khi trao giải thơ cho tôi ở nhà hàng Bô-đê-ga, ông nhận ra tôi lại mắng: "Hình như anh không nghe lời của tôi về sự thận trọng trong văn chương. Thể lệ cuộc thi là ba bài, anh gửi một bài. Không được, không được. May mà…". Giải thưởng đó trị giá 100 đồng ngoài hai hiện vật là chiếc phích màu đỏ Trung Quốc và cái cặp đen tôi còn đưa cho vợ chưa cưới 10 đồng may áo dài và 40 đồng cho mẹ tôi mua con lợn làm cỗ cưới.

- Người như ông, chắc hẳn trong túi văn luôn có một sọt chữ để dành. Vậy ông có thể "bật mí" trong thời gian tới, ông đã có dự định gì cho "nghề" sáng tác của mình?

- Tôi đang viết hai cảnh cuối của vở kịch "Tiếng hú của sói con" dựa trên một nhân vật có thật mà Báo Công an từng phản ánh. Một vở kịch về sự cô đơn của những đứa trẻ thiếu tình yêu và sự đùm bọc của cha mẹ. Bên cạnh đó tôi đang tìm kết cấu yêu thích nhất cho một cuốn tiểu thuyết để dự thi cuộc thi tiểu thuyết mà Hội Nhà văn Việt Nam phát động. Thấy ổn ổn là tôi bắt tay vào luôn.

- Vâng, xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Hiếu về cuộc trò chuyện!

Trần Hoàng Thiên Kim

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文