Nhà văn Nguyễn Minh Châu: Sâu sắc và hồn nhiên
Nguyễn Minh Châu từ rất lâu đã quan tâm xây dựng mối hòa hợp dân tộc, hòa hợp cộng đồng sau những năm tháng dài xung đột dữ dội. Lúc bấy giờ, nhận thức trong xã hội ta về vấn đề này còn rất nhiều mắc mớ khó thấy ra.
Trong sáng tác và trong tiểu luận của anh như: tiểu thuyết "Miền cháy", tiểu thuyết "Mảnh đất tình yêu", truyện ngắn "Cỏ lau", truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa", tiểu luận "Hòa đồng cùng nhân loại"... anh đã dự báo, đã bày tỏ rất đậm điều này như một lời cầu nguyện thao thiết.
Chỉ riêng hình ảnh hòn vọng phu, đàn dã tràng mà nhiều lần Nguyễn Minh Châu trở đi trở lại miêu tả với những áng văn nao lòng, chúng ta cũng quá biết nỗi niềm trắc ẩn của anh.
Trong đời sống thường nhật cũng vậy. Một hôm anh đi dạo về, không về nhà ngay, anh tạt sang bên tôi, giọng nói và gương mặt thấm đậm nỗi buồn bã, anh kể anh vừa chứng kiến cái chết thê thảm của ông già xích lô. Ông đang đạp xích lô thì ông lăn ra chết, ngay trước cổng Nhà máy In Tiến Bộ, phố Nguyễn Thái Học. Bà con lối phố lấy chiếc chiếu đắp cho ông, một đầu chiếu hở mái tóc bạc, một đầu hở đôi chân trần gầy guộc. Ông nằm trên vỉa hè cô quạnh bên cạnh là mấy nén nhang tỏa khói cắm trên khúc thân chuối người hàng phố thắp cho...
Anh về, chỉ một lát sau thôi anh trở lại, vẻ rất bực bội: "Ông ạ, tôi kể chuyện cái chết của ông xích lô cho đám con tôi mà chúng nó không nói gì cả, như là bọn vô cảm. Tôi cáu quá, tôi bảo với chúng nó là bố chết chúng mày cũng thế à? Con cái như vậy rồi thành cái đồ đốt gì hả ông?". Tôi nhẹ nhàng nói: "Các cháu bên anh nó sống hay lắm đấy, tình cảm lắm... Thì nó nghe bố kể, thương cảm ở trong lòng chúng nó chứ biết nói với bố gì nữa...". Bấy giờ anh mới nguôi nguôi đi vẻ bực bội.
Lần đi thăm Nhà máy Thủy điện Hòa Bình về, có đến vài lần anh nói nỗi sầu muộn về tình cảnh các cô công nhân hết việc làm, phải quanh quẩn làm nghề bán hoa kiếm sống. Anh áy náy hoài về ông hàng xóm ngay sát kề, một sỹ quan cao cấp về hưu phải kiếm sống thêm cho gia đình bằng việc chữa xe đạp.
Có lần anh đến thăm một đơn vị bộ đội. Ở sư đoàn bộ, anh được chiêu đãi bữa ăn thịnh soạn, anh hào hứng ăn uống rất ngon lành. Khi xuống đơn vị gặp các chiến sỹ, thấy đời sống của họ còn quá kham khổ, thiếu thốn, anh cứ áy náy mãi mình đã hưởng một bữa tiệc thịnh soạn đơn vị ưu ái chiêu đãi khách. Anh cứ thầm nghĩ mãi sao mình nỡ vô tình thích thú với bữa ăn ngon ấy...
Nguyễn Minh Châu sâu sắc, cả nghĩ như thế, lại cũng rất hồn nhiên. Mới hôm trước anh nói anh thấy mấy anh em đọc chùm thơ Xuân Quỳnh trên Báo Văn nghệ khen hay, anh tìm đọc, thấy chùm thơ đúng là hay thật.
Thế rồi vài hôm sau anh lại nói anh vừa ngồi với mấy anh em Tòa soạn Văn nghệ Quân đội, các ông ấy chê chùm thơ Xuân Quỳnh xoàng, đọc lại anh thấy đúng là chùm thơ xoàng thật. Anh cười thoải mái: "Ra ai nói thế nào mình cũng nghe, cũng thấy nó đúng, nó phải, nó chí lý cả". Nhiều khi Nguyễn Minh Châu như thế thật chứ không phải anh nói giỡn đâu!
Hôm tôi báo anh tin Xuân Quỳnh đã mất vì tai nạn giao thông (chiều ấy chỉ có tin Lưu Quang Vũ bị thương nặng), anh đang ngồi với anh trai anh là anh Trân trong bệnh viện, anh bật khóc hu hu, khóc nấc lên rất to. Trong tiếng nấc anh chỉ nói mỗi câu: "Tội bà Quỳnh quá, tôi nhớ bà Quỳnh mắng tôi, bà ấy bảo tôi là lão nhà quê", rồi anh lại ôm mặt khóc. Đấy là lần duy nhất tôi thấy Nguyễn Minh Châu khóc và khóc dữ thế.
Có lần anh sang nhà tôi xúng xính chiếc blouson màu nâu nhạt, chả biết xuất xứ từ đâu ra. Anh hỏi vợ chồng tôi: "Ông bà thấy tôi mặc cái này thế nào? Bọn nhỏ nhà tôi chúng tỏ vẻ không ưng". Anh xoay trước, xoay sau, quay phải, quay trái để vợ chồng tôi quan sát phán xét. Bọn tôi khen đại: "Anh mặc cái này đẹp đấy, màu này rất hợp với tuổi và tính cách anh, mà rất vừa vặn, cái vai vuông vức, cái cổ trông duyên ra phết...". Chăm chú lắng nghe, anh tỏ ra khoái chí, phớn phở lắm, vuốt vuốt cái vạt áo mãi rồi tung tẩy trở ra.
Một chiều anh vừa trò chuyện với đạo diễn điện ảnh Trần Văn Thủy về, gặp tôi ở cổng khu tập thể 3B Ông Ích Khiêm, anh níu lại khoe liền: "Tôi vừa gặp, chuyện mãi với ông Trần Văn Thủy. Ông ấy sang trọng, cao lớn, đẹp quá, như là thiên thần... Nhìn lại cái thân mình thấy nó giun dế, sâu bọ quá ông ạ!" Anh cười hồn nhiên. Chỉ nói có vậy đoạn anh cắm cúi dắt chiếc xe đạp cọc cạch trở vào...
Được gần gũi Nguyễn Minh Châu, tôi thấy ở anh có những nghịch lý rất thú vị.
Nguyễn Minh Châu là một nhà văn tài năng và là một con người tử tế, một nhân cách lớn. Đóng góp của anh cho nền văn học cách mạng, giờ đây đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội đánh giá cao qua việc trao các giải thưởng lớn. Đặc biệt, anh được đông đảo công chúng đọc anh rất mến mộ.
Từ ngày anh ra đi đến nay, gần tròn 20 năm, sách của anh liên tục được in đi in lại nhiều. "Nguyễn Minh Châu" toàn tập gồm 5 tập, 5.000 trang đã được xuất bản và được đón nhận trân trọng. Hàng trăm bài viết về anh của giới nghiên cứu - phê bình, của anh em sáng tác và của bạn bè, bạn đọc anh đều đánh giá anh rất cao về con người và tác phẩm.
Chả biết ở chốn vĩnh hằng, anh Châu có hay chăng, chứ tôi biết, cho đến trước lúc ra đi mãi mãi, Nguyễn Minh Châu vẫn cứ phảng phất nỗi ưu tư nguời đời chưa hiểu rõ mình