Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Không viết văn, tôi chẳng biết làm nghề gì

08:47 21/09/2012
Tác giả của "Cánh đồng bất tận" tâm sự: "Tôi hoàn toàn sống bằng nghề viết. Đôi khi tôi vẫn tự hỏi rằng không biết, ngoài viết văn, tôi còn có thể sống bằng nghề gì!"

Mất gần một năm cho ý tưởng, quá trình viết, chỉnh sửa và hoàn thiện cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình, Nguyễn Ngọc Tư, tác giả của nhiều tập truyện ngắn nổi tiếng như "Ngọn đèn không tắt", "Cánh đồng bất tận", "Gió lẻ"… đã có một buổi ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tay "Sông" thu hút được nhiều nhà văn, nhà phê bình và bạn đọc tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ nhân dịp Hội chợ sách quốc tế Việt Nam lần thứ IV. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng chị.

- Thưa nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, tiểu thuyết đầu tay "Sông" (NXB Trẻ, 2012) dày gần 300 trang được ra mắt nhưng đã nhận được nhiều ý kiến phải hồi từ phía độc giả. Bản thân chị, sau khi hoàn thành cuốn tiểu thuyết này, cảm giác của chị thế nào?

- Như mọi người biết, lâu nay, tôi quen với việc viết những truyện ngắn hoặc tạp văn. Trong đầu tôi đã định hình việc viết bao nhiêu chữ để đủ một khuôn báo có sẵn. Vì thế phải nói thực lòng, trong ý nghĩ của mình tôi chưa bao giờ có ý định viết tiểu thuyết. Nhưng rồi, có một lần, một người bạn của tôi đưa ra một đề bài khá hóc búa: Đã nói là nhà văn có nghĩa là phải có tiểu thuyết. Vậy là tôi bắt tay vào viết để thử sức mình. Ban đầu hơi khó khăn, thậm chí tôi cứ phải vừa viết vừa ngó xuống xem đã được bao nhiêu chữ (cười!).

- Nhưng nhiều độc giả và nhà phê bình đã khen cuốn tiểu thuyết này. Theo chị, một trong những điều này có phải là do hiệu ứng một quá trình văn của Nguyễn Ngọc Tư của thời "Cánh đồng bất tận"?

- Tôi luôn có một ý nghĩ thế này: Khi tôi viết "Cánh đồng bất tận" thì rõ ràng, tôi dừng lại ở cánh đồng đó để viết và sống. Nhưng rồi theo thời gian, tôi cũng phải rời khỏi cánh đồng để đến một vùng đất mới, một chân trời khác, có nghĩa là đi ra đường quốc lộ, hoặc như bây giờ tôi đi ra "Sông". Tôi muốn mọi người sẽ đánh giá tôi ở thời điểm hiện tại, một Nguyễn Ngọc Tư của hiện tại với tiểu thuyết "Sông" mà không lệ thuộc gì vào những ánh hào quang trước đó. Dù hay dù dở gì cũng được.

- "Sông" là một cái tựa quá ngắn nhưng lại nói lên được nhiều điều, chị đã bắt đầu về nó với những ý tưởng như thế nào?

- Đây là câu chuyện kể về những con người trẻ tuổi đi tìm con người thật của mình, khao khát sống thật với con người mình. Con sông này không có thật, nhưng nó vẫn tạo nên một dòng chảy, sông không chảy sao thành sông được, những nhân vật đó khao khát chảy theo dòng chảy tự nhiên để được sống thật là mình. Ân cùng hai chàng trai dân "phượt" trong hành trình khám phá sông Di. Mỗi người một gương mặt, một số phận với những câu chuyện thực ảo pha trộn được "rải" đều dọc theo hành trình, theo từng khúc, từng đoạn của dòng sông Di và ngoái lại nhẩn nha bộc lộ mình.

Nhân vật chính với danh xưng "cậu" bỏ lại sau lưng mối tình đồng tính vừa kết thúc do người yêu cưới vợ, bỏ lại công việc ở một công ty truyền thông, đi tìm quên với lý do viết một cuốn sách về sông Di do "sếp" đặt hàng kèm lời nhắn gửi tìm giúp dấu vết cô người tình tên Ánh, một người đã đi sông Di trước đó rồi không trở về. Ở cuối tác phẩm, khi chưa đến thượng nguồn sông Di, "cậu" đã quyết định kết thúc hành trình nơi rốn Túi, một rốn nước "mười người ra chín người mất" của sông Di, cùng những người đồng hành.

- Có nhà phê bình khi đọc tiểu thuyết "Sông" đã nói: Tư vẫn vậy trong cách viết, nhẩn nha không đi đâu mà vội, nhẩn nha mà xoáy sâu, nhẩn nha mà tinh con mắt sắc cái nhìn ở chi tiết, nhẩn nha mà bất ngờ ở câu ở chữ của văn, sự nhẩn nha có lúc trễ nải, quẩn quanh. Chị nghĩ thế nào về lời nhận xét này?

- Tôi cho rằng nhà phê bình này hiểu cái tạng viết của tôi. Thực ra chỉ những người từng làm việc với tôi mới hay rằng tôi cũng vật vã khổ ải với chữ nghĩa, chứ không phải đặt tay lên bàn phím là văn vẻ tuôn trào. Tôi thường thất bại, có thể nói là thất bại tỉ lệ khá cao. Tôi bỏ chúng vào ngăn kéo và quên đi, quên đến nỗi khi đọc lại tôi không nghĩ là mình đã viết ra những trang này. Hầu như chẳng có bài học nào rút ra cả, ngoài chuyện tôi đã biết từ lâu rồi là từ ý tưởng và hiện thực là một khoảng cách xa xôi. Bởi vậy, nhà văn chỉ viết ra, còn cách cảm nhận như thế nào là tùy ở mỗi độc giả.

- Chị được coi là nhà văn của sông nước, đậm chất miền Tây. Ở tiểu thuyết này, chị bắt đầu mạnh tay khi viết về sex, tình yêu đồng tính… những điều mà các nhà văn trẻ vẫn hướng tới để câu khách. Liệu chị có nghĩ đến điều đó khi viết tiểu thuyết này?

- Tôi viết về sex, đồng tính theo cách riêng của mình. Nhẹ nhàng và đủ để người đọc hiểu được những điều phía sau của những thứ được coi là trần tục ấy. Rằng người đồng tính, người ta cũng có những mối quan tâm khác, người ta phải sống một cuộc sống như bao người khác với những rắc rối tâm lý và những điều họ quan tâm trong cuộc sống chứ không chỉ dừng lại ở nhục dục. Tôi hoàn toàn sống bằng nghề viết. Đôi khi tôi vẫn tự hỏi rằng không biết, ngoài viết văn, tôi còn có thể sống bằng nghề gì!

- Đã hoàn thành gần 300 trang tiểu thuyết, vây, chị thấy viết tiểu thuyết và viết truyện ngắn cái nào… khó hơn?

- Với tôi, truyện ngắn là kể thiếu một câu chuyện còn tiểu thuyết là kể thừa một câu chuyện và viết một cái gì đó hay cũng khó cả.

- Xin cảm ơn chị!

Thiên Kim (thực hiện)

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文