Nhà văn Nguyễn Như Phong: Chịu khó viết, thế nào cũng được cái tử tế

13:03 30/11/2014
Từ lâu, Đại tá Công an, nhà văn Nguyễn Như Phong đã được biết đến không chỉ là một cây bút tên tuổi với những phóng sự điều tra, mà còn là tác giả của nhiều tiểu thuyết và kịch bản phim nổi tiếng như “Chạy án” I và II, “Bí mật tam giác vàng”, “Cổ cồn trắng”, “Quỷ ám”, “Bí mật những cuộc đời”… từng tạo nên lượng độc giả và khán giả rất lớn. Anh cũng là một trong những nhà văn Công an có nhiều giải thưởng văn học và báo chí. “Tác phẩm đầu tay” lần này có cuộc trò chuyện cùng anh:

+ Tác phẩm đầu tay thường ghi một dấu ấn với người cầm bút, về cả cảm xúc lẫn hoàn cảnh ra đời. Với anh, ấn tượng về tác phẩm đầu tay đọng lại là gì?

Nhà văn Nguyễn Như Phong (NV NNP): Thời gian đóng quân ở Lào, tôi đã viết truyện ngắn “Đại đội trưởng của tôi” và được đăng trên Báo Văn nghệ năm 1978. Đó là câu chuyện tôi hư cấu, nhưng thấp thoáng hình ảnh người đại đội trưởng của tôi khi đó. Vài tháng sau, tôi mới được cầm số báo có truyện ngắn đầu tay chuyển từ Việt Nam sang. Ngày ấy, Báo Văn nghệ là tòa lâu đài văn học của nước nhà nên được đăng truyện ngắn ở đây là điều danh giá với người sáng tác, đặc biệt là người mới cầm bút như tôi. Thế là anh em trong đơn vị đã gọi tôi là “nhà văn”. Tôi mới tập viết, gửi truyện ngắn về, nhưng bố tôi (nhà văn Hoài An) khi đó làm biên tập ở Báo Văn nghệ không đọc một truyện nào.  Ông đưa cho nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú và bảo: “Cô đọc, nếu thấy nó viết được thì khuyên nó tiếp tục, còn không thì thôi”.

Nhà văn Như Phong tác nghiệp tại Hoàng Sa.

+ Anh có hẳn một “bộ sưu tập” giải thưởng, nhưng giải thưởng nào khiến anh ấn tượng và tự hào?

NV NNP: Đó là giải thưởng đầu tiên khi tôi từ bộ đội chuyển sang Công an và ở Báo CAND. Năm ấy (1985), tại cuộc thi Truyện ngắn báo Văn nghệ, tôi được giải C cho truyện ngắn “Bão muộn” và chị Trần Nguyệt Tuệ - bút danh Thùy Linh – phóng viên Ban Nghiệp vụ Báo CAND được giải A cho truyện “Mặt trời bé con của tôi”. Thật vui và tự hào khi đây là lần đầu tiên lực lượng Công an có 2 người cùng được giải cao của Báo Văn nghệ. Trung tướng, nhà văn Hữu Ước khi đó là Trưởng phòng Thời sự - Chính trị của Báo CAND cũng rất vui. Ông báo cáo với lãnh đạo Bộ Nội vụ (sau đổi là Bộ Công an) và cấp trên bảo chúng tôi mang nộp truyện ngắn để lãnh đạo Bộ Công an khen thưởng. Nhưng mãi không thấy hồi âm. Về sau, được biết, cấp trên bảo rằng truyện của chúng tôi không viết về Công an nên không được thưởng!

+ Với nhiều nhà văn, tác phẩm đầu tay thường ảnh hưởng đến con đường sáng tác sau này. Nhưng, với anh thì có vẻ khác?

NV NNP: Đúng thế, tác phẩm đầu tay không ảnh hưởng gì đến con đường sáng tác của tôi. Tôi chỉ viết được gần chục cái truyện ngắn. Về sau, tôi không viết truyện ngắn, mà chủ yếu viết ký, phóng sự, rồi sáng tác tiểu thuyết, kịch bản phim. Nguyên do là từ năm 1980, tôi bắt đầu viết báo, rồi chuyển từ báo ở Bộ Tư lệnh Công binh sang Báo CAND. Nghề báo công việc của anh thợ cày, đòi hỏi tính thời sự nên việc sáng tác truyện ngắn mai một dần. Hơn nữa, có lẽ cũng vì tôi không "có khiếu" viết truyện ngắn. Được cái, chất văn học lại ảnh hưởng vào việc viết báo. Có một vấn đề thú vị là có nhà báo viết văn và có nhà văn viết báo.  Nhưng hầu hết những cây bút viết phóng sự được độc giả chú ý ở Việt Nam đều là nhà văn. Tôi quan niệm, phóng sự hay là phải có chất văn học, nhiều chi tiết điển hình, hoàn cảnh điển hình, con người điển hình và mang đậm sự tìm tòi khám phá của người viết.

+ Đề tài về Công an dễ viết, nhưng viết hay thì lại không dễ. Là người có cả một gia tài tác phẩm cùng nhiều giải thưởng ở lĩnh vực này, anh có thể chia sẻ bí quyết?

NV NNP: Đây là một đề tài gần như luôn nằm trong tâm thức tôi. Từ năm 1982 đến nay, tôi chỉ viết về Công an. Cách đây vài năm, tôi viết thêm đề tài về dầu khí, vì là ngành tôi đang công tác, bởi, tôi đã rời lực lượng Công an, không còn đi thực tế để có vốn sống nữa. Nhưng tôi vẫn viết kịch bản phim và tiểu thuyết về đề tài ANTT và tất nhiên là có hình ảnh người Công an.

Tôi nghĩ rằng, để có được chỗ đứng trong lòng công chúng, bên cạnh yếu tố hình sự vốn luôn hấp dẫn, các tác phẩm còn phải mang đậm chất văn học; các nhân vật, cả Công an lẫn tội phạm, đều có số phận, tính cách, chi tiết điển hình. Trong lĩnh vực này, tôi cũng có vốn sống, bởi tôi tiếp xúc nhiều với các chiến sĩ Công an cũng như tội phạm. Thậm chí, tôi còn được tham gia nhiều chuyên án, như một trinh sát thực thụ, mặc dù tôi không học Công an ngày nào. Vì thế, tôi nhìn nhận về người Công an khách quan và thấu hiểu, ẩn sau những người chiến sĩ luôn phải căng mình lên để làm tốt nhiệm vụ là những tâm hồn phong phú, nhân văn, lòng trung thành với Đảng, Tổ quốc và sự hy sinh thầm lặng mà hầu như không nói được. Và cũng buồn là xã hội hiện nay ít nhìn thấy những cái tốt mà chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực của Công an. Cũng nhờ có vốn sống về lĩnh vực ANTT nên tôi viết rất nhanh. Có kịch bản phim truyền hình khoảng 30 tập, tôi chỉ viết trong 3 tháng.

+ Mỗi tác phẩm luôn hàm chứa quan điểm sáng tác của nhà văn. Với anh thì sao?

NV NNP: Văn chương mà giả dối là rất khó chịu. Nhưng muốn có chữ “thật” trong văn chương, nhà văn phải có vốn sống về lĩnh vực mà mình viết. Tôi rất ghét những người mượn văn chương để trút những tức tối với xã hội, hay chửi bới đồng nghiệp, thỏa mãn cái tôi cá nhân. Với tác phẩm loại này, tôi thường không đọc, hoặc đọc qua chỉ để biết. Vì tôi quan niệm, văn chương phải mang lại điều tốt đẹp cho con người, kể cả khi lên án một vấn đề gì đó cũng phải có tính nhân văn. Trong đời, tôi có hai niềm đam mê là đi và viết. Tôi cũng luôn quan niệm phải lao động cần cù, không bon chen về chức tước. Bởi, là nhà văn hay nhà báo, điều đọng lại chỉ là tác phẩm, còn chức vụ chỉ là " tờ giấy A4", mà bạn đọc thì không quan tâm. Cứ chịu khó mà đi, chịu khó mà viết, thế nào cũng có được tác phẩm tử tế.

+ Là một nhà văn có nhiều thành công, đặc biệt là mảng đề tài ANTT, anh có thể chia sẻ gì với những người viết trẻ hôm nay?

NV NNP: Người viết trẻ hôm nay có nhiều lợi thế hơn thế hệ chúng tôi: được học hành tử tế, kiến thức phong phú. Thế nhưng văn chương lại không phải ở học cao hay thấp. Ngoài đam mê, văn chương còn đòi hỏi sự dấn thân. Tôi từng có những chuyến công tác ở biên giới Việt - Lào - Trung Quốc 3 tháng liền, đi bộ gần 400km. Những chuyến đi như vậy mang lại đầy ắp vốn sống và sự hiểu biết, nhưng khi về, chỉ viết 1-2 bài báo hoặc ký. Cuộc sống bây giờ khác, không cho phép nhà văn đi thực tế như thời chúng tôi. Vì tốc độ cuộc sống, công việc đòi hỏi cao nên sự hời hợt khó có thể làm nên tác phẩm sâu sắc được. Những tác động xã hội quá lớn, muốn viết được, đòi hỏi phải đam mê ghê gớm mới đủ hy sinh và dấn thân. Còn không chịu đồng cam cộng khổ với dân, không lăn lộn với thực tế thì khó thể có vốn sống. Mà khi không am hiểu sâu sắc thì khó viết hay. Nhiều bạn trẻ cũng lười đọc sách, quen với thứ văn hóa “ăn xổi” như Internet, blog, Facebook… Những thứ này làm cho tâm hồn khô cằn, đơn điệu, thiếu chiều sâu. Tôi không được học hành đầy đủ, chỉ hết cấp 3 rồi đi làm phim, đi bộ đội, nhưng sách đã giúp cho tôi rất nhiều và cho tôi có được những gì hôm nay. Học vấn không phải là nhờ thi cử mà có. Nhiều người viết trẻ cũng không có thời gian sống chậm lại, mà tất cả lao vào cơn lốc của nhịp sống hiện đại, trong khi muốn viết văn, phải có độ lắng.

+ Xin được hỏi anh câu cuối cùng: Anh dự định sẽ mang đến cho bạn đọc tác phẩm gì thời gian tới?

NV NNP: Tôi vẫn đang viết miệt mài, chăm chỉ. Sắp tới, cũng có vài bộ phim, hai cuốn tiểu thuyết và tập phóng sự viết về ngành dầu khí. Trong đó có tiểu thuyết “Thời loạn” mà tôi đang viết rất nhanh.

+ Cảm ơn anh!

Đại tá, nhà văn Nguyễn Như Phong hiện là TBT Báo Năng lượng Mới. Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đến nay, anh đã có 15 đầu sách và 230 tập phim, chủ yếu về đề tài ANTT. Anh đã được nhiều giải thưởng văn học: 2 giải về bút ký, 1 giải truyện ngắn của Báo Văn nghệ; Giải thưởng Văn học Vì ANTQ của Hội Nhà văn Việt Nam – Bộ Công an, Giải thưởng của NXB CAND. Bộ phim "Chạy án I" và "Chạy án II" hai lần được giải Cánh Diều Vàng; được trao giải Phim truyền hình được yêu thích nhất ở Việt Nam và 9 Giải báo chí quốc gia, Giải báo chí toàn quốc.
Thanh Hằng (thực hiện)

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文