Nhà văn Pháp Albert Camus: Danh vọng phù du

09:01 29/11/2009
Phải còn hơn một tháng nữa mới tới lễ kỷ niệm 50 năm Ngày mất của nhà văn Pháp lừng lẫy Albert Camus (7-1-1913 - 4-1-1969) nhưng ở nước Pháp đã dấy lên nhiều ý kiến khác nhau về chuyện nên hay không đưa tro của ông vào điện Panthéon, nơi vinh danh những người con vĩ đại của quốc gia này...

Ngày 19/11/2009, bên lề cuộc họp của Hội đồng châu Âu tại thủ đô Bỉ Bruxelles, Tổng thống Pháp Nikolai Sarcozy đã bày tỏ nguyện vọng thực hiện công việc này nhưng những người con và các nhà nghiên cứu văn học lại phản đối vì theo họ, cả đời Camus đã luôn sống và hành động chống lại mọi sự phù hoa.

Đường văn bền bỉ

Nhà văn kiêm triết gia Albert Camus sinh ra ở Moldovi, miền Đông Constantinois (Algérie) trong một gia đình thương gia chuyên cung cấp rượu nho cho thủ đô của thuộc địa Pháp này. Khi cậu bé Albert lên một tuổi, cha cậu, ông Claude Camus, bị huy động vào lính tham gia chiến tranh thế giới lần thứ nhất và đã bị thương rồi chết tại Quân y viện Saint - Brieuc ngày 17/10/1914. Lớn lên, Camus chỉ được biết gương mặt cha mình qua một tấm ảnh duy nhất còn lại. Góa chồng, mẹ của nhà văn tương lai, một người phụ nữ Tây Ban Nha tên là Catherine Sintes, đã đưa các con về cư trú trong thành phố Alger. Cậu bé Albert sáng dạ nhưng sức khoẻ không được tốt lắm. Năm 1930, người ta đã phát hiện ra Camus mắc bệnh lao.

Từ năm 1932 tới năm 1937, Camus học triết tại Trường Đại học Tổng hợp Algérie và được sự động viên của GS, triết gia Jean Grenier, đã đi sâu tìm hiểu các tác phẩm của Friedrich Nietzche. Ngay trong giai đoạn này, chàng sinh viên Camus đã đọc rất nhiều sách, bắt đầu viết nhật ký và các bài tiểu luận. Những bài viết đầu tiên của Camus đã được in trên tạp chí Sud ngay từ năm 1932. Tuy nhiên, cũng chính vì bệnh lao nên Camus trong năm cuối đại học đã không được bảo vệ luận văn tốt nghiệp. Cũng vì lý do đó nên ông đã không bị gọi đi lính...

Ngay từ trẻ, khi học lên những lớp trên của bậc đại học, Camus đã bị hấp dẫn bởi những tư tưởng mang tính xã hội chủ nghĩa. Năm 1934, ông đã có một thời gian tham gia chi nhánh của Đảng Cộng sản Pháp tại Algérie. Năm 1935, Camus đã bắt tay vào viết tiểu thuyết "Mặt trái và mặt phải" (L'Envers et l'Endrroit) và sau hai năm, đã cho xuất bản tác phẩm này.

Cũng tại Alger, Camus đã lập ra nhóm "Théâtre du Travail", tới năm 1937 đổi thành "Théâtre de l'Équipe". Nhóm sân khấu này từng dựng nhiều vở kịch, trong đó có vở dựa theo tiểu thuyết "Anh em nhà Karamazov" với chính Camus thủ vai Ivan Karamazov…  Trong những năm 1936 - 1937, Camus đã đi du lịch sang Pháp, Italia và một số nước Trung Âu… Năm 1938, Camus viết "Giao cảm" (Noces) chứa đựng những ý tưởng u ám về kiếp nhân sinh… Một số nhà nghiên cứu cho rằng, tâm trạng đó của nhà văn là do ảnh hưởng của căn bệnh lao ngày một nặng…

Sau khi rời khỏi đại học, Camus đã điều hành Nhà văn hóa Algérie  một thời gian rồi làm việc cho ấn phẩm tả khuynh "Alger Républicain" cũng như  tờ  "Soir Républicain" và tờ "Front Populaire" của Pascal Pia. Cuộc điều tra Misère de la Kabylie của ông đã gây được ấn tượng lớn. Những tư tưởng mà Camus cổ xúy (như cải cách kinh tế xã hội, cải thiện đời sống của cộng đồng Arab trong xã hội Algérie…) đã làm ông mất lòng chính phủ sở tại và sau khi tờ "Front Populaire" bị đóng cửa, Camus đã không thể tìm được việc làm ở Alger. Rốt cuộc là ông cùng vợ phải  rời thủ đô Alger chuyển về thành phố cảng Wahran và sau đó, về Paris sinh sống. Tại đây, ông làm biên tập cho tờ Paris - Soir.

Tháng 5/1940, Camus đã hoàn thành bản thảo tiểu thuyết "Người xa lạ" (L'Étranger). Cũng những quan điểm chính trị khác người đã khiến Camus bị cho thôi việc ở toà soạn  Paris - Soir và vì không muốn ở lại trong một nước Pháp đã bị quân đội phát xít Đức chiếm đóng, ông đã quay trở lại Wahran kiếm kế sinh nhai bằng nghề dạy tiếng Pháp trong một trường tư.

Tháng 2/1941, Camus đã hoàn thành bản thảo tập tiểu luận "Huyền thoại Sisyphe" (Le Mythe de Sisyphe) chứa đựng những tư tưởng triết học căn bản của ông. Trong thần thoại Hy Lạp,  Sisyphe cũng là một dạng dã tràng "xe cát biển Đông", suốt đời bị trừng phạt theo một chu ký vĩnh cửu "nhọc mình mà chẳng nên công cán gì": phải lăn một hòn đá lớn lên núi dốc, khi đến đỉnh hòn đá lại rơi trở xuống chân dốc.

Cũng ở Wahran, Camus đã tham gia phong trào kháng chiến của những người Pháp yêu nước và trở thành thành viên của tổ chức bí mật Combat rồi trở lại Paris. Năm  1943, Camus làm việc cho nhà xuất bản Gallimard (đây là nhà xuất bản mà ông đã cộng tác tới cuối đời) rồi làm cho "Combat" (Đấu tranh) khi ấn phẩm này còn phải hoạt động bí mật. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, Camus trở thành chủ biên của "Combat", một trong những cơ quan ngôn luận có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử báo chí Pháp thế kỷ XX.  Năm 1948, Camus đã viết dưới bút danh Louis Neuville tác phẩm "Thư gửi một người bạn Đức" (Les Lettres à un ami allemand).

Cũng trong năm này ông gặp và làm quen với Jean - Paul Satre. Camus đã tham gia dàn dựng các vở kịch của Satre… Tuy nhiên, tình bằng hữu giữa Camus và Satre đã bị rạn nứt  sau khi tập tiểu luận "Người nổi loạn" (L'homme révolté) của Camus được ấn hành năm  1951. Những quan điểm của Camus đã khiến Satre động lòng và thế là bùng nổ  một cuộc bút chiến sôi động giữa hai tên tuổi lớn này của nước Pháp. Năm 1952, trên tạp chí "Les Temps" của Satre đã đăng một bài viết của Henri Jeanson, trong đó đã chê trách tinh thần nổi loạn của Camus là "có suy tính"…

Nhà văn Camus đã viết trong giai đoạn chiến tranh nhiều tác phẩm mà về sau ông liệt vào thuộc "thời kỳ phi lý" (Cycle de l'absurde). Năm 1943, Camus đã hoàn thành bản thảo tiểu thuyết "Dịch hạch" (La peste) mà phải tới năm 1957 mới in được… Tiếp theo, Camus đã hoàn thành hai kịch bản là "Ngộ nhận" (Le Malentendu, 1944) và "Caligula" (1945)…

Năm 1945, khi người dân thành phố Sétif ở Algérie nổi dậy và bị đàn áp đẫm máu, Camus đã tìm mọi cách đánh động lương tâm người Pháp nội địa nhưng đều như công dã tràng. Chính "Dịch hạch" là một trong những tác phẩm mà Camus về sau liệt vào "thời kỳ nổi loạn" (Cycle de la révolte), cùng với những "L'État de siège" (1948), "Les Justes" (1949) và "L'Homme révolté" (Người nổi loạn, 1951)… Từ năm 1954, Camus đã tự dựng các vở kịch của mình và đã tiến hành  thương lượng về việc mở ra ở Paris một nhà hát thử nghiệm. Năm 1956, Camus viết truyện dài "Sa ngã" …

Vinh quang nhẹ nhõm

Năm 1957, Camus được trao giải thưởng Nobel văn chương. Ông đã lừng khừng không muốn nhận nó. Chỉ khi biết nếu nhận giải Nobel văn chương thì ông sẽ có thêm điều kiện để kể về số phận của những người thiểu số Pháp tại Algerie, Albert Camus mới đồng ý nhận nó.

Ngày 4/1/1960, Camus đã chết trong một tại nạn giao thông ở Petit-Villeblevin, vùng Yonne, gần Montereau, phía Đông Paris. Cùng đi với ông trên chiếc xe Facel Véga đó còn có một người bạn của ông Michel Gallimard và người cháu Gaston. Nhà văn đã được mai táng ở Lourmarin, vùng Vaucluse, miền Nam nước Pháp. Chính ở nơi đây, ông đã mua trước đó một căn nhà và đã viết di chúc chọn đó làm nơi yên nghỉ vĩnh hằng của mình. Camus không tự coi mình là triết gia, càng không coi mình là một người theo chủ nghĩa hiện sinh. Dẫu vậy, những công trình của các học giả theo chủ nghĩa hiện sinh cũng đã tạo nên ảnh hưởng to lớn tới sáng tác của ông.

Theo một số nhà nghiên cứu, khuynh hướng hiện sinh trong các tác phẩm của Camus bị tác động bởi căn bệnh lao nặng và kèm theo đó là cảm giác luôn luôn sát kề với cái chết. Khác với những nhân vật hiện sinh sùng đạo như triết gia Đức Jaspers, hay những tên tuổi nổi loạn như Satre, Camus cho rằng, phương thức đấu tranh duy nhất với  sự phí lý là… công nhận tính tất nhiên của nó.

Trong "Huyền thoại  Sisyphe" Camus viết rằng, để hiểu điều đã bắt con người phải gánh vác một công việc dã tràng thì cần phải hình dung ra một ông Sisyphe cảm thấy mình hạnh phúc khi cứ lăn đá theo dốc như thế. Nhiều nhân vật của Camus đã lại gần một tâm thế như vậy dưới tác động của ngoại cảnh (mối đe dọa chết chóc, cái chết của những người thân, mâu thuẫn với lương tâm của chính mình). Tuy nhiên, số phận tiếp theo của họ rất khác nhau. Theo Camus, biểu hiện phi lý lớn nhất là những nỗ lực dùng bạo hành để cảm thiện cõi thế vì bạo hành chỉ làm nảy sinh thêm bạo hành…

Một mình một cõi

Ngày 19/11/2009,  bên lề cuộc họp của Hội đồng châu Âu tại thủ đô Bỉ Bruxelles, Tổng thống Pháp Sarcozy đã bày tỏ nguyện vọng đưa tro của nhà văn Camus vào điện Panthéon. Theo lời ông Sarcozy, việc an táng tro của Camus ở nơi đang yên nghỉ vĩnh hằng những danh nhân vĩ đại của nước Pháp như Voltaire, Jean - Jacques Rousseau, Emile Zola, Marie Curie, Louis Paster và Victor Hugo sẽ là "một biểu tượng tuyệt vời". Trước đây, theo sáng kiến của nguyên Tổng thống Pháp Jacues Chirac, người tiền nhiệm của ông Sarcozy, hài cốt của hai nhà văn Andre Malraux và Alexander Dumas - cha  cũng đã được đưa vào mai táng trong điện Panthèon.

Điện Panthèon nguyên là nhà thơ nữ thánh Gevenieve. Bắt đầu từ thời cách mạng Pháp vĩ đại, những vĩ nhân của nước này đã được đưa vào mai táng tại đây. Từ giữa thế kỷ XIX, số lượng những người con vĩ đại được mai táng ở điện Panthèon ngày một ít hơn và sự lựa chọn cũng trở nên gắt gao hơn. Và rất hiếm có những danh nhân đương thời được mai táng ngay vào đây sau khi qua đời mà chủ yếu chỉ là những "người muôn năm cũ", đặc biệt là những nhà văn lớn cổ điển.

Người tiền nhiệm của ông Sarcozy, ông Jacques Chirac, trong suốt hai nhiệm kỳ làm Tổng thống Pháp, chỉ quyết định mai táng hài cốt của hai vĩ nhân: đó là nhà văn cổ điển Alexander Dumas - cha và nhà văn Andre  Malrraux, cố Bộ trưởng Bộ Văn hóa dưới thời cầm quyền của Tướng Chares de Gaulle. Việc ông Chirac lựa chọn tôn vinh vĩnh hằng nhà văn Malraux chắc chắn đã là một tấm gương đáng học tập đối với ông Sarcozy. Tên họ của Albert Camus đứng sau Malraux cũng trông rất tự nhiên như bước chuyển từ dòng văn học của "thế hệ bị đánh mất" (mà Mauraux là đại diện xuất sắc) sang chủ nghĩa hiện sinh (mà Camus là một trong những thủ lĩnh hàng đầu).  Thêm vào đó, chính Camus cũng đã từng chuyển văn xuôi của Malraux thành kịch bản sân khấu… Và nếu nguyên thủ quốc gia Pháp lên tiếng bàn chuyện mai táng lại tro cốt của Camus vào Điện Panthèon sau khi nhà văn này mất  nửa thế kỷ thì tro cốt của Malraux đã được chuyển vào đây sau khi ông này mất 20 năm.

Cũng phải nói tới những điểm khác nhau giữa hai tên tuổi lớn này của văn học Pháp. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Malraux đã rời bỏ sáng tác để tham gia vào các hoạt động xã hội và trở thành nhà tư tưởng của đảng Liên minh ủng hộ nền Cộng hòa… Còn Camus thì luôn luôn chỉ "kinh nhi viễn chi" với các hoạt động như thế…

Để biến nguyện vọng trên thành hiện thực, nguyên thủ quốc gia Pháp phải có được sự đồng tình của gia quyến nhà văn. Thế nhưng, con trai của Albert Camus, ông Jean Camus, đã lên tiếng phản đối sáng kiến của Tổng thống Sarcozy về việc đưa di cốt của nhà văn vào mai táng trong Điện Panthèon vì bằng cả tác phẩm và đời sống, nhà văn đã luôn luôn đấu tranh bảo vệ sự khiêm nhường và  chống lại mọi hình thức phù hoa. Con gái của nhà văn (chị em song sinh của ông Jean Camus), bà Chatherine Camus cũng bày tỏ sự hoài nghi về việc di cốt của Albert Camus cần phải được đưa vào Panthèon.

Ông Olivier Todd, một người bạn của nhà văn, chuyên viên nghiên cứu về tiểu sử của Albert Camus, cũng nhìn thấy trong sáng kiến của Tổng thống Sarkozy một nỗ lực PR cho chính bản thân mình: "Đó là một phần kế hoạch của ông ấy nhằm gây ảnh hưởng đối với giới nhân sĩ Pháp... Ông Sarcozy không  cần Camus. Ông Sarcozy cần tạo thêm hào quang cho mình". Cũng cần lưu ý rằng, trong thời gian gần đây, ảnh hưởng của Camus đã trở nên ngày một rộng lớn hơn trong giới trí thức vì những tư tưởng nhân văn và chống bạo lực của ông

Phương Hà

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文