Nhà văn từ một góc nhìn cận cảnh

17:35 14/09/2008
Cuối những năm 60 đầu những năm 70 của thế kỷ trước, chiến tranh dù khốc liệt là vậy nhưng ở Hà Nội, sinh hoạt nghệ thuật vẫn rất phong phú, náo nhiệt. Tối thứ bảy nào trên quảng trường trước Ngân hàng Nhà nước, trong ngôi nhà tám mái ở vườn hoa Lý Thái Tổ, bên cột đồng hồ trước hiệu kem Hồng Vân, Long Vân… cũng có biểu diễn ca nhạc. Người đến xem đông nghịt.

Đấy là nơi các anh chị Trần Hiếu, Lô Thanh, Quang Hưng, Quang Thọ, Thương Huyền, Ngọc Dậu, Ngọc Bé, Thanh Huyền, Thúy Hà… và Đoàn Quân nhạc của ông Quản Liên thường đến biểu diễn. Các rạp Tháng Tám, Kinh Đô, Công Nhân, Mê Linh… thì tối nào cũng nườm nượp người xem, nhất là khi chiếu những bộ phim của CHDC Đức như "Những đứa con của gấu mẹ vĩ đại", "Con rắn to", "Theo bước chim ưng"… có anh diễn viên Nam Tư thủ vai chiến binh da đỏ, hay các bộ phim "Những người báo thù không bao giờ bị bắt", "Những ngôi sao thành Êghe", "Đại tá Vôlôđiepxki"…

Có một chuyện buồn cười là khi chiếu bộ phim "Tối mật", về một chiến sĩ tình báo Xô Viết hoạt động ở Tây Đức, cánh trẻ nô nức kéo nhau đi xem. Ngoài các chi tiết giật gân, người ta còn đến vì tò mò, bởi nghe nói trong phim có cảnh… khỏa thân. Tôi và thằng bạn cũng cố lùng được vé, xem ở rạp Kinh Đô. Sắp đến cảnh khỏa thân, thằng bạn thì thào thông báo trước. Đến khi cảnh diễn ra thì chỉ là chi tiết nhân vật ngó qua ổ khóa, trong đó có cô gái đang tắm, nhìn thấy mỗi cái mông, vậy mà khán giả cứ ồ à hết cả lên!

Riêng với sách vở văn chương, thời đó thật sự là đam mê của nhiều người. Các cửa hàng cho thuê sách 5 xu/ngày có lúc phải chen mãi mới vào được. Về sách chính thống, cánh trẻ chúng tôi đọc "Đảo giấu vàng", "Đất rừng phương Nam", "Xung đột", "Sống như Anh", "Bão biển", "Người mẹ cầm súng", "Hòn Đất", "Rừng thẳm tuyết dày", "Sóng Hạ Môn", "Hầm bí mật bên bờ sông Enbơ", "Nam tước Phôn Gônrinh"… đến "Lão Gôriô", "Ơgiêni Grăngđê", "Tam quốc", "Thủy Hử", "Tây du ký"… Còn trong "thế giới sách ngầm" của lũ chúng tôi lại có "Giao trì hiệp nữ", "Bồng lai hiệp khách", "Thuyết Đường", "Chinh đông chinh Tây", "Linh sơn thất hiệp"… Loại này gọi là sách "bìa vàng", bị cấm. Sách in từ thời Pháp thuộc, giấy vàng khè, sờn hết mép.

Lại có cuốn cắt ra từ báo, rồi đóng thành tập. Chúng tôi bí mật chuyền tay nhau, giấu giếm đọc. Sách được nhét vào bụng hoặc giắt sau lưng, rồi phủ áo ra ngoài. Có hôm đang dán mắt đọc thì mẹ tôi sai việc gì đó, liền nhét vào bụng. Khi cúi xuống thì sách cộm, lóng ngóng thế nào lại rơi ra ngoài. Chộp vội chộp vàng, giấu biến!

Tôi đọc "Giông tố", "Đống rác cũ", "Số đỏ"… trong thời kỳ này. Một thằng bạn bảo đây là sách cấm, tôi phải cược mấy cuốn khác nó mới đưa cho, đọc xong thì hoán trả lại nhau. Riêng "Chiến tranh và hòa bình" thì tôi say mê vì thấy ở ngoài bìa có hai chữ chiến tranh. Gạ gẫm mãi mới được mượn được cả bộ mấy cuốn. Đọc nhưng không hiểu gì, đành mang đi trả!

Tôi kể không phải để khoe đọc sớm, đọc nhiều mà qua đó muốn nói rằng sự ham đọc đã đem tới cho tôi lòng ngưỡng mộ đối với nhà văn. Nhớ lần từ đơn vị về nhà. Xuống ôtô ở Bến Nứa. Vào quán nước thấy có bán thứ thuốc lá màu nâu sẫm, dài ngoẵng, bé như cái que, thấy gọi là thuốc lá Mo. Tôi mua một điếu, vừa đi vừa phì phèo, đến vườn hoa Hàng Đậu thì bị say lử đử.

Ngồi dựa gốc cây xà cừ một lát, tôi quyết định đi bộ. Vai đeo cái ba lô lộn ngược, đầu óc lơ mơ, đi đến đầu phố Lý Nam Đế thấy cái biển đề Văn nghệ Quân đội, liền trố ra mắt nhìn. Thì ra đây là nơi làm ra cuốn Tạp chí mà chúng tôi vẫn tranh nhau đọc. Tôi nhìn vào "Nhà số 4" một cách kính trọng rồi khật khừ men theo hè phố. Lúc đó tôi chưa nghĩ đến ngày bước chân qua cổng, đâu dám mơ gần 20 năm sau tôi sẽ nhận quyết định về đây. Sống và làm việc cùng các nhà văn, quan sát và ngẫm nghĩ, tôi mới hiểu viết văn là một nghề nhọc nhằn. Cho nên tôi dị ứng với sự dễ dãi và hời hợt, càng dị ứng hơn với thái độ vênh vang của một vài cây bút lấy số lượng tác phẩm làm tiêu chuẩn để định giá tài năng.

Tôi cũng từng thử sức với truyện ngắn, một mặt vì muốn sử dụng chính mình để kiểm chứng lao động nhà văn, một mặt để văn chương hóa một vài ý tưởng xã hội và con người. Rút cục, có truyện hì hụi tẩy xóa viết đi viết lại mãi không xong, có truyện mới viết được nửa trang thì chữ nghĩa chạy đi đâu sạch, có truyện viết xong rồi mà cả năm sau vẫn chưa thấy ưng ý… Tóm lại nếu công bố, chắc chắn có người sẽ bảo: "Thôi, làm lý luận - phê bình cho ra hồn đi đã!".

Ngày nọ, có một nhà văn đưa cho tôi bản thảo bài viết và đề nghị cho đăng. Liếc qua vài trang, thấy phải biên tập nhiều tôi cũng ngại, nên nấn ná xếp sang một bên. Dè đâu, sau vài lần gọi điện, nhà văn đến tận phòng tôi để hỏi. Theo nhà văn thì bài viết rất sâu sắc, cần đăng ngay, và còn hỏi tôi có điều gì lấn cấn mà câu dầm như thế.

Cực chẳng đã và tính lại thẳng thắn, tôi chẳng nể nang nữa mà nói luôn: "Xin lỗi bác, em chưa có thời gian biên tập. Mà nhà văn gì mà viết đầy lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp thế bác?". Vậy là nhà văn nổi khùng lên, mắng tôi te tua, trong đó có một câu đầy ý thức nghề nghiệp rằng: "Đúng hay sai không phải việc của tôi, là việc của biên tập".

Đến nước ấy thì tôi phải chịu thua, đành bỏ công ra biên tập kẻo xấu mặt biên tập viên, vậy mà sau đó vẫn bị nhắc nhở là "không tôn trọng người lớn tuổi"! Từ bài viết suy ra, có lẽ biên tập viên của nhà xuất bản từng in sách của vị này phải đánh vật với bản thảo để hoàn chỉnh tác phẩm? Lại nghĩ, nếu ai đó cho in phéng nguyên văn tác phẩm từ bản thảo, có khi nhà văn nọ phải… chạy mất dép khỏi làng văn!

Xin nói thật là nhà văn nói trên không phải là trường hợp độc nhất vô nhị. Tôi đã đọc một số bản thảo mà trong đó lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp phải nói là ê hề. Hiện tượng này cứ làm tôi nghĩ mãi, chẳng nhẽ là người viết văn lại không cần "sạch nước cản" về văn phạm hay sao? Câu chuyện trên làm tôi lại cười mình. Vậy đấy, tính bộc trực nên nhiều khi đã tự gây phiền phức.

Như có lần nhà thơ B. gọi điện báo tôi đón đọc truyện ngắn của anh đăng trên Văn nghệ. Từ khi quen biết nhau, tôi chỉ thấy anh làm thơ, chưa thấy anh viết truyện ngắn, nên thành ra tò mò. Báo ra là tôi đọc ngay. Đọc xong lại lắc đầu. Đến khi nhà thơ hỏi tôi nhận xét thế nào, tôi liền bảo: "Ông bắt chước tài thật, y hệt như truyện của Nguyễn Huy Thiệp, từ hành văn trở đi!". Anh không nói gì, rồi từ đó tôi cũng mất luôn một người bạn. Đúng là… chung quy chỉ tại cái mồm!

Tôi biết mình có thói quen không rõ có hay hay không là khi viết phê bình thường chẳng mấy khi ca ngợi tác phẩm của ai, và tôi cũng biết một số bạn nghề không khoái tôi lắm. Không sao cả, bởi trước khi công bố một văn bản, tôi đã tự luận chứng để đồng tình hay bác bỏ, đã tự đánh giá xem bài viết thể hiện thái độ trung thực, thẳng thắn hay là mang dấu hiệu "xấu" thì điều chỉnh lại.

Hiềm một nỗi là nhiều điều khá riết róng tôi đã viết ra lại "đúng" đến mức chưa mấy ai công khai bác bỏ, chỉ thấy một hai blogger đưa lên blog của họ hoặc comment vào blog khác để nói xấu tôi với các thông tin thất thiệt, bịa đặt lăng nhăng và tôi coi đó là hành xử không đàng hoàng. Nếu thật sự là trí thức, người ta không hành xử như thế. Do vậy mà tôi thật sự nể trọng các nhà văn đàn anh như Ma Văn Kháng, Vũ Bão…

Họ không chỉ có tài văn mà còn là những nhân cách đàng hoàng, có ý thức nghiêm túc trong trau dồi tri thức. Nói chuyện vài lần là có thể hiểu họ là ai, và nên lắng nghe khi họ nói về nghề. Với Đỗ Chu, về tài văn của anh, tôi đồng ý với nhận xét của một người bạn tôi rằng, có thể nói ở nửa cuối thế kỷ XX nếu Nguyễn Huy Thiệp đã góp phần tạo nên bước phát triển thứ hai trong truyện ngắn thì người góp phần làm nên bước phát triển thứ nhất chính là Đỗ Chu.

Viết văn từ năm 1962, sung sức suốt hơn 40 năm, tuổi càng cao, văn Đỗ Chu càng tinh tế, lịch lãm, đặc biệt là cái "vốn" anh tích lũy được đã trở thành vỉa quặng tinh chất để anh khai thác, ngẫm ngợi, giãi bày, sẻ chia… Anh đi từ "Mùa cá bột", "Hương cỏ mật" tới "Tản mạn trước đèn", "Thăm thẳm bóng người" mà hầu như không trồi sụt. Ở Việt Nam, người viết văn như Đỗ Chu không nhiều. Nên ngay cả cái tính cách "ăn to nói lớn", ít nhiều có vẻ "khó nghe" cũng chỉ làm cho anh trở nên đáng quý hơn mà thôi. Tóm lại là các nhà văn như thế không bao giờ hăng tiết vịt như một vị nhà văn từng thách tôi tranh luận về Phật giáo chỉ vì ông nhất quyết không tin tiếng Sankrit chính là tiếng Phạn!..

Có hai nhà văn hay rượu mà tôi rất nể là Duy Khán và Trung Trung Đỉnh. Tôi về Văn nghệ Quân đội thì Duy Khán đã mất, song các giai thoại về rượu của anh thì tôi được biết nhiều. Đại loại, một hôm Khuất Quang Thụy dậy sớm đi tập thể dục, ra cổng thấy Duy Khán say rượu nằm gối đầu lên khung xe đạp, ngủ rất ngon lành. Sợ người ta lấy mất xe, Khuất Quang Thụy đỡ Duy Khán đặt sang một bên, dắt xe vào trước, rồi dìu Duy Khán vào sau. Đi qua sân, thấy cái xe đạp để đó, Duy Khán thắc mắc: "Tại sao "nó" vào được mà mình lại không vào được nhỉ?". Vì thế tôi ngạc nhiên khi Duy Khán là tác giả của "Tuổi thơ im lặng" - một cuốn sách ai đã đọc thì không thể không day dứt.

Còn Trung Trung Đỉnh, đúng là một thời anh uống cũng khiếp, có hôm sáng ra đã thấy anh ngà ngà. Thế mà anh "đẻ sòn sòn", cuốn nào ra cuốn nấy. Đến giờ tôi vẫn tiếc là ở "Lạc rừng", Trung Trung Đỉnh chưa khai triển rốt ráo ý tưởng về xung đột văn hóa - văn minh, một xung đột có ý nghĩa thời đại. Tôi hỏi tại sao lãng phí như vậy, anh bảo: "Tôi chỉ viết thế thôi". Nghĩ lại thì cũng phải, mỗi nhà văn đều có "tạng" viết riêng của mình, và điều tôi tiếc cũng chỉ là giả định.

Gần đây, Trung Trung Đỉnh mới có "Sống khó hơn là chết", cuốn tiểu thuyết mà ngay cái nhan đề cũng đã là một định đề khác thường của tương quan giữa sống và chết. Và tôi lại mừng cho anh!

Hà Yên

Thời gian gần đây, qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an phát hiện tình trạng một số đối tượng lừa đảo đã lập các nhóm chat (group), giả danh các “chuyên gia” dụ dỗ nhà đầu tư tham gia hội nhóm kín trên mạng xã hội, cài đặt ưebsite, app, gửi tiền đầu tư chứng khoán. Khi nạn nhân không còn khả năng gửi thêm tiền hoặc phát giác, nghi ngờ, các đối tượng khóa tài khoản, chiếm đoạt số tiền của bị hại. Về vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an đã có những thông tin khuyến cáo đối với người dân và nhà đầu tư.

Sau nhiều tháng trời nắng như đổ lửa, trong ngày 3 và 4/5, tại một số quận huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có những cơn mưa giải nhiệt. Tuy nhiên, do mưa nhỏ, lượng nước ít kèm theo dông lốc nên đã xảy ra một số sự cố…

Nhà đạo diễn kiệt xuất Roman Carmen đã cùng các đồng nghiệp Xôviết đến Việt Nam năm 1954 và làm bộ phim “Việt Nam”, ghi lại chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử của dân tộc ta.

Những suất quà chứa đựng nhiều tình cảm của cán bộ, chiến sĩ Báo CAND và nhà hảo tâm, với mong muốn đồng hành cùng các em học sinh và giáo viên trường Tiểu học Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; qua đó cùng chung tay, góp sức nâng bước các em đến trường.

Khi biết Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh (Trung tâm CNSH) triển khai dự án trên 425 tỉ đồng, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã làm quen, mua chuộc những lãnh đạo chủ chốt, bằng cách thường xuyên thăm hỏi, biếu quà. Khi đã thân thiết, Nhàn nhờ các lãnh đạo nâng giá thiết bị, nâng dự toán theo ý Nhàn. Sau đó, Nhàn lập liên danh dự thầu, bày "quân xanh" , thâu tóm các gói thầu, để AIC ngồi không hưởng lợi hàng trăm tỉ đồng.

Chính trị nội bộ của đảng Cộng hòa Mỹ lại trở nên bất ổn do nghị sĩ Marjorie Taylor Greene quyết tâm phế truất Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson sau khi ông này thuyết phục Hạ viện thông qua gói viện trợ quân sự cho nước ngoài, trong đó có Ukraine.

Ngày 4/5, Công an TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đơn vị đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Đức Bình, SN 1994, trú tại xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, để điều tra về hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ khiến 1 người tử vong.

Thiếu tướng Mai Hoàng, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh đánh giá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12 do Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá mới đây là rất kịp thời, thể hiện sự chính quy, tinh nhuệ của các lực lượng tham gia phá án.

Lê Phương Nam đã lừa của các bị hại xin vào làm việc tại các Chi cục Kiểm ngư với giá 200-250 triệu đồng/suất; xin chuyển công tác trong lực lượng Công an có giá từ 200 - 450 triệu đồng/suất; xin vào học tại Trường Trung cấp Cảnh sát có giá từ 450-700 triệu đồng/suất…

Sự phát triển nhanh chóng của Internet, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội kéo theo việc người sử dụng tăng nguy cơ phải tiếp xúc với tin giả. Việc người dùng mạng xã hội thường xuyên phải tiếp cận với tin giả có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Thế nên việc nhận diện và xử lý tin giả là rất quan trọng, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 3/5 cho biết, một lần nữa cầu Crimea lại nằm trong tầm ngắm của Kiev với sự hỗ trợ từ phương Tây. Bà Zakharova cảnh báo, bất kỳ hành động gây hấn nào nhằm vào Crimea đều sẽ bị đáp trả nặng nề.

Cơ quan phòng vệ dân sự bang Rio Grande do Sul, miền Nam Brazil, ngày 3/5 (giờ địa phương) cho biết trận lũ lụt kỷ lục ở bang đã khiến 39 người thiệt mạng và 68 người khác vẫn mất tích, buộc hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文