Nhạc sĩ Đỗ Nhuận và ca khúc về Điện Biên

08:52 02/05/2009
Ngay trong đêm chiến thắng Điện Biên lịch sử, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã thức trắng bên bếp lửa nhà sàn để viết ca khúc hùng tráng của dân tộc - bài ca "Chiến thắng Điện Biên" với chất liệu âm nhạc pha giữa chất nhạc Kinh và Thái.

Đã 55 năm, nhưng âm hưởng hào sảng của những câu hát "Giải phóng Điện Biên/Bộ đội ta tiến quân trở về/Giữa mùa (này) hoa nở/Miền Tây Bắc tưng bừng vui…" trong bài "Chiến thắng Điện Biên của nhạc sĩ Đỗ Nhuận vẫn còn vang vọng. Mỗi lần các ca khúc vang lên, là mỗi lần không khí hào sảng của những tháng ngày đánh trận Điện Biên được tái dựng qua từng nốt nhạc, ca từ...

"Chiến thắng Điện Biên" được coi là hiện tượng độc nhất vô nhị trong làng nhạc Việt Nam, khi là ca khúc vừa có sức trường tồn, vừa được phổ rộng: chỉ sau khi ra đời vài tiếng, bài hát đã được biểu diễn tại lễ mừng chiến thắng Điện Biên và hơn nửa thế kỷ qua, vẫn là bản nhạc bắt đầu chương trình một ngày mới của Đài TNVN, lập kỷ lục về phát trên sóng phát thanh quốc gia.

"Chiến thắng Điện Biên" còn trở thành nhạc cho phim tư liệu "Điện Biên Phủ", phim "Hoa ban đỏ" và đã được chuyển soạn cho giao hưởng, được nhiều dàn nhạc của Nga, Đức dựng thành các hợp xướng lớn.

Một ngày cuối tuần, chúng tôi và nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đương nhiệm, con trai của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, cùng ngược dòng ký ức hào hùng của quá khứ, để ôn lại khoảnh khắc mà tác phẩm ghi dấu ấn lịch sử đã ra đời…

Những ngày bước vào chiến dịch Điện Biên là thời điểm đầy hy sinh, gian khó của bộ đội và nhân dân ta với những cuộc giao tranh khốc liệt. Tổ sáng tác hỏa tuyến và các chiến sĩ văn công phải ngừng biểu diễn, để cùng tham gia sửa đường đón pháo ta vào trận.

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận được giao làm tổ trưởng đơn vị làm đường ở bản Mường Phăng, cách Điện Biên chừng 60km. Tạm gác những nốt nhạc, lời ca, người nhạc sĩ tay choòng, tay cuốc, cùng bộ đội và dân công ngày đêm cuốc đá, rải đường. Bàn tay chai sần vì cầm cuốc cầm xẻng, nhưng suy nghĩ vẫn luôn rộn ràng những giai điệu tươi vui chờ đón mừng thắng lợi.

Chung tâm trạng đó, khi đi kiểm tra mặt đường, gặp nhạc sĩ Đỗ Nhuận, đồng chí Hoàng Xuân Tùy (lúc đó là Trưởng phòng Tuyên truyền, Tổng cục Chính trị (TCCT)) đã dặn: "Đỗ Nhuận chuẩn bị viết bài về chiến thắng Điện Biên nhé". Nhạc sĩ Đỗ Nhuận hào hứng đón nhận niềm lạc quan chiến thắng cũng như niềm tin mà cấp trên trao gửi: "Nhất định sẽ có, anh Văn (tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đã nhắc tôi rồi".

Bởi trước đó, khi xem một chương trình văn nghệ của Đoàn văn công TCCT do nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác, với một dự cảm nhạy bén, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ân cần căn dặn: "Đỗ Nhuận sáng tác dần bài về chiến thắng Điện Biên đi là vừa".

Mỗi ngày, niềm tin thắng lợi càng nung nấu trong tim người nhạc sĩ, thôi thúc ông cho ra đời một tác phẩm xứng tầm. Quen làm việc với sự chuẩn bị chu đáo, ông luôn cẩn thận ghi vào sổ tay một tứ thơ bất chợt, hay một nét nhạc bỗng lóe lên trong đầu. Chẳng mấy chốc, cuốn sổ tư liệu cho bài hát đã có tới 5 trang viết tay.

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận trăn trở với lựa chọn môtip nhạc cho khúc khải hoàn bằng cả khát vọng cống hiến và lòng yêu nước. Trong di cảo để lại cho con trai, nhạc sĩ viết: "Nghĩ rằng bài này phải sáng sủa, bối cảnh trên đất Tây Bắc. Chất liệu âm nhạc cần phải pha giữa chất nhạc Kinh và Thái. Tôi tự hỏi: có pha trộn được không? Tôi nghĩ được, vì dân tộc Việt Nam mình là một, chỉ cần có nhạc cảm chân thực và cần thời điểm… Tôi không có ý định nói lên tầm cỡ vĩ đại của chiến dịch như một bộ phim nhiều tập, chỉ muốn dựng lên một cột mốc nhỏ, đánh dấu trận chiến thắng bằng một hình thức âm nhạc dễ phổ cập. Bộ đội ta vượt núi trèo đèo bao ngày gian khó mới làm nên chiến thắng, thi khúc thức âm nhạc không cần phép tính ngang bằng sổ ngay; lời ca phải súc tích…".

Rồi cái ngày mà ông cùng cả nước mong đợi đã đến. Ngày 7/5/1954. Khi ánh nắng hoàng hôn đổ trên những tán cây rừng xào xạc, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đang hối hả cùng đồng đội cuốc đất, san đường thì một đồng chí liên lạc từ mặt trận đạp xe qua, reo vui:

- Hồng Cúm hàng rồi! Giải phóng Điện Biên rồi!

Niềm vui vỡ òa sau bao ngày trông đợi. Mọi người cầm tay nhau nhảy tưng bừng. Còn ông, hạ quyết tâm đêm nay phải xong bài hát mà ông đã nung nấu bao ngày.

Ngay trong cái đêm lịch sử ấy, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã thức trắng bên bếp lửa nhà sàn. Dưới ánh lửa bập bùng như tiếng reo ca trong trái tim hàng triệu người Việt Nam khi ấy, những nốt nhạc rộn rã, náo nức chảy tràn đã dệt nên một ca khúc hùng tráng của dân tộc, mà chính ông cũng chẳng thể ngờ, nó sẽ sống mãi cùng năm tháng.

Sáng hôm sau, cả 2 lời của ca khúc hoàn thành. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận đưa bản chép tay đầu tiên cho Đoàn văn công TCCT hát tại chỗ, còn ông cũng tự hát cho bộ đội nghe và dạy cả các chiến sĩ ở Đại đội Pháo binh. Ngày trở về, ngồi trên xe, ông lại cùng anh em hát vang bài ca "Chiến thắng Điện Biên".

Khi nhạc sĩ Hoàng Kiều của Đoàn Văn công TW nhận xét về sự mới lạ trong nét nhạc vốn gốc dân tộc, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã nói vui: "Chẳng qua là "đất thó" của dân tộc, tôi nhào nặn thành "gạch" cho nhân dân dùng. Đúng sai gì, tôi xin chịu trách nhiệm với các cụ, với tổ tiên".

Về sau, nhớ lại những năm tháng gian truân mà hào hùng ấy, ông bộc bạch: "Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đánh dấu sự trưởng thành của quân đội, mà tôi cũng là một chiến sĩ cầm đàn được lớn lên trong hàng quân, lớn lên cả về tư duy bút pháp".

Lắng trong âm hưởng hào hùng của nhạc phẩm mà người cha đã viết bằng sự rung động sâu thẳm của con tim, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân xúc động: Cũng như một số nhạc sĩ khác, cha tôi trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên, nên cảm xúc trong ca khúc của ông là đại diện cho tình cảm, mong muốn của chiến sĩ, đồng bào cả nước chứ không chỉ của cá nhân ông.

"Chiến thắng Điện Biên" là sự hội tụ chất liệu âm nhạc mà phải là người trong cuộc mới nhận ra và ghi lại được: hình ảnh bà con dân tộc Kinh hiện lên qua nét nhạc đồng bằng Bắc Bộ cùng với nét nhạc và hình ảnh múa xòe hoa đặc trưng của đồng bào Thái Tây Bắc. Đi qua thời gian, chỉ những tác phẩm văn nghệ đi từ tình cảm rung động chân thành, sâu sắc mới thực sự có giá trị và mãi đọng lại. Đó cũng là bài học từ sự cộng hưởng mà cha tôi để lại.

Đã hơn 5 thập niên trôi qua. Nhưng dường như mỗi lần các ca khúc về Điện Biên của nhạc sĩ Đỗ Nhuận vang lên, là mỗi lần không khí hào sảng của những tháng ngày đánh trận Điện Biên được tái dựng qua từng nốt nhạc, ca từ. Để thêm một lần, các sáng tác tràn đầy không khí hào sảng ấy lại khơi dậy niềm tự hào trong quá khứ, tiếp thêm cho mọi người niềm lạc quan cách mạng, tin tưởng vào tương lai.

Để có được thành công ấy, sự dấn thân của người nghệ sĩ vào cuộc kháng chiến là đảm bảo đầu tiên cho cảm hứng sáng tạo, cùng với tài năng và lao động nghệ thuật...

Thanh Hằng

Không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước, nhưng Công ty TNHH Thương mại Linh Hải (thôn Hà Xá, xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) đã tự ý khoan giếng khai thác nước ngầm để bán nước sinh hoạt cho các hộ dân lân cận và một số cơ quan, đồng thời đóng chai, đóng bình kinh doanh trái phép.

"Đề nghị các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo (BCĐ) cần tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến để khẩn trương hoàn thành dự thảo Đề cương chi tiết của Đề án trước ngày 25/12 này" - Đó là ý kiến chỉ đạo của Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng BCĐ xây dựng Đề án của Chính phủ về "Nghiên cứu mô hình bảo đảm ANTT, an toàn xã hội trong quản lý đô thị" (Đề án) tại cuộc họp BCĐ được Bộ Công an tổ chức chiều 17/12, tại Hà Nội.

Ngày 17/12, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Văn Bút (SN 1975, trú tại phường Hoàng Diệu, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Thông báo về thủ đoạn giả danh cơ quan Công an gọi điện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ngày 17/12, Công an TP Hà Nội cho biết: Đây không phải là thủ đoạn mới nhưng nhiều người vẫn mất cảnh giác. Đặc biệt, nhiều trường hợp là thanh niên trẻ do chủ quan, ít cập nhật thông tin cảnh báo lừa đảo đã sập bẫy của các đối tượng.

Thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho thấy, năm 2024, lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý 953 vụ vi phạm về kinh doanh vàng, chuyển cơ quan điều tra 1 vụ.

Để tháo gỡ vướng mắc cho Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (Dự án chống ngập 10.000 tỷ) đang “đắp chiếu” gây lãng phí ngân sách, ngày 17/12 Văn Phòng Chính phủ đã có văn bản gửi TP Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cùng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc tháo gỡ cho dự án này…

Chiều 17/12, Cơ quan CSĐT Công an quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng cho biết đã bắt giữ Nguyễn Tấn Thường (SN 1995, trú xã An Phú, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên). Bước đầu, Cơ quan Công an xác định Thường đã mở hàng loạt tài khoản ngân hàng để bán cho các đối tượng lừa đảo ở Campuchia. Chỉ trong vòng 1 tháng, những tài khoản do Thường đứng tên đã được sử dụng để nhận hơn 6,4 tỷ đồng từ các nạn nhân bị lừa đảo đang cư trú tại Việt Nam.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình) quyết định khởi tố vụ án hình sự “Cố ý gây thương tích”, khởi tố bị can cũng với tội danh trên với Vũ Ngọc Thịnh (SN 1956, trú tại thôn Lê Tiến, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng), đối tượng đã đến tận nhà hành hung cụ ông thương binh 82 tuổi, 57 năm tuổi Đảng, ở thôn Lê Tiến.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文