Nhạc sĩ Dương Thụ bật mí về “Cà phê… mưa”

15:04 25/07/2010
“Tôi không bỗng dưng viết văn vào cái tuổi này. "Cà phê... mưa" chỉ là tập hợp những bài báo tôi đã viết cách đây hai mươi năm. Đây là những bài viết về văn nghệ, viết trả lời phỏng vấn, viết đối thoại…Viết trong những lúc "cà phê một mình", và trong những "ngày mưa gió" nên tôi đặt tên sách là "Cà phê... mưa"”- nhạc sĩ Dương Thụ tâm sự.

Cuối tháng 7 vừa qua, tại Hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp đã tổ chức buổi ra mắt, tọa đàm về tác phẩm "Cà phê... mưa" của Dương Thụ, một nhạc sĩ đã đi vào đời sống âm nhạc đương đại với những tình khúc êm ái, nhẹ nhàng, tình tứ. Nhân dịp ông nhảy sang "địa hạt" của văn chương, Báo CAND Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với ông về cuộc đời và những quan niệm về nghề nghiệp.

- Thưa nhạc sĩ Dương Thụ, gần cả cuộc đời gắn bó tên tuổi với âm nhạc, bỗng dưng vào tuổi gần thất thập cổ lai hy, ông lại viết văn. Với tư cách là tác giả, ông có thể nói gì về cuốn sách đầu tay vừa được xuất bản với cái tên rất có nhạc điệu: "Cà phê… mưa"?

- Tôi không bỗng dưng viết văn vào cái tuổi này. "Cà phê... mưa" chỉ là tập hợp những bài báo tôi đã viết cách đây hai mươi năm. Đây là những bài viết về văn nghệ, viết trả lời phỏng vấn, viết đối thoại. Nói là viết văn các ông nhà văn lại cho "ăn đòn" đấy. Khi những bài báo tập hợp thành cuốn sách thì nó không còn là những bài báo riêng lẻ nữa. Sách được xuất bản không phải để bạn đọc bỏ tiền túi ra mua về những chuyện tầm phào. Tôi cố gắng lựa chọn, cắt bỏ và sắp xếp chúng trong một hệ thống để nó có thể nói lên một điều gì đó, cái điều tôi nghĩ có thể chia sẻ được với mọi người. Viết trong những lúc "cà phê một mình", và trong những "ngày mưa gió" nên tôi đặt tên sách là "Cà phê... mưa".

Cuốn sách chia làm ba phần: "Cà phê... mưa 1" (tạp bút) gồm những bài viết về Hà Nội, về phố, về làng quê, về chuyện đời, chuyện nhạc. "Cà phê... mưa 2" (Chuyện văn nghệ) tập hợp những bài viết về văn hóa, văn nghệ. "Cà phê... mưa 3" (trò chuyện) gồm các bài viết trả lời phỏng vấn hoặc viết đối thoại. Cuối cùng là phụ bản gồm bản chụp lại bản thảo của 14 bài hát có chữ ký như một món quà kỷ niệm.

- Có người nhận xét thế này về cuốn sách của ông liệu có chính xác không: "Đọc "Cà phê… mưa", độc giả sẽ thấy nhiều chân dung khác nhau của Dương Thụ, nhưng ẩn sâu trong những chân dung đó là bức chân dung tâm hồn của người nhạc sĩ mà tài năng âm nhạc đã được khẳng định và tôn vinh. Liệu có gì cần bổ sung về cuốn sách mà người cảm nhận này chưa biết hết, thưa nhạc sĩ?

- Những gì bạn đọc thấy ở "Cà phê... mưa" chỉ là chân dung của một con người muốn cố gắng hòa nhập vào xã hội (mặc dù nó rất đau đớn), muốn được làm việc, muốn được sống tử tế (có lẽ với nhiều người thì dễ, nhưng với tôi thì chả dễ tí nào), chân dung một con người phải vật lộn cả đời để tự tìm ra cái văn, cái triết, cái tình, cái lý, cái ảo, cái thực, cái trừu tượng và cái cụ thể cho mình. Con người ấy nhớ nhung nhưng không phải là kẻ hoài cổ, buồn nhưng không tuyệt vọng, đôi khi vui nhưng không đến nỗi lạc quan tếu. Điều đó làm tôi không thấy xấu hổ trước những gì mình viết, nhưng cũng cho tôi biết viết như thế thì cũng chỉ bình thường thôi. Tôi không khiêm tốn và cũng không quá rụt rè khi nhận xét về mình. Tôi biết những giá trị mà mọi người nói đến nó lớn hơn rất nhiều cái điều mà tôi có thể có.

- Nói về một Dương Thụ của âm nhạc thì chắc chắn nhiều người biết và cảm nhận nhưng có lẽ, cuốn sách đã cho khán giả biết thêm một phần về con người của văn nhân Dương Thụ ở một cảm nhận khác với một tâm hồn lãng mạn và nhiều xúc cảm trước con người, thiên nhiên. Nếu bây giờ được nói rành mạch các cảm xúc của mình với ông, thì viết văn hay là làm âm nhạc, ông thực sự được trải lòng mình nhất?

- Tôi chỉ có một con người: Dương Thụ. Và chỉ có một cái chỗ của mình: nghề làm nhạc. Tôi trải lòng mình ở tất cả những gì tôi viết dù đó là một bản nhạc hay một bài báo. Tôi viết theo cái cách của một người làm nhạc, tôi không viết theo cách của một nhà văn.

- Phần đầu tiên của cuốn sách, ông dành để nói về Hà Nội, mảnh đất chôn rau cắt rốn nhưng ông lại không đồng hành cùng những đổi thay thường nhật của nó. Với ông, khái niệm về Hà Nội được gọi tên thế nào và mảnh đất hào hoa ấy liệu có ảnh hưởng nhiều tới đời sống cũng như sáng tác của ông không?

- Tôi sinh ra ở Vân Đình thuộc (phủ) Ứng Hòa (một trong ba phủ cũ của Hà Nội thời Minh Mạng, đến thời Pháp nó thuộc tỉnh Hà Đông). Chỉ lớn lên và trưởng thành ở Hà Nội thôi. Đương nhiên như thế Hà Nội phải ảnh hưởng nhiều tới đời sống cũng như sáng tác của tôi. Có hai thứ Hà Nội quyết định việc tạo thành tôi bây giờ là Hà-Nội-vỉa-hè và Hà-Nội-trí-thức. Vỉa hè dạy cho tôi nhiều điều và các bậc đàn anh trí-thức-văn nghệ cũng thế. Còn cái hào hoa sang trọng của đất Hà Thành chẳng dính vào tôi đâu vì tôi đã được cải tạo rất tốt để trở thành một người lao động bình thường. Bây giờ mỗi khi về Hà Nội làm việc, nơi tôi thấy thoải mải nhất, được sống với Hà Nội nhiều nhất chính là những hàng chè chén vỉa hè. Ngồi rít điếu thuốc lào, nhấm nháp cốc chè nóng một nghìn để nghe chuyện phố phường và để được hồi cố, cảm động lắm.

- Ông có sáng tác một ca khúc nào mới về Hà Nội trong dịp kỷ niệm nghìn năm Thăng Long?

- Tôi không có khả năng viết theo đề tài. Nếu nghìn năm Thăng Long là một đề tài thì các nhạc sĩ khác sẽ viết rất hay, còn tôi chịu. Tôi yêu Hà Nội, nhớ Hà Nội. Có rất nhiều bài không nói ra nhưng Hà Nội đấy: "Mây trưa đã ngủ", "Phố mùa đông", "Bay vào ngày xanh", "Trở về", "Bài hát buồn", "Mong về Hà Nội", v.v. Các bài này rải rác trong nhiều album khác nhau.

- Ông nổi danh với nhiều sáng tác và nhiều ca sĩ "ruột", nhưng nếu có thể tổng kết về cuộc đời làm nghề của mình, ông nhận thấy giai đoạn nào, các ca khúc nào có thể coi là tâm đắc nhất, và ca sĩ nào là người ông có thể tin tưởng để giao phó một bài hát mà lòng có thể hoàn toàn yên tâm?

- Tôi viết nhạc do nhu cầu nội tâm, ít khi đánh giá những gì mình làm ra. Có lẽ việc này là của người nghe. Còn ca sĩ thì có nhiều. Trước kia là Lệ Quyên, một diva nhạc nhẹ thời bấy giờ, sau là Hồng Nhung, Mỹ Linh và phần nào đó là Bằng Kiều. Bây giờ là Nguyên Thảo, Đức Tuấn và Khánh Linh.

- Sau sự ra mắt khá rôm rả của cuốn "Cà phê… mưa", ông có định sẽ đi dài hơi với văn chương, cũng là cách làm mới mình sau chừng ấy năm sáng tác ca khúc?

- Không đâu. Tôi không phải là nhà văn. Viết là do được đặt bài. Bằng không thì đành "treo bút" vậy, biết làm thế nào bây giờ .

- Vâng, xin cảm ơn nhạc sĩ!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thanh Tâm (SN 1997, ngụ huyện Củ Chi) về tội: "Giết người" và "Cướp tài sản".

Ngày 4/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương; đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về thành tích triệt phá nhóm đối tượng hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền với quy mô rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh chính trị nội bộ (10/5/1958 - 10/5/2024), từ ngày 3 - 5/5, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa lực lượng làm công tác An ninh chính trị nội bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội.

Sau khi tìm đến các mỏ khai thác đá trái phép, Phạm Ngọc Hùng cùng đồng bọn đã tự xưng là nhà báo, có mối quan hệ quen biết với nhiều lãnh đạo nên đã đòi bảo kê, thu mua đá rồi chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng.

Trước năm 1954, Sân bay Điện Biên vốn là sân bay dã chiến của quân đội Pháp. 70 năm sau, qua nhiều lần nâng cấp, Sân bay Điện Biên đã trở thành sân bay dân dụng hiện đại, đáp ứng khai thác máy bay cỡ lớn, là cầu nối kinh tế tại 6 tỉnh biên giới Tây Bắc.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文