Nhạc sĩ Nguyễn Cường: “Tôi rong chơi quần quật suốt ngày…”

15:15 26/01/2011
"Tôi rong chơi quần quật suốt ngày và lúc nào cũng bận. Nghề nghiệp nó thế. Rảnh rỗi là khoảng trống cần thiết như im lặng trước giờ nổ súng. Đối với người nghệ sĩ thì rất cần những khoảng trống ấy đấy", nhạc sĩ Nguyễn Cường tâm sự.

Khác với ba ông bạn vàng, Dương Thụ chỉn chu, mực thước, hài hòa, Trần Tiến có phần dân dã, trông giống dân du mục lang thang và Phó Đức Phương quyết liệt, gai góc đến tận cùng. Còn ông, tôi tò mò mãi, ở con người kia có chút gì của “Tây lai” không nhỉ? Nom ông với dáng vẻ phớt đời "ngông nghênh" hệt như một cao bồi miền Tây nước Mỹ lạc giữa khu phố cổ Hà Nội.

Ở con người thú vị này toát lên sự hoang dã của núi rừng, lại vừa kiêu hãnh tựa như một dòng thác dữ dội. Ẩn trong vẻ ngoài cuồng nhiệt là một tâm hồn tinh tế, giàu cảm xúc của người con sinh  ra trong một gia đình nhiều đời ở đất kinh kỳ, trong ông lại có thêm sự mơ mộng của người nghệ sĩ sáng tác. Tất cả, những điều tưởng như đối nghịch đó - sự ngạo nghễ và chất thanh lịch đã làm nên một Nguyễn Cường riêng biệt, rất tài hoa mà vô cùng độc đáo.

- Ông có thấy lạ không? Bây giờ nghệ sĩ sướng quá rồi nhé, ở biệt thự, đi xe hơi. Nhưng, với những người làm nghệ thuật sung túc, đủ đầy quá, thì tư duy sáng tạo nó cũng cùn mòn đi. Bằng chứng là nhiều tác giả sáng tác các tác phẩm nổi tiếng trên thế giới và Việt Nam khi sống khổ sở, thiếu thốn chật vật. Đói khổ người ta lại đâm ra mơ mộng, tưởng tượng thi vị. Chứ bây giờ đổi đời rồi, nhà thơ mà ngồi xe Mec hay nhà văn mà gõ gõ chát chát dùng công nghệ cao thì...

- Cái đó chả phải. Giàu nghèo chẳng quan trọng gì. Đói khổ cũng chả làm nghệ thuật được đâu, mà giàu có cũng không làm nghệ thuật được nốt, nếu không có khát khao nghệ thuật. Ai giàu có bằng ông Leptônxtôi, thế mà là nhà văn vĩ đại nhất của nền văn chương Nga, khiến cả thế giới ngả mũ kính chào. Cha đẻ của cả nền văn chương Nga chính là một ông bá tước, ai giàu bằng ông ấy. Chung quy lại, quan trọng nhất là người nghệ sĩ còn nỗi khát khao, còn mong muốn một cái gì không? Con người mà không có mong muốn nữa là chấm hết.

- Thường cái tạng của người sáng tác là trầm buồn, nhưng mà trông ông lúc nào cũng sôi nổi, vui vẻ.

- Có những người thích buồn, tôi lại thích vui. Buồn vui nó phía ngoài mình, nếu gặp chuyện buồn tôi phải đuổi nó ngay. Có những người khi buồn họ tràn trề cảm xúc nhưng với tôi thì khác. Phải vui tôi mới sáng tác được. Trong bài hát của tôi có câu: "Bài ca của anh không thích buồn. Bài ca của anh không biết buồn" . Nhưng tất nhiên nỗi buồn của tôi là nỗi buồn khác, khát khao, mơ mộng... "Ơi! một cánh buồm, buồm chơi vơi" đấy, bạn xem, nó có một cái gì lắng lắng buồn nhưng nỗi buồn không phải là chủ đạo trong âm nhạc của tôi. Âm nhạc của tôi như trong bức tranh màu sáng là chủ yếu.

- Trông nhạc sĩ lúc nào cũng gấp gáp, rất là tất bật. Nhưng, chắc làm gì mà bận đến thế đâu, sáng tác là nghề rong chơi mà...

- Tôi rong chơi quần quật suốt ngày và lúc nào cũng bận. Nghề nghiệp nó thế. Rảnh rỗi là khoảng trống cần thiết như im lặng trước giờ nổ súng. Đối với người nghệ sĩ thì rất cần những khoảng trống ấy đấy.

- Cái gì kín quá thì người ta lại thường hay tò mò. Ví dụ chuyện thu nhập của người nhạc sĩ như ông chẳng hạn.

- Thu nhập của ca sĩ thì mức độ rõ ràng, nhưng người nhạc sĩ thì lại không có một giới hạn nào cả. Như Mỹ Linh, hay Mỹ Tâm người ta biết là ca sĩ này hát là cỡ đấy rồi. Có mẫu sẵn. Như người thợ mộc làm cái bàn có mẫu rồi. Ai muốn mua thì đặt tiền mua hàng đi. Đúng không? Như Mỹ Linh hát bài "Tóc ngắn", ai cũng nghe rồi. Bây giờ cô ấy đến sân khấu khác hát, là cứ thế như cũ mà cátsê. Nhưng bây giờ bảo ông Dương Thụ viết bài "Tóc ngắn" hay như thế thì viết tiếp bài "Tóc dài" đi. Chắc ông Dương Thụ cũng chịu thua thôi. Hay ông Nguyễn Cường viết bài "Ơi! Mđrăk" hay thì viết bài "Ơi! Khánh Dương" đi, xem tôi có thể viết được như thế không? Người sáng tác không thể viết được.

Thế nên cũng chả có ba-rem nào. Tiền trả do Nhà nước quy định. Nhưng mà cũng chả ai theo quy định đó cả. Cũng tùy tâm thôi.

- Ông có thể sống no đủ bằng nghề sáng tác không?

- (cười) Thế nào là no đủ. Tất nhiên, kể cả cô ca sĩ tưởng có thu nhập cao nhưng thực chất là rất nghèo. Phải tính thế này mới thấy tương quan, một ca sĩ nổi tiếng hát có thể là 35 triệu đồng tiền cátsê. Nghe thì có vẻ sao nhiều thế. Nhưng một năm có mấy lần diễn mà cátsê 35 triệu. Cứ cho một năm có 10 lần số tiền sẽ là 350 triệu. Một năm có 100 lần đi thì có 3 tỉ rưỡi. Muốn hay không muốn phải so sánh các ngành với nhau. Người đại diện cao nhất của ngành này so sánh với người đại diện cao nhất của ngành kia. Ca sĩ nổi tiếng là đại diện cho ngành âm nhạc. Người đại điện thu nhập cao nhất của ngành âm nhạc 3 tỉ rưỡi/một năm đáng gì so với một ông tổng giám đốc của các doanh nghiệp phát đạt. Thế thì ca sĩ là cái gì. 

- Một so sánh thú vị, chả trách có câu: "Có chí làm quan, có gan thì làm giàu", "Phi thương bất phú"... Ông  nói đúng quá!

- Mà đấy là cátsê có khi nói vống lên để người khác mời phải cao hơn lên thôi, chứ chưa chắc đã phải. Nhiều khi nói vống lên cho oai. Có thời báo chí "đánh" về thu nhập ca sĩ theo tôi là không nên. Hãy nhìn rõ tất cả mọi sự vật trong tương quan chung. Mà người nghệ sĩ như bông hoa mong manh. Cuộc đời rất mong manh...

- Ca sĩ đã vậy rồi, nhạc sĩ còn bèo bọt hơn thì phải?

- Nhưng chúng tôi không bao giờ so sánh mà cũng chả bao giờ có sự chạnh lòng. Không có chuyện ấy. Bởi vì mình xác định, mình được nhiều lắm. Một người làm nghề khác thì chỉ kiếm được tiền thôi. Một người công nhân làm trong nhà máy thì ra khỏi xưởng là thoát một ngày nặng nhọc. Nhưng người nghệ sĩ làm ra sản phẩm, sung sướng ngay với việc mình làm, điều đó đáng bao nhiêu tiền rồi. Ai mua được điều đấy.  Niềm vui được cống hiến, được chia sẻ với mọi người.  Nó vô giá, không thể so sánh được.

- Ông rõ là một người cá tính quá mạnh, yêu ghét rõ ràng. Thế điều gì có thể làm ông  ghét?

- Tôi ghét cái sự già cỗi. Sự già cỗi, nhớ đấy, chứ không phải là tuổi già đâu nhé.

- Trông ông, lại gợi nhớ đến hình ảnh của những bộ phim Tây, một cao bồi chính cống trên một sa mạc hoang vu. Hay một cao bồi của bang Texas. Một người sôi nổi như ông  thì thích phim Mỹ chứ nhỉ?

- Không, tôi thích phim Tàu hơn. Phim Tàu cũng hành động không kém gì phim Mỹ. Cả hai tác giả lớn, Trương Nghệ Mưu với Trần Khải Ca làm phim đều tuyệt. Phim dã sử, lịch sử Trung Quốc xem mãi cũng không chán.

- Tò mò một chút vì không biết ông  thích đọc loại sách gì?

- Tôi rất ít đọc sách, chỉ trừ những tác phẩm nào nó thật cần thiết, bạn bè giới thiệu sách hay thì mới tìm về đọc thôi, bởi vì cũng không có thì giờ, lại không hứng thú lắm.

- Thế ông thích gì?

- Thật ra thì riêng thích âm nhạc đã mệt lắm rồi. Đã chiếm hết thời gian. Tôi có phải là người chuyên viết bài hát đâu, còn viết giao hưởng, hòa tấu. Đôi khi rong chơi, bạn bè vui hơn...

- Trong không gian đẹp đến lạ lùng của Hà Nội mùa đông như hôm nay, người họa sĩ có thể vẽ được bức tranh, người nhạc sĩ thì có thể sáng tác một bản nhạc, nhà văn thì sáng tác nên một câu chuyện. Trong khi đó người bình thường thì bó tay. Đấy là sự khác biệt của nghệ sĩ với người thường đấy.

- Không phải người bình thường không làm được cái gì. Người bình thường mới ghê đấy, sướng hơn nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ vì họ chả phải làm gì nhưng mà lại được hưởng trọn vẹn cảnh đẹp của mùa đông Hà Nội trong các tác phẩm của người nghệ sĩ.

Người bình thường mà họ có một tâm hồn sâu sắc thì cảm nhận rất thật, hơn những ông nghệ sĩ rởm. Tôi khẳng định là 90% ông được gọi là nhạc sĩ ở tại đây này là những người làm nhạc. Có những người làm nghệ thuật, nhưng chưa chắc có tâm hồn nghệ sĩ, còn những người không làm nghệ thuật nhưng tâm hồn người ta rất là thi sĩ, rất là nhạc sĩ. Đó có thể là ông xích lô, là một người bán hàng rong, một đại gia. Đừng có tưởng người kinh doanh người ta không gì đâu nhé. Đừng có nghĩ chỉ có nhà văn, nhạc sĩ, nghệ sĩ nhìn lá rơi, mưa bụi mới xúc động. Nhiều khi người thường xúc động gấp trăm lần người được coi là nghệ sĩ đấy. Tôi chứng kiến rất nhiều lần như thế. Cuộc đời dạy tôi như thế.

- Nhiều người có cảm xúc, nhưng bộc lộ cảm xúc ra thành tác phẩm thì chỉ có số rất ít, rất rất ít.

- Đó đó... chúng ta đang nói về vấn đề nghệ thuật. Người nghệ sĩ giống nhau là đều cảm nhận. Người nghệ sĩ chỉ có ở đây 5% thôi nhé, thì mới đúng nhé, biết biến những khung cảnh mùa đông ngoài đời trong nghệ thuật. Còn 95% kia là giả vờ, là không tới nơi, là làm hỏng mùa đông đẹp đẽ đó. Cảm xúc với mùa đông không bằng người thường. Hoặc anh có thể có cảm xúc nhưng anh không có hệ thống biểu đạt riêng. Người ta phải thấy phố mùa đông này là rõ ràng của ông Phái,  chứ không phải vẽ một cái phố nhăng nhít. Phố mùa đông đó người ta phải thấy tên của người nghệ sĩ đó, không phải bằng chữ, mà bằng hệ thống biểu đạt mà người ta thấy đó là phố mùa đông của ông Phái, ông Nghiêm, hay là trong âm nhạc, phố mùa đông là của ông Dương Thụ, ông Phạm Duy. Người nghệ sĩ đích thực là phải có hệ thống biểu đạt riêng của mình.

- Không chỉ có nồng nàn lửa cháy những ca khúc về Tây Nguyên, hay dịu dàng sâu lắng các bài hát về đồng bằng Bắc Bộ, mà âm hưởng về vùng đất quan họ của ông cũng ấn tượng không kém. Như bài "Thành phố quan họ": "Trèo lên con dốc ngồi gốc cây đa, người đâu gặp gỡ bỏ nhớ cho ta. Con nhện giăng tơ, gió mưa tả tơi, xin chút lộc rơi, chân đền bà chúa, vui cùng  thành phố khang trang rộng dài... Xin chút lộc rơi, rơi từ ánh mắt, em ca Kinh Bắc, tôi về ngẩn ngơ...".

- Ha ha... thuộc ha. Tôi viết về quan họ Bắc Ninh cũng từ rất lâu. Mà tôi tin rằng, trong dòng máu của tôi, màu quan họ còn lớn hơn màu Tây Nguyên rất nhiều. Vì dòng máu của tôi là thuần Việt, không lai Ê Đê, không lai Ba Na gì cả. Mười mấy tuổi tôi đã đi xem quan họ và tôi rất thích. Tôi có thể hát giao lưu quan họ. Tôi thuộc khoảng 30 bài quan họ.

Người ta cứ nghĩ quan họ dịu dàng e ấp, thì mới được. Bây giờ thì rõ ràng là một quan họ nồng cháy, bốc lửa, vừa có sự dịu dàng mà đậm quan họ chứ không phải là Tây Nguyên...

- Vùng Kinh Bắc rất có duyên với người nghệ sĩ. Ông Hoàng Cầm khi xưa thì mê mệt với vùng đất này, còn ông sao lại có những câu hát kỳ lạ về xứ Kinh Bắc thế?

- Khi mà người Ê Đê còn đóng khố, ở nhà dài trên rừng thì người ta đánh chiêng khác. Nhưng cũng người Ê Đê đó bây giờ ngồi xe Vespa hay đi ôtô Suzuki thì đánh chiêng phải khác chứ. Sao đánh chiêng được như thế kia nữa. Tâm hồn họ không thể như trước được. Hay như một cô gái quan họ đi cấy thì cô ấy hát khác. Cũng cô gái quan họ ngồi ở ủy ban, nhà cao cửa rộng đi thang máy lên tầng 5 sao hát quan họ giống trước được nữa. Thành phố lớn lên bao nhiêu thì làng quan họ bé đi bấy nhiêu.  Và đó là nỗi day dứt.  Đó là cái bé bỏng lũy tre làng trong thành phố. Thế nên tôi mới sáng tác "...Em ở đâu? Câu hát ở đâu?". Và vẫn có quyền mơ, mơ làng quan họ vẫn âm thầm trong cái mạch dòng chảy.

Chúng ta không thể đòi những cô gái quan họ Bắc Ninh cứ đi cấy hay sống trong ngôi nhà bé nhỏ để hát quan họ cho chúng ta nghe được. Bắc Ninh phải lên thành phố. Chúng ta không thể để đồng bào Tây Nguyên không được đi ôtô. Chẳng nhẽ họ cứ đóng khố để cho chúng ta đến xem du lịch à? Nhưng cảnh báo như thế này nhé. Không phải là chiêng Tây Nguyên mà là không gian cồng chiêng Tây Nguyên. Anh mất không gian là vứt đi. Mất không gian là không còn gì nữa. Chính vì thế bài hát nó có cái mơ mộng, khát khao, muốn giữ, e quan họ sẽ mai một đi theo độ tăng trưởng của thành phố, nhưng mà tôi đã sáng tác bài hát này...

Rồi ông chỉ tay ra ban công trên căn gác phố Hàng Bạc, gia đình ông ở đây đã lâu đời. Quang cảnh ngày đông đẹp, buồn, xao xuyến bâng khuâng. Nét đẹp rất đặc trưng cho Hà Nội, gió buốt lạnh lùa vào nhạc sĩ. Ông đón gió, mắt nhìn trời mây mà sung sướng đến lạ...

Theo Trần Mỹ Hiền (An ninh thế giới số 1028)

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ biểu dương Đảng uỷ Cục CSGT đã tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII, đã lãnh đạo Đảng bộ hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ Cục đề ra.

Nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam, ngày 8/1, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper có buổi gặp gỡ sinh viên, giảng viên và lãnh đạo của Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU). 

Sau 1 tuần Nghị định 168/2024 chính thức có hiệu lực với việc tăng nặng xử phạt nhiều hành vi vi phạm giao thông đã tạo ra được bộ mặt mới về giao thông với việc ý thức của người nâng cao rõ rệt, tình trạng vượt đèn đỏ, đi ngược, đi trên vỉa hè… giảm mạnh.

Ra đường với cái đầu “nóng”, khi xảy ra va chạm giao thông, nhiều người không cần biết đúng sai, nhẹ thì chửi bới, nặng thì lao vào ẩu đả, hung hăng xuống tay đánh đập dã man người khác. Chỉ một phút côn đồ mà vướng vòng lao lý, để lại vết nhơ cả cuộc đời…

Nhiều tài xế xe máy ở Hà Nội đi vào đường Vành đai 2 trên cao (tuyến đường dành cho ô tô di chuyển với tốc độ tối đa 80km/h), đã đưa ra nhiều lý do như "không chú ý biển báo", "đi nhầm đường"... để biện minh cho hành vi vi phạm. Với hành vi vi phạm nêu trên, ngoài việc bị xử phạt hành chính thì tài xế còn bị trừ 2 điểm giấy phép lái xe (GPLX).

Sau hai ngày TAND tỉnh Thái Bình mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử hai cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân cùng đồng phạm, chiều 8/1, đại diện Viện KSND tỉnh Thái Bình thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã luận tội và đề nghị hình phạt đối với các bị cáo.

Ngày 8/1, Đảng bộ Phòng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Công an tỉnh Khánh Hòa tổ chức Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025-2030. Đây là đơn vị được Tỉnh ủy và Đảng bộ Công an tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo tổ chức đại hội điểm, nhiệm kỳ 2025-2030. 

Đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng này đã thành lập trên 80 công ty nhưng không tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh thực tế nào mà chỉ để thực hiện hành vi bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng khống trị giá hơn 10 nghìn tỷ đồng…

Thứ trưởng Phạm Thế Tùng yêu cầu, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ cần tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết về Chiến lược phát triển lực lượng kỹ thuật nghiệp vụ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm mục tiêu đưa lực lượng Kỹ thuật nghiệp vụ tiến thẳng lên hiện đại vào năm 2025…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文