Nhạc sĩ Văn Dung: Trái tim hát cùng đất nước

00:19 08/05/2011
Gặp ông, bao giờ cũng thấy ông có những câu chuyện mới thú vị để kể, một giai điệu mới để hát, một bài báo mới để đọc và dường như, ông lúc nào cũng tất bật với nhiều công việc còn dở dang dù ông đã ở tuổi 76. Ông là tác giả của những ca khúc đã đi cùng năm tháng như: "Những bông hoa trong vườn Bác", "Pác Bó còn âm vang tiếng Người", "Đường Trường Sơn xe anh qua", "Bài ca Đường 9 Chiến thắng"...

Ông sẽ là nhân vật chính của chương trình Con đường âm nhạc tháng 5 với chủ đề "Trái tim hát" giới thiệu chặng đường sáng tác và những bài hát về tình yêu quê hương, đất nước qua các giọng ca của các nghệ sĩ: Việt Hoàn, Mỹ Lệ, Trọng Tấn, Đăng Dương, Anh Thơ, Nam Khánh, Khánh Linh, Phương Anh, Ngọc Anh... Chương trình được tường thuật trực tiếp trên sóng VTV3 vào lúc 20h tối nay, 8-5.

- Thưa nhạc sĩ Văn Dung, xưa nay, ông chỉ nhận mình là một nhà báo, tuy nhiên, những dấu ấn mà ông đã để lại trong âm nhạc Việt Nam đương đại thì không thể phủ nhận được. Vậy, ngày xưa, nhà báo Văn Dung đã đến với âm nhạc như thế nào?

- Tôi tốt nghiệp trường báo chí Trung ương (Phân hiệu II của Trường Nguyễn Ái Quốc) sau đó cuối năm 1960 tôi về công tác tại Ban Công nghiệp Đài Tiếng nói Việt Nam, lúc đó, cần có người làm công tác biên tập phát thanh âm nhạc, tôi được chuyển sang làm công việc này. Khi làm công việc này, tôi nghĩ việc đầu tiên là phải học âm nhạc và để hiểu được cái hay cái đẹp của âm nhạc đặc biệt là trong một giai đoạn lịch sử tiếp tục giải phóng miền Nam, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc và thực sự trong công tác này tôi có nhiều điều kiện cập nhật thông tin và được đi nhiều trên những công trường xây dựng trên những tuyến lửa các tỉnh miền Trung Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình... những năm Mỹ dùng không quân đánh phá miền Bắc, đặc biệt từ khoảng thời gian năm 1965 đến 1971, tôi đã có dịp đi thực tế sáng tác ở phía Bắc Quảng Trị: Khe Sanh, Trường Sơn, Đường 9 Nam Lào, ở đó tôi đã viết: "Giải phóng quân ta ra đi" (1965), "Tiến về Khe Sanh" (1968), "Đường Trường Sơn xe anh qua", "Bài ca Đường 9 chiến thắng" (1971)... Cũng từ đó, nhiều ca khúc viết về các ngành nghề như công nghiệp, nông nghiệp, hầm mỏ, xây dựng đã ra đời trong thời điểm này.

- Nhiều nghệ sĩ - chiến sĩ ra trận đã mang theo cả một sứ mệnh lịch sử là ghi lại những khoảnh khắc chiến tranh để kể lại cho hậu thế, ông cũng không phải là một ngoại lệ. Vậy có kỷ niệm chiến tranh mà ông cảm thấy sâu sắc nhất để có những ca khúc mang dấu ấn đến ngày hôm nay?

- Để có một ngày chúng ta được sống trong thanh bình là phải đổi bằng xương máu của bao anh hùng liệt sĩ. Thời của những năm tháng kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh ấy đối với tôi còn nhiều hơn cả cái gọi là kỷ niệm, nó trở thành một phần đời với nỗi ám ảnh khôn nguôn về sự hy sinh mất mát. Tôi đã thể hiện trong từng cung bậc của các bài hát, giai điệu và hôm nay khán giả còn nhớ được những bài hát ấy, với tôi là sự hy sinh của biết bao thế hệ tuổi trẻ Việt Nam trên những con đường ra trận, con đường Trường Sơn.

Tôi vẫn nhớ như in cảm xúc của mình khi đặt bút viết ca khúc "Bài ca Đường 9 chiến thắng" và "Đường Trường Sơn xe anh qua" ở ngay mặt trận Đường 9: "Em nghe tin vui bên Đông Trường Sơn/ Em nghe tin vui bên Tây Trường Sơn/ Nghe sấm dội cả non ngàn/ Nghe bão nổi cả đôi miền/ Anh giải phóng quân hôm nay ra đi/ Mang lửa hờn căm bao năm nấu nung/ Anh qua Tân Lâm chôn vùi Mỹ ngụy/ Bão thép căm hờn dội lửa Sa Mưu/ Đồi Năm trăm kèn vang chiến thắng rền trời/ Khe Sanh quân ta reo hò/ Khe Sanh năm xưa anh đã về đây/ Non sông nơi nơi dâng lên niềm vui/ Nghe pháo nổ rền vang trời/ Bao bốt đồn giặc tơi bời/ Anh giải phóng ơi! quê hương vui sao/ Trên đường Chín anh ghi bao chiến công/ Trong muôn gian lao mưa bom bão lửa/ Anh bước trên đầu thù xốc tới/ Miền Nam vui mùa hoa chiến thắng tràn ngập quê hương lời ca tưng bừng...".

Có một lần, sau khi bài hát ra đời, vào khoảng 2 giờ sáng có một đồng chí phụ trách Binh trạm 14 đưa tôi ra cua chữ A (Đường 20 còn gọi là đường Quyết Thắng hay còn gọi là đường Hồ Chí Minh) và nói với tôi: "Đây là một Ăngco của Việt Nam", tôi hiểu ý anh muốn nói rằng đây là một kỳ quan thiên nhiên trên con đường này. Trong giây lát yên lặng, tôi hỏi lại: "Anh có thể cho tôi biết, có bao nhiêu đồng chí đã hy sinh ở cung đường này?". Anh trả lời tôi: "Để chuẩn bị cho trận đánh Đường 9, trong một tháng, một tiểu đoàn Công binh đã hy sinh". Anh quay lại hỏi tôi: "Trận đánh ác liệt hy sinh như vậy mà âm nhạc bài ca đường 9 lại viết như một khúc hoan ca như thế là vì sao?". Tôi bảo: "Tôi đứng về phía nhân dân để ca ngợi chiến thắng, tôi không mô tả trận đánh!".

Còn về bài hát "Đường Trường Sơn xe anh qua" khi về đến Hà Nội ít tháng tôi nhận được thư của một cô thanh niên xung phong có đoạn viết: "Đêm nay 200 chúng em đi họp về, nghe "Đường Trường Sơn xe anh qua" không biết có phải nhạc sĩ viết về chúng em không?". Theo địa chỉ hòm thư tôi gửi thư trả lời họ và vài tháng sau tôi nhận được tin cả đại đội thanh niên đã hy sinh...

- Không chỉ thành công với các ca khúc cách mạng mà các thế hệ khán giả Việt Nam còn nhớ mãi một ca khúc viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh với ca từ mộc mạc, âm nhạc nhẹ nhàng, sâu lắng: "Những bông hoa trong vườn Bác". Ông có thể chia sẻ những kỷ niệm khi viết ca khúc này?

- Một buổi tối năm 1977, như thường lệ, tôi lấy sách ra đọc, nhưng đọc mãi mà không thấy chữ đâu, chỉ nghe đâu đó trong vô thức nhạc điệu và rồi những giai điệu ca từ cứ thế ào ạt tuôn trào: "Những bông hoa trong vườn Bác/ Tỏa ngát hương mang tình yêu mênh mông của Người…". Nói ra thì nhiều người không tin, nhưng tôi không lý giải nổi điều kỳ lạ này. Khi tôi cảm thấy việc viết một ca khúc về Bác hình như không thể thực hiện được thì bài hát lại ra đời. Ca khúc được viết hai lời chỉ trong một tiếng đồng hồ. Có lẽ, đó là rất nhiều suy nghĩ, tình cảm kính yêu của tôi đối với Hồ Chủ tịch đã được dồn nén từ lâu, để một ngày trở thành giai điệu.

Sau này cũng đã có người hỏi cảm tưởng của tôi về bài hát "Những bông hoa trong vườn Bác", tôi nói, đơn giản thôi, tôi nghĩ Bác Hồ là người trồng hoa vĩ đại, mỗi chúng ta hãy là một bông hoa đẹp trong vườn hoa Bác trồng, hãy làm đẹp, làm giàu cho quê hương, cho Tổ quốc yêu quý của chúng ta.

- Nhiều nhạc sĩ thường viết theo đơn đặt hàng và thường thì những ca khúc đặt hàng khó đứng vững để trở thành một ca khúc độc lập trong đời sống âm nhạc. Tuy nhiên, hình như điều này không đúng với nhạc sĩ Văn Dung, bởi vì, nếu tôi nhớ không nhầm thì ông đã từng viết ca khúc được "đặt hàng": "Hành khúc thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh" và nó đã trở thành ca khúc được hát nhiều nhất của một thế hệ thanh niên. Hẳn là khi viết ca khúc này, ông đã sống lại cả một thời trai trẻ của đời mình?

- Để có được ca khúc về thanh niên, năm 1970, TW Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam phát động phong trào sáng tác ca khúc cho thanh niên, nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 40 năm thành lập Đoàn. Tôi nhớ, vào thời điểm ấy cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Tất cả các loại hình nghệ thuật trong đó có âm nhạc đều tập trung phản ánh đề tài này. Đó cũng chính là lý do tại sao tôi không hề biết đến cuộc vận động. Lúc biết ra thì thời gian còn quá ngắn, nhưng người bạn của tôi công tác tại TW Đoàn thì cứ nhất mực: "Anh đã có nhiều đóng góp cho tuổi trẻ kể từ khi viết "Giải phóng quân ta ra đi", "Tiến về Khe Sanh"... lúc này TW Đoàn và thanh niên Việt Nam đang cần anh".

Câu nói đó làm tôi suy nghĩ mãi và cuối cùng quyết định tham gia. Tôi hỏi bạn: Đoàn thanh niên hiện đang cần gì, thì được trả lời: Không phải Đoàn thanh niên cần mà chính là đất nước, là thanh niên đang cần các nhạc sĩ sáng tác ca khúc động viên họ tiến lên hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Tổ quốc, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội... xứng đáng với truyền thống của Đoàn. Vậy là trong 3 tiếng đồng hồ, tôi viết liền một mạch 3 lời của bài hát. Ngay sau khi ra đời, tác phẩm đã được dàn dựng và trình bày bởi 500 học sinh, sinh viên trong lễ kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Đoàn (26-3-1971).

- Nghe những bài hát của ông, tôi có cảm tưởng rằng, dường như, cứ đặt bút xuống là những âm điệu lạc quan, tươi vui lại hiện lên trên trang giấy của ông, dù đó là một bài hát ngẫu nhiên có từ vô thức, hay là một bài hát được viết theo gợi ý nào đó... Điều này là do cái tạng viết của mỗi cá nhân nghệ sĩ, hay là do ông rèn luyện cho mình một phong cách âm nhạc như vậy?

- Tôi quan niệm rằng, không có gì là cảm xúc cụ thể, đo đếm ở cung bậc mà chỉ còn lại những điều người ta cảm nhận trước cuộc sống hiện hữu và không hiện hữu những âm thanh không biết từ đâu ùa vào tràn ngập trong anh mạnh mẽ và dịu dàng để còn lại và không còn lại những gì mà người ta cứ miệt mài suốt một chặng đường đời.

Trong kháng chiến, nhạc sĩ là người ghi chép lại hiện thực sống giàu cảm xúc hình ảnh của cuộc kháng chiến đầy gian khó và hy sinh của quân và dân trong cả nước ta trong sự nghiệp kháng chiến giữ nước, trong hòa bình, dựng xây thì lao vào đời sống để tìm cái hay cái đẹp của cuộc sống, để đối tượng được phản ánh người ta thấy có mình trong đó. Tôi là người lữ hành không mệt mỏi trên con đường vô tận tìm cái hay, cái đẹp, tìm về chính mình trong cõi sâu thẳm của tâm thức thanh âm.

- Vâng, xin cảm ơn nhạc sĩ Văn Dung!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文