Nhạc sỹ Phó Đức Phương: Không thể tư duy theo kiểu 40 năm trước
Bà Minh cho rằng, Đài Tiếng nói Việt Nam đã thực hiện chế độ nhuận bút với mọi nhạc sỹ khi tổ chức thu âm tác phẩm theo đúng luật. Nhiều nhạc sỹ yêu cầu được trả tiền trực tiếp vì không tin tưởng Trung tâm bảo về quyền tác giả âm nhạc Việt Nam do nhạc sỹ Phó Đức Phương làm giám đốc.
Và "trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, ở mục e, Điều 25 quy định về việc "Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao", quy định không phải trả tiền những tác phẩm "Biểu diễn trên sân khấu, loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào", kể cả "Ghi âm, ghi hình trực tiếp buổi biểu diễn để đưa tin thời sự hoặc để giảng dạy".
Đài Tiếng nói Việt Nam không làm công việc kinh doanh, không thu tiền thính giả dù bằng bất kỳ hình thức nào. Các tác phẩm âm nhạc phát trên Đài đều nhằm mục đích tuyên truyền miễn phí" - bà Minh nói.
Một lần nữa cái tên nhạc sỹ Phó Đức Phương lại xuất hiện trên mặt báo cùng những bức xúc không ngừng. Ông "phản pháo" lại ý kiến của đại diện VOV:
Tôi ngạc nhiên về sự cố tình không hiểu luật pháp của bà Phan Tuyết Minh, càng cảm thấy sợ lối tư duy nhập nhằng, đánh tráo thông tin gây hiểu lầm cho bạn đọc. Tôi phải nói rõ lại để mọi người hiểu về các kênh sử dụng tác phẩm âm nhạc của VOV. Hiện VOV có 5 kênh phát sóng, Xone FM là kênh thứ 6 do đối tác phía Malaysia thuê phát sóng và kênh thứ 7 là trang web và truyền hình của VOV.
Tất cả các kênh này đều dùng các tác phẩm âm nhạc "như đúng rồi" và chỉ có Xone FM được VOV trả tiền bản quyền vì bị đối tác Malaysia ép quá nhiều lần với lý do nếu không thực hiện vấn đề bản quyền nghiêm túc, họ sẽ huỷ hợp đồng. Tôi nhấn mạnh điều này để thấy, VOV không hề có ý định trả tiền bản quyền. Và dù không kinh doanh, nhưng VOV không phải là đơn vị từ thiện, đây là đơn vị được Nhà nước cấp kinh phí để thực hiện chương trình.
Hơn thế việc kinh doanh quảng cáo trên sóng phát thanh vẫn đều đặn hàng ngày, ai cũng biết. Thế thì, theo Nghị quyết 71 của Quốc hội (có hiệu lực từ tháng 11/2006) phê chuẩn Nghị định thư gia nhập WTO của Việt Nam thì "Việc tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố để thực hiện chương trình phát sóng không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan". Như vậy không cần phải nói thêm về sự "cố thủ" của VOV.
Còn chuyện trả tác quyền trực tiếp với các nhạc sỹ, tôi biết có những chuyện tình xưa nghĩa cũ, nhưng không hề có bất cứ hợp đồng nào dành cho các nhạc sỹ này về việc thời hạn sử dụng, số lần sử dụng và tiền bản quyền sẽ được tính như thế nào. Nhiều người nhờ đài phát thanh mà nổi tiếng thì không có nghĩa VOV cứ vin vào đó để mà mặc nhiên sử dụng. Không thể cứ áp dụng những quy định của 40 năm về trước để biện giải vấn đề của hôm nay.
Bà Tuyết Minh có tư duy rất nguy hiểm là cố tình cãi lấy được, miễn sao mình "phải thắng", trộn lẫn các thông tin vào nhau, khiến người ngoài cuộc nghĩ rằng bà ấy đã "thắng", thậm chí có thể khiến lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam mang tiếng vì những phát ngôn này. Và khi đọc những phản hồi của bà Tuyết Minh trên báo, tôi chợt nghĩ rằng, có lẽ sự "cự tuyệt" việc trả tác quyền âm nhạc trong 5 năm qua của VOV xuất phát từ lối tư duy nguy hiểm này.
Việc các nhạc sỹ và người được hưởng quyền lợi hợp pháp của nhạc sỹ ký vào kiến nghị về việc bị xâm phạm tác quyền gửi đến VOV và một số đơn vị khác không phải chuyện đòi nợ.
Vậy là VOV đã có những phản ứng đầu tiên, dù đúng dù sai thì họ cũng đã thực sự quan tâm tới những vấn đề mà các nhạc sỹ nêu ra. Còn các đơn vị khác, ví dụ như các đài truyền hình cáp, VTC...?
VTC thì tuyệt nhiên im lặng. Họ giải thích về chuyện thay đổi nhân sự nên chậm tiến hành việc trả bản quyền. Nhưng quá trình thương thảo của chúng tôi với họ từ năm 2005, không lẽ năm nào cũng thay đổi nhân sự? Cách nói của họ khiến chúng tôi cảm thấy họ đang tìm cách lấp liếm sự không muốn trả tiền.
VTC là đơn vị truyền hình kinh doanh, họ có nhiều dịch vụ bên cạnh, họ cũng không giống như VTV hay VOV để được hưởng quyền tổ chức phát sóng. Nghĩa là VOV, VTV có thể không cần xin phép nhạc sỹ, mà chỉ cần trả tiền sử dụng tác phẩm, còn VTC là một trong những đơn vị buộc phải được sự đồng ý trước của các tác giả trước khi xây dựng, thu âm và phát sóng ca khúc...
Phía VTV thì từ lâu đã tự mặc định việc chi trả cho chúng tôi rằng, cứ 10.000/lần/ca khúc trong các chương trình của họ, còn chương trình có tài trợ là 170.000/bài. Tôi thấy đó là sự tùy tiện, nó chẳng dựa trên cơ sở nào cả, trong khi đó thông lệ quốc tế là 0,4%/năm/tổng ngân sách và các nguồn khác. Hay con số 0,4% đó nếu tính ra số tiền cụ thể sẽ là quá lớn nên họ... sợ chăng?
Theo tôi được biết thì các đài phát thanh - truyền hình địa phương lại chấp hành khá tốt các quy định về chi trả bản quyền âm nhạc. Còn các "ông lớn" thì lại tìm cách tránh né. Khi gặp phản ứng của những người đứng đầu những cơ quan truyền thông lớn, nhưng nơi lẽ ra phải hiểu luật pháp cặn kẽ nhất, thực thi luật pháp một cách văn minh nhất, ông có thấy bất ngờ không?
Tôi thực sự bất ngờ. Và tôi cảm giác họ đang lơ mơ về luật pháp thì phải, vẫn tư duy, cứ làm đi, chưa chết được đâu mà lo! Và cũng có thể, họ nghĩ họ quá to, nên không sợ ai nữa.
Khi đụng tới những bất cập trong bản quyền âm nhạc, dường như ông và trung tâm của mình chỉ có một "cây gậy" duy nhất, đó là nhờ sự lên tiếng của báo chí. Ông có thấy rằng, "cây gậy" này cũng đang mòn mà các "ông lớn" lại không thực sự tôn trọng Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam?
Thì chúng tôi còn biết làm gì hơn ngoài việc nhờ dư luận lên tiếng và đánh động vào lương tâm những người sử dụng âm nhạc. Nên nhớ rằng chúng tôi trả tiền cho các nhạc sỹ thông qua những bản kê khai sử dụng tác phẩm mà các đơn vị gửi đến. Chúng tôi không bao giờ cố tình ghim giữ tiền của họ. Tôi làm nhạc sỹ, tôi cũng biết cái số tiền cho từng nhạc sỹ là không nhiều đâu, nhưng nó là hoa hồng của sáng tạo, chúng tôi đã làm ở trung tâm này thì phải đem lại điều gì đó tốt lành cho các nhạc sỹ.
Với lại, như anh nói cũng có cái đúng, là văn bản pháp luật của chúng ta chưa chặt chẽ, đó là tình trạng chung của nhiều lĩnh vực chứ không riêng bản quyền. Văn bản xử phạt thì quá nhẹ nên... nhiều đơn vị không biết sợ cũng là điều dễ hiểu.
Chuyện bản quyền âm nhạc là chuyện dài nhiều tập và chúng ta sẽ còn quay lại trong nhiều dịp khác. Tôi muốn hỏi ông một chút, dường như thời gian sau này ông không có nhu cầu sáng tác nữa, phải chăng vì những bức xúc bản quyền đã làm ông không còn đủ sức cho việc viết nhạc?
Ba năm qua, không một nốt nhạc nào nảy được lên trong đầu tôi. Nhiều chuyện quá. Khi mới thành lập trung tâm, anh An Thuyên bảo, ông phải vừa làm vừa viết nhạc, chứ bỏ viết thì chết. Nhưng làm kiểu ấy nó nửa vời lắm. Tôi nghĩ mình đã thành lập trung tâm này thì phải làm quyết liệt, tới nơi tới chốn. Cho nên tôi chấp nhận hy sinh vậy.
Vậy trong 3 năm qua, có khi nào ông hối hận về việc mình đổi sự bình yên của một nghệ sỹ để trở thành... kỵ sỹ đánh cối xay gió?
Hối hận thì không. Nhưng đúng là biết đâu, nếu 3 năm qua tôi duy trì được tốc độ viết như trước, tôi đã có nhiều tác phẩm hay để công bố và thu nhập của nhạc sỹ cũng tốt hơn bây giờ.
Xin hỏi ông câu cuối cùng, khi Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền âm nhạc Việt Nam Phó Đức Phương phát hiện nhạc của mình bị... xài chùa, thì ông sẽ...?
...sẽ làm tới nơi tới chốn, nhưng là làm chung trong tổng thể chứ không đòi cho riêng một mình tôi. Mà chuyện phát hiện xài chùa xảy ra như cơm bữa.
Xin cảm ơn ông!