Nhân ngày quốc tế phụ nữ 8-3: Câu thơ của sự chờ đợi

14:18 08/03/2010
Trong tâm khảm mỗi người Việt Nam ta, hình ảnh nàng Tô Thị ôm con chờ chồng hóa đá vọng phu có lẽ đã trở thành một biểu tượng bất tử của sự chờ đợi.

Nguyễn Đức Mậu là một nhà thơ quân đội, lại thuộc thế hệ cầm súng chống Mỹ, cho nên thơ anh hiển nhiên mang dấu ấn tâm tình của kẻ ở người đi, của sự đợi chờ trông ngóng. Mà, các cuộc chia ly phần nhiều là thế: Hoa cau thơm suốt những lời tiễn đưa (câu thơ trong "Bài không tên" của Nguyễn Đức Mậu). Các chàng trai lên đường đã nhận được ở các cô gái hậu phương những lời thoảng thơm hương hoa cau hẹn hò ngày cưới. Và, đã biết bao người nằm xuống trong giấc mộng ấy, để lại sự dang dở cho đời những người con gái thủy chung. Tôi đếm được trong thơ Nguyễn Đức Mậu có tới ba lần anh nhắc đến nàng Tô Thị (ở những cấp độ khác nhau). Theo tôi, liên hệ và so sánh với nhau ta sẽ nhìn ra sự đa năng của người viết.

Như một lẽ thông thường, Nguyễn Đức Mậu ca ngợi nàng Tô Thị - cũng tức là ca ngợi tình yêu - trên một bình diện lớn, bình diện đất nước:

Tình yêu trên núi chon von
Thương ai hóa đá làm hòn vọng phu

(Bài "Khúc tình yêu")

Thế nhưng tác giả không phải ca ngợi chỉ để mà ngợi ca... Nỗi cô đơn đáng ra chỉ để ấp ủ cho riêng mình, vậy mà đem ra làm biểu tượng cho muôn người, thì đến như nàng Tô Thị kia lại càng cô đơn sừng sững. Dù sao, đem cái cô đơn lớn ấy đối lập với cái cô đơn nhỏ (của những người vợ trẻ thời chiến trận) cũng lại là một cách an ủi:

Có mùa trở gió vào thu
Bao người vợ trẻ hát ru phận mình.

Bây giờ cuộc chiến tranh ấy đã đi qua. Chúng ta càng thấm thía hơn sự mất mát... Trong "Bài không tên", Nguyễn Đức Mậu cũng lại có những câu nhắc về nàng Tô Thị - mà ý tưởng hoàn toàn khác trước - rất thấm thía:

Xưa nàng Tô Thị lên non
Xa chồng nhưng đã có con bế bồng
Bây giờ người ấy tay không
Con thuyền góa bụa trên dòng sông sâu.

Vậy ra, cái "Xa chồng nhưng đã có con bế bồng" của nàng Tô Thị, một điều "nho nhỏ" tưởng chừng ít ai để ý ấy lại chính là niềm ao ước, là chỗ trống không gì bù đắp nổi của những người đàn bà góa bụa. Đây có thể coi như một phát hiện của Nguyễn Đức Mậu. Nó giúp cho câu thơ anh đồng cảm với nỗi đau của người phụ nữ hơn là những câu trước. Qua đó, bộ mặt chiến tranh đã hiện lên một cách cụ thể và khốc liệt hơn.

Tuy nhiên, trước đây khá lâu, Nguyễn Đức Mậu đã có hai câu thơ, mà theo tôi, ở một góc độ nào đó, hoàn toàn có thể thay thế được những câu thơ trích dẫn ở trên. Nó vừa có thể bay lên, vẫy cánh, tiêu biểu cho khí thế của cả một thời kỳ, lại vừa có thể nhịp nhàng hạ xuống, thể hiện tâm tư ước nguyện của từng con người riêng biệt. Ấy là hai câu thơ:

Người hóa đá trọn đời nhan sắc
Anh sẽ về cho đá lại là em

trong "Trường ca sư đoàn" của anh.

Kể ra viết về người chờ đợi... đến độ hóa đá thì dẫu hay cũng đã có nhiều người viết. Nhưng người hóa đá trọn đời nhan sắc thì viết như vậy là tài hoa. Nguyễn Du (trong Truyện Kiều) có câu: "Dẫu là đá cũng nát gan, lọ người". Ít ra một trong những đặc điểm cơ bản của đá (hơn hẳn thực thể của con người) là độ bền bỉ, ít thay đổi theo thời gian (đây là tôi nói hoàn toàn trên cơ sở nghĩa đen). Cho nên đối với tác giả, hiển nhiên là sắc đẹp của người phụ nữ đã được bảo tồn qua thời gian - khi con người chị đã rắn lại trong niềm chờ đợi.

Tuy vậy, không ai muốn vợ mình như thế cả. Thời thế buộc con người ta phải thế. Bởi vì, đã là "sắc đẹp" của "đá" thường ra "lạnh" lắm... (Đành rằng cái "lạnh" ấy là rất cần thiết khi mà người chồng còn đang ở chiến trường xa). Và có thể vì thế mà nó lại đẹp hơn. Nhưng ẩn mãi trong cái vẻ đẹp "sắt đá" ấy cũng khổ lắm thay! Cho nên cái ý nguyện của người lính lúc ấy không gì ngoài một điều: Anh sẽ về cho đá lại là em. Và dĩ nhiên, đó cũng là ước mong vào ngày chiến thắng.

Có thể nói Nguyễn Đức Mậu đã làm khá nhiều thơ về thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, song đây mới thực sự là những câu thơ hay xứng đáng với tầm vóc kháng chiến của nhân dân ta. Và đơn giản chỉ là những câu thơ viết về sự chờ đợi thôi, phải chăng đây cũng nằm trong số những câu thơ tiêu biểu nhất?

Phạm Khải

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文