Nhớ một thời trường viết văn Quảng Bá

19:20 03/06/2007
Trong số các nhà văn Việt Nam, nhiều người chắc chẳng xa lạ gì với ngôi trường viết văn có cái tên Quảng Bá. Trường xinh xắn nằm nép mình trong vùng ven Hồ Tây mát mẻ, êm đềm và yên tĩnh.
Xung quanh trường, người dân ở đây từ ngàn xưa đã có nghề trồng hoa . Bạt ngàn hoa cúc , hoa dơn, hoa hồng, hoa thược dược... Gần Tết lại bạt ngàn những cây hoa đào đỏ thắm. Cạnh đó là những vườn quả : hồng xiêm, roi, bưởi, mít...

Thật khéo hợp cảnh, hợp người! Phong cảnh nên thơ của vùng đất cổ này đã đi vào không ít những trang văn, những bài thơ của những người đã một lần được học ở đây.

Đã có nhiều nhà  văn được “đào tạo” trong thời gian mỗi khoá là 6 tháng. Từ khi trường viết văn Quảng Bá được thành lập năm 1960 cho đến khi khép lại vào năm 1975 tổng cộng có 7 khoá tất cả.

Sáu tháng của mỗi khoá quả là ngắn ngủi với một đời văn nhưng 6 tháng cũng đủ để các nhà văn có may mắn được “đào tạo”qua cái lò này  tự hào suốt cả một đời.

Tôi nói vậy chẳng ngoa tí nào bởi được Hội nhà văn tuyển chọn mời vào học trường này đâu phải dễ, nhất là ở vào hoàn cảnh đất nước ngày ấy còn khó khăn nhưng văn chương ngày ấy vẫn còn khá cao quí và sang trọng.

Đó là những năm sáu, bẩy mươi của thế kỷ trước. Và, người viết bài này có cái may mắn là được học khoá cuối cùng - khoá 7, niên học bắt đầu từ tháng 10- 1974 đến tháng 4-1975.

Đúng ra là chưa kịp kết thúc thì miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất ai ai cũng vui sướng, cũng muốn chạy đi để viết, để hoà nhập cùng với niềm vui lớn lao đó.

Chẳng ai còn lòng dạ ngồi lại ngôi trường yên tĩnh này để mà nghe giảng về cái hay , cái đẹp của văn chương cũng như nghệ thuật viết văn, làm thơ như thế nào nữa.

Hiệu trưởng trường khi ấy là nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh. Ông là một người thầy thật hiền từ và lịch lãm. Cùng cộng tác với ông còn có nhà văn Đoàn Giỏi, nhà văn Đỗ Quang Tiến và nhà thơ Bàng Sỹ Nguyên.

Phụ trách những công việc giáo vụ, hành chính, bếp núc có nhà thơ Xuân Tùng, bác Thủy và chị Bảo cùng một vài cán bộ khác của Hội.

Đến học khoá 7 - khóa cuối cùng của trường viết văn Quảng Bá có nhiều gương mặt đã , đang và sắp nổi tiếng trên văn đàn như nhà văn Lý Biên Cương, cây bút của “ Vùng than- ai thức?”, nhà văn Phong Thu, cây bút cả đời viết cho các em rất hóm hỉnh và không biết mệt mỏi...

Có các anh ở Bộ đội biên phòng như nhà thơ Đào Nguyên Bảo (đã mất năm 80) nhà thơ Nguyên Xuân Thái. Các anh từ các tỉnh miền núi phía Bắc tụ về trường cũng khá đông : Nhà thơ Triều Ân (Cao Bằng) Lò Ngân Sủn, Mã A Lềnh ( Lao Cai).

Nhà thơ Bùi Nguyên Khiết (người đã hy sinh năm 79 trên biên giới phía Bắc và được Hội nhà văn đặc cách kết nạp vào Hội ngay sau đó) Nhà thơ nữ Ngọc Mai đến từ Hội văn nghệ Lạng Sơn.

Hải Dương có Nguyễn Thị Bích, Nguyễn Ngọc San. Nhà thơ Vũ Đình Minh (hồi ấy là nhà giáo của tỉnh Vĩnh Phú). Dương Thu Hương khi ấy còn rất mờ nhạt nhưng tính cách vui vẻ, xinh xắn từ Quảng Bình ra cùng với Nguyễn Quang Vinh (Vĩnh Nguyên).

Ở Nghệ Tĩnh ra có nhà thơ Thạch Quì, nhà thơ Xuân Hoài (đã mất) Thanh Hóa có nhà văn Đặng Ái. Từ chiến trường về có nhà văn Nguyễn Quang Hà, nhà thơ Võ Quê.

Đám ở Hà Nội có: Lê Phương Liên, Hoàng Việt Hằng, Lưu Nghiệp Quỳnh, Đỗ Bảo Châu, Vương Tâm, Nguyễn Thị Hồng Ngát.

Đặc biệt khoá 7 có 4 anh chị ở” R “( chiến khu nam Bộ) về học là Lê Duy Hạnh ( người đã nổi tiếng với vở cải lương ”Ngày tàn bạo chúa” và trong nhiều năm làm TTK Hội SK TPHCM cho đến nay); Trương Quốc Khánh (tên thân mật là Sáu Trung) tác giả của bài hát nổi tiếng “Tự nguyện” (anh đã mất mấy năm trước vì bệnh hiểm nghèo);

Nguyễn Ngọc Hiến ( Tư Diệu) sau làm Giám đốc Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu TP HCM và Tư Thái (sau khoá học trở thành phu nhân của nhà viết kịch kiêm TTK Lê Duy Hạnh). Bốn học viên ở “R “về này được các thầy đặc biệt quan tâm và được cả lớp chăm sóc, quí mến.

Mới sơ sơ vậy đủ thấy khoá 7 trường viết văn Quảng Bá tụ họp “anh tài” bốn phương kể cũng hơi “ hoành tráng”! Biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn bổ ích và lý thú ở vùng đất thơ mộng này.

Những người thông minh và nhiều cá tính này không chỉ viết được nhiều bài thơ hay, nhiều truyện ngắn hay trong 6 tháng vừa học vừa thực hành này mà còn biết “ bịa “ ra rất nhiều chuyện để trêu chọc nhau nữa!

Ví như thấy nhà văn Phong Thu mỗi ngày “ đẻ” một truyện mini cho các em , chúng tôi trêu” anh phong Thu đẻ truyện sòn sòn” hoặc thấy một phụ nữ lạ nào đến tìm người thân, chúng tôi trêu “ bà xã Bùi Nguyên Khiết đi dép “ quai ngang “ đến kìa !

Chả là anh Khiết  rất vui tính, hay kể chuyện tếu phê phán anh cán bộ đi thoát ly về chê vợ đi dép “quai ngang”( ý chê nhà quê), rồi chuyện hai anh chị làm nghề Xì và Gò ( thợ hàn  và thợ gò) yêu nhau, rồi hứng lên anh vừa gõ nhịp vừa hát “ anh và em - Xì và Gò” vang cả góc sân trường Quảng Bá làm mọi người nhớ mãi.

Hay như Sáu Trung (Trương Quốc Khánh) khi ấy còn trẻ măng, nghịch ngợm, mỗi sáng thay vì gọi mọi người lên lớp, bao giờ anh cũng đứng ở góc vườn giả làm tiếng gà gáy rất giống khiến ai cũng ngỡ ngàng bảo nhau “ Sáng bạch rồi mà gà còn gáy à?”.

Ngày ấy ai cũng còn trẻ cả, người cao tuổi nhất có lẽ chỉ có nhà thơ Phong Thu và nhà thơ Triều Ân. Còn lại chỉ ngoài đôi mươi, mười tám... nhiều nữa là khoảng ba mươi... Đa số là còn đang bỡ ngỡ trên con đường dấn thân vào văn học.

Cái gì được nghe, được thấy ở đây cũng đều thú vị, suýt xoa. Được các bậc nhà văn, nhà thơ đàn anh, nổi tiếng đến “ vỡ lòng “ cho một buổi là nhớ đời. Phải, ngày thường đâu dễ gặp được những nhà văn nổi tiếng như Xuân Diệu, Nguyên Hồng, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Đình Thi, Anh Thơ...

Có đến đây mới hiểu thêm câu thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh “ Anh ơi mùa hoa roi - trắng một vùng Quảng Bá “ đẹp và lãng mạn như thế nào ?

Hồi ấy các nhà thơ trẻ đâu có nhiều như bây giờ vậy mà nhà thơ Xuân Diệu nhân một buổi đến nói chuyện cũng đã diễu vui khi nói về cách gieo vần của thơ “Ôi các nhà thơ trẻ - Trong người không có ghe...“

Ý nhà thơ muốn chỉ ra rằng vần trên là “ẻ” thì vần dưới cũng phải là “ẻ” thế là thành thơ thôi!). Tuy đùa vui nhưng ngày ấy không phải không có người khó chịu vì sự ví von hơi có vẻ cao ngạo, thiếu tế nhị này của nhà thơ.

Bên cạnh những bài học về kinh nghiệm sáng tác, các học viên còn được học triết học, mỹ học, ngôn ngữ học và các môn khác nữa. Trường Quảng Bá khi ấy có một thư viện sách rất “oách”, các học viên tha hồ vào mượn hoặc ngồi đọc ngay tại chỗ.

Chị Nguyễn Huy Hiền con gái nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, du học ở Đức về lên Quảng Bá làm thủ thư. Chao ôi, Hội nhà văn ngày ấy sao mà chu đáo làm vậy.

Trường chỉ là một dãy nhà xây một tầng nhưng cũng lo được chỗ ăn, ở cho các học viên ở xa về. Ai ăn cơm nhà bếp thì nộp tiền và tem phiếu. Nhiều bữa ăn khuya hoặc ăn sáng thấy các bạn nội trú chỉ xì xụp bát mì sợi nấu với tí mắm, tí mì chính mà vẫn vui , vẫn say sưa học và sáng tác...

Bây giờ đã mấy chục năm qua rồi ( ba mươi hai năm có lẻ) Trường Viết văn Quảng Bá với những khoá ngắn ngày đã ngừng hoạt động. Vài năm sau khi đất nước thống nhất, chức năng đào tạo người viết trẻ được chuyển về Bộ Văn hoá với sự thành lập của Trường viết văn Nguyễn Du.

Song song với việc đào tạo chính qui dài hạn cho những người viết trẻ ở Trường Đại học Văn hoá, Hội nhà văn VN đã khôi phục việc bồi dưỡng ngắn hạn đối với những người viết văn nói chung với việc thành lập Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du tại địa danh quen thuộc Quảng Bá, Giám đốc là nhà văn Phan Hồng Giang, hai phó là nhà văn Ma Văn Kháng và nhà thơ Vũ Quần Phương.

Sẽ lại có những người yêu văn chương đến đây, sẽ lại có những kỷ niệm để lại, để mang theo suốt chặng đường văn dài dặc của mình... Từ Trung tâm này hẳn sẽ có những khoá học thú vị và độc giả hy vọng sẽ được đón nhận những tác phẩm thú vị trong tương lai...

Tháng 05/2007

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định ông đặt "lợi ích và sự an toàn của người dân Nga lên trên hết", đồng thời tin tưởng Nga sẽ vượt qua mọi khó khăn một cách tự trọng và trở nên mạnh mẽ hơn.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan chức năng Australia đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị tổ chức Đối thoại An ninh cấp Bộ trưởng Việt Nam - Australia lần thứ nhất vào cuối năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng góp phần nâng tầm hợp tác hai bên trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật.

Với việc hóa thân thành ông lão 72 tuổi để nói về việc trẻ em thiếu tình thương, em Nguyễn Đỗ Quang Minh, học sinh lớp 9, Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đã vượt qua 1,5 triệu bài viết, giành giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 53.

Liên quan đến thông tin một số khán giả cho rằng, trang phục biểu diễn của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng có cài huy hiệu lạ, nhạy cảm trong đêm nhạc “Ngày em thắp sao trời”, chiều 7/5, ông Nguyễn Danh Hoàng Việt, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nắm được vụ việc và chỉ đạo kiểm tra.

Những ngày qua có 4 tàu cá cùng 11 ngư dân của Quảng Bình bị nạn trên biển do lốc xoáy, sau 5 ngày nỗ lực liên lạc, tìm kiếm, 4 ngư dân đã được đưa vào bờ an toàn trong niềm vui vỡ oà của người thân.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文