Những câu chuyện bị bỏ quên của thế giới

13:47 24/05/2006

Tôi đọc thông tin này trên chuyến bay về Hà Nội: Ngày 16/5, Liên hợp quốc đã giới thiệu 10 đề tài mà thế giới cần được nghe nhắc đến nhiều hơn, bởi thời gian qua, những vấn đề này ít được công chúng quan tâm và giới truyền thông cũng ít ngó ngàng tới.

10 đề tài đó bao gồm: Bờ Biển Ngà đang nằm trên lưỡi dao của bùng nổ bạo động, Liberia hậu chiến, vấn đề nhân đạo ở Congo, hạn hán ở Somalia, trẻ em Nepal thất học và bị lạm dụng, hàng trăm ngàn người Ấn Độ và Pakistan không nhà sau động đất, quy chế tị nạn khó khăn, trẻ em bị giam cầm, hợp tác khai thác nguồn nước và người lánh nạn không tìm được hướng ra…Trong khi đó, những chuyện hậu trường chính trị, những vụ giết người rùng rợn, những vụ bê bối tình ái vẫn đang chiếm ưu thế trên các phương tiện truyền thông.

Người bạn cùng chuyến bay với tôi cho rằng, đó là quy luật tất yếu, bởi nhu cầu của con người luôn là như vậy. Họ muốn cái gì đó kỳ lạ, càng nhiều màu sắc càng tốt, mà bớt phải suy nghĩ càng tốt. Đó là nhu cầu giải trí của thế giới hiện đại. Không phải ngẫu nhiên mà những tờ báo lá cải lúc nào cũng được chào đón.

Người đọc hôm nay có một nhu cầu hết sức… nhảm, đó là đọc tin tào lao và vứt bỏ nó sau khi đã thoả trí tò mò tại quán cà phê. Và hôm sau, cái quy trình tuần tự đó lại được bắt đầu. Đọc để quên đi. Vậy thì những vấn đề đó được ưu tiên cũng là điều dễ hiểu. Hơn thế, trong thời buổi báo chí cũng là một loại hàng hoá, cái gì mà khách hàng muốn bỏ tiền mua báo sẽ quyết định nội dung của tờ báo đó như thế nào.

Hãy thử tưởng tượng xem, những vấn đề nghèo đói, hạn hán hay thất học kia là những thông tin thống trị trên các mặt báo thì chắc chẳng ai có nhu cầu đọc báo vào mỗi buổi sáng, vì họ cần những thứ giải trí nhẹ nhàng để bước vào một ngày làm việc mưu sinh căng thẳng, nhọc nhằn và quá nhiều áp lực. Có thể nói, những thông tin giật gân của báo chí giống như một thứ thuốc chữa bệnh stress.

Nếu những thông tin về những vấn đề lớn của thế giới là những tin hàng đầu thì sao? Câu hỏi này tôi đưa ra một cách đầy khó khăn và nhận được cái lắc đầu đầy khẳng khái: Không dễ gì lôi kéo bạn đọc vào những thông tin như thế. Ngoại trừ những vấn đề kể trên, còn có một yếu tố tâm lý, nhiều người trong thời buổi công nghiệp đang phải đối mặt với những nỗi sợ hãi có thật, họ không muốn những thông tin bi quan trên báo làm cho nỗi lo lắng dày thêm và cuộc sống trở nên bi quan thêm nhiều. Lảng tránh những khó khăn của thế giới đang là chuyện có thật. Và truyền thông cũng đang làm điều đó.

Nếu những thông tin hạn hán, động đất, thiên tai, nghèo đói được đặc biệt quan tâm thì sao? Đó là một vấn đề thuộc về tương lai, ít nhất khi tư duy của những người làm báo đổi thay, muốn định hướng lại thông tin cho bạn đọc.

Tất nhiên, Liên hợp quốc đang đưa ra những câu chuyện của báo chí các nước công nghiệp và tư bản. Nhưng nhìn lại báo chí Việt Nam, xu hướng của các tờ báo giải trí cũng đang dần thượng phong. Lảng tránh những vấn đề nổi cộm của xã hội, chủ yếu khai thác những thông tin giật gân, những chuyện đời tư và phỏng vấn các ngôi sao ca nhạc.

Hãy thử xem những cái tít trên một tờ báo điện tử: Hồ Ngọc Hà: "Thích mùi đàn ông", "10 nàng nóng bỏng nhất hành tinh", Huy Tuấn: "đi bằng nhiều chân", Lê Minh Sơn: "Đàn bà thì phải thơm", "Paris Hilton có bồ mới", "Những cái chảnh của Bảo Hoà", Angelina Jolie: "Hơn cả đồng tính", "Con của Britney bị ngã", "Britney Spear giẫm phải kim tiêm"…

Dường như vòng quanh những trang báo đó, chỉ là những thông tin về các ngôi sao trong giới giải trí, mà lại là những thông tin nhảm nhí hết sức. Những thông tin đó không những không làm cho đời sống văn nghệ được cải thiện mà còn làm cho các giá trị thông tin bị trộn lẫn. Dường như, vấn đề bị tờ báo này lãng quên chính là những ngôi sao đó có đóng góp gì cho nghệ thuật hay không. Và bạn đọc nên hướng tới những giá trị nào? Đơn thuần, những người ngồi cóp nhặt thông tin từ những tờ báo khác đó đã chạy theo thị hiếu của một bộ phận nhỏ công chúng hôm nay.--PageBreak--

Nhu cầu ngồi quán cà phê là có thật. Và người ta có quyền được giải trí. Nhưng sau những cuộc giải trí đó, sau khi đã no nê cái cảm giác nhảm đó, người ta sẽ cần những thông tin chính thức về những vấn đề liên quan đến cuộc sống của mình.

Vẫn biết không ai mong chờ những tin tức về nghèo đói và hạn hán, nhưng có phải chúng ta đã là người vô cảm không, mà luôn né tránh những thông tin về nỗi đau, sự nghèo khó của đồng loại, thậm chí những thông tin còn kề cận ngay bên mình?

Khi một tờ báo dành cho bạn đọc trẻ suốt ngày giới thiệu về các mẫu mốt quần áo, điện thoại, quảng bá cho một lối sống hình thức và chăm sóc quá kỹ đời sống riêng tư của các ngôi sao ca nhạc thì chắc chắn đã định hướng bạn đọc của mình chạy theo một xu hướng sống hào nhoáng mà quên đi những giá trị căn bản của đời sống.

Mới đây, trên mạng internet nổ ra một cuộc tranh cãi kịch liệt: Thế nào là nhân điển hình của tuổi teen? Cập nhật xu hướng viết blog trên mạng, một tờ báo dành cho giới trẻ đã đưa lên báo một nhân vật điển hình về việc tạo lập blog hấp dẫn, thu hút mấy chục ngàn người vào xem. Nhân vật này coi blog là nơi thể hiện rõ nhất cái tôi 8X của mình. Nhưng ngay sau đó, một số thành viên trên mạng đã post đoạn chat của nhân vật điển hình trên với các thành viên khác cho thấy một tâm hồn không bình thường. Không thể tin nổi nhân vật điển hình (do phóng viên tờ báo kia cập nhật) lại có thể dùng những lời lẽ vô văn hoá nhất để "chat" với người khác. Và một số bạn trẻ đã phải hồ nghi, phải chăng đây là mẫu nhân vật điển hình của thời buổi hôm nay?

Có biết bao bạn trẻ âm thầm làm việc, âm thầm cống hiến và họ cũng rất @, nghĩa là cũng thông tuệ mọi thứ, họ chỉ không biết đánh bóng mình mà thôi. Vậy tại sao tờ báo dành cho họ, tờ báo lẽ ra phải tôn vinh những giá trị thực đó, lại lãng quên những điểm sáng này? Bởi vì nếu theo dõi tờ báo này vài năm trở lại đây, thì thực sự những nhân vật không hào nhoáng đó đã bị bỏ quên.

Khi sự thật bị lãng quên, dẫu là bị lãng quên một nửa, thì sự thật đó đã không còn nữa. Nếu một ngày nào đó đến quán cà phê, bạn còn lại gì, nếu chỉ đọc được những mối hồ nghi từ những ngôn ngữ bóng loáng và những tờ tạp chí in màu óng mượt? Khi giới truyền thông lãng quên những vấn đề lớn của xã hội, nghĩa là khi nó trở thành một diễn đàn cho một nhóm người mà thôi. Và khi truyền thông không là phương tiện phản ánh chân thực đời sống của người dân, nghĩa là truyền thông còn đang vô cảm với những nỗi đau của nhân loại. Khi chỉ quen viết những lời ngọt ngào (mà lợi lộc chỉ thuộc về người viết và người được viết, còn bạn đọc thì lỗ đơn lỗ kép), nghĩa là chúng ta không dám nghe những lời nói thật.

Khi xuống sân bay Nội Bài, người bạn đồng hành vẫn giữ nhận định rằng, ngày mai khi ngồi quán cà phê, như Ciao, như Window chẳng hạn, bạn vẫn nhận thấy những người đẹp cầm những tờ báo trên tay, tất cả đều lộng lẫy. Hôm sau, tôi ra quán nước vỉa hè, nghe những người xích lô, những anh xe ôm đang tranh thủ ăn sáng bằng bánh rán đồng hạng năm trăm đồng và cùng băn khoăn không biết những ngư phủ Việt Nam sẽ sống sót ra sao sau cơn bão Chanchu. Họ vẫn lo mưu sinh và quan tâm đến vấn đề chung của cộng đồng. Phải chăng cái nhận định, khi chúng ta trở nên giàu có, chúng ta sẽ dễ bàng quan hơn tới sự khó khăn của đồng loại mãi vẫn là một sự thật? Đó cũng đang là một vấn đề có thật nhưng đang bị bỏ quên!

Toàn Nguyễn

Chiều 8/5, một phụ huynh của Trường Mầm non Việt Úc (đường Trần Việt Châu, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) dẫn con đến Văn phòng Thường trú Báo CAND khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trình bày về việc con mình bị cô giáo chủ nhiệm đánh. Đáng chú ý, sau khi phụ huynh phản ánh vụ việc đến cơ quan chức năng, thì có 2 người đàn ông lạ mặt, xăm trổ tìm đến nhà đề nghị gia đình rút đơn.

Với nghĩa cử cao đẹp “giọt máu cho đi – cuộc đời ở lại”, Thượng úy Biện Thanh Sơn, cán bộ Đội CSGT trật tự Công an TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) góp phần làm đẹp hơn hình ảnh người cán bộ CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ.

Một trong những yêu cầu mà Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đặt ra đối với các Phòng GD&ĐT là rà soát, kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm nếu có tình trạng định hướng cho một số học sinh lớp 9 có kết quả học tập chưa cao không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025. 

Ngày 8/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang cho biết đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét nơi ở đối với Hoàng Thị Nga (SN 1975, trú khóm Vĩnh Thành, thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Công an phường Gia Hội (TP Huế) đã nhanh chóng xác minh, làm rõ người chuyển nhầm là anh Trần Đức Minh (SN 1991, trú phường Gia Hội). Ngay sau khi xác minh làm rõ, Công an phường Gia Hội đã mời anh Minh đến trụ sở và tiến hành các thủ tục trao trả lại số tiền 160 triệu đồng…

Cửu đỉnh là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa – giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp… Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh cũng đã lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á.

Hoàng Văn Đức và Hà Thúc Nhật đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 1,578 tỷ đồng, trong đó 6 gói thầu thiệt hại trên 100 triệu đồng với tổng giá trị 1,477 tỷ đồng… Sau khi thanh lý hợp đồng, các nhà thầu trích lại 2-3% giá trị hợp đồng và Đức đã giao Nhật quản lý số tiền trên.

Ngày 8/5, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Chu Vũ Nam (SN 1986, cựu Phó trưởng Phòng vật tư, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, Hà Nội) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo Nam được xác định đã làm trái quy định gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 1,7 tỷ đồng. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文